Cuộc binh biến năm 1966 tại Quân Đoàn I theo sử liệu của Quân Đội Mỹ
✱ US.ACMH: Hai nhà lãnh đạo tôn giáo Trí Quang và Tâm Châu đều lên tiếng chống tham nhũng, hoạt động kém hiệu quả của chính phủ,và sự tồn tại của chế độ lệ thuộc vào ảnh hưởng của Mỹ.
✱ Các tướng lĩnh TQLC Hoa Kỳ trong Quân đoàn I ca ngợi sự hợp tác của Thi và khen ngợi sự tận tâm của ông ta đối với công cuộc bình định.
✱ Các tướng lĩnh Nam Việt Nam đã thông báo ngắn gọn cho Lodge và Westmoreland trước cuộc hành quân và được họ chấp thuận. Westmoreland cung cấp máy bay không quân Hoa Kỳ chuyên chở quân đội chính phủ.
✱ Westmoreland không muốn quân Mỹ can thiệp, Ông ra lệnh tạm thời di tản người Mỹ khỏi Huế và Đà Nẵng, cấm tất cả quân nhân Mỹ rời doanh trại, [và] ngừng tất cả các hoạt động cho đến khi tình hình lắng xuống.
✱ Với sự chấp thuận của Tướng Westmoreland, Walt với một đoàn xe của Lực lượng TQLC Hoa Kỳ đã ngăn chặn lực lượng của Yêu tiến vào căn cứ không quân Mỹ và cử Đại tá Chaisson đứng ra đàm phán…
Trong hơn 50 năm qua biến cố tại Miền Trung năm 1966 đã được nhiều sách, báo giấy và báo mạng loan tải dựa vào các bài viết của nhiều tác giả người Việt Nam. Để rộng đường dư luận, bài viết này dựa vào bản đúc kết từ phía Mỹ và bản văn được phổ biến trên trang mạng của Trung tâm Lịch sử Quân đội Hoa Kỳ (U.S. Army Center of Military History) với tiêu đề: Cuộc binh biến tại Quân Đoàn I (Revolt in the I Cords). Bài viết này còn kèm theo các bản báo cáo của cơ quan CIA về tình hình chính trị tại Việt Nam vào thời gian 1966 được phổ biến trên thư viện online của CIA năm 2016.
✱ Cuộc binh biến tại Quân đoàn I
Theo bản văn của History Army – Vào đầu năm 1966, sự ổn định của chính quyền Sài Gòn là mối quan tâm hàng đầu của các cố vấn Mỹ. Sự cân bằng quyền lực của bộ máy quân sự và dân sự Việt Nam vốn bấp bênh giữa các phe phái quân sự đối địch. Một vài nhà lãnh đạo nổi bật nhất vẫn là Thiệu, Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia/UBLĐQG; Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương/UBHPTƯ và cũng là Tư Lệnh Không quân; Viên, Tham mưu Trưởng Liên quân; và các chỉ huy của bốn khu vực quân đoàn. Bất kỳ thay đổi nào liên quan đến những người đàn ông này, hoặc liên quan đến những người ủng hộ họ, đều dẫn đến con đường hỗn loạn.
Cả Tướng Westmoreland và Đại sứ Lodge đều nhận thấy rõ sự hạn chế trong việc hỗ trợ chính trị Hội Đồng các Tướng Lãnh/HĐTL và sự chia rẽ sâu sắc bên trong từng thành viên. Mối nguy về sự bất ổn chính trị luôn được nhắc nhở mà họ chia sẻ cho những người đồng cấp Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp sự can dự ngày càng tăng của Mỹ ở Đông Nam Á, người Nam Việt Nam thường không nghe lời nhắc nhở của Mỹ về một cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự sắp xảy ra.
• Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng
Kể từ năm 1964, sự thất bại của quân đội trong việc thiết lập một cơ chế chính trị ổn định đã khiến nhiều nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam tán đồng việc trở lại của một chính phủ dân sự ở miền Nam Việt Nam. Mặc dù những nỗ lực đầu tiên vào đầu năm 1965 đã thất bại, với hy vọng rằng một tiến trình chuyển đổi như vậy sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ngày 15 tháng 1 năm 1966, tại Hội Đồng các Tướng lãnh, Kỳ tuyên bố ý định khôi phục chế độ dân sự. Thay vì tổ chức các cuộc bầu cử chọn ra một hội đồng cử tri toàn quốc, HĐTL dự định chỉ định một ủy ban của riêng mình để soạn thảo một bản hiến pháp có thể chấp nhận được sẽ hình thành một chính phủ được bầu cử ở Sài Gòn. Dự thảo hiến pháp phải là đối tượng dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1966 và, nếu được chấp thuận, sau đó là tổng tuyển cử vào năm 1967. Thiệu và Kỳ lặp lại đề nghị đó tại một hội nghị với Tổng thống Johnson ở Honolulu vào tháng sau (7.1966) và nhận được sự ủng hộ từ phía Mỹ.
