Cuộc chiến Mỹ-Trung: “Cây gậy” thuế quan và “lằn ranh đỏ”
Sau nhiều dấu hiệu tích cực về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, những diễn biến bất lợi vào phút cuối cùng đã khiến cho cuộc chiến giữa hai cường quốc kinh tế này lại lâm cảnh bế tắc.
Vài tiếng đồng hồ sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc (TQ) Lưu Hạc đặt chân đến thủ đô Washington (Mỹ) ngày 9-5, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chính thức tăng gấp đôi thuế quan vào hàng hóa TQ trị giá khoảng 200 tỉ USD. Sau đó, các cuộc đối thoại diễn ra trong hai ngày 9 và 10-5 đã không thể phá vỡ bế tắc xoay quanh yêu cầu của ông Trump nhằm thu hẹp sự mất cân bằng cán cân thương mại Mỹ-Trung.
Bắc Kinh bày tỏ sự hối tiếc về động thái mới nhất của Mỹ và nhắc lại họ sẽ có biện pháp “đối phó” cần thiết. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ TQ sẽ đáp trả như thế nào và bao giờ.
Sau nhiều tháng đàm phán nhằm chấm dứt cuộc tranh chấp đã ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu trong năm qua, tình hình mới nhất từ hai cường quốc liệu sẽ làm sâu sắc thêm căng thẳng Mỹ-Trung hay là một bước chuyển tiếp cho giai đoạn mới hiện vẫn còn là một ẩn số. Nhưng chắc chắn điều gì xảy ra tiếp theo sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng, theo hãng tin CNN.
Chặng cuối của cuộc đua marathon
Sau 11 vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung kết thúc nhưng không có thỏa thuận nào đạt được, lần đầu tiên ông Lưu đã nhấn mạnh ba điểm ông cho là những khác biệt chính giữa hai bên. Đó là yêu cầu của Bắc Kinh về loại bỏ hoàn toàn thuế quan, thứ hai là một kế hoạch thực tế hơn trong việc TQ mua hàng hóa Mỹ và cuối cùng là một thỏa thuận không làm suy yếu chủ quyền và giá trị của TQ.
Tờ The Washington Post cho biết ngày 11-5, phó thủ tướng TQ đã cố gắng đưa ra một thông điệp khá cứng rắn nhưng vẫn mềm mỏng đến chính quyền ông Trump. Ông Lưu ví cuộc đàm phán như một cuộc đua marathon và vì thế chặng cuối bao giờ cũng khó khăn nhất. Hơn nữa, dù TQ luôn phản đối một cuộc chiến thương mại nhưng sẽ giữ một “cái đầu lạnh” để cố gắng giải quyết nó. “TQ và cả nhân dân TQ sẽ không nao núng” – ông Lưu tuyên bố.
Trong một video được hãng thông tấn Tân Hoa Xã đăng tải, ông Lưu mô tả cuộc gặp gỡ ở Washington là “thẳng thắn và mang tính xây dựng” và thông báo hai bên đã đồng ý sẽ tiếp tục đối thoại ở Bắc Kinh. Theo ông, cuộc đối thoại lần này không thất bại mà ngược lại, ông rất lạc quan về tương lai và nghĩ đây chỉ là những trở ngại nhỏ không thể tránh khỏi trong quá trình đàm phán song phương.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump ngày 11-5 đe dọa TQ sẽ phải đối mặt với một thỏa thuận tồi tệ hơn nếu đàm phán tiếp tục vào nhiệm kỳ thứ hai của ông sau bầu cử tổng thống năm 2020, theo đài CNBC. Ông Trump cho biết mối quan hệ Mỹ-Trung vẫn rất sâu rộng dù hai nước đang vướng vào cuộc chiến thương mại. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn khẳng định cuộc đàm phán mới nhất là mang tính xây dựng nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Ông Trump trước đây đã tuyên bố hai bên dường như gần đạt được một thỏa thuận. Nhưng chỉ sau đàm phán ở Bắc Kinh hai tuần trước, tổng thống Mỹ bất ngờ cáo buộc TQ thất hứa, không tuân theo những điều khoản đã đồng ý trước đó và bắt đầu những đe dọa về thuế quan tăng từ 10% lên 25%. Mức thuế mới này chỉ áp dụng cho những hàng hóa được vận chuyển sau khi thông báo tăng thuế được đưa ra.
Theo tờ South China Morning Post, hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ trong điều khoản bảo vệ sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường và cân bằng cán cân thương mại nhưng nhiều vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết. Một cựu quan chức Bộ Tài chính cho biết TQ đã cố gắng đàm phán lại các điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ với Mỹ.
Không có yếu tố nào nguy hiểm đến sự phát triển toàn cầu hơn một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và TQ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người dân.
Bộ trưởng Tài chính Pháp BRUNO LE MAIRE
Mỹ đã chạm “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc?
Ông He Weiwen, cựu cố vấn kinh tế và thương mại tại lãnh sự quán TQ ở New York và San Francisco, cho rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để hai nước đạt được một thỏa thuận. Trong suốt quá trình đàm phán đó sẽ có vài xung đột xảy ra và sẽ trở thành bình thường trong mối quan hệ song phương này. Theo ông He, điểm mấu chốt bây giờ là TQ sẽ thông báo những biện pháp đối phó gì và khi nào.
Chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề Mỹ ở Viện Khoa học xã hội TQ Lu Xiang còn cho biết hai bên dù sẽ tiếp tục đàm phán nhưng sẽ khó đạt được sự đồng thuận về những khác biệt cơ bản. Ông Lu khẳng định TQ sẽ không muốn tình hình căng thẳng hơn nhưng cũng không ngần ngại đánh trả Mỹ trước sức ép thuế quan hiện nay.
Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, ông James Zimmerman, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại TQ, bày tỏ lo ngại rằng thuế quan sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa, TQ có thể sẽ thực hiện các biện pháp bao gồm sự giám sát chặt chẽ hơn về thuế, thị thực và việc tuân thủ luật cùng các hoạt động kinh doanh. Theo ông, hai nước sẽ đạt được một thỏa thuận tốt cho cả hai bên nhưng không phải là tiến bộ ở tất cả lĩnh vực.
Trong khi đó, một nhà nghiên cứu TQ tuần trước tuyên bố rằng Mỹ đã chạm phải “lằn ranh đỏ” của TQ. Động thái mới của Washington đã làm “rung chuyển” cả cơ chế chính quyền Bắc Kinh chứ không còn đơn thuần là vấn đề kỹ thuật nữa. Nếu TQ nhân nhượng để đạt được thỏa thuận với Mỹ, các nhà lãnh đạo sẽ bị buộc tội là không yêu nước. Nhưng nếu TQ kiên quyết giữ vững quan điểm, nền kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.