Cuộc tranh giành quyền lực đã ngã ngũ
Thủ tướng sắp về hưu của CSVN Nguyễn Tấn Dũng sẽ không đạt được mục tiêu, tiếp nhận lấy quyền lãnh đạo Đảng.
26/02/2016 – Rodion Ebbighausen – Phan Ba dịch – Theo FB Phan Ba
Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy rằng cuộc tranh giành quyền lực đầy tính bi kịch giữa Tổng Bí thư cho tới nay của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), Nguyễn Phú Trọng, và đối thủ của ông, người sếp chính phủ cho tới nay Nguyễn Tấn Dũng, đã ngã ngũ: Tổng Bí thư Trọng là người chiến thắng.
Vào tối thứ hai đã có thể thấy rằng Thủ tướng Dũng còn đương nhiệm sẽ không còn đứng trên danh sách ứng cử chính thức cho Trung ương Đảng. Qua đó, con đường đi đến vị trí đứng đầu Đảng của ông đã bị ngăn chận. Vì Bộ Chính trị, mà rồi người tổng bí thư được chọn ra từ đó, được quyết định từ 180 thành viên của Ban chấp hành Trung ương. Dũng đã từ bỏ khả năng cuối cùng, nhờ vào sự hỗ trợ của 1500 người tham dự Đại hội Đảng 12 mà đưa tên mình vào danh sách.
Cuộc tranh giành quyền lực bất thường
Cuộc xung đột tại Đại hội Đảng là một sự kiện chưa từng có về mọi mặt. Trong vòng 70 năm vừa qua, ĐCSVN cương quyết đi theo một nguyên tắc đồng thuận tập thể, ít nhất là ở vẻ ngoài. Dù các xung đột nội bộ có dữ dội cho tới đâu đi chăng nữa, cuối cùng thì ĐCSVN vẫn trình ra một đường lối thống nhất mà Đảng và chính phủ phải tuân theo. Thuộc vào trong đó là việc những người kế thừa các chức vụ cao nhất trong Đảng và chính phủ được thỏa thuận từ lâu trước các kỳ họp của Đại hội Đảng và Quốc Hội, để mà họ có thể được thông qua một cách trơn tru. Điều này là nhằm để nhấn mạnh tới tính đoàn kết của đảng đang nắm độc quyền trong một nhà nước độc đảng.
Thế nhưng trong năm nay thì cho tới khi Đại hội Đảng bắt đầu, người ta vẫn không thể thống nhất với nhau về việc ai sẽ đứng trong danh sách ứng cử viên cuối cùng cho chức vụ có nhiều ảnh hưởng nhất trong nhà nước – chức vụ tổng bí thư. Nguyên nhân cho việc này là cuộc tranh giành quyền lực giữa Nguyễn Phú Trọng, người đang giữ chức vụ đó, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Mác-xít bảo thủ chống tư bản thực dụng
Trọng là Tổng bí thư từ 2011. Ông được cho là bảo thủ, trung thành với các nguyên tắc và bám chặt vào Chủ nghĩa Mác-Lê nin. Về mặt đối ngoại, ông ngả về phía Trung Quốc. Trong các bài diễn văn của mình, ông luôn nhấn mạnh rằng sự tiếp tục tồn tại của Đảng là điều quan trọng nhất.
Dũng, người đã trải qua tối đa hai nhiệm kỳ làm thủ tướng, được nhiều nhà quan sát đánh giá là một nhà tư bản thực dụng. Trong những năm trên chính trường, ông đã tạo được một mạng lưới rộng lớn của những người ủng hộ và được bảo hộ. Các con ông, tốt nghiệp đại học Mỹ, và họ hàng gần hiện đang ngồi trong những vị trí then chốt về chính trị và kinh tế của Việt Nam. Một trong những người con trai của ông là bí thư tỉnh trẻ tuổi nhất của Việt Nam trong tỉnh Kiên Giang ở phía nam. Về mặt đối ngoại, Dũng nghiên về phía Mỹ.
Mối thù địch cũ
Trọng và Dũng đã có xung đột với nhau lâu nay. Các cải cách chủ yếu do Dũng thúc đẩy, đặc biệt là trong kinh tế, trong lĩnh vực mà ví dụ như ông đã tích cực ủng hộ cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), bị nhiều người bảo thủ cho rằng là quá vội vã hay đi quá xa. Họ lo sợ rằng Việt Nam có thể rời bỏi con đường của chủ nghĩa xã hội và chê trách ví dụ như việc tham nhũng đã tăng lên rất nhiều dưới thời của Dũng, hay việc ông không có khả năng kiểm soát được nợ công.
Tuy vậy, giới bảo thủ đã nhiều lần thất bại trong nổ lực lật đổ Dũng. Đầu tiên là việc ông vướng vào vụ thiệt hại bạc tỉ của công ty đóng tàu nhà nước Vinashin. Năm 2012, ông qua được một vụ tương tự như bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ Đảng. Thế nhưng lần này thì mạng lưới của ông đã không thể cứu ông khỏi thất bại được.
Hậu quả cho đường lối của Việt Nam
Vẫn còn chưa được quyết định, rằng liệu người tổng bí thư cũ Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ thật sự là người tổng bí thư mới hay không. Tuy vậy, ông ấy đã có thể bảo đảm được chỗ đứng của ông trong Trung ương Đảng vào ngày thứ Tư (27/01/2016). Cả việc bổ nhiệm cho các chức vụ đứng đầu khác, như chức vụ chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội, cũng vẫn còn chưa rõ. Nhưng ngay từ bây giờ đã có thể thấy được rằng các thế lực bảo thủ của Đảng đã thắng thế.
Điều này không có nghĩa là sẽ có một thay đổi cực đoan trong đường lối chính trị cho tới nay của Việt Nam. Đường lối chính trị Việt Nam không diễn ra theo cách nhảy đột ngột từng bước. Một trường hợp ngoại lệ là Đại hội Đảng lần thứ 6 của năm 1986 mà qua đó, ĐCSVN đã bắt đầu cái được gọi là chính sách đổi mới, cái đã cải cách đất nước về mặt kinh tế và bắt đầu cuộc bùng nổ về kinh tế của 30 năm vừa qua.
Không thể chờ đợi những quyết định can đảm như vậy từ giới lãnh đạo mới. Họ sẽ cố gắng ép Đảng đi đúng đường lối, để chống lại “diễn biến hòa bình”, cái được cho là do các tổ chức phi chính phủ khởi xướng và cũng là cái mà bộ máy an ninh đang lo sợ. Đối với các blogger và truyền thông, chính phủ và Đảng sẽ cứng rắn hơn. Các cải cách kinh tế đang hết sức cần thiết sẽ được tiến hành cẩn trọng hơn, nhưng sẽ không bị bỏ qua trong mọi trường hợp. Vì sự phát triển về kinh tế quá quan trọng cho tính chính danh của Đảng.
Rodion Ebbighausen
Phan Ba dịch từ: http://www.dw.com/de/machtkampf-in-vietnam-entschieden/a-19004474
– See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20160225/cuoc-tranh-gianh-quyen-luc-da-nga-ngu#sthash.JnSrnTFp.dpuf