Ở miền Nam Việt Nam, sự hưởng ứng ít nhiệt tình hơn. Nỗi nghi ngờ về một hiến pháp dẫn đến sự chỉ trích chế độ quân phiệt bởi hai nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng, đó là Hòa thượng Thích Trí Quang, lãnh đạo Hội đồng cao cấp Giáo hội Phật giáo miền Trung Việt Nam, và Hòa thượng Thích Tâm Châu, chủ trì Viện Hóa Đạo tại Sài Gòn. Cả hai nhà lãnh đạo tôn giáo này đều lên tiếng chống tham nhũng, hoạt động kém hiệu quả của chính phủ, tình hình kinh tế suy giảm, và sự tồn tại của chế độ lệ thuộc vào ảnh hưởng của Mỹ. Họ yêu cầu chính phủ Thiệu-Kỳ từ chức ngay lập tức, thay thế nó bằng một quốc hội dân cử để soạn thảo hiến pháp nhằm giải quyết nhanh chóng cuộc chiến. Các tuyên bố của 2 nhà lãnh đạo đã thu hút sự ủng hộ ngay lập tức từ các Phật tử và sinh viên tại các thành phố lớn của miền Nam Việt Nam. Huế, cố đô của Việt Nam thuộc khu vực Quân đoàn I, nhanh chóng trở thành trung tâm của cuộc biểu tình bởi những người bất đồng chính kiến, những người, vào tháng 3 (1966), đã thành lập một liên minh được gọi là Phong trào Đấu tranh.
Trong các cuộc biểu tình chống chính phủ sau đó, Tướng Thi, Tư lệnh Quân đoàn I/QĐI, đã không có hành động nào để chống lại những người biểu tình. Rõ ràng ông ta không muốn thấy sự ủng hộ của dân chúng ở khu vực QĐI bị xói mòn bởi việc đối xử quá nặng tay đối với các cuộc biểu tình do Phật giáo lãnh đạo, vì rằng tâm lý của nhiều sĩ quan trở nên bất mãn bởi hành động như vậy. Từ trụ sở ở Đà Nẵng, Thi tự cho mình ngang hàng với Thiệu và Kỳ, điều này xét về tính chất tập thể của HĐTL là chính xác. Vị Tướng cảm thấy được tự do điều hành khu vực phía Bắc như ông ta muốn. Và ông ta cũng có nhiều người ủng hộ tích cực trong chính quyền trung ương, bao gồm cả giám đốc Cảnh sát Quốc gia và Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh nằm ngay ngoại ô Sài Gòn. Mối quan hệ của ông với các cố vấn Mỹ được coi là tuyệt vời, và có lẽ tham vọng của ông ta đã hướng về phía Nam, tới thủ đô.
Kỳ cáo buộc Tư lệnh Quân đoàn I đang tìm cách lật đổ chính phủ và củng cố cơ sở chính trị của ông ta bằng cách ủng hộ Phong trào Đấu tranh. Nhiều quan chức Hoa Kỳ vào thời điểm này suy đoán rằng chính quyền Sài Gòn đang sử dụng Phong trào Đấu tranh ở Quân Đoàn I như một cái cớ để tấn công vào vị thế của Thi và nâng cao quyền lực của chính họ – hoặc, cách khác, tấn công vào sự nổi tiếng của Thi sẽ khiến các nhà lãnh đạo của Phong trào có những hành động hấp tấp làm cái cớ để nghiền nát họ.
Vào ngày 11 tháng 3, các tướng lãnh Sài Gòn quyết định sa thải Thi, và Kỳ công khai việc bãi nhiệm, vào ngày hôm sau HĐTL đã thông qua quyết định. Họ chỉ đích danh Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh Nam Việt Nam đóng tại Huế là Tướng Chuân, làm tân Tư lệnh Quân đoàn, và đặt người đứng đầu Bộ Tư lệnh Biệt động quân tại Sài Gòn, Tướng Phạm Xuân Nhuận, phụ trách sư đoàn. Thi, thăm Sài Gòn vào thời điểm này đã quay trở lại khu vực phía Bắc, bề ngoài là để giải quyết công việc cá nhân của mình.
