Cuộc đấu tranh đòi đất đầu tiên trong bang giao Việt-Trung (P2)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cuộc đấu tranh đòi đất đầu tiên trong bang giao Việt-Trung (P2)

Posted by The Observer –  Tác giả: Hồ Bạch Thảo

2. Nhà Tống kinh doanh vùng đất mới chiếm, nhưng bị Đại Việt gây áp lực

Trình Di, tự Chính Thúc [1032-1085], nhà lý học và giáo dục nổi tiếng thời Bắc Tống ảnh hưởng lớn đến hậu thế;  người học chữ Nho thời xưa đều tự nhận là môn đệ, nên thành ngữ có câu “cửa Khổng sân Trình”. Là học giả đối lập với Thừa tướng Vương An Thạch, người chủ trương xâm lăng nước Đại Việt, nên ông theo dõi khá kỹ về cuộc chiến tranh này. Ông quê tại đất Hà Nam, lời của ông được đệ tử Tô Sung ghi lại trong sách Hà Nam Trình Thị Di Thư [河南程氏遺書], sách này có phần đề cập đến cuộc chiến Việt-Trung, tổng kết phía Trung Quốc tổn thất đến 30 vạn người:

Trường Biên quyển 280. Năm Hy Ninh thứ 10 [22/3/1077]

….Sách Hà Nam Trình thị di thư, Tô Sung chép: “Chính Thúc bàn về sự việc tại An Nam như sau ‘Đương sơ lúc biên giới có việc, không dùng các nơi gần tập hợp cứu viện, tuy binh tướng trải qua lam chướng, triều đình bảo lo lắng cho dân chúng, nhưng không cấp tuất. Lúc này không cứu viện, ứng phó, để cho giặc tung hoành, đánh giết đến mấy vạn. Nay bảo rằng đợi thời, nhưng không đợi đến mùa thu mát mẻ, ngay mùa đông đi vào đất giặc. Lương thực tích trử tại phía bắc lãnh, phải chuyển vận đến phía nam lãnh; vào tháng 7 vận chuyển qua lãnh, bị lam chướng, số người chết đến mấy phần, đến lúc qua biên giới, lương không  kế tục mang theo. Vào đến sào huyệt giặc, dùng bè chở 500 quân qua sông, vừa chặt vừa đốt, không phá nổi mấy trại giặc bằng tre. Rồi chèo bè không trở về để mang thêm quân tiếp cứu, thì số quân qua sông bị giặc bắt giết; quân ta không được cứu, hoặc chết hoặc chạy trốn; cuối cùng không thành công, vùng tranh chấp chỉ có 25 dặm. Lại muốn sang tiếp, nhưng không có thuyền, không có lương cho lính, sự tính toán sai lầm từ trước tới nay chưa từng xảy ra! May mà giặc xin cung thuận, mới có lời để ứng phó; nếu như chúng không chịu thuận, thì lấy gì xử trí đây? Phu vận lương 8 vạn người chết, quân lính 11 vạn lam chướng chết; chỉ còn 2 vạn 8 ngàn trở về, trong đó có nhiều người bị bệnh; số người trước đó bị giặc giết, tất cả không dưới 30 vạn người; sự hôn ám vô mưu đến như vậy là cùng!”[1]

Với số tổn thất lớn như vậy, triều Tống chỉ mong khai thác được nhiều vàng tại châu Quảng Nguyên để dân chúng đỡ ca thán. Bèn ra lệnh mở mang châu này, ngoài việc điều động quân lính đến đồn trú, còn đày các tội nhân từ phía nam sông Hoài [Giang Tô] đến lập nghiệp, nhằm tăng dân số để đủ nhân lực khai thác nhiều mỏ vàng, bạc:

Trường Biên, quyển 280. Năm Hy Ninh thứ 10 [1077]

Ngày Kỷ Mão tháng giêng [23/2/1077], ty Tuyên phủ tâu Quảng Nguyên mới đặt thành châu, đưa quân đến phòng giữ; xin theo lệ các châu Hy, Hà, Nguyên, đày các tội nhân làm lao thành. Chiếu ban từ Hoài xuống phương nam, các tội nhân đều đày tại Quảng Nguyên.

