Cuộc chiến đấu của những Người Lính không còn binh chủng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cuộc chiến đấu của những Người Lính không còn binh chủng

Bốn người ngồi trong một phòng khách sang trọng. Họ vốn là Sĩ quan đồng khóa 14 Thủ Ðức trước năm 1975. Ra trường người được chuyển về Hải Quân, người Không Quân, người về Bộ Binh, Chiến Tranh Chính Trị. Những năm tháng trong quân ngũ, họ vẫn gặp nhau thường xuyên do tình cờ cùng công tác ở một Nha, Sở. Ba Mươi Tháng Tư Một Chín Bẩy Lăm, họ tan tác. Người di tản được. Người vào tù. Người trốn tù, vượt biên. Ba Mươi tháng 4 hàng năm họ gặp lại được nhau. Buổi gặp mặt hôm nay là tiệc mừng đón kẻ sang Mỹ chậm nhất trong 4 người.

Người ngồi trong góc tối mờ của phòng khách bắt đầu kể lại một kỷ niệm. Giọng anh bình thản, đều đều như đọc một trang sử đã qua. Ba người ngồi nghe, nhạt nhòa trong ánh sáng của đèn phòng khách.

Bên ngoài, trời Cali đầu Hè, vẫn lạnh. Không gian tĩnh quá như muốn nhấn mạnh cái lẻ loi, cô đơn của người xa xứ.
* * *

Vào những ngày chộn rộn nhất của Tháng Tư năm 1975, tôi lại phải ra công tác ngoài Huế. Chả là vị giám đốc của tôi được lệnh cho thu dọn đài phát tuyến để chuyển vào Nam vì tình hình mất Huế kể như gần chắc rồi. Lòng không muốn, nhưng quân lệnh, khó mà cưỡng. Ở Huế, tôi vội vã cùng nhân viên địa phương tháo gỡ hết và liên lạc xong với 1 đơn vị Hải Quân, xin được 1 chuyến tầu chuyên chở. Nhưng chỉ vào tới Ðà Nẵng thôi vì tầu còn phải trở lại để di chuyển cho nhiều cơ quan khác. Tôi đành đánh điện về xin chỉ thị. Kết quả: bằng mọi giá, tôi phải giữ được dụng cụ vật liệu của Trung Tâm đã tháo ra. Thế là tôi đành ở lại Ðà Nẵng để chờ Trung Ương liên lạc với bên Hải Quân xin chuyên chở vật liệu vào Sàigòn. Bắt đầu là những giờ phút kinh hoàng ập đến. Huế đã thất thủ. Ðà Nẵng lên cơn sốt di tản. Người đổ ra cảng Ðà Nẵng và suốt dọc bờ biển Sơn Trà hỗn loạn. Dân lính hòa nhau trong cuộc chạy đua ra biển. Một cuộc tìm sống hãi hùng. Pháo Cộng Sản bắt đầu nã rải dọc bờ biển là lúc mà con người không còn đối xử được với nhau 1 chút nhân ái nào nữa. “Panique” đã diễn ra. Tôi phải làm sao? Bỏ của chạy lấy người? Ðể rồi vào Sàigòn chắc là sẽ bị ra tòa án quân sự. Ở lại để chờ di chuyển vật liệu. Chắc chết. Tôi không thể nào dứt khoát được. Không phải tôi có tinh thần trách nhiệm cao đâu, mà chính vì sợ phải ra tòa án quân sự khi không hoàn tất được nhiệm vụ. Lúc này, tôi mới thấy mình ngu. Người ta thì bỏ cả đơn vị, công sở, thậm chí cả vợ con để chạy lấy người mà mình thì không dứt khoát được. Tôi cố nhờ một vài đơn vị còn trụ lại để liên lạc với thượng cấp của tôi mà không liên lạc được. Vị Sĩ quan truyền tin bảo tôi, “Ông cứ xuống tầu đi, Trung Ương phải biết tình thế này chứ. Chuyến tầu của đơn vị tôi sẽ nhổ neo lúc 3 giờ. Nếu đi, 2 giờ 30 ông lại đây”. Tôi cảm ơn, chạy về đơn vị mình. Viên Trung sĩ trực, đi cùng tôi vẫn bình tĩnh nằm chờ ở bến. Tôi hỏi:

– Mình tính sao bây giờ?

Hiểu ý tôi, viên Trung sĩ đáp.

– Tùy Ðại Úy quyết định.

– Vậy 2 giờ 30 mình ghé tiểu đoàn truyền tin đi cùng họ.

– Vâng.

