Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (phần 2)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (phần 2)
3-2-2018
Ý tưởng cho cuộc chiến
Ý tưởng về cuộc chiến này đã có từ những năm 1960. Năm 63, ngay sau cái chết của TT Diệm thì nghị quyết 9 của đảng CS đã nêu rõ “tổng công kích, tổng khởi nghĩa sẽ là hướng phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam để đạt tới toàn thắng”. Năm 64, một kế hoạch khá cụ thể đã được xây dựng, gọi là kế hoạch X. Nhưng trong kế hoạch chưa tính đến sự hiện diện của quân đội Mỹ và với tình hình hỗn loạn của VNCH kể từ khi Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ thì kế hoạch đó không có gì là phiêu lưu.
Lê Duẩn là người ủng hộ nhiệt tình nhất kế hoạch X, ông kiên quyết phủ nhận lập luận cho rằng cuộc tổng nổi dậy của các thành phố chỉ được tiến hành khi nào chiến thắng là chắc chắn, cho rằng nếu những cuộc tấn công tại các thành phố thất bại, các lực lượng cộng sản có thể sẽ chỉ đơn giản là rút lui, tập hợp lại, rồi sau đó sẽ thử lại lần nữa. Lê Duẩn viết:
“Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà những cuộc nổi dậy tại các đô thị gặp khó khăn và chúng ta buộc phải rút lui lực lượng, thì cũng không vấn đề gì. Đó sẽ chỉ là một dịp cho chúng ta diễn tập và rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho sau này. Lực lượng của đồng chí Fidel Castro đã tấn công các đô thị ba lần mới thành công. Nếu chúng ta tiến vào được các đô thị nhưng sau đó phải rút lui, thì vẫn không phải lo lắng gì, bởi toàn bộ vùng nông thôn và rừng núi đều thuộc về chúng ta – vị thế và lực lượng của chúng ta đều rất mạnh tại các vùng đó”.
Năm 1965, quân Mỹ bắt đầu đổ bộ và chặn đứng các khả năng cho cuộc tổng tấn công nhưng Lê Duẩn vẫn không nao núng, ông vẫn không ngừng từ bỏ ước mơ về một cuộc tổng tấn công và nổi dậy toàn miền Nam.
Chuẩn bị cho cuộc chiến
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuy là Tổng tư lệnh, bí thư quân ủy TƯ, Bộ trưởng QP, nhưng không phải là người được quyết định về mặt quân sự, mà là do 1 nhóm 5 người, hoàn toàn khác với giai đoạn kháng chiến 9 năm. Tướng Giáp thường thuộc về phe thiểu số trong nhóm 5 người này, ảnh hưởng chính vẫn là bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Năm thành viên đó là Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, và Phạm Hùng (thay thế tướng Nguyễn Chí Thanh vào tổng hành dinh Trung ương Cục miền Nam ở miền Nam). Mâu thuẫn giữa tướng Giáp và bí thư thứ nhất (sau này là tổng bí thư, sau đây viết tắt là TBT) Lê Duẩn bắt đầu manh nha từ khi LD từ miền Nam ra HN lãnh đạo đảng, do Trường Chinh mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ. Khi đó dường như VNG là ứng viên cho chức TBT nhưng HCM lại chọn Lê Duẩn.
Võ Nguyên Giáp không ủng hộ ý tưởng Tổng tấn công và nổi dậy, trong khi tướng Nguyễn Chí Thanh về một phe với TBT LD, vẫn chuẩn bị cho cuộc chiến. Hai ông tướng đã có những mâu thuẫn về ý tưởng chiến tranh du kích hay đánh lớn. Lê Duẩn nói, “Mỹ không còn con đường nào khác là phát huy sức mạnh quân sự. Đối phó với âm mưu này của Mỹ, ta phải đưa hoạt động quân sự lên một bước mới, đến mức Mỹ không chịu nổi và phải chấp nhận thất bại về quân sự, cô lập về chính trị. Nếu ta thực hiện được, Mỹ sẽ phải rút khỏi miền Nam“.
