Cuộc vượt thoát bằng UH-1 năm 1976

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cuộc vượt thoát bằng UH-1 năm 1976

Lời Nói Đầu:

Trên đặc san Lý Tưởng – Úc Châu số Xuân Mậu Tuất 2018, chúng tôi đã viết bài “Cướp phi cơ quân sự tại Việt Nam sau năm 1975”, trích thuật từ loạt bài “Không tặc tại Việt Nam” của báo Tuổi Trẻ Online ở trong nước, kể về tất cả mọi vụ đánh cướp phi cơ, dân sự cũng như quân sự, tại Việt Nam sau năm 1975. 

Sau khi số LT-UC nói trên được phát hành, chúng tôi đã được một nhà sưu tầm ở Sydney, Úc-đại-lợi, cung cấp tài liệu (đã được giải mật) về một vụ đào thoát bằng UH-1 vào năm 1976 của một cựu hoa tiêu trực thăng VNCH, nhưng đã không được nhắc tới trong loạt bài của báo Tuổi Trẻ Online. 

Chúng tôi không hiểu Tuổi trẻ Online không khai thác vụ này vì đây không phải là một vụ “cướp máy bay ly kỳ rùng rợn” (thiếu yếu tố ăn khách), hay chỉ đơn thuần vì họ không biết tới (do sự ém nhẹm của các giới chức trách nhiệm trong quân chủng Phòng Không – Không Quân của CSVN).

Viết là không “ly kỳ rùng rợn” bởi vì trên thực tế, đây chỉ là một vụ “mượn đỡ” máy bay êm thắm, không đổ máu, không có ai chết hoặc bị thương, chỉ có 7 người vượt thoát bình yên vô sự tới Thái-lan.

Thế nhưng vào năm 1976, với tình báo Hoa Kỳ thì cuộc vượt thoát ra vẻ “thiếu ly kỳ hấp dẫn” ấy quả là một biến cố và đã được họ khai thác triệt để, kết quả là tập tài liệu có tựa đề “Escape from Indochina – South Vietnam a Year After the Fall” (Vượt thoát từ Đông Dương – Nam VN một năm sau ngày bị thất thủ), do Liên Đoàn Tình Báo Không Quân 7602d (7602d Air Intelligence Group) hoàn tất vào tháng 8-1976, được phân loại “phải giữ kín” (Confidential) với lời cảnh giác (Warning) như sau:

“Tập tài liệu này đã được phân loại PHẢI GIỮ KÍN để bảo vệ những người đã hợp tác với Liên Đoàn Tình Báo Không Quân 7602d và cung cấp thông tin cho nội dung tập tài liệu. Đồng thời cũng để bảo vệ hoạt động và lý lịch của các cựu nhân viên trong KLVNCH vẫn còn ở Việt Nam.”

Lời Nói Đầu (FOREWORD) của Đại tá Không Quân Hoa Kỳ Richard F. Hum, Chỉ huy trưởng Liên Đoàn, viết:

“Từ khi Chính phủ miền Nam VN sụp đổ vào tháng Tư 1975, nguồn thông tin về hiện trạng ở nơi đó đã bị giảm thiểu tới mức nhỏ giọt. Tình trạng (nhỏ giọt) này đã thay đổi một cách đáng kể vào đầu tháng 3 năm nay (1976) khi một cựu phi công trong KLVNCH vượt thoát sang Thái-lan trên một chiếc trực thăng UH-1, mang theo cả gia đình anh cùng với người cơ phi.

Những dữ kiện tình báo đúc kết từ kết quả phỏng vấn một cách chi tiết người phi công về cuộc vượt thoát của anh và gia đình, nay được phổ biến lần đầu tiên qua tập sách này, mà chúng tôi tin rằng sẽ phơi bày nhiều lĩnh vực liên quan tới tình hình tại Việt Nam hiện nay. Điều đáng chú ý là sau khi Chính phủ miền Nam VN sụp đổ, người phi công nói trên đã phục vụ chế độ cộng sản, và chiếm được lòng tin của các cán bộ cộng sản Bắc Việt cao tới mức được tiếp tục bay cho họ. Việc này đã đem lại cho anh cơ hội chứng kiến mọi hoạt động của Không Quân Bắc Việt tại miền nam VN, và trao đổi với các cán bộ, sĩ quan Bắc Việt về nhiều lĩnh vực, từ quân sự tới chính trị.