Anh ta lặng lẽ xếp lại tấm chăn dã chiến và cái ba lô anh lấy làm gối. Gấp chiếc ghế bố nhà binh để góc tường, anh ngó căn nhà kho rộng chứa đầy những vật liệu tháo gỡ từ một Trung tâm phát tuyến, anh thẫn thờ:

– Bỏ lại kể cũng tiếc thật. Cả chục triệu đô la chứ ít gì.
Tôi hỏi anh là Trung đội Ðịa Phương Quân được tòa tỉnh Huế biệt phái cho đi khuân vác theo đâu.
Anh rắn rỏi đáp:

– Mạn phép Ðại Úy, tôi cho họ về Huế cả rồi.

Tôi trợn mắt:

– Tình thế này mà anh để họ về Huế.

– Họ nôn nóng vợ con gia đình. Biết làm sao.

Tôi định la nhưng chợt nhận ra tình cảnh chung, đành lặng lẽ thu xếp hành trang.

Pháo địch nã lên dữ dội hơn. Tiếng súng nhỏ râm ran khắp thành phố. Nhưng dòng người vẫn chật đầy phố phường. Như một cảnh hội pháo. Nhưng là Hội của Quỷ vì ai nấy mặt mũi xanh rờn, áo quần tơi tả.

Tôi ngó ra bãi biển. Như một cảnh tắm biển Mùa Hè ở các xứ người. Nhưng ở đây, nơi quê hương khốn khổ này, người ra biển không phải là để tắm mà để trốn chạy chính đồng bào của mình. Không có cảnh áo tắm nào đâu. Chỉ là một bãi biển đen kịt những con người khốn khổ. Một đám lính không còn vị chỉ huy nào, hùng hổ vừa bắn chỉ thiên vừa lao những chiếc jeep, dodge ào ào xuống bãi. Chúng gạt mọi người, cướp những chiếc thuyền cao su, thuyền gỗ, hay bất cứ thứ gì nổi trên nước có thể đưa chúng ra nơi tàu Hải quân đậu. Tiếng người la ó, gào thét râm ran. Tiếng đại pháo từng chập rộ lên và bây giờ thì liên tục triền miên. Bỗng đám đông xao động hẳn. Nhiều tiếng la thất thanh:

– Việt Cộng đã vào thành phố rồi đấy.

Tôi hốt hoảng, ngoắc viên Trung sĩ chạy túa theo đoàn người quên cả ba lô hành trang.

Chạy dọc theo bãi Sơn Trà xuống phía Nam cùng dòng người hỗn loạn, tranh cướp nhau lên một chiếc đò gỗ. Người lái đò hét lớn:

– Mỗi người một lạng vàng, tôi mới chở.
Ai nấy gật đầu. Tôi cũng gật đầu.

– Chung vàng ra.

– Cứ cho đò ra khơi đi. Chúng tôi sẽ chung đủ.

Tôi nhìn lại người trên thuyền. Chiếc thuyền khoảng 5m dài hơn 1m rộng mà có tới gần 5 chục người. Nước mấp mé mạn thuyền. Tôi tìm viên Trung sĩ. Không thấy. Chúng tôi đã lạc nhau. Một ông trung niên, dáng như nhà buôn, đứng ra thu vàng cho tên lái thuyền. Thôi thì lại huyên náo. Người không có vàng, chỉ đưa tiền. Tiền cả bịch lớn, chẳng biết là bao nữa. Người lột đồng hồ, tư trang… Còn tôi? lấy gì bây giờ. Tôi đành lắc đầu.

– Không có gì, lính mà.

Ông thương gia trừng mắt:

– Nhẩy xuống đi. Lính mà cũng chạy à.

Chợt ông nhìn trên tay tôi, hỏi:

– Rolex hả.

Tôi chợt nhớ chiếc đồng hồ đeo tay Rolex quí giá của tôi. Tôi lưỡng lự:

– Cũ rồi.

Ông Thương gia gay gắt:

– Tháo ra đi. Mất thì giờ quá.

Một bà dè bỉu:

– Còn tiếc gì nữa cơ chứ. Sống là may.

Có tiếng la lớn:

– Thuyền chìm! Thuyền chìm!

Rồi hỗn loạn. Tôi chỉ kịp cởi chiếc áo lính thì nước đã tới cổ. Bản năng sinh tồn đã đưa tôi tới mạn tầu Hải quân lúc nào tôi cũng chẳng biết. Lên tầu, vừa lạnh mệt tôi thiếp đi bao lâu để khi tỉnh dậy thoáng nghe thấy tiếng reo:

– Cam Ranh.