Ngày 6/7/1967, tướng Thanh đột tử sau 1 bữa ăn tiễn đưa mình quay trở lại miền Nam. Đó là 1 tổn thất lớn cho phe nhóm của TBT LD và tướng Văn Tiến Dũng là người được LD tin cậy để thay thế NCT. Văn Tiến Dũng lúc đó là Tổng tham mưu trưởng nhưng được LD tin cậy hơn, được nhận chỉ thị trực tiếp từ TBT và vai trò của ông có phần nổi trội hơn Võ Nguyên Giáp trong phần còn lại của cuộc chiến. Vì có vai trò thứ yếu nên tướng Giáp vẫn phải tuân thủ đa số để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công.
Thanh trừng phe nhóm chủ hòa
Kể từ khi Khrushchev kế vị Stalin làm người đứng đầu Liên Xô, ông công khai chỉ trích Stalin khiến cho xu hướng xét lại trở nên nở rộ trong hệ thống XHCN, chống lại sự lãnh đạo độc đoán kiểu Stalin. Khrushchev đề ra chủ trương chung sống hòa bình với phe TBCN. Mao là người cực lực phản đối xu hướng xét lại và cũng không khai đả kích Khrushchev. Mao không chấp nhận chung sống với phe TBCN. Trong tình hình chung như vậy, Lê Duẩn ngả theo TQ, chống lại phe xét lại thân LX, đơn giản là vì TQ ủng hộ VN chống Mỹ, còn LX thì lạnh nhạt. Thực tế lúc đó TQ chiếm 90% viện trợ cho Bắc Việt, LX và Đông Âu chỉ khoảng 10%.
Ở VN lúc đó cũng có 1 nhóm được cho là theo xu hướng xét lại, muốn chung sống hòa bình. Kể từ năm 64, phe xét lại đã bị đả kích qua báo chí và đến năm 67, khi Khrushchev bị thay thế bởi Brezhnhev (có xu hướng phục hồi những giá trị của Stalin và ủng hộ VNDCCH chống Mỹ), thì nhóm xét lại đã bị bắt toàn bộ, không cần xét xử. Nhưng nhân vật chủ chốt của vụ án Xét lại chống đảng là các ông Hoàng Minh Chính (Viện trưởng Viện Triết), tướng Đặng Kim Giang, ông Vũ Đình Huỳnh (vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ NG – rất thân cận với HCM) và con trai là nhà báo Vũ Thư Hiên, đại tá Lê Trọng Nghĩa (nguyên cục trưởng cục Quân báo – Cục 2, trợ lý của tướng Giáp) và 1 số người khác. Nhóm này được cho là những người thân thiết với ông Giáp, thân LX và muốn “chung sống hòa bình”. Có lẽ vụ bắt bớ này nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn nhóm đối lập để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công.
Trước khi cuộc Tổng tiến công nổ ra thì tướng Giáp đi Hungary chữa bệnh, CT HCM thì đi TQ, họ chỉ trở về khi cuộc chiến đã chắc chắn nổ ra, không gì ngăn cản nổi. Phía CS thì cho là đó là để nghi binh, đánh lạc hướng cho cuộc tổng tấn công. Nhưng lý do đó có vẻ không thuyết phục, vì chả việc gì phải cử hẳn Tổng tư lệnh và Chủ tịch nước đi ra nước ngoài để nghi binh, trừ khi họ chả có vai trò gì hết.
Nghi binh và các dấu hiệu
Khe Sanh được có vị trí tương đồng với Điện Biên Phủ, là cái gai găm vào đường 9, ngăn cản việc tiếp vận của quân CS từ Lào sang Nam VN. Cuối năm 67, Khe Sanh được chọn làm nghi binh để kéo dãn quân Mỹ ra sát giới tuyến. Tướng Giáp cũng muốn biến Khe Sanh thành ĐBP thứ 2, song ông đã không thành công. Vì Mỹ đã rút kinh nghiệm từ ĐBP. Không vận và không quân Mỹ đã làm quá tốt, khiến cho quân CS không thể chặn được tiếp vận cho căn cứ, khiến quân Mỹ và VNCH vẫn giữ vững được trận địa và khiến quân Bắc Việt tổn thất nặng nề cho dù chiếm được căn cứ Làng Vây (tạo thế ỉ dốc cho Khe Sanh). Làng Vây là trận đầu tiên mà quân CS dùng đến xe tăng.