Rất nhiều dữ diện trong những trang sách này sau đó đã được xác minh. Những dữ kiện còn lại, cho dù không thể kiểm chứng, cũng cho chúng ta thấy một bức tranh khá rõ nét về những gì đang xảy ra tại Việt Nam ngày nay.”

Sau khi tập tài liệu (mà Đại tá Richard F. Hum gọi là cuốn sách) “Escape from Indochina – South Vietnam a Year After the Fall” được giải mật vào ngày 31-12-2006, người ta được biết trước kia nó đã được Thiếu tướng George J. Keegan, Jr., Phụ tá Tham mưu trưởng Không Quân đặc trách Tình Báo, đích thân gửi cho ông Hank Knoche, Phó Giám đốc CIA, ngày 9-9-1976.

Tập tài tiệu này gồm 7 chương (chapter), nhưng vì khuôn khổ hạn hẹp của đặc san Lý Tưởng – Úc Châu, chúng tôi chỉ có thể dịch nguyên văn Chương 1 viết về cuộc vượt thoát của cựu Trung úy Hồ Kim Hải, và lược thuật một số diễn tiến, chi tiết quan trọng trong 6 chương còn lại.

1- CUỘC VƯỢT THOÁT (The Escape)
Vào lúc 10 giờ 30 sáng Thứ Hai, 8-3-1976, cựu Trung úy Không quân VNCH Hồ Kim Hải, lái chiếc trực thăng UH-1 do Hoa Kỳ chế tạo, đã đáp an toàn xuống Amphur Makham, một làng nhỏ ở tỉnh Chantaburi, Thái-lan, cách thủ đô Vọng-các 130 dặm về hướng đông nam, và cách điểm gần nhất của biên giới Việt Nam 225 dặm.

Cùng đi theo Trung úy Hải trên chuyến vượt thoát này – được ghi nhận là chuyến vượt thoát đầu tiên bằng phi cơ sau khi miền nam VN sụp đổ – có vợ anh, Nguyễn Thị Thuận, bốn đứa con nhỏ, và người cơ phi của anh là cựu Trung sĩ (KQVNCH) Nguyễn Văn Thắng.

Anh Hải cho biết anh quyết định vượt thoát vì anh và gia đình không còn đủ sức chịu đựng những áp lực chính trị cũng như những khốn khó cơ cực dưới chế độ Cộng Sản. Anh đã mất hai tháng để chuẩn bị kế hoạch vượt thoát.

Nguyên sau khi bị giam giữ ở một trại cải tạo lao động ở Cần Thơ từ tháng 5 tới tháng 8-1975, anh Hải được thả để về bay UH-1 cho Không Quân Bắc Việt tại CCKQ Bình Thủy. 

Tới tháng10, bằng cách nào đó, Hải đã thuyết phục được các cấp chỉ huy cộng sản cho anh làm phi công bay “test” (test pilot). Thời gian đầu, luôn luôn có hai vệ binh tháp tùng các chuyến bay test để canh chừng anh, nhưng từ tháng 1-1976, Hải đã được tin tưởng tới mức các vệ binh được phân công thường ngồi… dưới đất để theo dõi.

Vào buổi sáng ngày vượt thoát, Hải được giao nhiệm vụ bay test một chiếc UH-1 sau đó sẽ được sử dụng để chở một số cán bộ cao cấp xuống Châu Đốc. Viện lý do anh sẽ bay test nguyên một vòng Bình Thủy – Châu Đốc – Bình Thủy, chiếc UH-1 được đổ đầy bình 1000 lít nhiên liệu, và vì bay test, có cả người cơ phi tháp tùng.

Đã hẹn trước, Hải bay tới đón vợ con ở một cánh đồng cách căn cứ Bình Thủy 2 km, và sau khi thuyết phục người cơ phi cùng vượt thoát với mình, Hải bay đi CCKQ U-Tapao, Thái-lan.