* * *

Ở lại Cam Ranh chờ chuyến tầu Hải Quân để về Vũng Tầu cả tháng trời, tôi không còn biết phải làm gì. Ngày ngày dạo quanh các khu tị nạn, ngóng chờ các chuyến xe hàng từ Nha Trang vào để đọc nghiến ngấu những tin chiến sự trên báo Chính Luận phối hợp những tin tức nghe được trên đài BBC vào chiều tối, thấy càng sốt ruột. Tôi đã thử lội bộ, tìm đường về Nam nhờ các chuyến xe hàng. Nhưng một xu dính túi không có giữa lúc bạc tiền được tung ra không tiếc để có được một chỗ trên xe hàng chạy về Nam. Vả lại, trên đường bộ xuôi Nam, làm sao có an toàn. Mỗi lúc, câu chuyện di tản chiến thuật của quân dân Miền Nam càng trở nên bi đát, đau thương, kinh hoàng hơn. Ðắn đo mãi, tôi đành ở lại chờ đi bằng đường thủy.

Buổi sáng hôm xuống được chuyến chiến hạm HQ của Hải Quân Việt-Nam, cũng là lúc mà mọi người được tin là Nha Trang đã mất. Khi vào đến Vũng Tầu, tôi mới được biết là Nha Trang đã bỏ ngõ khi Cộng Quân còn ở cách thành phố đến cả nửa ngày đường. Người ta bảo nhau chạy vì tối hôm trước đài BBC có loan tin Cộng Quân tiến vào thành phố Nha Trang.

Từ Vũng Tầu về Sàigòn chẳng còn bao xa nữa. Nhưng tôi vẫn nôn nóng. Trước cảnh chiến địa tan hoang, người người ly tán ở miền Trung, tôi không còn lòng dạ nào ngoài ước muốn được ở bên gia đình lo cho vợ dại con thơ. Nhưng ở Vũng Tầu, ngoài các bến bãi và những nơi tạm trú cho quân đội và dân chúng, thành phố biển này cũng chỉ hơi xao động. Phố xá vẫn buôn bán tấp nập, tầu bè san sát và bãi biển thì đông đặc người. Cũng có người tắm, nhưng phần nhiều là ngóng chờ những chuyến ra khơi. Nghe nói thì tầu Mỹ đã bắt đầu đón người, nên ai nấy đều nhìn ra biển chứ ít ai nghĩ đến trở vào đất liền.

Trong khi đó chiến sự lan mạnh. Có tin Phan Rang đã mất và Cộng Quân đang dồn về Long Khánh. Thoáng trong óc tôi, một hình ảnh một mạng lưới đang thu hẹp lại. Tôi quyết định tìm mọi cách trở về Sàigòn mà không lóng ngóng ở bãi biển để tìm cách ra đi như mọi người khác.

Khi men được về đến Biên Hòa thì Biên Hòa cũng thất thủ. Ðó là sáng ngày 28 tháng 4 năm 1975. Tôi vội lội bộ băng ruộng cùng rất nhiều đồng bào, tìm về hướng Thủ Ðức. Nhiều tiếng miền Trung thốt lên, e ngại:

– Có ai biết đường về Thủ Ðức – Sàigòn không?

– Cứ đi. Qua các thôn xóm hỏi thì rõ.

Tôi quan sát đám người cùng đi. Bấy giờ tôi mới chợt nhận ra, phần lớn là anh em trong quân đội. Có một vài phụ nữ, với con nhỏ, chắc là gia đình của quân nhân. Chúng tôi tập họp nhau lại khoảng 50 người. Một anh bạn trẻ, mặc chiếc sơ mi rách nát nhầu, nhưng cái quần lại là quần “trây di”, chân đi dép Nhật, hăng hái nói:

– Cứ theo tôi.

Tôi hỏi anh.

– Anh biết rõ lối đi không.

Nhìn kỹ tôi một lát, anh mới nói:

– Cách đây 10 năm tôi có ở vùng này 8 tháng.

Hiểu ý anh tôi hỏi:

– Tôi khóa 14. Còn anh.

Anh vui mừng:

– Chúng ta cùng khóa rồi. Vậy anh còn nhớ đêm di hành cuối khóa không?

Tôi ngần ngại thú nhận:

– Ðêm đó tôi về nhà, nên không có hành quân.

Anh không nói gì, quay nhìn bốn hướng. Rồi chợt nhận ra điều gì anh quả quyết.

– Mình đi về hướng này. Chỉ đến trưa là sẽ tới sân bắn mới Thủ Ðức. Tới đó mình tìm xe lam về Sàigòn được rồi. Bọn nó chưa ra khỏi được Biên Hòa đâu.