Phía Mỹ và VNCH không hoàn toàn bất ngờ như phía phía CS tuyên truyền. CIA và quân đội Mỹ dựa trên lời khai của tù binh và tình báo đã có dự đoán về cuộc TTC, tuy nhiên họ không ngờ là quân CS dám đánh vào đúng dịp tết Nguyên đán, vốn là ngày trọng đại. Trong hồi ký của mình, đại tướng Westmoreland (Chỉ huy Bộ Tư Lệnh Quân Viện Mỹ tại Việt Nam – MACV) cho rằng “Như tôi đã báo cáo trước Hội đồng phái bộ Mỹ ngày 15 tháng 1, tôi thấy khả năng là 60- 40% địch sẽ đánh trước Tết, có thể vào ngày 25-1. Ngược lại, tướng Davidson, sĩ quan tình báo của tôi, lại thấy khả năng là 40-60% địch sẽ vận động trong thời gian ngừng bắn và sẽ đánh sau Tết. Cả hai chúng tôi không ai thấy có khả năng chắc chắn là địch sẽ đánh vào đúng ngày Tết vì làm như vậy sẽ có tác dụng tâm lý bất lợi và xấu đối với nhân dân mà địch đang ra sức lôi kéo về phía họ.”
“Mối đe dọa to lớn tới mức tôi đã đích thân đến gặp Tổng thống Thiệu đề tìm cách thuyết phục ông đồng ý hủy bỏ việc ngừng bắn quen thuộc trong dịp Tết hoặc ít ra giảm thời gian ngừng bắn từ 48 giờ xuống 24 giờ. Cả tướng Viên lẫn tổng thống Thiệu không ai đồng ý hủy bỏ hoàn toàn.
Họ nói: sẽ là một cái đòn quá đau đối với quân đội Nam Việt Nam và nhân dân nếu hủy bỏ mọi việc thờ cúng trong dịp ngày lễ quan trọng nhất của đất nước, đồng thời lại tạo ra cho địch một cái cớ để tuyên truyền chống chính phủ Nam Việt Nam. Theo yêu cầu của tôi, Thiệu đồng ý rút ngắn thời gian ngừng bắn chỉ để 36 giờ và hứa sẽ hạn chế nghỉ phép đối với quân lính Nam Việt Nam và tối thiểu phải có 50% quân số trong tất cả các đơn vị ở trong tư thế báo động hoàn toàn.”
Tư lệnh quân đội Mỹ ở VNCH nhận định “Sợ rằng việc mở đầu cuộc chiến tranh tấn công sẽ làm cho máy bay Mỹ trở lại quấy rối lễ Tết ở Hà Nội, chính phủ Bắc Việt Nam đã đề ra chỉ thị thay đổi ngày Tết. Đáng lẽ ngày mùng 1 Tết là vào ngày thứ ba 30 tháng giêng thì nó lại được định vào thứ hai 29 tháng giêng, như vậy có nghĩa là lễ Tết sẽ bắt đầu từ chủ nhật 28-1. Làm như vậy là đã cho người Bắc Việt Nam có ba ngày Tết quan trọng trước khi binh lính của họ ở miền Nam đi vào cuộc tấn công sau khi Tết âm lịch thực sự bắt đầu từ ngày 31-1.”
Tuy nhiên, người Mỹ và VNCH đã sai lầm khi phía CS không e ngại điều gì cả. Quân đội Mỹ đã có sự chuẩn bị khá tốt để chờ đón cuộc TTC nhưng phía VNCH thì khá chủ quan khi cho lính về nghỉ tết theo đúng lệnh ngừng bắn. Điều đó khiến cho khi cuộc tấn công nổ ra ở SG thì lực lượng phản công chủ yếu là quân Mỹ và cảnh sát VNCH.