Bọn Quách Quì xin sai Quảng Nam Tây Lộ Đề điểm hình ngục đặt mỏ khai thác vàng, bạc tại châu Quảng Nguyên; được chấp thuận.[2]

Về quân lực, tăng cường thêm 17 chỉ huy[3] quân Uy Quả tinh nhuệ từ các châu  phương bắc, như Hồng Châu tại vùng Giang Tây:

Ngày Mậu Ngọ tháng 3 [3/4/1077], mới khắc phục các châu Quảng Nguyên, Tư Lang từ An Nam; xin sai 17 chỉ huy  quân Uy Quả từ các vùng như Hồng Châu [Giang Tây] đến phòng thủ. Thiên tử phê:

“Trước đây đã sai Đô đại đề cử Trương Thành Nhất tuyển Sai sử thần cho dạy tại Mã Quân Giáo Đầu; có thể cải sai Nội thị phó đô tri Vương Trung Chính, vẫn cho Trung Chính giữ chức Nhập nội phó đô tri.”[4]

Nhắm củng cố và mở mang, triều đình bổ hàng loạt quan lại đến châu Quảng Nguyên, lúc tới nơi được đặc cách thăng thưởng:

Ngày Nhâm Dần tháng 2 [18/3/1077], chiếu ban Tri châu Quảng Nguyên, Thông phán, Thiêm sự, Phán quan, Kiềm hạt, Đô giám, Giám áp đều được thăng 1 bậc quan, hết nhiệm kỳ thăng 1 nhiệm. Các quan về tham mưu văn phòng, Lục sự tham quân, Phán, Ty, Bạ, Úy, Tri huyện, đến lúc mãn nhiệm kỳ mỗi người đều được ban ơn. Các quan bổ sung như Hộ tào kiêm Lý pháp, Chính nhiếp văn học, Trưởng sử, được ưu đãi thưởng cấp, ban cho tờ khoán sử dụng phương tiện trạm dịch. Nhân thu phục Quảng Nguyên, Cơ [Quang] Lang; người ta sợ đến chỗ đó, nên có đặc ân như vậy.[5]

Châu Quảng Nguyên được tăng quân, tăng dân, bổ thêm quan, lấy thêm đất nội địa sáp nhập vào rồi đổi tên thành Thuận Châu; trở thành châu lớn ngang hàng với Ung Châu [Nam Ninh]. Thuận Châu không còn phụ thuộc vào Ung Châu như các châu nhỏ khác, cho trực tiếp dưới quyền Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây]:

Trường Biên, quyển 280. Năm Hy Ninh thứ 10 [1077]

Ngày Bính Ngọ [22/3/1077], đổi châu Quảng Nguyên thành Thuận Châu.[6]

Triều đình nhà Tống lưu ý chọn viên tướng giỏi là Đào Bật, trấn thủ biên thùy, giữ chức Tri Thuận Châu. Trong cuộc chiến tranh Lý- Tống, khi rút quân từ bờ phía bắc sông Cầu trở về nước, tổng chỉ huy Quách Quì chọn Đào Bật cầm quân giữ đoạn hậu, nhờ sự nghiêm cẩn của Bật, nên cuộc rút lui được an toàn. Lúc giữ chức Tri Thuận Châu, thường xuyên bị quân Đại Việt làm áp lực, nhưng Bật đã cố gắng hoàn thành phận sự cho đến chết, công trạng của Bật được chép trong Tống Sử, phần Liệt Truyện, như sau:

Đào Bật, tự Thương Ông, người đất Vĩnh Châu….Lúc Quách Quì nam chinh, thuyên chuyển Bật từ Đoàn luyện sứ Khang châu trở lại giữ chức Tri Ung châu [Nam Ninh]. Bấy giờ dân gặp ly loạn, trốn ẩn trong khe núi, Bật điều hàng trăm kỵ binh đến các động tại Tả Giang, dân biết Bật đã trở lại, mang già dắt trẻ trở về. Quì hành quân đến sông Phú Lương [chỉ sông Cầu], giao cho Bật giữ phía sau. Khi người Giao chịu nạp cống, Quì muốn rút quân, nhưng sợ bị tập kích. Bèn lập kế rút về đêm, quân không chỉnh tề nên bộ binh, kỵ binh dẫm đạp vào nhau, rút lui vô trật tự. Giặc ở bên kia sông trinh sát, nhưng biết Bật giữ phía sau, nên không dám truy kích. Bật đích thân hạ lệnh quân dưới quyền không dao động, đợi đến sáng xếp hàng đội đi từ từ; Quì nhờ đó rút lui được an toàn.