Việc Thi bị sa thải đột ngột khiến các quan chức Hoa Kỳ không hài lòng. Trong mắt Mỹ, Thi, một cựu Tư lệnh Lữ đoàn Dù, là một trong những nhà lãnh đạo quân sự giỏi của Nam Việt Nam. Các đơn vị dưới quyền chỉ huy của ông ta, Sư đoàn 1 và 2 Bộ binh và Trung đoàn 51 Bộ binh biệt lập tại Đặc khu Quảng Nam, là một trong số lính tinh nhuệ nhất trong quân đội. Các tướng lĩnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong Quân đoàn I đã ca ngợi sự hợp tác của Thi với các lực lượng tác chiến Hoa Kỳ, và khen ngợi sự tận tâm của ông ta đối với công cuộc bình định. Khi được thông báo về việc sa thải, Ngoại trưởng Dean Rusk tỏ ra ngạc nhiên, ông cảnh báo rằng “có điều gì đó trong [bức tranh] hơn là bắt mắt,” và bày tỏ lo ngại rằng động thái này sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ của Sài Gòn với các tín đồ Phật giáo.
Không viện dẫn về những hành vi sai trái cụ thể, Kỳ, Thiệu và Có cảm thấy khó có thể biện minh cho việc Thi bị sa thải với Lodge và Westmoreland. Nếu đó là vấn đề tham nhũng và kém năng lực quân sự, thì các tướng lĩnh khác có nhiều khả năng là ứng cử viên. Các nhà lãnh đạo Sài Gòn tố cáo Thi dựa vào việc bất hợp tác với chính quyền trung ương, nuôi dưỡng tham vọng chính trị cá nhân, cấu kết với cả những người Cộng sản và Phong trào Đấu tranh. Khi bị Lodge truy vấn về bằng chứng, Kỳ thừa nhận rằng ông ta không có, nhưng khéo léo nói thêm rằng điều đó không quan trọng bằng câu hỏi về niềm tin của Hoa đối với chính phủ của Kỳ, vì bất cứ hành động nào cản trở việc sa thải sẽ buộc Kỳ từ chức.
Lodge cảm thấy rằng ông ta “sau một thời gian dài mới có quyết định sẽ cố gắng làm điều gì đó” và lưu ý Kỳ về “sự việc đã cam kết.” Mặc dù lúc đầu ông định khuyên các nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam bãi bỏ lệnh này, nhưng ông nhớ lại “sự không chấp thuận về hệ thống quân đoàn”, khi so sánh với chủ nghĩa lãnh chúa Trung Quốc vào những năm 1920, kết luận rằng “sự phục tùng của các tư lệnh quân đoàn đối với chính quyền trung ương có thể là một phần của tiến trình hướng đến sự đoàn kết”. Cuối cùng, Hoa Kỳ không ủng hộ cũng như không phản đối hành động này, cho Kỳ cái cớ hành động, đồng nghĩa với việc tán thành nó. (given Ky’s proclivity for action, was tantamount to endorsing it).
• Phong trào đấu tranh trong tầm kiểm soát
Sau khi Thi bị sa thải, khu vực phía Bắc bùng lên làn sóng chống đối sôi sục vì bất đồng chính kiến. Số lượng và cường độ của các cuộc đình công, tuần hành và biểu tình tăng đều đặn, với sự tiếp sức bởi binh lính, cảnh sát và các quan chức địa phương trung thành với tướng Thi. Những cuộc chống đối đã diễn ra ở Huế và thành phố cảng Đà Nẵng, trung tâm hậu cần của Quân đoàn I, nơi các cuộc đình công đã khiến các hoạt động bến cảng và vận tải bị đình trệ và đe dọa làm tê liệt các hoạt động quân sự trong khu vực. Việc Thi trở lại Đà Nẵng, sau đó ông ta không chịu rời đi, càng làm tăng thêm sự bối rối.
Vào ngày 29 tháng 3, một số nhà lãnh đạo Công giáo đã tham gia với những người bất đồng chính kiến yêu cầu trở lại chế độ dân sự. Đến đầu tháng 4, các lực lượng của Phong trào Đấu tranh/PTĐT đã kiểm soát hầu hết Huế, Đà Nẵng và Hội An và có sự yểm trợ của Bộ chỉ huy Quân đoàn I và Sư đoàn 1 Nam Việt Nam. Cùng lúc đó, các hoạt động tác chiến của Nam Việt Nam ở khu vực phía Bắc bắt đầu giảm dần, và mối nguy mà cuộc khủng hoảng gây ra cho nỗ lực chiến tranh trở nên rõ ràng.
Điều mà Phong trào Đấu tranh thiếu là một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn và một chương trình hành động thống nhất, và những người ủng hộ PTĐT tạm có sự đoàn kết chỉ vì sự không hài lòng của họ với chính quyền trung ương. Trong khi đó, có một số phe phái yêu cầu thể chế chính trị mới, những phe khác lại yêu cầu Thiệu và Kỳ từ chức, phục hồi chức vụ cho Thi, và trao quyền cho những tướng lãnh được tín đồ Phật giáo chấp nhận. Qua đó cho thấy không có nhân vật mạnh nào xuất hiện, và PTĐT về cơ bản vẫn thiếu sự thống nhất và không có hướng dẫn.