(Hết phần 1)
Bức ảnh được báo Đất Việt ghi chú là “Lính Mỹ đang giúp một binh sỹ Việt Nam Cộng hòa bị thương trong trận đánh tại Sài Gòn. Ảnh: Dang Van Phuoc / AP“. Nhưng bộ quần áo giống với 1 cô gái hơn là 1 người lính!

https://baotiengdan.com/2018/02/03/cuoc-tong-tan-cong-tet-mau-than/

————–

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (phần 2)

4-2-2018
Tiếp theo phần 1
Theo sử gia Phạm Văn Sơn (VNCH):
Nhận định của phía CS
Khi quyết định mở một cuộc tổng tấn công trên lãnh thổ miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân 1968, Bắc Việt đã có những nhận định sau đây:
Hà Nội tin tưởng người dân Miền Nam đã muốn ngã theo chính quyền Hà Nội cùng đường lối cách mạng của họ. Sự tin tưởng này được nhìn qua các phong trào “nhân dân cứu quốc,” phong trào tranh đấu của Phật Giáo tại miền Trung và ở thủ đô Saigon, và các sự phân tán của các đoàn thể tại Miền Nam Việt Nam. Họ cho rằng nhân dân miền Nam ghét Mỹ, chán chiến tranh. Và nếu có một động cơ nào đó thúc đẩy thì người dân Miền Nam sẽ nổi dậy chống Mỹ và lật đổ chính quyền hiện Quốc Gia.
Sau cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Hà Nội cho rằng chính quyền miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn suy yếu. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng yếu kém đi và không có khả năng tấn công cũng như phòng thủ.
Bắc Việt tin tưởng rằng các lực lượng võ trang của họ vẫn giữ được thế chủ động chiến trường (tại miền Nam) trong các năm 1966-67 và cho rằng nếu mở trận tổng công kích vào đầu năm 1968 thì họ sẽ có hai thời cơ chiến lược và một thời cơ chiến thuật để bảo đảm cho sự tất thắng của họ.
Thời Cơ Chiến Lược 1: Bắc Việt cho rằng cuối năm 1968, Hoa Kỳ có cuộc bầu cử Tổng Thống mà hiện nay (đầu năm 1968) đang diễn ra cuộc vận động tranh cử có các ứng viên như các ông Robert Kennedy và Richard Nixon đang chỉ trích chánh sách chiến tranh của đương kim tổng thống Lyndon Johnson. Ngoài ra, ở Mỹ đang có phong trào chống đối chiến tranh tại Việt Nam và đang lan rộng trên toàn quốc. Bắc Việt dự tính nếu cuộc tổng công kích thành công, và một chính-phủ liên-hiệp được thành lập, thì Tổng Thống Johnson (sắp hết nhiệm kỳ) sẽ gặp khó khăn trong việc tăng viện binh sĩ sang Việt Nam. Vì vậy, có thể Hoa Kỳ sẽ phải chấp nhận một cuộc điều đình có lợi cho chính quyền Cộng Sản Miền Bắc.
Thời Cơ Chiến Lược 2: Dư luận quốc tế đang hướng về Việt Nam và đang chỉ trích vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến. Nếu Việt Cộng tạo được chiến thắng lớn lao, họ sẽ gây được tiếng vang và có lẽ sẽ đạt được nhiều sự ủng hộ của quốc tế để chấm dứt cuộc chiến.
Thời Cơ Chiến Thuật: Bắc Việt muốn tạo một sự bất ngờ trong lãnh vực quân sự khi họ mở cuộc tổng tấn công và đánh vào ngày Tết trong khi lệnh hưu chiến (ăn Tết 3 ngày) tại miền Nam đã được ban hành.