50 người chúng tôi theo anh lội tắt các khu ruộng. Hết xóm đến thôn, lại đến ruộng, rạch. Ðâu đâu cũng thấy dân chúng nhớn nhác nên chẳng ai để ý đến chúng tôi cả. Một vài nơi đã dám kéo cờ “Giải Phóng Miền Nam”, nửa xanh nửa đỏ có ngôi sao vàng.

* * *

Chúng tôi tới được bờ Nam sông Sàigòn thì cũng vừa lúc tiếng súng lớn nhỏ nổ rộ bốn chung quanh. Anh bạn trẻ nói cho cả bọn:

– Mình đang ở giữa một mặt trận rồi.

– Sao anh biết.

– Kinh nghiệm chiến trường lâu nay.

Một người trong bọn lắng nghe rồi nói:

– Phía này là quân bạn.

Rồi anh kéo một số người đi tiếp. Tôi đắn đo. Anh bạn trẻ lôi tôi đi:

– Phải đi thôi.

– Nhưng lỡ lọt vào trận tuyến địch thì sao.

– Anh quên tiếng M1 nổ rồi à.

Tôi chợt tỉnh, yên tâm đi theo.

Nắng chiều gắt gao. Ðồng cỏ hừng hực hơi nóng. Cỏ lút đầu người. Mới đó mà không hiểu mọi người đã tản đi đâu hết. Tôi đành nhắm hướng các ngọn cỏ lau xao động phía trước mà tiến tràn. Lúc này tiếng súng nổ ran như pháo Tết ở sau lưng, càng khiến bước chân tôi lội nhanh về phía trước. Có lẽ tôi đã lạc bọn rồi. Phía trước chỉ là những làn cỏ lướt trong gió. Không một dấu hiệu nào chứng tỏ đồng bọn tôi đang trú ẩn. Có tiếng đạn réo trên đầu. Tôi cúi xuống chạy lúp xúp. Những ngày ở quân trường năm xưa tôi đã quên hết. Bốn tháng giai đoạn 1 học chiến thuật, 4 tháng sau đó về ngành CTCT rồi ra trường, chỉ ở văn phòng. Bỗng tôi thấy 1 người nằm vắt qua bờ mương nhỏ. Một chiến binh. Bên nào? Bộ quân phục dã chiến đầy bùn quen thuộc, nhưng đôi giầy “saut” lại bằng vải. Quân đội mình làm gì có giầy nầy. Chợt tôi thấy cái nón cối cách xa đó. Tôi hốt hoảng, rẽ về lối khác. Thế là mình đang ở trong chiến tuyến của Cộng Quân rồi. Phải ra thoát. Lúc này 1 cây súng trên tay chắc có ích. Tôi quay lại, nhặt lấy khẩu A.K. bên xác chết. Hình như đâu đó có tiếng nói. Tôi lắng tai cố nghe nhưng không thấy gì. Chỉ là tiếng gió rào rạt làm nền cho những tiếng súng từng hồi rộ lên.

Chiều xuống thấp lắm. Cơn gió đồng mát mẻ thổi trên người bắt đầu se khô mồ hôi đẫm áo. Phía trước mặt tôi, hình như là một thôn xóm. Ðã thấy một lối đi mòn giữa một bãi tha ma trống. Tôi không dám tiến đến bãi tha ma vì sợ làm đích cho cả hai bên. Lại phải đi vòng. Hình như thấp thoáng có một mái tranh. Và những nóc nhà tranh, nhà ngói hiện ra. Một địa danh chợt đến: Linh Xuân Thủ Ðức ư. Không. Ðây phải là Cát Lái rồi. Cánh đồng cỏ lút đầu vẫn trải dài trong bóng chiều thật nhạt. Tiếng súng vẫn từng chập, ở mọi phía. Lúc này, hình như tôi không phải là tôi nhút nhát, mà lại quen được tiếng súng nổ. Thỉnh thoảng có vài phút yên tĩnh trên cánh đồng, tôi lại sợ cái yên tĩnh ấy.