Đất chiếm được, đặt châu Thuận và huyện Quang Lang,[7] thăng Bật chức Tây thượng các môn sứ, Tri châu Thuận. Châu này cách Ung châu 2.000 lý, nhiều cây cỏ độc, chướng vụ, quân lính chết đến bảy tám phần mười; Bật cũng đau nặng, nhưng không tỏ cho quân biết sự mệt nhọc, xem thường gian khổ, ý khí khích ngang; quân sĩ cảm động, ra sức phấn đấu. Người Giao đánh lấy Quang Lang, thanh ngôn sẽ chiếm châu Thuận, nhưng cảm thấy khó vì Bật chỉ huy nơi này. Bật vốn được lòng người, nên hành động giặc đều biết trước. Bắt được gián điệp không giết, thuyết phục điều phải trái rồi thả cho đi, ân uy đều thi hành, nên suốt đời Bật, giặc không dám phạm. Được thăng chức Đông thượng các môn sứ, nhưng chưa nhận chức thì đã mất….[8]

Dưới quyền chỉ huy của Đào Bật, các mỏ vàng, bạc, chu sa được mở mang khai thác, triều đình ra lệnh cho Quảng Nam Tây lộ đặt cơ quan giao dịch mua bán:

Trường Biên, quyển 281. Năm Hy Ninh thứ 10 [1077]         

Ngày Bính Dần tháng 3 [11/4/1077], chiếu ban các mỏ vàng, bạc, chu sa tại châu Quảng Nguyên và Điền Nãi; lệnh ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ đặt cơ quan trao đổi giao dịch.[9]

Tham vọng khai thác các mỏ vàng, mỏ bạc tại châu Quảng Nguyên chỉ rầm rộ trong vòng nửa năm thì bị khựng lại. Nguyên do sau khi quân Tống rút lui, bị quân  Đại Việt theo bén gót; vào ngày 22 tháng 7 Hy Ninh thứ 10 [13/8/1077] ty Chuyển vận Quảng Tây do thám cho biết quân Đại Việt đang uy hiếp huyện Quang Lang. Vị trí Quang Lang hết sức quan trọng; trong các cuộc xâm lăng nước ta, quân Trung Quốc đều đi qua. Theo Đất Nước Việt Nam [trang 148] chép đời Lý gọi là Quang Lang, đời Trần và thời Minh đô hộ gọi là Khâu Ôn, tương đường với huyện Ôn Châu thời Nguyễn; vị trí dọc theo đường xe lửa từ thị xã Lạng Sơn đến Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Vừa mới được báo huyện Quang Lang bị uy hiếp, thì vua Tống lại sửng sốt khi được tin Quang Lang thất thủ, bèn đòi hỏi các yếu nhân đảm nhận trọng trách biên giới Việt Hoa như Triệu Tiết, Lý Bỉnh Nhất, Miêu Thời Trung, phải duyệt lại toàn bộ tình hình, nội dung được phản ảnh qua văn bản dưới đây:

Trường Biên, quyển 283. Năm Hy Ninh thứ 10 [1077]

Ngày Canh Ngọ 22 tháng 7 [13/8/1077], ty Chuyển vận Quảng Tây tâu do thám cho biết quân Giao Chỉ hiện ở các nơi ngoài huyện Cơ Lang [Quang Lang]. Chiếu ban:

“Huyện Cơ Lang đã bị giặc Giao Chỉ chiếm cứ, chưa thấy lộ này [lộ Quảng Tây] hợp tác thi thố như thế nảo. Cùng Quyết Lý, châu Thuận xa xôi, có hoặc không thể cố thủ? Làm thế nào để khỏi tổn hại uy tín của nước, cùng binh lực tài phí lâu nay khỏi bị lao tổn. Giao cho Triệu Tiết, Lý Bình Nhất, Miêu Thời Trung cùng thẩm xét chung sự lợi hại, không được suy ủy tránh né, làm lỡ triều đình đại sự một phương. Đợi bàn bạc xong, đích thân viết lời tâu lên.”[10]

Viên Nội điện sùng ban huyện Quang Lang, cùng kẻ dưới quyền bỏ chạy vào nội địa; bị triều đình nhà Tống xử nặng, kẻ thì bị tử hình, kẻ thì bị đày ra ngoài đảo:

Trường Biên, quyển 287. Năm Nguyên Phong thứ nhất [1078]

Ngày Quí Vị [22/2/1078], lệnh chém Nội điện sùng ban huyện Cơ Lang [Quang Lang] Trần Tung phụ trách tuần phòng địa phận, đày Tam ban sai sử Hồ Thanh đến đảo Sa Môn. Bị tội vì tâu sàm rằng giặc đến, vô cớ tự tiện rút chạy bỏ thành trại.[11]

Không riêng gì huyện Quang Lang, ngay tại Thuận châu tức hậu thân của châu Quảng Nguyên; nơi nhà Tống đã lưu ý điều động trọng binh, trong đó có 17 chỉ huy quân tinh nhuệ Uy Quả từ các châu vùng Giang Tây đến đồn trú, cũng bị uy hiếp nặng nề. Vua Tống đành phải điều tiếp quân Đoàn Kết Toàn Tương tại Hồ Nam đến tăng viện:

Quyển 297. Năm Nguyên Phong thứ 2 [1079]                                   

Ngày Kỷ Vị tháng tư [24/5/1079], ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu rằng man cướp phá châu Thuận, xin thêm quân. Thiên tử phê:

“Có thể điều động quân  Đoàn Kết Toàn Tương tại Đàm Châu [Hồ Nam] tạm thời đóng tại đó; khiến có thể trấn an nhân tâm hai xứ Quảng, không để khiếp sợ. Chờ cho việc biên giới ỗn định thì cho trở về.”[12]

Tình trạng tại châu Thuận trở nên trầm trọng hơn, ngoài việc quân Đại Việt quấy phá từ bên ngoài, lại có nội phản từ bên trong; nên triều đình nhà Tống phải điều binh đến, cùng nhờ các châu, động lân cận cứu viện:

Quyển 298. Năm Nguyên Phong thứ 2 [1079]

Ngày Bính Tý tháng 5 [10/6/1079], ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu:

“Man Thuận Châu phản, Nội điện sùng ban Tri động Cổ Lộng, Linh Sùng Khái dẹp tan được; lại có Tri châu Qui Hóa, Văn tư phó sứ Nùng Trí Hội, suất đinh tráng hơn 1 ngàn 2 trăm người tiếp viện; xin được tưởng thưởng.”

Chiếu thăng Sùng Khái làm Cung bị khố phó sứ; Trí Hội làm Cung uyển phó sứ.[13]

Xét tình hình chung sau khi được tin huyện Quang Lang thất thủ, trong văn bản ngày 22 tháng 7 năm Hy Ninh  thứ 10 [13/8/1077] vua Tống Thần Tông đã ra lệnh cho Tri Quế Châu  Triệu Tiết, Chuyển vận sứ Quảng Tây Lý Bình Nhất; Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây, Hải Nam] Miêu Thời Trung  “cùng thẩm xét chung sự lợi hại”  “có hoặc không thể cố thủ” “Đợi bàn bạc xong, đích thân viết lời tâu lên”.

Những lời tâu của 3 viên quan này thuộc loại mật, không thấy ghi lại trong chính sử; tuy nhiên qua sự kiện nêu trong văn bản dưới đây chứng tỏ sau khi tham khảo với các vị quan trực tiếp cai trị Quảng Nam Tây Lộ, Vua Tống đã thay đổi chính sách.Trước đây chủ trương xây dựng châu Thuận mạnh, cho tăng cường nhiều quan, quân; đưa các vùng đất sát biên giới như Cống động, Thuận An châu[14] sáp nhập vào châu này; nay trước áp lực của Đại Việt, triều đình nhà Tống ước tính có thể buộc phải trả đất để hòa giải; bèn đưa các vùng đất trước kia đã cho sáp nhập trả lại cho Ung Châu [Nam Ninh]; để châu Thuận chỉ còn lại đất Quảng Nguyên cũ, trước kia đã lấy từ Đại Việt:

Quyển 297. Năm Nguyên Phong thứ 2 [1079]                                   

Ngày Bính Thìn tháng 4 [21/5/1079], ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu:

“ Các đất như Thuận An Châu, Cống Động trước lệ Ung Châu, mới đây ty Tuyên phủ nhân thu phục Quảng Nguyên cho lệ vào châu Thuận; xin trở lại lệ thuộc theo cũ.”