Với ba điều nhận định trên, chính quyền Miền Bắc tin tưởng chiến dịch tổng tấn công sẽ thành công. Tuy nhiên họ cũng dự liệu đến trường hợp thất bại, và cho rằng lực lượng Việt Cộng tại miền Nam hiện thời đã đứng vững trên 2 “chân” rừng núi và nông thôn. Nếu từ hai chỗ đứng này họ dốc toàn quân đánh vào thành thị, nếu thắng thì ăn to, nhưng nếu không thắng thì lại trở về 2 “chân” cũ là rừng núi và nông thôn, chẳng mất mát gì cả.
Trong kế hoạch tổng tấn công, Việt Cộng dựa vào sự bất ngờ để mong đánh chiếm được các cơ quan quân sự đầu não của Việt Nam Cộng Hòa. Qua sự kết hợp giữa quân sự với chính trị, họ chiếm mau lẹ được các thành phố lớn bằng sự nổi dậy của người dân miền Nam khắp mọi nơi. Trước tình hình này, Việt Cộng cho rằng quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa có mạnh mẽ đến đâu cũng không dám oanh kích vào dân chúng (khởi nghĩa), nhất là oanh kích vào thủ đô Saigon với dân số đến 3 triệu người.
Như thế dư luận quốc tế sẽ lên án và Hoa Kỳ sẽ đành bó tay. Và khi đã có một chính phủ mới, Việt Cộng tin rằng tất cả các đơn vị của Việt Nam Cộng Hòa có thể sẽ phải đầu hàng. Nếu các đơn vị này không chịu đầu hàng, lúc đó họ sẽ vận dụng quân đến thanh toán dần từng chỗ, hoặc vận dụng thân nhân của các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa phối hợp cùng dân chúng qua sự yểm trợ của các cán binh Cộng Sản (tức cho thân nhân binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa và dân đi trước) ồ ạt ùa vào chiếm các vị trí quân sự thì lúc đó các binh sĩ miền Nam sẽ không thể phản ứng được gì cả.
Tổng quan về diễn biến
Đêm 30 Tết, tức ngày 29 tháng 1/1968, Việt Cộng đồng loạt tấn công vào 5 thị xã (thị xã thời VNCH khác với cách hiểu bây giờ) thuộc Vùng 2 Chiến Thuật:
Thị xã Qui Nhơn lúc 4 giờ 10.
Thị xã Kontum lúc 2 giờ 00.
Thị xã Pleiku lúc 4 giờ 40.
Thị xã Darlac lúc 1 giờ 30.
Thị xã Nha Trang lúc 0 giờ 30.
Đồng thời, Việt Cộng pháo kích và đột nhập vào Tổng Hành Dinh Quân Đoàn 1 lúc 3 giờ 40 sáng.
Như vậy trong 44 tỉnh lỵ, Việt Cộng đã tấn công vào 28 nơi. Cuộc tấn công của Việt cộng kể ra cũng khá linh hoạt, tuy không diễn ra trong một lúc nhưng khoảng cách của các trận đánh ở các tỉnh lỵ không quá rời rạc.
Tính ra như vậy đêm 30 Tết, Việt Cộng mở được 5 cuộc tấn công vào các tỉnh Cao Nguyên và miền Trung. Đêm mồng 1 Tết, Việt Cộng mở được 8 cuộc tấn công vào các tỉnh lỵ và thị xã trong đó có đô thành Saigon – Chợ Lớn – Gia Định.
Với 8 cuộc tấn công này trong đó có 4 thành phố Huế, Quảng Trị, Quảng Tín và Quảng Ngãi thuộc Vùng 1 Chiến Thuật, thành phố Phan Thiết thuộc vùng 2 Chiến thuật và 2 thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long thuộc Vùng 4 Chiến Thuật. Người ta nhận thấy rằng trong 2 ngày liên tiếp tất cả các tỉnh lỵ thộc Vùng 1 Chiến Thuật đều bị đánh. Các tỉnh lỵ thuộc vùng 2 Chiến Thuật cũng bị đánh gần hết. Riêng Vùng 4 Chiến Thuật mới bị chóm đánh vào 2 tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long.