* * *

Bây giờ thì tôi khá bình tâm. Một vài dấu hiệu quen thuộc trong cảnh chiều đã xuống thấp. Rõ rồi. Ðây là Ngã Ba Cát Lái. Ðúng con sông này và con đường nhựa nhỏ tôi đang băng qua đây. Ký ức chợt hoạt động mạnh mẽ. Biết bao nhiêu chiều Chủ Nhật tôi đã cùng N. tới nơi này. Dựng xe bên bờ đường, ngồi trên bờ cỏ, ngắm chiều xuống rồi trở về thành phố ăn một bữa cơm tây và chia tay. Chả có gì nhưng đã là những hình ảnh làm tôi nuối tiếc, thèm khát biết bao khi vào quân trường phải thực tập những bài học lính gác giặc tại các khu vực này. Bây giờ, cả chục năm đã qua, trở lại chốn cũ giữa hoàn cảnh khó tả này, hình ảnh người yêu cũ lại hiện ra và cũng cùng lúc hình ảnh gia đình ập đến. Bước chân tôi lại dồn dập. Tiếng súng vẫn ở sau lưng rộ lên nhiều hơn phía trước mặt. Tôi đoán, quân bạn đang rút về thành phố. Cuộc chiến này sắp chấm dứt rồi sao. Chấm dứt ngắn gọn như thế sao. Chúng tôi sẽ còn lại gì. Không thể thế được. Mậu Thân 1968 chúng tôi đã phản công và chỉ sau 2 tuần, lại làm chủ tình thế suốt từ Nam ra đến Thạch Hãn.

Nhưng bây giờ, chúng đang đẩy lùi chúng ta. Cuộc chiến bây giờ là trận địa chiến không phải du kích, đánh lẻ như phần lớn các cuộc đụng độ hồi 1968.

Vậy sẽ thua sao? Tương lai rồi sẽ thế nào cho một Việt-Nam?

– Ðứng lại.

Một tiếng quát nhỏ đưa tôi về thực tại. Tôi bàng hoàng nhìn trong đêm, phía có tiếng quát, và đứng sững người, bỏ khẩu A.K. xuống đất.

– Ðơn vị?

Tiếng nói dịu đi. Tôi vội trả lời vì đoán là quân bạn.

– Chiến Tranh Chính Trị.

– Ở đâu.

– Sàigòn.

Một thân người nhô ra khỏi bức tường. Trong ánh sáng mờ của đêm sao, tôi thấy rõ một chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa vì dáng đứng của anh. Anh ngoắc tay cho tôi lại gần:

– Di tản miền Trung vào hả.

Tôi gật đầu, giải thích:

– Ðang công tác thì chiến sự lan đến.

– Bỏ chạy cả phải không.

Anh chiến binh cười lớn, ngạo nghễ. Một tràng tiểu liên réo trên đầu. Lửa đạn nhoang nhoáng. Anh đẩy tôi ngã sấp, miệng chửi tục. Cùng lúc, phía bức tường, từng tràng trung liên khạc lửa, đinh tai nhức óc.

Anh chiến binh bảo tôi:

– Lấy súng rồi tìm chỗ nấp. Chúng đã dò ra bọn mình rồi đó.

Có tiếng gọi chiêu hàng xa xa:

– Các anh hãy bỏ súng xuống. Hòa bình đã tới rồi. Cách Mạng sẽ khoan hồng cho các anh. Ðừng ngu xuẩn điên cuồng chống lại Cách Mạng, chống lại nhân dân.

Lại một tràng trung liên xuyên về hướng đó. Anh chiến binh chửi tục. Anh nói với tôi:

– Anh rút theo đồng bào hay ở lại chiến đấu với tụi tôi.

Tôi vội vàng:

– Tôi phải về Trung Ương báo cáo công tác ngay không thể ở lại với các bạn được. Bạn có thể cho biết đơn vị nào đang chặn địch ở đây không.

Anh lẩm bẩm:

– Ðơn vị. Chính tôi cũng không còn biết nữa. Rút quân từ Qui Nhơn, tôi đã lạc đơn vị.

– Vậy anh đang chiến đấu với ai.
Anh hất đầu về phía bức tường.

– Tổ trung liên kia gồm một Dù, một Biệt Ðộng Quân và một Bộ Binh. Họ không nói nhưng nhìn quân phục và huy…

Tiếng nổ chát chúa ngay bên tai, khói mù mịt. Tiếng những bước chân chạy và tiếng vũ khí va đập. Thoáng có tiếng gọi:

– Rút vào trong thôn đi các bạn.

Thấp thoáng tôi thấy cả chục bóng đen di chuyển. Tôi cố gắng len lỏi theo họ, qua các hàng rào tre, gỗ, kẽm gai, tường gạch. Vẫn là tiếng anh chiến binh lúc đầu:
– Nếu anh không ở lại thì nên đi phía này ra xa lộ mà kiếm xe về Sàigòn. Bọn tôi sẽ về chân cầu xa lộ…

Tiếng súng chợt nổ rền 4 phía. Chúng tôi đang ở trong một thôn xóm. Hình như chúng tôi đã bị bao vây tứ phía. Anh chiến binh kéo tôi chạy vào trong 1 căn nhà gạch. Có tiếng nói gằn giọng:

– Chạy đâu nữa, kiếm 1 vị trí chiến đấu đi.

