Cuối Năm 2021 Nói Chuyện Dân Chủ-Nhân Quyền Ở Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cuối Năm 2021 Nói Chuyện Dân Chủ-Nhân Quyền Ở Việt Nam

21/12/2021 – Phạm Trần – Cuối năm 2021, nhìn lại Việt Nam chỉ thấy các cơ quan tuyên truyền của đảng và nhà nước CSVN lập đi lặp lại 3 câu nói để đời của Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng về tình hình đất nước, sau 35 năm gọi là “Đổi mới”.

Câu thứ nhất ông nói vào ngày 01/02/2019, nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2019): “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”

PHAM TRAN
Phạm Trần

Khoảng 10 tháng sau, ông Trọng lặp lại nhận xét về tình hình kinh tế Việt Nam, được nói là của Ngân hàng Thế giới, theo đó: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam. Đó là chứng cứ thứ nhất mà năm nay hơn năm ngoái về kinh tế – xã hội, cho thấy ý chí Việt Nam, khát vọng vươn lên” (báo Tuổi Trẻ online, ngày 30/12/2019).

Được đà khoe của, Tổng Bí thư Trọng ca tiếp: “Năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.” (Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với địa phương sáng 28/12/2020).

Từ ba câu nói lịch sử này, các cơ quan tuyên truyền của  chính phủ và đảng đã “tự biên, tự diễn” sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt về quyền con người (nhân quyền), tự do và dân chủ,  để khoe thành công dưới quyền lãnh đạo độc tài và toàn diện của đảng. Vì vậy, trong bảng liệt kê thành tích, ông Nguyễn Phú Trọng không bao giờ quên đề cao “sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước”, như ông đã phát biểu tại “Hội nghị Đối ngoại toàn quốc”, ngày 14/12/2021.

Người đứng đầu đảng còn cao ngạo: “Thực tế từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nhờ thế chúng ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX”. (Phát biểu của Trọng tại Hội nghị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 09/12/2021.

Bài học thực tế

Nhưng sau 29 năm gọi là “xây dựng, chỉnh đốn đảng”, từ  năm 1992, đảng viên vẫn “tự do tham nhũng lên cao” , “không ngừng bài bác Chủ nghĩa Mác-Lênin ”, và tiếp tục “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Ba lĩnh vực này được ông Trọng xác nhận bắt nguồn từ   “tiêu cực” và “suy thoái tư tưởng chính trị của đảng”.

Nên biết đảng CSVN bắt đầu kế hoạch xây dựng, chỉnh đốn đảng từ năm
1992, một năm sau Liên Xô tan rã và sau khi hai nước Việt-Trung nối lại 
bang giao, đồng thời để khẳng định “tuyệt đối kiên định và trung thành
với Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh” để xây dựng
đất nước. Trung Cộng cũng đã chuyển sang Kinh tế thị trường theo “Chủ
nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc”, dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin
và tư tưởng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Lý do CSVN phải cấp thời làm công tác này vào lúc đó vì, ngay sau khi các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu và Nga tan rã, đã có một làn sóng đảng viên trí thức nổi lên đòi đảng phải “đổi mới chính trị”.  Nhiều đảng viên, kể cả một số cấp lãnh đạo và “lão thành cách mạng”, đã công khai chỉ trích  chủ trương của đảng tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin để “quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội”.

Phản ứng lại, đội ngũ lãnh đạo bảo thủ trong đảng đã mau chóng tung ra khẩu hiệu “đổi mới nhưng không đổi mầu” và “hội nhập mà không hòa tan” để dập tắt mọi nỗ lực muốn thay đổi chế độ chính trị.  Cùng với quyết định này, Tổng Bí thư đảng khóa VI, Nguyễn Văn Linh, đã dẹp nhanh làn sóng đòi được cởi trói của Văn nghệ sỹ, tăng cường kiểm soát báo chí và cấm không cho tư nhân ra báo để  cạnh tranh với báo nhà nước. Sau đó, từ khóa đảng VII thời Đỗ Mười năm 1991, đảng CSVN tuyên bố không chấp nhận đa nguyên đa đảng để độc quyền cai trị.Như vậy, tính đến Đại hội đảng XIII, tháng 2 năm 2021, đảng CSVN đã trải qua 6 kỳ Đại hội, tổng cộng ngót 30 năm làm công tác kiện toàn hệ thống lãnh đạo và tổ chức nhân sự đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng  vẫn còn phải kêu lên:” Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi còn phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực… Đồng thời, bổ sung, làm rõ hơn hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “tiêu cực” sát hợp với tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng.” (Diễn văn ngày 09/12/2021).

