Cuộc sống cơ cực của những người muốn rời Saigon, ‘tụi em chỉ gồng được 1-2 tháng thôi’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cuộc sống cơ cực của những người muốn rời Saigon, ‘tụi em chỉ gồng được 1-2 tháng thôi’

Nhiều tháng mất việc, không thu nhập, hết tiền đóng trọ, cũng không thể về quê, sống nhờ thực phẩm cứu tế, nhiều lao động tự do đang mắc kẹt ở TP.HCM sống lay lắt.

Theo báo VnExpress, tối 15/8, ông Sơn, 50 tuổi, cùng vợ buồn bã xách valy, bao tải đựng quần áo trở lại phòng trọ 15m2 bốc mùi ẩm mốc, thuê 1,5 triệu đồng mỗi tháng, nằm ở con hẻm phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân, sau chuyến hồi hương thất bại. Vợ chồng ông là hai trong số gần 800 người lái xe máy tự phát về quê nhưng bị chính quyền TP. Thủ Đức, quận 12 và Bình Tân chặn lại, vận động quay về nơi ở.

Nửa năm trước, thấy hai người con đầu lập gia đình nhưng kinh tế khó khăn, ông Sơn cùng vợ khăn gói rời nhà ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát, Bình Định vô TP HCM làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi đứa út đang ăn học. Ông làm thợ xây cho thầu phụ với tiền công 450.000 đồng mỗi ngày. Vợ ông trộn hồ, khiêng gạch, quét vôi tiền công bằng 2/3 so với thợ chính. Công trình lúc có lúc không khiến thu nhập cả hai bấp bênh.

Đầu tháng 6, khi TP.HCM giãn cách xã hội, công trình xây dựng tạm ngưng, hai vợ chồng thất nghiệp. Tiền để dành sau một tháng thì cạn kiệt, cả hai vay mượn khắp nơi mua đồ ăn, trả tiền nhà trọ và được người thân tiếp tế nhưng chỉ đủ cầm cự đến cuối tháng 7.

Ông Huỳng Văn Sơn cùng vợ ăn mì lót dạ tại nhà trọ sau chuyến về quê bất thành, tới 15/8. (Ảnh: Đình Văn/VnExpress).

Anh Phạm Văn Đại (28 tuổi, quê Nghệ An). “Tụi em lao động chân tay, gồng được 1-2 tháng thôi. Dịch bệnh, được trợ cấp giờ cũng đã hết. Ở lại thì ăn cái gì đây, chỗ trọ thì cũng bị đuổi ra ngoài”, anh Đại nói.

Chung hoàn cảnh với anh Sơn nhưng vợ chồng nữ công nhân Lê Thị Quỳnh, 20 tuổi vừa được UBND phường Bình Hưng Hoà B đóng một tháng tiền trọ đã nợ để được quay về ở. Hai ngày trước thời điểm lái xe máy cùng đoàn người tập trung về quê ở quốc lộ 1, vợ chồng chị Quỳnh được chủ trọ nhắn tin buộc phải ra khỏi phòng vào ngày 15/8 nếu không đóng tiền.

Bí bách, cả hai mượn tiền đổ xăng vào bình nhựa 5 lít, gom hết đồ đạc chất lên xe để về quê cùng với con trai 3 tuổi. Hai vợ chồng dù cạn tiền nhưng nghĩ đi cùng đoàn đồng hương sẽ không lo đói trên đoạn đường hơn 1.100 km từ TP.HCM tới Quảng Trị. Nhưng chỉ đi được chục km, cũng như vợ chồng ông Sơn, cả hai bị cơ quan chức năng chặn lại.

Không tiền, không việc làm, cả hai chỉ ăn một buổi mỗi ngày để tiết kiệm. “Thường vợ chồng ngủ đến 2h chiều mới dậy nấu ăn, đến khuya nếu đói bụng quá chế mì ăn trước khi đi ngủ”, chị Quỳnh cho hay.

Vợ chồng chị Quỳnh về lại phòng trọ rộng 10m2. (Ảnh: VnExpress).

Anh Phạm Văn Đại (28 tuổi, quê Nghệ An) người trong đoàn xe máy về quê đa số là công nhân, lao động bị mất việc. Do dịch bệnh người dân buộc phải tìm đường về quê bằng xe gắn máy vì không có sự lựa chọn nào khác. “Tụi em lao động chân tay, gồng được 1-2 tháng thôi. Dịch bệnh, được trợ cấp giờ cũng đã hết. Ở lại thì ăn cái gì đây, chỗ trọ thì cũng bị đuổi ra ngoài”, anh Đại nói.

Anh Nguyễn Văn Hồng chuẩn bị nhu yếu phẩm và đồ dùng cần thiết để chở vợ con từ nhà trọ ở Q. Bình Tân, TP.HCM để về Bình Định bằng xe gắn máy. Đi chung đoàn xe với anh là những gia đình cùng chung cảnh ngộ, tất cả đều thất nghiệp, với mong muốn về quê để qua giai đoạn khó khăn này. “Thất nghiệp, tiền trọ thì vẫn thu, con nhỏ không có gì ăn, đã trụ mấy tháng rồi bây giờ hết khả năng buộc phải về quê thôi”, anh Nguyễn Văn Hồng – quê Bình Định chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Chung (34 tuổi, quê Bình Định) cho biết, về quê như thế này là sai quy định nhưng không còn cách nào khác. “Biết đi như thế này về quê là mình sai, tập trung đông người nhưng ở lại thì không có tiền đóng tiền trọ, tiền ăn uống, giờ cũng không biết làm sao. Mong cơ quan chức năng tạo điệu kiện giúp đỡ để được về quê”, anh Chung buồn rầu khi chia sẻ với Thanh Niên.

Theo ông Lê Văn Bảy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ quận Bình Tân, địa phương có hơn 350.000 công nhân sống trong hơn 100.000 phòng trọ. Từ cuối tháng 7, đơn vị đã phối hợp các tỉnh tổ chức nhiều đợt đón công nhân về quê và vận động họ không đi xe máy tự phát.

Một trong những địa phương có nhiều công nhất TP.HCM là quận 12, đã vận động hơn 60.000 chủ phòng trọ giảm hoặc giãn tiền nhà để giữ gần 180.000 lao động ở lại. 

Nếu tính cả đợt cách ly xã hội một tháng công bố tối 15/8, TP.HCM trải qua hơn ba tháng rưỡi giãn cách theo nhiều cấp độ. Thời gian cách ly kéo dài đã ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều người dân bị mất việc, cuộc sống khó khăn và bấp bênh.

Trong lần bùng phát dịch thứ tư, thành phố triển khai hai gói hỗ trợ người dân khó khăn. Đến nay, gói thứ nhất với tổng số tiền 886 tỷ đồng. Gói thứ hai tổng kinh phí hơn 900 tỷ đồng, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân trước ngày 15/8, nhưng đến nay, việc hỗ trợ chưa hoàn thành, một số quận huyện tỷ lệ chi trả còn thấp.

Hà Phương

https://www.dkn.tv/doi-song/cuoc-song-co-cuc-cua-nhung-nguoi-muon-roi-tp-hcm-tui-em-chi-gong-duoc-1-2-thang-thoi.html