Tôi chợt nhận ra quanh tôi có rất nhiều người. Phần lớn là chiến binh. Tôi không rõ họ thuộc đơn vị nào. Nhưng tất cả, quân phục đều tả tơi, nhưng vũ khí lại rất đầy đủ. Một người trong nhóm nói:

– Chúng ta không thể tụ cả lại đây được. Phải phân tán ra.

– Ai chỉ huy ở đây.

– Tôi.

Mọi người đều dồn mắt nhìn về phía tiếng người vừa xưng “tôi” dõng dạc. Nền trời đêm qua khung cửa mở rộng soi rõ một dáng người nhỏ nhắn nhưng vững chãi. Tự nhiên tôi thấy vững tin và có lẽ những người chung quanh tôi cũng vậy. Nhiều tiếng nói:

– Chúng tôi sẵn sàng.

Bỗng có tiếng một người:

– Chiến đấu gì nữa. Tìm đường mà rút thôi.

Người nhỏ nhắn đanh giọng:

– Ðó là ý kiến của một mình anh. Anh có quyền làm như vậy. Và xin anh ra khỏi căn nhà này ngay.

Rồi với một giọng cao hơn, người nhỏ nhắn cương quyết:

– Ai muốn rút cứ việc bỏ vũ khí lại, nhất là đạn và lựu đạn.

Không khí chợt im lặng, làm tiếng súng bên ngoài càng rõ hơn. Không một ai có cử động bỏ ra ngoài. Người nhỏ nhắn bắt đầu phân công tác:

– Hai bạn nào ra nhận định hướng tiến của địch?

Hai bóng người vụt đứng lên, lẻn qua cửa rất nhanh.

– Tổ trung liên án ngữ đường vào thôn.

– Rõ.

Ba người vác súng và đạn chuyền qua cửa sổ ra sau vườn căn nhà.

– Các bạn còn lại, vũ khí đạn dược còn được bao nhiêu?

Nhiều tiếng nói lao xao. Người nhỏ nhắn tiếp:

– Không sao. Chúng ta cố gắng cầm cự, rút đến chân cầu xa lộ là có đủ đạn dược rồi. Ở đó có một đơn vị Dù đang trấn cầu. Bây giờ tôi chia như sau, 3 người một nhóm. Nhóm 1, bên phải căn nhà chế ngự hướng xa lộ. Nhóm 2, bên trái, cũng vậy. Nhóm 3 phía sau nhà, kiểm soát các nhà lân cận. Còn lại là nhóm 4 trừ bị tại đây. Chúng ta chờ “tiền sát” về sẽ tìm đường rút ra khỏi thôn.

Mọi người im lặng thi hành nhiệm vụ. Bây giờ thì mọi người đều không cần biết đến địch ở bên ngoài là bao nhiêu, nhưng cứ nghe tiếng súng thì không thể nào nghĩ là quân số 2 bên ngang nhau được. Nhưng tất cả đều như nhớ lại những bài học chiến thuật xưa và văng vẳng câu nói của cán bộ dạy chiến thuật “phải biết lao vào chỗ chết để tìm ra đường sống khi bị địch vây hãm hay phục kích”.

Tiếng súng bên ngoài thưa thớt. Ðêm hình như đã khuya. Ðã nghe rõ tiếng côn trùng rỉ rả khắp khu vườn tối.

Hai tiền sát viên trở lại. Tôi nghe rõ từng giọng hổn hển:
– Chúng không vào thôn. Chúng đang tiến về cầu xa lộ. Chúng đi từng đoàn nghênh ngang. Dân nói, chúng đông lắm…

Vị “chỉ huy” của chúng tôi ra lệnh:

– Vậy ta rút. Bây giờ để toán 3 rút trước, rồi toán 2 và toán 1. Trung liên sau cùng với tôi và nhóm trừ bị. Thôi, Chúng ta bắt đầu.

Tự nhiên tôi cảm thấy yên tâm ghê gớm. Hình như tôi đã trút bỏ được hết nỗi lo lắng về gia đình. Trước mặt tôi bây giờ chỉ là một cuộc chiến đấu không cân sức mà chúng tôi phải chấp nhận.

Khi chúng tôi ra khỏi thôn thì trời hửng sáng. Phía chân trời một vài vệt đỏ rõ ràng. Một vài ngọn gió mát lướt trên cánh đồng không xua đuổi được hết cái oi bức của đêm qua.