Đêm mồng 3 Tết, Việt Cộng lại đánh vào 8 tỉnh lỵ khác gồm 5 thành phố Kiến Hòa, Định Tường, Gò Công, Kiên Giang, Vĩnh Bình thuộc vùng 4 Chiến Thuật, 2 thành phố Bình Dương, Biên Hòa thuộc Vùng 3 Chiến Thuật, và thành phố Tuyên Đức thuộc Vùng 2 Chiến Thuật.
Qua ngày mồng 3 Tết, tức ngày 1 tháng 2/1968, hoạt động của Việt Cộng trên toàn quốc có phần suy giảm tuy họ vẫn bám sát được vào một vài thành phố như Saigon, Huế, Ban Mê Thuột, Kontum, Mỹ Tho và Vĩnh Long. Còn tại các nơi, các phần tử Việt Cộng thất tán trong các khu dân cư và đang bị tiêu diệt.
Ngày mồng 4 Tết, Việt Cộng mở một cuộc tấn công yếu ớt vào thị xã Kiến Tường và một cuộc tấn công khác vào các đơn vị trú phòng tại Long Khánh nhưng đều bị đẩy lui ngay.
Ngày mồng 5 Tết, hoạt động của Việt Cộng tại các vùng Chiến thuật suy giảm rõ rệt. Riêng tại Huế địch vẫn còn chiếm đóng và hoạt động mạnh. Tại thủ đô Saigon, các phần tử Việt Cộng trà trộn trong khu dân cư đang bị thanh toán lần lần.
Ngày mồng 5 và 6 Tết, Việt Cộng còn mở những cuộc tấn công muộn vào tỉnh lỵ Gò Công, Bộ Tư Lệnh Biệt Khu 44, nhưng không gây được sự thiệt hại nào đáng kể.
Ngày mồng 8 âm lịch, tức ngày 6 tháng 2 năm 1968, tỉnh Thừa Thiên vẫn được đáng chú ý hơn cả, tiếp đến là đô thành Saigon – Chợ Lớn và Phong Dinh. Tại Phong Dinh trận chiến đã diễn ra trong 2 đợt: đợt đầu kéo dài trên một tuần lễ và đợt thứ 2 vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng 2/1968. Tại các nơi khác, Việt Cộng tiếp tục duy trì các cuộc pháo kích và khuấy rối đặc biệt là Vùng 1 và Vùng 4 Chiến Thuật.
Ngày 7 tháng 2/1968, Việt Cộng lần đầu tiên xử dụng chiến xa xuất phát từ biên giới Lào, vượt quốc lộ 9 tấn công căn cứ Làng Vei gần Khe Sanh khiến trại này bị thất thủ vào lúc 18 giờ 40. Quân đồn trú chỉ còn 72 người rút lui về Khe Sanh, số còn lại 316 người coi như chết và mất tích. Trong khi đó, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Huế đã tái chiếm một phần lớn khu vực hữu ngạn sông Hương. Việt Cộng phải rút ra cố thủ tại vùng ngoại ô.
Sáng ngày 10 tháng 2/1968, Việt Cộng đột nhập thị xã Bạc Liêu đốt trên 1,000 căn nhà của dân chúng. Tại Huế, Việt Cộng còn duy trì áp lực tại vùng Cửa Hữu và khu vực Bắc cầu Bạch Hổ. Các thị xã và thị trấn khác đều được giải tỏa. Tại đô thành Saigon – Chợ Lớn, quân đội VNCH tiếp tục mở các cuộc lục soát trong nội thành và hành quân tảo thanh vùng ven độ. Các lực lượng Việt Cộng lần lượt rút ra xa đô thành.
Tình hình Khe Sanh cũng yên tĩnh sau vụ thất thủ Làng Vei.
Tại khắp các thành phố và đô thị, Việt Cộng đã tung vào trận đánh rất nhiều cán bộ chính trị để xúc tiến việc thành lập những chính quyền mới. Họ tạo dựng một tổ chức chính trị mới gọi là “Mặt Trận Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình,” một tổ chức tổng hợp các đảng Miền Nam đại diện cho tất cả màu sắc chính trị. Mặt trận này cũng là một loại tổ chức như Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Cộng Sản miền Bắc gầy dựng và giật dây. Mặc dầu rằng vào tháng 8 năm 1967, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã đưa ra một bản cương lĩnh mới với mục đích mở rộng nền móng tổ chức mặt trận và để lập một chánh phủ đoàn kết quốc gia ở Miền Nam, nhưng mặt trận này cũng vẫn không thu thập được sự ủng hộ của nhiều người.