Kinh tế vẫn khó khăn

Về phương diện Kinh tế, sau một năm chống chọi với 3 đợt  dịch Covid-19, Việt Nam thi hành mục tiêu kép “đẩy lùi bệnh dịch và phát triển kinh tế”,
nhưng thực chất là để “sống chung với dịch”. Vì vậy, theo Ngân hàng Thế
giới (World Bank), Tổng sản lượng quốc nội dự trù  của Việt Nam năm
2021 là 4,8%, thấp hơn kế hoạch của Chính phủ ấn định là 6,5 %.

Dù vậy, phía Việt Nam vẫn lạc quan khi viết:” Mặc dù nền kinh tế đã có kết quả tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay nhưng vẫn còn nhiều rủi ro những tháng cuối năm do dịch COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 – 7% từ năm 2022 trở đi.” (Tạp chí Công Thương, ngày 03/09/2021).

Đó là hy vọng của Việt Nam, nhưng nền kinh tế được gọi là “theo định hướng xã hội Chủ nghĩa” không thể tồn tại nếu quan hệ kinh tế với Trung Cộng xấu đi  và giảm đầu tư của nước ngoài. Hơn nữa viễn ảnh kết thúc bệnh dịch Vẫn còn xa vời nên mọi dự đoán tăng trưởng có thể thay đổi.

Mặc khác, hầu hết công nhân Việt Nam phải làm thuê cho nước ngoài nên kinh tế Việt Nam không thể tự lực cánh sinh. Cộng vào thế yếu của nền kinh tế phụ thuộc này là khả năng chuyên môn của công nhân Việt Nam không bằng các nước trong khu vực Đông Nam Á.  Sản phẩm riêng của Việt Nam cũng không có sức cạnh tranh với nước khác. Hiện tại thương hiệu Việt Nam chỉ nổi ở 3 lĩnh vực Nông sản, Ngư sản và Lâm sản.

Bằng chứng yếu kém này được nhà nước xác nhận:”Kinh tế nước ta phụ
thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật
liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế
là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất
của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng
giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước.” 
(theo Tạp chí Tuyên Giáo, ngày 13/12/2021)

Khoe pháp quyền

Trước những khó khăn làm tốt hơn con ngưởi đảng viên và những bước đi
gập gềnh của nền kinh tế, Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan tuyên
truyền của đảng, đã tránh làm cho tình hình phức tạp hơn bằng cách cổ võ
cho những thành tựu về công tác xây dựng Nhà nước Pháp quyền và những
phúc lợi mà đảng đã đem lại cho dân sau hơn 90 năm có mặt trên đất nước
(1930-2021).

Việc làm này đã diễn ra tại Hà Nội ngày 11/12/2021 qua  Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Trong tư cách Trưởng ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khoe: “Các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam xác định nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa… Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên. Nâng cao trách nhiệm pháp lý trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ; dân chủ gắn liền với kỷ cương…”

Ông Phúc nói vậy mà không phải vậy. Nếu thật sự “tất cả quyền lực thuộc về nhân” thì đảng Cộng sản đã bị nhân dân bỏ phiếu bất tín nhiệm từ lâu rồi. Bởi vì, tuy là chủ nhân của đất nước nhưng mọi việc phải do đảng lãnh đạo và nhà nước quản lý. Nhân dân chỉ biết tuân hành những việc đảng đã quyết.

Vậy mà, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn tát nước theo mưa để nói những điều không có thật ở Việt Nam. Ông nói tại cuộc Hội thảo quy tụ khoảng 200 viên chức nhà nước chuyên viên rẳng: “Quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Có thể thấy, ở nước ta những giá trị tiến bộ, nhân văn của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được thực hiện, góp phần quan trọng bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và tương lai tươi sáng của đất nước.”