Để tránh bị ra-đa khám phá, lúc đầu Hải bay thật thấp, sau đó ven theo bờ biển Căm-bốt, vào không phận Thái-lan, cho tới khi cạn nhiên liệu phải đáp xuống một trạm xăng ở làng Amphur Makham. Ngay sau đó, bảy người vượt thoát đã bị cảnh sát Thái bắt giữ và đem về đồn. Tại đây, Hải cho họ biết anh rất sung sướng khi tới được bến bờ tự do, và sẵn sàng lãnh chịu mọi hệ lụy của việc xâm nhập không phận Thái-lan bất hợp pháp, miễn đừng bị trả về Việt Nam. Tiếp theo, Hải xin được giúp đỡ để đi định cư tại Hoa Kỳ cùng với gia đình.

Sau mấy ngày giam giữ những người vượt thoát tại làng Amphur Makham, nhà chức trách Thái-lan đã đưa họ tới một trại giam gần Korat trong lúc chờ đợi quyết định của chính phủ Thái về số phận của họ.

Sau các cuộc thương lượng, dàn xếp giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tòa Đại sứ Mỹ tại Vọng-các và Chính phủ Vương quốc Thái-lan, Biệt đội 5 (Detachment 5) của Liên Đoàn Tình Báo Không Quân 7602d đã được trao trách nhiệm giữ những người này, và tới ngày 7 tháng 5-1976, đưa về tạm trú tại một căn nhà ở thủ đô Vọng-các.

Ngay lập tức, cuộc phỏng vấn một cách chi tiết được khởi sự. Sau khi Trung úy Hải và gia đình được đưa tới San Francisco vào ngày 21 tháng 5, các cuộc phỏng vấn được tiếp tục, do một toán chuyên gia tình báo đặc biệt của Liên Đoàn Tình Báo Không Quân 7602d đảm trách.

Kết quả là những dữ kiện thực tế về những gì đã xảy ra tại miền nam VN sau khi đất nước này bị lọt vào tay cộng sản. (hết chương 1).

Trong Chương 2 và 3, Trung úy Hải kể lại việc anh trình diện “học tập cải tạo” ngày 15-5-1975 tại trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ, cùng với khoảng 2000 sĩ quan cấp Trung úy và Thiếu úy. 

Mặc dù các phi công VNCH (mà CSVN gọi là “giặc lái” – air pirates) bị cho đứng đầu danh sách gây nhiều tội ác (bởi sức tàn phá của hỏa lực từ phi cơ), kế tới là pháo binh và thiết giáp, tới tháng 8-1975, Trung úy Hải cũng được thả (khỏi trại giam), và cùng với 5 phi công UH-1 khác của Không Quân VNCH được một chiếc xe vận tải Molotova chở tới CCKQ Bình Thủy để bay cho Không Quân CSBV.

Theo lời kể của Trung úy Hải và Trung sĩ (cơ phi) Nguyễn Văn Thắng, sau năm 1975, CCKQ Bình Thủy đã trở thành “trung tâm bảo trì sửa chữa” và “trung tâm huấn luyện” đầu tiên và quan trọng nhất của CSBV trong việc sử dụng phi cơ của KLVNCH để lại, với các “chuyên viên”, “huấn luyện viên” là người của KQVNCH trước kia.

Về bảo trì, có khoảng 30 chuyên viên, chia ra thành từng “tổ” (cell), mỗi tổ trách nhiệm một loại phi cơ: UH-1, U-17, O-1, A-37.
Về huấn luyện phi hành, người đầu tiên trình diện là một phi công A-37. Chỉ trong thời gian mấy tháng, người này đã hoàn tất việc xuyên huấn A-37 cho tất cả các phi công MiG trong Trung Đoàn Không Phòng 937 (937th Air Defense Regiment, tương đương với cấp Không Đoàn trong KLVNCH).

Trong số phi công MiG đó, có những người nay đã trở thành huấn luyện viên A-37, ra Phan Rang thiết lập trường bay A-37 cho Không Quân Bắc Việt.

Còn tại CCKQ Biên Hòa, Trung úy Nguyễn Gia Cẩn, một phi công F-5E, vào tháng 1-1976 đã được đưa từ trại cải tạo ở Lai Khê về Biên Hòa, cho nghỉ ngơi và bồi dưỡng một tháng theo tiêu chuẩn “phi công phản lực” (của CSBV), trước khi đảm trách việc huấn luyện các phi công của CSBV cách sử dụng hệ thống ra-đa trên F-5E.