Vào ngày 2 tháng 4, Westmoreland nói rằng Kỳ rõ ràng đã chấp nhận lời khuyên của Mỹ nhưng dường như “đang chờ thời, hy vọng rằng vấn đề sẽ qua đi hoặc chờ đợi những điều kiện thuận lợi để ông ta sử dụng vũ lực.” Vào ngày hôm sau, Hội Đồng các Tướng lãnh thông báo rằng chính phủ sẽ triệu tập một ủy ban với đại diện từ tất cả các phe nhóm xã hội, kinh tế và tôn giáo để thảo luận về việc thành lập một cơ chế như quốc hội hoặc quốc hội lập hiến. Trong khi chế độ nhượng bộ yêu cầu của các Phật tử, Kỳ tuyên bố rằng Đà Nẵng đã nằm trong tay Cộng sản và chính phủ có ý định lập lại trật tự bằng vũ lực. Một ngày sau, chính quyền Sài Gòn bắt đầu thi hánh chiến dịch quân sự chống lại các cuộc chống đối tại thành phố này.
Vào đêm ngày 4 tháng 4, Kỳ, Có, Viên, và Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, Cục trưởng Cục An ninh Quân đội (MSS), bay đến Căn cứ Không quân Đà Nẵng, cùng với Cảnh sát Dã chiến Quốc gia, nhân viên ANQĐ, chiến tranh tâm lý, và hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Nam Việt Nam. Tiếp theo sau, một Tiểu đoàn Thủy Quân lục chiến thứ ba và hai tiểu đoàn Biệt Động quân cũng được điều động đến đây. Hội Đồng các Tướng Lãnh hy vọng rằng một cuộc phô trương lực lượng mạnh mẽ, kết hợp với một chiến dịch tuyên truyền ủng hộ chính phủ và sự sẵn sàng đàm phán, sẽ đánh bại bất kỳ đơn vị quân đội nào hỗ trợ phong trào chống đối. Các tướng lĩnh Nam Việt Nam đã thông báo ngắn gọn cho Lodge và Westmoreland trước cuộc hành quân và được họ chấp thuận. Westmoreland cung cấp máy bay vận tải Hoa Kỳ chuyên chở quân đội chính phủ và, dự kiến cuộc binh biến này sẽ có đổ máu, các cố vấn Mỹ tại các đơn vị của cả hai bên đều được rút đi.
• Phản ứng về việc điều động quân đội.
Các Tướng Thi, Nhuận tham gia Phong trào Đấu tranh/PTĐT, nhiều cán bộ, sĩ quan địa phương nhanh chóng đi theo lãnh đạo. Với tư cách là Tư lệnh Sư đoàn 1 mới được bổ nhiệm, Nhuận điều động lực lượng bộ binh và thiết giáp chốt chặn dọc đường số 1, giữa Huế và Đà Nẵng, và sẵn sàng tiếp viện cho các đơn vị thuộc PTĐT ở Đà Nẵng. Tình hình bên trong thành phố cảng căng thẳng. Chỉ huy trưởng Đặc khu Quảng Nam, Đại tá Đàm Quang Yêu, cầm đầu các đơn vị quân nổi dậy, mà theo ước tính của Mỹ, bao gồm một tiểu đoàn bộ binh từ Trung đoàn 51, ba đại đội Lực lượng miền, mười một trung đội Lực lượng Địa phương, và sáu xe bọc thép, cộng với khoảng sáu ngàn dân quân và hai trăm quân cảnh. Khi Yêu nhanh chóng xác định vị trí của một số đơn vị của mình trên đường tiếp cận khu vực trung tâm thành phố, cuộc nội chiến dường như sắp xảy ra.
Các tướng lĩnh Sài Gòn, nhận ra hiện có một lực lượng mạnh đối đầu với họ, đã quyết định trực tiếp chống lại các hoạt động của lực lương này. Lực lượng đặc nhiệm của chính phủ vẫn ở lại căn cứ không quân và không tiến vào Đà Nẵng. Thay vào đó, các tướng lãnh trì hoãn hành động để hy vọng rằng các đơn vị quân đội nổi dậy sẽ tan rã. Kỳ trở về Sài Gòn và nhận nhiệm vụ hòa giải.
Vào ngày 6 tháng 4, ông tuyên bố rằng Đà Nẵng không bị Cộng sản chiếm đóng và cuộc đối đầu ở khu vực phía Bắc về cơ bản là một vấn đề chính trị không cần thiết phải sử dụng vũ lực. Trong một lá thư gửi cho Giáo Hội Phật giáo sau đó, ông gợi ý rằng chính phủ sẽ triệu tập một quốc hội lập hiến được bầu ra trong vòng sáu tháng.