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng hồ hởi hát theo: “Nhà nước pháp quyền XHCN là mô hình vừa mang tính phổ biến vừa mang tính đặc thù Việt Nam, vừa phù hợp với bản sắc Việt Nam, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, Hiến pháp là tối cao, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; có sự phân công gắn liền với kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp…”.

Nếu quyền con người được đảng và nhà nước bảo vệ thì tại sao lại có khoảng 270 người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và chống bất công xã hội lại đang phải ngồi tù vì đã can đảm chống lại chính sách cai trị hà khắc và độc tài của đảng CSVN?

Vì vậy Việt Nam tiếp tục bị các Tổ chức bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do báo chí, ngôn luận và tư tưởng lên án từ năm này qua năm khác vì Hà Nội không ngừng khủng bố, đàn áp và chà đạp lên những người đòi quyền con người.

Lý do đảng CSVN không dung tha cho những hoạt động chống đảng vì sợ mất quyền lãnh đạo, sợ những thành phấn đối lập sẽ làm lu mờ vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng.

Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi thấy báo Nhân Dân, cơ quan thông tin của Trung ương đảng đã tự khen: “Năm
2021, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng biểu dương, được
cộng đồng quốc thế ghi nhận trong công tác nhân quyền, nhằm bảo đảm,
thực thi quyền con người trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế,
văn hóa, xã hội. Cùng nhìn lại các kết quả Việt Nam đã đạt được trong
thời gian qua.

Quyền con người trên lĩnh vực kinh tế: Việt Nam đã tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.” (Nhân Dân, ngày 03-12-2021).

Cũng với luận diệu chạy tội, báo của Bộ Quốc phòng, tờ Quân đội Nhân dân, phản ứng: “Đã từ lâu, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lại sử dụng quyền con người như một vũ khí lợi hại để chống phá Việt Nam, mà thực chất là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá bỏ con đường mà nhân dân Việt Nam đã lựa chọn…Lập lờ đánh lận con đen”, các thế lực thù địch chống phá, xuyên tạc sự thật về tự do, dân chủ ở Việt Nam.” (báo Quân đội Nhân dân, ngày 13/12/2021).

Cuối cùng, phe Công an cũng ăn theo ca hát:“Đảng, Nhà nước Việt
Nam luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của người dân không chỉ thể
hiện ở việc kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến
quyền con người, mà được thực hiện trên tất cả các mặt như: Tự do ngôn
luận, báo chí, thông tin; tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm an sinh xã
hội, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục…”
(báo CAND, ngày 13/12/2021).

Cơm ăn hay nhân quyền?

Đặc biệt hơn, trong chuyến thăm thành phố Edinburgh, Scotland, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ngày 1/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra phản ứng về chỉ trích Việt Nam vi phạm quyền con người. Ông nói: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau”.

Ông nói thêm: “Muốn hòa bình, ổn định, phát triển thì phải có dân chủ, không áp đặt, không xuyên tạc.”Trước câu nói coi vật chất hơn tinh thần và thiếu văn hóa này, từ Việt Nam, nhà văn cựu Đại tá Phạm Đình Trọng đáp trả: “Nhân Quyền, Quyền Con Người chính là những quyền cơ bản không thể thiếu kể trên của mỗi cá nhân chứ không phải là cơm ăn. Cơm ăn chỉ là lương thực của con người thể xác. Quyền Con Người mới là lương thực của con người văn hoá xã hội trong mỗi con Người. Không có cơm ăn, con Người thể xác sẽ chết. Không có Quyền Con Người, con Người văn hoá xã hội cũng sẽ chết. Chỉ có cơm ăn mà không có Quyền Con Người thì con Người cũng chỉ là bầy cừu. Ông Thủ tướng coi cơm ăn là Nhân Quyền lớn nhất của trăm triệu dân Việt Nam là ông Thủ tướng đã coi trăm triệu dân Việt Nam chỉ là bầy cừu trăm triệu con phải trông chờ vào nười chăn dắt là ông Thủ tướng lo cho miếng ăn!”

Quan điểm của Nhà văn Phạm Đình Trọng đã phản ảnh rõ tâm địa hạ thấp quyền con ngưởi của lãnh đạo Việt Nam, nhưng cũng dễ hiểu vì họ là những người Cộng sản vô thần và chỉ biết tôn thờ vật chất.

Phạm Trần (Cuối năm 2021)