Tôi quay nhìn vị “chỉ huy”. Anh thấp hơn tôi chút ít, da ngâm đen vì sương gió chiến trường. Dưới chiếc mũ sắt mà chiếc quai vải bỏ không cài, gương mặt anh rắn đanh. Ðôi mắt thật sáng. Dưới bộ quân phục hoa Dù, vẻ người của anh vẫn không hết những nét chân chất của người nông dân miền Nam. Tôi chợt nhận ra nơi ve áo ngực anh cái lon Thượng Sĩ Nhất. Vội sờ lên cổ áo, tôi mừng thầm nhớ ra là đã tháo bỏ lon Ðại Úy của mình. Tò mò tôi nhận xét người chiến binh đi cạnh tôi. Trên ve áo ngực anh có 2 lỗ thủng nơi chỗ thường gắn cấp bực. Phải là một Sĩ quan. Tôi tin thế và hỏi:

– Anh ở đơn vị nào?

– Sư Ðoàn 1.

Anh tiếp luôn:

– Sư đoàn tập trung ở Vũng Tầu nhưng tôi bỏ, tính về Sàigòn tìm xem vợ con ra sao thì lại kẹt. Còn anh?

– Tôi đang công tác ở Ðà Nẵng.

Anh giải thích thêm:

– Anh em ở đây đủ sắc phục, đủ các đơn vị. Chiều qua tụi tôi tình cờ tụ lại với nhau khi chiến đấu ở dọc xa lộ. Trên cùng một chiến tuyến mà tôi chẳng biết thuộc đơn vị nào. Ðến lúc thưa tiếng súng, hỏi nhau mới rõ chẳng có ai biết đơn vị mình đang chiến đấu là đơn vị nào và cũng chẳng có ai là chỉ huy cả. Thế nhưng, anh em vẫn cứ tiếp tục cầm súng mà không ai bỏ hàng ngũ cả. Thật lạ.

– Bây giờ thì có “chỉ huy” rồi đó.

Người chiến binh đi bên tôi, nghiêm chỉnh trả lời:

– Rất tiếc là anh không dự 1 trận phá vòng vây chiều qua của tụi tôi ở Ngã Ba Long Thành. Vị “chỉ huy” này đã một mình ôm cây Trung liên yểm trợ cho mười mấy anh em vượt ngã ba phía Bắc xuống phía Nam vì bên quận Tân Uyên chúng dầy đặc không còn lối nào thoát. Ai cũng sợ phải vượt Ngã Ba vì lộ trống quá mà. Nhưng nhờ có khẩu trung liên mà 1 đơn vị có dễ đến cả đại đội địch không tiến lên được. Có nhìn thấy anh nằm khơi khơi ôm khẩu trung liên ở bến xe đầu ngã ba mới thấy phục. Ai cũng lên tinh thần cả nên mới cùng nhau tiếp tục chiến đấu đấy chứ.

Một chiến binh đi phía sau cũng góp tiếng:

– Chiến đấu không phải để chạy đâu mà chiến đấu để tìm 1 đơn vị bạn, rồi sẽ nhập vào chiến đấu qui mô.

Tôi quay lại. Người vừa nói hất đầu hỏi tôi.

– Phải vậy không?

Tôi gật, Anh định nói tiếp vừa lúc vị “chỉ huy” reo khẽ:

– Cầu xa lộ.

Chúng tôi theo “lệnh”, đi về hướng bờ sông Sàigòn tránh hướng cầu. Dự định tới bờ sẽ đi ngược lên tới chân cầu để tìm 1 đơn vị lớn nào đó đang trấn cầu ngăn đà tiến của địch.

Buổi sáng một ngày như mọi ngày. Hướng xa lộ vẫn có tiếng xe chạy rào rạt. Người đi lại có vẻ đông đúc. Có lẽ dân chạy di tản về Sàigòn. Vậy chúng sẽ tiến quân lối nào, chúng có dùng xa lộ không. Anh em chúng tôi đang bàn hỏi nhau thì chợt nghe tiếng máy nổ dồn dập rồi chiếc T.54 đầu tiên nhô cái nòng lên trước. Mạch máu anh em chúng tôi căng thẳng. Ôi! Chúng kiêu ngạo quá! Chúng dám tiến quân lẫn trên đường di tản của dân. Vị “chỉ huy” thúc chúng tôi tiến nhanh về phía cầu, bỏ không đi về hướng bờ sông nữa. Trên xa lộ, một chiếc T.54 bắt đầu rẽ xuống bên đường quay nòng về cánh đồng. Chúng đang yểm trợ cho bộ binh qua cầu.