Cũng theo lời kể của Trung úy Hải, vào thời gian anh vượt thoát, CSVN đã có kế hoạch đưa các phi công và chuyên viên bảo trì của KQVN từ Bình Thủy tới căn cứ khác, như Đà Nẵng, Pleiku, Phù Cát, Nha Trang, là những nơi không có việc lưu dụng nhân viên phi hành và bảo trì của KQVNCH.

Tới đây, chúng tôi xin bỏ qua các Chương 4, 5, 6 nói về Hiện tình chính trị & kinh tế tại miền Nam VN, Các hoạt động phá hoại (phi cơ) ngấm ngầm của các chuyên viên bảo trì của KQVNCH được chế độ mới lưu dụng, Các hoạt động nổi dậy và phá hoại sau ngày miền Nam sụp đổ, Quan hệ của CSVN với Liên Xô, Trung Cộng, Cuba và Căm-bốt (Khmer Đỏ), để điểm qua Chương 7, kể về nguy cơ sụp đổ của CSBV vào cuối năm 1972 trước đợt oanh tạc kéo dài 12 ngày đêm của B-52, tức chiến dịch Linebacker II.

Trên thực tế, nếu chiến dịch Linebacker II – mà sau này bộ máy tuyên truyền của CSBV gọi là “trận Điện Biên Phủ trên không” – ngày ấy kéo dài thêm một tuần nữa, Hà Nội sẽ phải quỳ gối xin đầu hàng “đế quốc Mỹ”!

Ngày nay, hầu như ai trong chúng ta cũng biết điều này, nhưng cách đây 42 năm (tức năm 1976) đó là một tiết lộ gây chấn động và nuối tiếc. Nuối tiếc bởi vì nếu ngày ấy Tổng thống Nixon đừng tin vào “thiện chí xin trở lại bàn hòa đàm” của CSBV, cứ tiếp tục sử dụng B-52 oanh tạc Hà Nội, thì CSBV đã phải xin đầu hàng, chấp nhận rút toàn bộ 300.000 bộ đội chính quy ra khỏi lãnh thổ miền Nam; nghĩa là cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai đã có một kết cuộc khác hẳn!
Nguyên nhân rất đơn giản: hỏa tiễn SAM đã cạn, trong khi MiG-21 thì không thể tới gần B-52!

Hai nhân vật của chế độ mới mà qua họ anh Hải được biết tình trạng tuyệt vọng cuối năm 1972 của CSBV là Đại úy Bình, Chính ủy Trung Đoàn Không Phòng 937, và Thiếu tướng Hoàng Khâm thuộc Bộ Quốc Phòng CSBV.
Viên Chính ủy KQ Bắc Việt kể lại với người cựu phi công VNCH về cuộc đọ sức ấy như sau:
Vì từ khoảng cách 40 dặm, các pháo đài bay B-52 đã có khả năng làm rối loạn (jam) làn sóng ra-đa cho nên các dàn hỏa tiễn phòng không (SAM) và cao xạ của CSBV không có được bất cứ một dữ kiện nào về đường đi nước bước của B-52, mà chỉ biết nhắm bắn… cầu may khi phi cơ đã tới nơi!

Theo tiêu chuẩn ấn định, mỗi chiến đấu cơ của Mỹ sẽ được “đón tiếp” bằng 2 hỏa tiễn SA-2 (loại SAM tối tân nhất thời đó), nhưng với B-52 thì được bắn thả dàn, bởi vì Hà Nội tin rằng khi một “siêu pháo đài” bị bắn hạ sẽ tác động vô cùng tai hại tới tinh thần của Không Lực Hoa Kỳ nói riêng, dân chúng Mỹ nói chung.

Lẽ dĩ nhiên, CSBV cũng đã nghĩ tới việc tận dụng khả năng của chiến đấu MiG-21 để bắn hạ B-52 nhưng không đạt kết quả.

Như chúng ta đều biết, các pháo đài bay B-52 được hộ tống bởi vô số chiến đấu cơ F-4 Phamtom II, các MiG-21 của CSBV có muốn liều mạng cũng không thể nào tới gần B-52 được. 

Lúc ban đầu, các bộ óc “ưu việt” của CSBV đã áp dụng chiến thuật dương đông kích tây, cùng một lúc sử dụng ba chiếc MiG-21: hai chiếc dụ F-4 rượt theo mình, chiếc còn lại thừa cơ nhào vào tấn công B-52. Nhưng trước sau trong chiến dịch Linebacker II, lực lượng F-4 hộ tống đã chỉ mắc mưu một lần duy nhất, với một B-52 bị MiG-21 bắn hạ (theo lời thuật của viên Chính ủy).