Thiên tử chấp nhận.[15]

Ngoài ra nhà cầm quyền Quảng Nam Tây Lộ lại cưỡng ép gần 1 vạn dân từ Thuận châu trở về nội địa với mỹ từ qui minh,[16] tức hồ hởi đi theo con đường sáng; nhưng lại lộ liễu ý đồ bằng cách tuyên bố dùng quan lại địa phương để “giác sát”,[17] tức kềm kẹp quan sát phát giác kẻ địch trà trộn. Sự việc được tâu trình, triều đình nhà Tống khôn ngoan hơn, bắt bỏ 2 chữ “giác sát”:

Quyển 309. Năm Nguyên Phong thứ 3 [1080]

Ngày Canh Thìn tháng 10 [5/12/1080], ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu:

“ Tri Ung châu An phủ đô giám Lưu Sơ báo về việc dời những người thuộc gia đình qui minh gồm 9.929 người đến các châu động gần, để có thể cưỡng ép. Sai Tả Giang ủy đạo lộ Tuần kiểm Nùng Bảo Phúc, Tri Giang châu Hoàng Thiên Hưng, Hữu Giang ủy Tri Điền châu Hoàng Quang Thiến, Tri Đống châu Hoàng Án Định, lo quản lý giác sát .”

Chấp thuận; lại có chiếu thư bắt bỏ 2 chữ “giác sát”; sợ tổn thương dân qui thuận.[18]                                                                                                                                                                                             ***

Những vùng đất bị mất vào tay nhà Tống Trung Quốc, giống như cây cọc nhọn đâm vào thân thể nước Đại Việt; nhờ sự phấn đấu không ngừng, cây cọc đã có hiện tượng lung lay. Bước kế tiếp với chính sách lúc cương lúc nhu; triều đình nước ta tìm cách nối lại bang giao, cử các phái đoàn sang Trung Quốc đàm phán, để tìm cách nhổ chiếc cọc này.

(Còn tiếp)

 

————–

[1] Nguyên văn: 河南程氏遺書,蘇兖云:正叔論安南事:「當初邊上不使令逐近點集應急救援,其時雖將帥兵革冒涉炎瘴,朝廷以赤子為憂,亦有所不恤也。其時不救應,放令縱恣,戰殺至數萬。今既後時,又不候至秋涼,迄冬一直趨寇,亦可以前食嶺北食積,於嶺南般運。今乃正於七月過嶺,以瘴死者自數分,及過境又糧不繼。深至賊巢,以栰度五百人過江,且斫且焚,破其竹寨幾重不能得。復棹其空栰,續以救兵,反為賊兵會合禽殺,吾眾無救,或死或逃,遂不成功,所爭者二十五里耳。欲再往,又無舟可度,無糧可戍,此謬算未之有也。猶得賊辭差順、遂得有詞具承當了,若使其言猶未順,如何處之?運糧者死八萬,戰兵瘴死十一萬,餘得二萬八千人生還,尚多病者,又先為賊殺戮數萬,都不下三十萬口,其昏謬無謀如此甚也.

[2] Nguyên văn: 宣撫司言,廣源州初為州,須兵防拓,乞依熙、河、沅州例,配罪人為牢城。詔出自淮以南州軍配罪人,並配廣源州。

郭逵等言,乞就差廣南西路提點刑獄提舉興置廣源州等處金銀坑冶。從之。

[3] Chỉ huy: Theo văn bản Trường Biên ngày Kỷ Dậu tháng chạp năm Hy Ninh thứ 8 [30/1/1076], 1 chỉ huy có khoảng 500 quân.

[4] Nguyên văn: 詔安南新克復廣源、思琅等州,可差洪州等處威果等十七指揮往防托。上批:「前日指揮差張誠一都大提舉選差使臣教在京馬軍教頭,可改差內侍副都知王中正,仍以中正為入內副都知。

[5] Nguyên văn: 詔廣源知州、通判、簽書判官、鈐轄、都監、監押並遷一官,候及一年更遷一官,任滿陞一任。幕職官、錄事參軍、判、司、簿、尉、知縣,候任滿各推恩。戶曹兼理法,以正攝官文學、長史等充,任滿與令錄,優其請給,更與驛券。以收復廣源、機榔置郡縣,人憚行故也。

[6] Nguyên văn: 以廣源州為順州.