Khi cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân xảy ra, Hà Nội tung ra tổ chức Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình là có ý thu hút cấp thời ngay được các giới trí thức ở các thành thị vào các liên minh chính trị mới và những liên minh mới này sẽ góp vai trò trong một chính phủ liên hiệp tương lai.
Tại thủ đô Saigon, Mặt Trận Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình do luật sư Trịnh Đình Thảo, ông Lâm Văn Tết cùng Thượng Tọa Thích Đôn Hậu cầm đầu. Thành phần này thuộc trong tổ chức trung ương. Còn tại Huế, một tổ chức loại này cũng thật sự ra mặt hoạt động và do giáo sư Lê Văn Hảo cầm đầu. Tổ chức này đã gây ra nhiều xáo trộn chính trị tại thành phố Huế.
Kế hoạch Tổng tiến công
Thoạt đầu, từ trước những ngày Tết, Việt Cộng cho xâm nhập vũ khí đạn dược chất nổ vào thành phố và đô thị bằng cách mang tay qua các vùng ven đô ven thị, bằng chuyển vận trên các xe chở hàng hóa qua các cửa ngõ kiểm soát vào trong thành phố. Thường thường Việt Cộng dấu vũ khí đạn dược trong hòm xe, trên chất hàng hóa. Nhất là các xe chở dưa hấu.
Trong dịp Tết, Việt Cộng lọt qua các trạm kiểm soát tài nguyên yên ổn và không có một trường hợp bị bắt nào xảy ra. Chuyên chở vũ khí vào thành phố trên các xe chở hàng đã được nhiều tù binh Việt Cộng xác nhận. Việt Cộng còn cho vũ khí xâm nhập vào thành phố trên các ghe chở cát và khi bốc cát lên bờ, vũ khí được dấu để ngay dưới đống cát.
Các vũ khí đạn dược ngoài sự dấu diếm trong các nhà của cán binh nội thành, phần nhiều được dấu ở các nghĩa địa, như tường hợp ở thủ đô Saigon trong dịp Tết. Việt Cộng dấu trong các quan tài chôn xuống đất và vì là mùa khô nên đạn dược súng ống không bị hư hỏng rỉ sét. Các nghĩa địa được chọn dấu vũ khí sẽ biến thành những địa điểm tập trung và phân phát vũ khí trước khi hành sự.
Mặt khác, các cán bộ nằm vùng trong nội thành đại để như các cán bộ cơ sở tiếp rước, cán bộ cơ sở tiếp trú, cán bộ tiếp tế, cán bộ xây dựng cán bộ kinh tài, cán bộ phụ trách các giới, cán bộ cơ sở liên lạc, cán bộ liên lạc đặc biệt, cán bộ cơ sở rải truyền dơn, cán bộ truyền tin và đặc công, người nào việc ấy đều được học tập để chuẩn bị cho các công tác sắp tới. Việt Cộng cho rằng các trận đánh thành hay bại là do nơi các đặc công mà họ coi là những thành phần cốt cán và ưu tú nhất.
Vào những ngày giáp Tết, Việt Cộng cho nhiều đơn vị cải trang thường dân với đầy đủ giấy tờ hợp lệ, xâm nhập vào nội thành và họ đã lọt vào các thành phố, còn được đưa đi ăn, đi coi hát và được dẫn đến những địa điểm được lựa chọn làm mục tiêu tấn công để quan sát trước khi đánh.
