Cúng Ông Công, Ông Táo

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cúng Ông Công, Ông Táo
Vậy là sắp Tết Nguyên Đán… Vậy là sắp tới ngày cúng ông Táo… Ông bà mình nói là, đó là cúng tiễn ông Táo về trời. Thế là, các quan chức Giáo sư Tiến sĩ Hà Nội rủ nhau ra hướng dẫn đồng bào cách cúng ông Táo.

Sáng tạo cũng là cách cúng kiếng…

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia kể về Lễ cúng ông táo duyên do như sau.
 
Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.
 
Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hóa sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
 
Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.
 
Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt xấu của mọi người, nên để cho vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng.
 
Ông táo (Táo quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ “thần Bếp” chuyên cai quản việc bếp núc.
 
Ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao…thả. Bởi ngụ ý “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng”, cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.

Theo Báo Khám Phá, một Tiến sĩ ngành giaó dục đã hướng dẫn về cách cúng ông Táo sao cho hiệu quả. Nghĩa là, cúng làm sao cho ông Táo bay về trời mà không bị rớt phi cơ.
 
Báo Khám Phá ngày 2/2/2018 viết:
 
“Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cho biết: “Lễ vật cúng Táo quân bao gồm: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc, trong đó có 2 mũ đàn ông, 1 mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo có 2 cánh chuồn, mũ Táo bà không có cánh chuồn.
 
Những mũ này được trang trí với các gương nhỏ hình trong lóng lánh cùng giấy kim tuyến sặc sỡ. Ngày nay, người ta đã giản tiện hơn bằng cách cúng tượng trưng 1 cỗ mũ ông Công kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy”.  
 
Bàn thờ ông Công ông Táo rất đơn giản, chỉ có một hương án (tức là cái bàn thờ) kê liền với tường sau. Trên hương án đặt một bàn hoặc cái kệ nhỏ để đặt 3 đài rượu. Đằng sau chiếc bàn thờ nhỏ này là bài vị được kê cao, có khi gia chủ không đặt bài vị thì dùng 3 cỗ mũ.
 
Các mũ này gồm 1 mũ đàn bà ở giữa và hai mũ đàn ông ở hai bên. Cũng có khi bàn thờ hẹp thì gia chủ chỉ đặt một mũ. Ở phía trước kệ nhỏ đặt bát hương hoặc đỉnh trầm. Hai bên bát hương là đôi nến hoặc cây đèn dầu, cũng có thể đặt đôi ống hương….”(ngưng trích)
 
Vậy, không cúng Phật sao? Một ông Tiến sĩ khác liền nói cúng ông Táo phải niệm Phật A Di Đà…
 
Thế là, một Tiến sĩ khác nói trên một báo khác, góp ý…
 
Báo Người Đưa Tin ngày 1/2/2018 qua bản tin “Cúng ông Công ông Táo vào ngày nào, giờ nào chuẩn nhất?” đã phỏng vấn  PGS.TS Phạm Ngọc Trung (Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và được ông Trung hướng dẫn, trích:
 
“…trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “Các cụ xưa nay vẫn dặn dò con cháu dù có bận rộn tới mấy thì đúng ngày 23 tháng Chạp vẫn nên dành thời gian để làm lễ cúng ông Công ông Táo.
 
Vì vậy lễ cúng ông Táo phải tiến hành đúng ngày 23 tháng chạp. Khoảng thời gian tốt nhất từ 9h đến 12h, đây là điểm các thần quy tụ để chuẩn bị về trời. Chính vì thế các gia đình phải tuân thủ theo đúng giờ và ngày nhất định”.

Gia đình – Cúng ông Công ông Táo vào ngày nào, giờ nào chuẩn nhất?
 
Cúng ông Công ông Táo phải đúng ngày, đúng giờ.
 
Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái, thắp hai tuần hương rồi lễ tạ hóa vàng mã, mang cá chép đến thả ở ao hồ, sông, suối…
 
Việc cúng ông Công ông Táo tùy thuộc vào gia cảnh của mỗi gia đình và quan trọng là sự thành tâm. Nên, các gia đình không nên quá rườm rà mà mất đi ý nghĩa tốt đẹp.
 
Sau đây, là bài văn cúng khấn ông Công, ông Táo phổ biến của người Việt ta.
 
Bài cúng ông Công, ông Táo: Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin
 
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là:…
Ngụ tại:……
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
 
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai giá, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
 
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!”(ngưng trích)
Hiển nhiên, Đức Phật nghe là thấy mệt liền.
 
Báo Giác Ngộ của quý tăng ni chân chính đã lắc đầu quầy quậy… Không phải đâu, không phải đâu.
 
Tổ Tư Vấn Báo Giác Ngộ ngày 17/10/2016 qua bài “Phật tử thờ ông Táo được không?” (http://giacngo..vn/tuvantamlinh/tuvan/2016/10/17/5FC2D2/) đã trả lời câu hỏi “Tôi có nghe đĩa thuyết pháp và biết được là Phật tử thì không thờ ông Địa và thần Tài. Vậy thờ ông Táo được không?” bằng giải thích như sau:
 
“ĐÁP: Bạn Lê Ngân thân mến!
 
Thờ ông Địa, thần Tài, ông Táo là tập tục, tín ngưỡng dân gian. Từ xa xưa, người ta tin rằng, mỗi lĩnh vực của đời sống con người đều có một vị thần cai quản nên thờ phụng, cúng bái các vị thần ấy thì sẽ được phù hộ.
 
Người Phật tử sau khi quy y Tam bảo đều biết rõ “quy y Phật không quy y trời thần quỷ vật”. Tuy nhiên, tập tục thờ thần đã in sâu vào tâm thức, phổ biến trong dân gian Việt Nam nên một số Phật tử vẫn duy trì các hình thức thờ thần này.
 
Trong tinh thần phương tiện và bao dung của Phật giáo, những vị Phật tử nào chưa đủ Chánh kiến để phụng hành chỉ ba ngôi Tam bảo thì vẫn có thể duy trì tập tục thờ các vị thần này. Nhưng cần lưu ý rằng, đạo Phật không chủ trương thờ thần, mặt khác, những thành tựu trong đời sống đều do phước đức của tự thân đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại mà được, chứ không phải nhờ thần linh phù hộ.”(ngưng trích)
 
Thế đấy nhé… ông Táo, ông Công cũng đều là kẻ đứng ngoài cổng chùa.
Trần Khải