• Di tản người Mỹ ra khỏi Huế và Đà Nẵng
Westmoreland không muốn quân nhân Mỹ địa phương can dự, Ông ra lệnh tạm thời di tản người Mỹ ra khỏi Huế và Đà Nẵng, chỉ thị cho Trung tướng Lewis Walt, tư lệnh cấp quân đoàn Mỹ, “cấm tất cả quân Mỹ rời doanh trại, [và] ngừng tất cả các hoạt động cho đến khi tình hình lắng xuống.” Ông ta cũng đã chỉ đạo các cố vấn quân sự Hoa Kỳ tại các đơn vị còn lại áp dụng một thái độ “tách biệt, … bình tĩnh và lịch sự đối với tất cả người Việt Nam”. Riêng Westmoreland hy vọng vào một hành động dứt khoát hơn tại Đà Nẵng và bắt đầu sử dụng ảnh hưởng của mình để kết thúc vụ việc.
Vào ngày 7 tháng 4, ông bảo Walt rút các cố vấn Mỹ khỏi tất cả các đơn vị Nam Việt Nam thuộc phía nổi dậy ở khu vực phía Bắc như một dấu hiệu cho thấy sự không hài lòng của Mỹ, và sau đó cử Tướng John F. Freund, người từ giữa năm 1964 đã hợp tác chặt chẽ với nhiều nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam về các vấn đề nhạy cảm khác, trong vai trò hỗ trợ. Westmoreland chỉ thị cho Freund “làm tất cả những gì có thể đổ lỗi toàn bộ tình hình ở Quân đoàn I cho một nhóm sinh viên nóng nảy gây ra” và sử dụng các cố vấn để khuyên các đơn vị quân đội nổi dậy trở lại hợp tác với chính phủ. Đáng lo ngại hơn cho Westmoreland trước việc chính phủ không bình định được Đà Nẵng, và Đại sứ Lodge cảm thấy tình hình ngày càng bi quan.
Vào ngày 8 tháng 4, ông báo cáo rằng ngoài “sự kết hợp của cuộc nổi loạn với sự kiểm soát của Phật giáo, sự kích động của sinh viên, với sự đồng lõa của cảnh sát và công chức, cùng với sự tham gia của đám đông, nhân viên lực lượng vũ trang vô kỷ luật trong các đơn vị, và một số lượng không rõ, cũng không thể phủ nhận về ảnh hưởng ngày càng tăng của Việt Cộng” đã thay thế chính quyền tại Đà Nẵng và tại phía Bắc thành phố. Thấy không có tính hợp pháp về các yêu cầu của những người trong Phong trào Đấu tranh, Lodge khẳng định rằng “khi bị tước bỏ thói đạo đức giả, sẽ thấy rõ mục tiêu đấu tranh giành lấy quyền lực của họ.” Ông tiếp tục chỉ trích Kỳ vì đã không sử dụng vũ lực tại Đà Nẵng (He went on to castigate Ky for failing to use force at Da Nang). Ông cũng công khai không đồng ý với quyết định của Kỳ về việc tổ chức bầu cử quốc hội, vì sợ rằng một cơ quan như vậy, có thể thách thức quyền lực của chính phủ quân sự.
• Đại tá Yêu cầm đầu lực lượng vũ trang tiến đến căn cứ không quân
Bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào tại Đà Nẵng sẽ gây tổn hại cho các kho tiếp liệu của Mỹ và Nam Việt Nam, căn cứ không quân lớn ở đó, và trụ sở chính của Walt. Walt đã phải đối diện trước nhiệm vụ khó khăn nhằm hạn chế xung đột. Sự thể diễn ra vào ngày 9 tháng 4, khi thủ lĩnh quân đội phe nổi dậy, Đại tá Yêu cầm đầu một lực lượng vũ trang nhằm chống lại căn cứ không quân, nơi trú đóng của quân chính phủ. Kho tiếp liệu bao gồm có xe thiết giáp và pháo binh, và khả xảy ra xung đột vũ trang lớn là điều khó tránh khỏi. Với sự chấp thuận của Tướng Westmoreland, Walt với một đoàn xe của Lực lượng TQLC Hoa Kỳ đã ngăn chặn lực lượng của Yêu tiến về căn cứ và cử Đại tá John R. Chaisson đứng ra đàm phán. Căng thẳng dâng cao khi máy bay ném bom chiến đấu của TQLC Hoa Kỳ bay vòng trên đầu, những người lính của Yêu không chịu bó tay và cả hai bên đe dọa nổ súng. Cuối cùng phía lực lượng vũ trang của Yêu đã rút đi không tấn công nữa, và mối nguy hiểm đối với căn cứ không quân đã chấm dứt.