Kế hoạch đánh chiếm các thành phố và đô thị của Việt Cộng đã được hoạch định như sau:
Chọn lựa các mục tiêu quyết định như cứ điểm quan trọng quân sự, cơ quan đầu não hành chánh. Để đánh chiếm các mục tiêu này, Việt Cộng xử dụng các đơn vị đặc công hoặc đã nằm sẵn trong thành phố, hoặc xâm nhập từ ven biển vào. Các đơn vị này võ trang súng B-40, B-41 (súng phóng lựu, thường dùng để chống thiết giáp), cùng súng AK và các chất nổ xung kích vào các mục tiêu một cách bất ngờ để làm chủ tình hình mau chóng.
Cho quân tràn vào các khu đông dân cư nhất gồm các khu dân cư lao động. Phối hợp với các đơn vị quân sự, họ mang theo nhiều cán bộ chính trị để xúi dục dân chúng thành phố nổi dậy, cướp chính quyền lập một tổ chức chính trị mới. Để chuẩn bị cho kế hoạch tổng công kích – tổng khởi nghĩa, vào cuối năm 1967 Hà Nội đã cho xâm nhập vào Miền Nam trên 300 cán bộ trí thức gồm đủ thành phần như giáo sư, giảng sư đại học, kỹ thuật gia điện ảnh, văn nghệ sĩ, kỹ sư, bác sĩ, v.v… Họ được phân chia đều cho các tỉnh để làm nồng cốt cho việc tổ chức một mặt trận chính trị và văn hóa sau ngày tổng công kích thành công.
Để tham dự vào cuộc tổng công kích, Việt Cộng đã huy động lối 97 tiểu đoàn. Những tiểu đoàn này đều mang những danh hiệu đơn vị quen thuộc, nhưng các thành phần binh sĩ đa số gốc tại Bắc Việt mới xâm nhập vào trước trận đánh chừng 2 đến 3 tháng. Có rất nhiều cán binh Việt Cộng còn là con nít dưới 15 tuổi. Không biết Việt Cộng đã nghĩ sao mà đem đám trẻ thơ non dại này vào chiến trận để hủy diệt cuộc đời đầy thanh xuân và hy vọng của các em… Những cán binh này chưa quen trận mạc, thiếu kinh nghiệm chiến trường, ngỡ ngàng trước trận địa là nhà cửa và thành phố. Lý do chính của sự thất bại của Việt Cộng một phần lớn do ở khả năng tác chiến kém cỏi của những cán binh trẻ tuổi này.
Kế hoạch tổng công kích – tổng khởi nghĩa đã được giữ bí mật đến khi trận đánh xảy ra trên toàn quốc. Sự thống nhất chỉ huy của Việt Cộng cũng có phần mạch lạc, phát khởi các trận đánh tại các tỉnh lỵ vào một thời gian không xê xích mấy. Có lẽ Việt Cộng đã lấy mốc đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968 để làm chuẩn thời gian phát động chiến dịch tổng tấn công. Ngoài ra, các đơn vị Việt Cộng tham dự trực tiếp các trong trận đánh đã dùng chiến thuật bôn tập để tránh mọi sự tiết lộ trước khi đánh. Trong kế hoạch tổng tấn công này, Việt Cộng đã dự liệu đến phương thức “Nhất Điểm Lưỡng Diện.” Họ đã bày ra “diện” bằng những hoạt động cầm chân vào đầu năm 1968 tại Khe Sanh để dồn quân bất ngờ đánh vào “điểm” là các thành phố và thủ đô.
(Còn nữa)
____
Phần này mình trích nguyên văn từ sử gia Phạm văn Sơn, vì phía VNCH là bên chịu thiệt hại chính, là chiến trường trực tiếp, nên họ có được những báo cáo, đánh giá, số liệu thống kê thực tế nhất mà phía CS và Mỹ ít có điều kiện để thực hiện. Mình cũng đã so sánh với các nguồn từ CS và Mỹ thì thấy nhận định của ông Sơn không hề cường điệu, thiện lệch, ngoại trừ con số thống kê thì khó kiểm soát.
Phân tích từ cá nhân mình sẽ ở phần tiếp theo.
https://baotiengdan.com/2018/02/04/cuoc-tong-tan-cong-tet-mau-than-phan-2/