Vì thế, SA-2 vẫn là vũ khí chính để đối phó với B-52, nhưng vì được bắn thả dàn (theo cuốn Quân Sử Không Quân VNCH, có ngày lực lượng phòng không Bắc Việt đã bắn lên 220 hỏa tiễn SA-2), sau 12 ngày đêm, số lượng SA-2 tồn trữ hầu như cạn kiệt!

Nhân vật thứ hai của CSBV – Thiếu tướng Hoàng Khâm – Trung úy Hải được “quen biết” nhờ biết đánh tennis!

Nguyên vào đầu tháng 9-1975, nhân dịp lễ quốc khánh 2 tháng 9 của CSBV, Thiếu tướng Hoàng Khâm đã cầm đầu một phái đoàn của Bộ Quốc Phòng đáp một chiếc trực thăng Mi-8 tới thăm viếng CCKQ Bình Thủy. Tới buổi chiều, thấy có sân tennis trong căn cứ, viên Thiếu tướng muốn chơi vài ván nhưng trong số quân nhân CSBV ở căn cứ không một ai biết đánh tennis, nên họ phải cầu cứu Hải, và anh đã dắt theo một vài cựu sĩ quan Không Quân VNCH để “hầu tiếp”.

Trong lúc so vợt, viên Thiếu tướng CS Bắc Việt trở nên vui vẻ, thân thiện; khi trò truyện với nhau giữa mỗi ván (set), nhắc lại đợt oanh tạc Hà Nội của B-52 cuối năm 1972, ông ta nói với các cựu sĩ quan KQVNCH:
“Giờ này chiến tranh chấm dứt rồi, chúng ta không còn là kẻ địch của nhau nữa, thành thử tôi cũng chẳng dấu các anh về tình hình ngày ấy. Trên toàn bộ lãnh thổ miền Bắc, bọn Mỹ chỉ chừa mỗi phi trường Gia Lâm, còn tất các mọi căn cứ không quân khác không ai còn có thể gọi đó là một phi trường!”

Sau khi nhấn mạnh tới những thiệt hại nặng nề mà miền Bắc phải hứng chịu trong chiến dịch Linebacker II, viên Thiếu tướng nói rằng Mỹ chỉ cần oanh tạc thêm một tuần lễ nữa là miền Bắc kiệt lực. Ông ta cũng cho biết lúc đó chính Liên Xô và Trung Cộng đã cảm thấy mệt mỏi, nên gây áp lực Bắc Việt phải rút 300.000 quân chính quy ra khỏi miền Nam để trở lại với hình thái chiến tranh du kích.

Theo sự mô tả của Thiếu tướng Hoàng Khâm, tình hình miền Bắc lúc đó thật bi đát, tiếp vận của khối cộng bằng đường thủy bị hạn chế tối đa vì các hải cảng bị Hoa Kỳ phong tỏa, tiếp vận bằng đường hỏa xa qua lãnh thổ Trung Cộng thì ngày càng trở nên tồi tệ vì bị người anh em phương Bắc “lấy xâu”, hoặc ăn cướp một cách trắng trợn…

Bên cạnh đó, viễn ảnh quân Mỹ đổ bộ lên lãnh thổ Bắc Việt, như xưa kia họ đã đổ bộ lên Bắc Triều Tiên, luôn luôn ám ảnh các nhà lãnh đạo cũng như dân chúng miền Bắc…

Chỉ một tuần lễ nữa thôi – just one more week, như tập tài liệu đã viết. Tiếc thay, “tuần lễ” ấy đã không bao giờ tới!

Thiên Ân
Melbourne, tháng 6-2018

LỜI CÁM ƠN:
Xin chân thành cám ơn nhà sưu tầm K.T. ở Sydney, Úc-đại-lợi, đã cung cấp cho chúng tôi tập tài liệu “Escape from Indochina – South Vietnam a Year After the Fall”. LTUC

https://hoiquanphidung.com/echo/index.php/ts/item/72-cu-c-vu-t-thoat-b-ng-uh-1-nam-1976-thien-an