Vào ngày 10 tháng 4, Kỳ, cảm thấy không thể làm được gì hơn, một lần nữa sử dụng máy bay do Mỹ cung cấp để rút lực lượng đặc nhiệm của chính phủ. Đồng thời, Hội Đồng Tướng Lãnh thay thế tướng Chuân trong chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I với Tướng Tôn Thất Đính. Đính là một vị tướng lớn tuổi từng chỉ huy một nhóm cơ động của Pháp ở Bắc Việt Nam trước năm 1954, và sau đó trở thành một trong những chỉ huy hàng đầu của Tổng thống Diệm. Những đánh giá ban đầu của người Mỹ cho thấy Đính là người có nhiều “tham vọng” và “bản tính thất thường”. Tuy nhiên, là một người gốc Huế và thân thích với các nhà lãnh đạo Phật giáo, ông ta dường như được coi là một lựa chọn chính trị thích hợp cho vai trò này.
• Quân đội chính phủ rút khỏi Đà Nẵng
Vào ngày 14 tháng 4, tức bốn ngày sau, với việc bổ nhiệm Đính và quân đội chính phủ rút khỏi Đà Nẵng, Thiệu tuyên bố rằng cuộc bầu cử quốc hội lập hiến sẽ diễn ra trong khoảng từ ba đến năm tháng, và Giáo Hội Phật giáo nhanh chóng lên tiếng đồng ý chính phủ Kỳ nên giữ chức vụ cho đến lúc đó. Sài Gòn sau khi tuyên bố một cuộc bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức tuy vẫn chưa rõ chi tiết, nhưng các Phật tử xem như đã thắng ngay vòng đầu tiên.
Khi quân chính phủ rời Đà Nẵng, tình hình chính trị có vẻ lắng xuống. Tướng Walt bắt đầu cảm thấy thư giãn bất chấp lời cảnh báo trước của Lodge. Ông đã tổ chức cuộc họp giữa Đính và Yêu, sau đó báo cáo rằng Đính đang từ từ vãn hồi trật tự cho toàn khu vực Quân đoàn I, và chấp thuận sử dụng trực thăng Hoa Kỳ để chở lãnh tụ Phật giáo Trí Quang bay quanh khu vực quân đoàn trong nỗ lực kêu gọi các tín đồ của ông ta giữ thái độ chừng mực. Thi vẫn không xuất hiện và, chắc là hiện vẫn ở Đà Nẵng. Mặc dù Thi và những người được bổ nhiệm trước đây của ông ta tạo thành một mối nguy hiểm tiềm tàng, nhưng theo báo cáo của cố vấn Hoa Kỳ chỉ ra rằng, bên ngoài trụ sở Quân đoàn I và Sư đoàn 1, Phong trào Đấu tranh có rất ít sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang. Trong khi đó, Westmoreland cũng như các quan chức Mỹ có vẻ ngạc nhiên về việc Việt Cộng đã không khai thác thời điểm này để chống phá. Nhưng phía Đại sứ quán Hoa Kỳ vẫn nghi ngờ và cho rằng việc kẻ thù không hoạt động có thể là dấu hiệu của một thỏa thuận bí mật nào đó giữa Phong trào Đấu tranh và Cộng sản.
• Không có sự ổn định tại Quân Đoàn I.
Vào ngày 26 tháng 4, Kỳ thông báo cho Lodge rằng HĐTL không có ý định giao quyền hành pháp cho quốc hội lập hiến, và ba ngày sau, ông ta loại bỏ một người ủng hộ mạnh mẽ của Thi khỏi chức vụ Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia là Đại tá Liễu, thay thế Liễu với người bạn thân của Kỳ, là Loan, Cục trưởng ANQĐ. Tại Quân Đoàn I, Đính tỏ ra không muốn hoặc không thể khôi phục được tốc độ tác chiến bình thường. Trong một chuyến viếng thăm khu vực vào ngày 1 tháng 5, Westmoreland đã nhìn thấy đám đông binh lính địa phương với vũ khí đi lại trên đường phố Huế và Đà Nẵng, dựa vào sự kiện này ông đã bác bỏ lời khẳng định của Đính rằng tình hình chính trị tại đây đang ổn định. Phát hiện Tư lệnh Quân đoàn “nói nhiều và dễ xúc động,” Westmorel kết luận rằng “việc kiểm soát tình hình của Đính là khó khăn đến mức chúng tôi không thể hoàn toàn tin tưởng vào các ý kiến của ông ta.” Sau đó, Đính phản pháo lại rằng chính ông ta đã ra lệnh cho quân đội ở lại hai thành phố Huế và Đà Nẵng để kiểm soát các phần tử dân thường quậy phá.