Một tiếng nổ từ phía cầu. Một cụm khói bốc lên từ chiếc T.54. Thế là đạn trên tăng vã ra như mưa rào về phía cầu. Chúng tôi quan sát trên cầu. Từng ụ cát trải dài nhưng tiếng súng vẫn không có. Quân bạn đã rút rồi chăng. Trên mặt lộ lúc này vắng tanh. Phía sau 3 chiếc T.54 là từng đoàn địch quân đang mở rộng vòng tiến lên cầu. Bọn chúng chạy lúp xúp. Có đứa chạy rơi cả mũ, vội quay lại nhặt. Những chiếc nón cối mới tinh và những bộ quân phục cũng mới tinh. Chúng tự tin là vào Sàigòn tiếp thu ư? Có thế, chúng mới mặc quân phục mới khi còn phải chiến đấu.

Bây giờ thì chúng đang mở rộng trận tuyến. Có thể như 1 trung đội đang tiến về phía chúng tôi. Vị “chỉ huy” làm hiệu tay triển khai chiến tuyến. Chúng tôi, 3 người một, nhanh chóng tìm các ụ chiến đấu. Chúng đã tới gần. Chúng định làm 2 gọng kìm bẻ vào chân cầu tiêu diệt quân bạn trên cầu. Vị “chỉ huy” khai hỏa. Chúng tôi đồng loạt nổ ròn vào những cái bia sống rất rõ. Lúng túng mất một lúc tôi mới sử dụng được khẩu A.K. Tôi cố điều chỉnh để đạn không ra liên thanh, quên hẳn nút điều chỉnh. Từng loạt người đổ rập, nhưng vẫn là những bóng người nhấp nhô tiến lại. Có một lúc tôi tự hỏi không biết chúng có được học chiến thuật không mà chúng – chiến đấu kỳ lạ thế. Cứ xồng xộc xông vào lưới đạn, đội hình lung tung. Tôi chợt nhận ra qui luật của chúng. Cứ khoảng 5 phút là một đợt tiến lên rồi lại nằm xuống ngay giữa cánh đồng. Như một cái máy. Khẩu trung liên của chúng tôi như cũng tìm ra được khuyết điểm đó của chúng nên cũng cứ 5 phút một lại quạt một tràng. Cuộc chiến đấu căng thẳng. Sức tiến của địch chậm hẳn lại. Trên cầu súng của bạn lúc này cũng nã xuống như mưa. Hai chiếc T.54 đã bốc cháy. Nhấp nhô trùng điệp phía xa, địch quân đang dồn lên. Trên tuyến chiến đấu của chúng tôi đã thủng, cắt rời ba chúng tôi với anh em cùng vị “chỉ huy”.

Khẩu A.K. của tôi đã hết đạn. Tôi quăng súng nhìn 2 chiến hữu. Một người ngoắc đầu bảo tôi rút. Tôi thấy anh nạp băng đạn kép vào khẩu M.16 của anh và say sưa bắn tỉa như muốn yểm trợ cho tôi rút xuống bờ sông.

Không để lỡ cơ hội. Tôi lăn mình vào 1 bụi rậm sau lưng rồi cứ len theo các bụi lau sậy trườn xuống. Tiếng súng mỗi lúc mỗi xa dần. Ðến khi nhìn thấy bờ nước thì tôi đã cách xa hẳn tuyến chiến đấu rồi. Tìm được một bụi lau lớn, tôi để ngập mình trong làn nước, nhìn trở lại phía các bạn đang chiến đấu. Phía đó, không còn tiếng súng nữa. Phía cầu, khói bốc mù mịt. Nhiều tiếng nổ lớn dội lên. Tôi mong chiếc cầu sập xuống. Nhưng không, nó vẫn đó, vẫn vắt qua hai bờ, lưng cầu uốn lên vạch một đường cong trên bầu trời xanh ngắt. Mặt trời đã cao. Nước trên mặt đã ấm nhưng ở dưới chân vẫn còn buốt. Tôi nhìn về phía bờ bên kia. Tân Cảng – New Port. Hai chiếc tầu Hải Quân nhỏ vẫn còn đó. Tầu thuyền san sát. Người đen nghẹt trên bến.

Tôi ước ao bơi được qua sông. Sông quá rộng.

Lúc này tiếng súng phía cầu chỉ còn thưa thớt. Nhưng bầu trời bỗng rền vang tiếng trực thăng. Tôi mừng thầm. Quân ta đang được trực thăng vận phản công. Một chiếc Chinook rồi 2, rồi 3 lượn vòng về phía thành phố. Không có 1 cuộc đổ quân nào cả. Trên cầu đã có bóng nón cối qua lại.

Tôi ngậm ngùi nhớ vị “chỉ huy”, nhớ các chiến hữu trong mấy tiếng đồng hồ vừa qua. Họ còn sống không.

Bây giờ, 41 năm sau, tôi vẫn nghĩ họ còn sống, những người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa không còn binh chủng!

Nguyên Huy