[7] Quang Lang, Trường Biên gọi là Cơ Lang; Cương Mục, Chính Biên, quyển 3, chú thích: Tên huyện. Nhà Lý gọi là huyện Quang Lang; nhà Trần gọi là châu Khưu Ôn; khi thuộc Minh gọi là Ôn Huyện; nhà Lê gọi là Ôn Châu, tức là Ôn Châu tỉnh Lạng Sơn bây giờ.

[8] Nguyên văn: 陶弼,字商翁,永州人。.郭逵南征,轉弼康州團練使,復知邕州。民再罹禍亂,散匿山谷,弼率百騎深入左江峒,民知其至,扶老攜幼以歸。逵帥官軍臨富良江,使弼殿。交人納款,逵欲班師,恐為所襲。乃以計夜起,軍不整,騎步相蹈藉亂行。賊隔江陰伺覘,知弼殿,弗敢追。弼申令帳下毋動,遲明,結隊徐行,逵賴以善還。建所得廣源峒為順州,桄榔為縣。進弼西上閣門使,留知順州。

州去邕二千里,多毒草瘴霧,戍卒死者什七八,弼亦疾甚,然蚤莫勞軍,視其良苦,意氣激揚,士莫不感泣,強奮起為用。交人襲取桄榔,揚聲欲圖州,獨難弼。弼素得人心,賊動息皆先知。獲間諜不殺,諭以逆順,縱之去,恩威兩施,以是終弼在不敢犯。加東上閣門使,未拜而卒.

[9]詔廣源州及填乃等處金銀、硃砂坑冶,令廣南西路經略司興置回易。

[10] Nguyên văn: 廣西轉運司言,探得交趾兵甲見在機榔縣外等事。詔:「機榔縣既為交賊襲據,未見本路合作何措置,及決里、順州久遠可與不可固守,如何即不損國威,及經久兵力財費得免勞乏。委趙卨、李平一、苗時中同共審計確的利害,不得依違顧避,致誤朝廷一方大事。候議定,仍親書入急遞聞奏。

[11] Nguyên văn: 斬內殿崇班、機榔縣【三五】巡防地分陳嵩,刺配三班差使、機榔縣守把胡清沙門島。坐妄稱賊至,無故擅棄城寨而走也。

[12] Nguyên văn: 己未,廣南西路經略司【一七】言蠻寇順州,乞濟師。上批:「可發潭州團結兵全將往桂州權戍,庶可以鎮安二廣人心,不致怯懼,候邊事息追還。

[13] Nguyên văn: 丙子,廣南西路經略司言:「順州蠻叛,內殿崇班、知吉弄峒零崇槩討平之,及知歸化州、文思副使儂智會率丁壯千二百餘人應援,乞推賞。」詔擢崇槩為供備庫副使,智會為宮苑副使。

[14] Cần phân biệt Thuận An châu và châu Thuận: Thuận An châu nguyên là động Vật Ác, bị Nùng Trí Hội nạp cho nhà Tống, hiện nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, thuộc Tĩnh Tây thị [jingxi], tỉnh Quảng Tây. Châu Thuận, tức châu Quảng Nguyên, hiện thuộc tỉnh Cao Bằng Việt Nam. Để độc giả dễ phân biệt, vùng đất nào thuộc Trung Quốc hiện nay, người viết cố ý dùng chữ theo kiểu Trung Quốc, như Thuận An châu, Cống động; vùng đất nào thuộc Việt Nam dùng chữ theo lối Việt Nam như châu Thuận, huyện Quang Lang vv…

[15] Nguyên văn: 丙辰,廣南西路經略司言:「順安州、貢峒等舊隸邕州,昨宣撫司因收復廣源,分隸順州,乞還舊隸。」從之。

[16] Qui minh 歸明: theo con theo đường sáng; từ ngữ tỏ ra tự phụ tự kiêu, dùng để chỉ dân các nước lân bang bỏ theo Trung Quốc.

[17] Giác sát: quan sát và phát giác.

[18] Nguyên văn: 廣南西路經略司言:「知邕州、安撫都監劉初奏,遷徙歸明人戶,共九千九百二十九人,並在近裏州峒,可以彈壓。仍乞左江委道路巡檢儂保福、知江州黃遷興,右江委知田州黃光倩、知凍州黃案定都大照管覺察。」從之。既又詔除去覺察二字,恐傷新民歸順之情。