Khi Westmoreland đến thăm Đà Nẵng, Tướng Freund, hiện được chỉ định là trợ lý đặc biệt của Bộ Tư lệnh MACV cho các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam, đã đi thăm trụ sở Quân đoàn II tại Pleiku, nơi ông được biết rằng Phó Tuyên úy Phật giáo Thích Hộ Giác, đã đến thăm thành phố Đà Nẵng vào ngày 27 tháng 4 và đã nói chuyện với các binh sĩ của đơn vị thiết giáp 3 miền Nam Việt Nam. Theo nguồn tin của Freund, Hộ đã nhấn mạnh ba vấn đề: rằng binh lính Nam Việt Nam nên hạ vũ khí; rằng các mục tiêu của cuộc chiến chỉ là của Mỹ; và rằng Trung Quốc, không phải Bắc Việt, mới là kẻ thù thực sự (that South Vietnamese soldiers should lay down their arms; that the objectives of the war were solely American; and that China, not North Vietnam, was the real enemy). Khi Freund chuyển câu chuyện đó cho Tổng Tham mưu trưởng Nam Việt Nam, ông nói thêm rằng Hộ Giác đang vận động chiến dịch chống lại các đơn vị thiện chiến của quân đội, và rằng “các vị tuyên úy Phật giáo khác cũng đang bận rộn trong các hoạt động tương tự tại các đơn vị toàn quân đội.“ Mặc dù không cung cấp bằng chứng cụ thể cho cả hai trường hợp, Freund báo cáo rằng Viên quan tâm sâu sắc đến tình hình, tin rằng “quân đội đang bị tiêu diệt từ bên trong.”
Barry Zorthian, chỉ huy trưởng của Liên quân Hoa Kỳ, Văn phòng Public Alfairs tại Sài Gòn, kể câu chuyện của Freund gần như từng chữ với Đại sứ Lodge và nói thêm rằng “một kỹ thuật tổ chức trá hình” tồn tại, theo đó mỗi đơn vị đều có các nhà lãnh đạo Phật giáo cấp cao đóng vai trò là “ủy viên tôn giáo (chính trị).” Bởi vì vấn đề người chỉ huy đơn vị Thiết giáp 3 của Nam Việt Nam đã “có phần nghi vấn”, ông suy đoán rằng đơn vị này sẽ rời bỏ hàng ngũ để tham gia vào Phong trào Đấu tranh trong vòng vài tháng tới. Qua kiểm tra xét thấy “sự suy giảm rất rõ ràng về tinh thần của quân đội Nam Việt Nam” và thực tế là “lực lượng cảnh sát địa phương hoàn toàn mất tinh thần”. Zorthian kết luận rằng một thảm họa lớn sắp xảy ra. Đại sứ quán Mỹ ngay lập tức chuyển thông tin cho Washington, nhấn mạnh rằng các tuyên bố của Viên và Trí Quang đã chứng thực cho cáo buộc và nhấn mạnh nguy cơ sụp đổ sắp xảy ra.
Vào ngày 6 tháng 5, Kỳ đã chia sẻ với Westmoreland một bức tranh về tình hình thậm chí còn đen tối hơn. Ông cho rằng Phong trào Đấu tranh đã được đặt dưới sự kiểm soát của một Bác sĩ tên Tâm, người mà theo lời đồn đại, gần đây đã đi đến Liên Xô theo con đường từ Thụy Sĩ. Kỳ nói, ba tỉnh miền Bắc của Nam Việt Nam hầu như không còn phụ thuộc vào Sài Gòn; nghi ngờ họ có mối liên lạc giữa những người có khuynh hướng chính trị thân Cộng; Và một vài nhà lãnh đạo Phật giáo đã thầm kín thúc giục ông tổ chức một cuộc đảo chính để lật đổ các thành viên khác trong HĐTL.
Ngày hôm sau, trong một động thái rõ ràng để chứng tỏ quyền lực của Cơ quan Hành pháp, Kỳ tuyên bố trong một cuộc họp báo ý định tiếp tục tại vị ít nhất cho đến một lúc nào đó vào năm 1967, và nói rằng quân đội sẽ chống đối bằng vũ lực, bất kỳ chính phủ dân cử nào có những người theo chủ nghĩa trung lập hoặc thiên cộng. Các báo cáo cũng cho thấy Đại tá Loan đang bí mật vận chuyển vũ khí cho các nhóm thù địch với Phong trào Đấu tranh, nhưng các quan chức Mỹ cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Sài Gòn đang chuẩn bị tiến hành hoạt động quân sự chống lại những người bất đồng chính kiến.[1]
✱ CIA: Tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam (tính đến 12:00 trưa ngày 16.4.1966)
Bản văn được thiết lập ngày 16.4.1966, được chấp thuận cho loan tải ngày 24.4.2003, nhưng 13 năm sau mới được loan tải trên Thư viên online của Cơ quan CIA ngày 16.12.2016 .
1. Hai nguồn tin Phật giáo đã nói với Đại sứ quán rằng Trí Quang sẽ đến miền Trung Việt Nam, hôm nay hoặc ngày mai (17.4.1966) để cố gắng làm dịu tình hình ở đó. Cả hai nguồn tin đều chia sẻ sự bi quan về triển vọng của sứ mệnh, [4-5 dòng chữ chưa giải mật]
2. Một báo cáo chưa được xác nhận của hãng tin Pháp (AFP) cáo buộc rằng chính phủ hôm nay đã ngăn cản việc khởi hành của một phái đoàn Phật giáo ba người trong đó có Trí Quang. AFP suy đoán rằng chính phủ, lưu tâm đến kinh nghiệm của Tướng Thi, đã miễn cưỡng cho phép Quang trở lại khu vực phía Bắc. Câu chuyện cũng chỉ ra rằng Thích Thiện Minh, một tín đồ của Quang, đã ám chỉ rằng vấn đề này có thể thay đổi thái độ hợp tác của Phật giáo.
3. Các phần tử chống chính phủ tại Quân đoàn I tiếp tục bày tỏ sự ngờ vực đối với chính phủ Kỳ, và rằng họ sẽ tiếp tục gây sức ép để thay thế chính quyền. Khoảng 2.000 – 3.000 người biểu tình ở Đà Nẵng hôm nay cho biết đã đốt một bản sao sắc lệnh về bầu cử của chính phủ. Tướng Thi được cho là đã chứng kiến cuộc biểu tình ngắn ngủi, nhưng không tham gia. Theo thông tin từ Đại sứ quán, Thi tuyên bố rằng ông ta sẽ trở lại Huế trong ngày hôm nay, và ông ta đang ở Đà Nẵng để dọn dẹp trụ sở Quân đoàn I, nơi ở cho người kế nhiệm mới nhất của ông là Tướng Đính. Những bình luận của Thi với báo chí ngày hôm qua về sự cần thiết của việc thay đổi chính phủ được cho là không có cơ sở, và Đại sứ quán cho rằng có thể lúc đó ông ta không biết về việc đình chỉ chiến dịch tranh cử ở Sài Gòn của GH Phật giáo.
4. Huế hôm nay tình hình yên tĩnh ngoại trừ một cuộc tụ họp ngắn khoảng 1.000 công chức do các lãnh đạo “lực lượng đấu tranh” kêu gọi. Đài phát thanh Huế tiếp tục phản đối mọi thỏa hiệp với Sài Gòn, và đang phát đi các tuyên bố của lãnh đạo sinh viên rằng Thích Thiện Minh, ở Sài Gòn, đang thúc giục họ tiếp tục “đấu tranh.”
5. Vụ việc được báo cáo ở Sài Gòn về vụ bắn Chu Văn Bình, chủ bút và nhà xuất bản của tờ báo tiếng Việt, đã bị bọn lưu manh tấn công vào trụ sở tuần trước, sau khi báo này chỉ trích chiến thuật gây rối trật tự của các chiến binh Phật giáo. Các báo cáo cho biết rằng người biên tập, có bút danh là Chu Tử, không bị giết như tin đầu tiên, mà đang trong tình trạng nguy kịch. Một người trẻ tuổi tấn công Chu Tử đã trốn thoát và không rõ danh tính. Đại sứ quán tin rằng hành động này có thể được thực hiện bởi hầu hết bất kỳ phe phái nào vì bài báo đã chỉ trích Phật giáo, Công giáo, chính phủ và Việt Cộng, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra trong bất kỳ trường hợp nào.[2]
✱ Kỳ tới – Tướng HV Cao không ra lệnh tấn công vào các chùa và xin đi Mỹ tị nạn…
• Thương thuyết bất thành – Số là khi tướng Cao đi thương thuyết bất thành, quay trở lại trực thăng và chuẩn bị khởi hành thì khoảng một trăm sinh viên, và binh lính lao thẳng vào bệ trực thăng – một trung úy Nam Việt Nam bắn vào trực thăng – Xạ thủ tại cửa trực thăng của Mỹ bắn trả lại… Sau đó, một tỉnh trưởng tại địa phương cho rằng vụ việc là âm mưu ám sát Cao do một người cháu của Trí Quang, là một đại đội trưởng Sư đoàn 1 cầm đầu…
• Từ chối ra lệnh tấn công vào chùa chiền – Tướng Cao gặp thêm rắc rối khác với Đại tá Loan, khi Loan yêu cầu Cao ra lệnh tấn công vào các chùa – với vẻ như đe dọa vị Tư lệnh Quân đoàn nếu ông ta từ chối. Đôi bên còn đang tranh cãi, Đại tá Hamblen thình lình đến nơi và thấy Cao bị Loan và một số cảnh sát vũ trang của Loan bao vây Cao… Sau đó Cao xin đi Mỹ tị nạn…
Còn tiếp.
Đào Văn
Nguồn:
[1] U.S. Army Center of Military History: Advice and Support: The Final Years, 1965-1973 – Revolt in the I Cords
[2] Thư viện CIA; THE POLITICAL SITUATION IN SOUTH VIETNAM ngày 16.April.1966.pdf