Cụ Kình ‘vừa trải qua ca phẫu thuật xương đùi’
19/04/2017
Hiện cụ ông Lê Đình Kình đang nằm Bệnh viện Việt Đức sau ca phẫu thuật gãy xương đùi phải, gia đình cụ nói với BBC chiều tối hôm 18/4.
Trong số những người dân xã Đồng Tâm bị giới chức bắt đi hôm 15/4, còn duy nhất cụ ông Lê Đình Kình, 83 tuổi, chưa về nhà.
“Ông tôi đã được mổ nhưng chưa rõ tiến trình hồi phục như thế nào,” một người cháu ngoại của cụ Kình cho biết.
“Tôi đang ở Hà Nội nhưng không vào thăm cụ vì người nhà tôi [từ Đồng Tâm] nói là có 20 cảnh sát lúc nào cũng túc trực ở phòng của cụ, tôi không chắc là nếu mình vào thì có được cho vào thăm hay không.”
“Cụ bị vỡ xương đùi. Chúng tôi không có bằng chứng để biết chính xác làm sao cụ bị gãy xương, nhưng từ sau khi công an bắt đi thì cụ phải điều trị trong viện.”
“Chúng tôi đoán là khi công an bắt thì có sự xô xát khiến cụ bị thương. Cụ là thương binh, hai chân đi tập tễnh nên di chuyển có thể khó khăn.”
“Sáng hôm 15/4, công an huyện và một số cán bộ mời ông tôi và một số đại diện của dân ra để chỉ mốc giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp, nhưng mục đích ra không phải là để chỉ mốc giới,” người cháu ngoại của ông Kình nói về những gì diễn ra hôm ông Kình bị công an bắt đưa đi.
Trước ca phẫu thuật, bệnh viện có yêu cầu gia đình cụ Kình ký giấy tờ theo thủ tục, nhưng gia đình từ chối.
Kể từ khi nghe tin cụ Kình phải nhập viện tới nay, gia đình đã gặp cụ một lần.
“Họ không cho gặp lâu, chỉ được một lúc thôi. Họ không cho gia đình ở cùng. Có rất đông người khác đứng đó, gia đình không được gặp riêng cụ,” một người khác trong gia đình cụ Kình cho BBC biết.
Gia đình được bệnh viện cho biết cụ Kình có thể xuất viện sau khoảng ba, bốn hôm, và giới chức hứa ‘sẽ đưa cụ về tận nhà’.
Dân quyết định ‘không thả những người còn lại’
Trước đó, cũng trong ngày 18/4, một người dân Đồng Tâm giấu tên nói với BBC rằng người dân địa phương thấy “tình hình rất nguy kịch”.
Video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy lực lượng công an có lúc phải rút lui trước sự phản ứng dữ dội của người dân Đồng Tâm hôm 15/4 |
Người này xác nhận thông tin dân địa phương đã thả 15 người của lực lượng công an, cảnh sát cơ động bị dân Đồng Tâm bắt giữ.
“Còn hơn 10 người nữa nhưng bây giờ nhân dân quyết định không thả.”
“Họ nói bao giờ nhìn thấy ông Kình hồi phục sức khỏe trở về thì nhân dân mới thả.”
“Đồng thời, dân cũng muốn chính quyền cam kết không truy cứu hình sự dân Đồng Tâm nữa,” người này nói.
“Dân chỉ mong thành phố vào cuộc, giải quyết nhanh chóng để dân được thanh thản.”
Sáng 18/4, Thành ủy Hà Nội thông tin với báo chí rằng “những hành vi vi phạm pháp luật [của dân Đồng Tâm] cần phải xử lý nghiêm”.
“Đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh; không để ảnh hưởng đến tư tưởng trong cán bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức nói riêng, TP Hà Nội nói chung; gây xáo trộn, hoang mang tư tưởng, chia rẽ nội bộ nhân dân,” trang vov.vn viết.
Người dân Đồng Tâm giải thích 15 cảnh sát được thả là bởi “có người tới bảo lãnh”.
“Những người được thả là những người ở cùng một đơn vị, cơ quan của họ đến nhận, làm giấy cam kết. Trước lúc lên xe ra về, họ còn cảm ơn nhân dân xã Đồng Tâm, còn bắt tay đàng hoàng.”
“Ngoài 15 người được lãnh đạo đơn vị đến ký giấy đón về, nhân dân chúng tôi không hiểu tại sao số người còn lại, không biết họ ở các đơn vị nào mà khi thấy thiếu người đơn vị của họ vẫn không có một tí trách nhiệm nào trong chuyện đến nhận người.”
Cũng trong ngày 18/4, BBC gọi cho Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch huyên Mỹ Đức nhưng các ông không nghe máy.
Đọc thêm:
Cụ Lê Đình Kỉnh ngày hôm nay
Vụ việc ở Đồng Tâm đang đẩy đi xa khi chưa có tiếng nói chung giữa nhân dân và chính quyền, sức nóng của sự việc đang dần được đẩy lên cao và nguyên nhân chưa được tháo gỡ chính là cụ Lê Đình Kình – trong lúc bị công an bắt giữ trái phép cùng 4 người khác sáng ngày 15.04, xương hông của cụ bị vỡ ở tuổi 82, nguy cơ tai biến cao khi phẫu thuật và hiện đang được 20 người công an chìm nổi canh chừng ở bệnh viện Việt Đức – Hà Nội.
Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã phải vào cuộc đưa cụ Kỉnh được phẫu thuật, chớ trêu, bác sĩ sẽ không mổ khi chưa có chữ ký của gia đình cụ chấp nhận các tai biến trong lúc phẫu thuật mà tuổi cụ đã cao, khả năng tai biến là rất lớn.
Đặc biệt, các con của cụ không chịu ký vào bất cứ biên bản cam kết nào từ phía bệnh viện và cho rằng, cụ đang là người rất khoẻ mạnh, tự dưng bị bắt cóc đi và bị đánh vỡ xương, ai đánh thì ký chứ các con nhất quyết không. Lỡ may trong quá trình mổ cụ mệnh hệ gì thì phải chăng gia đình chịu hết rủi ro và người đánh cụ coi như không liên can – người con gái của cụ đã bỏ ra ngoài.
Còn chính quyền – công an Mỹ Đức là lực lượng gây ra những vấn đề sức khoẻ của cụ hiện tại thì án binh bất động, có thể, họ đang phải theo chỉ đạo hoặc đâm “phong bì” chạy chọt khắp nơi nhằm cứu thân, nếu họ tự ý thức được việc mình làm thì họ đã đứng trước các con của cụ ăn năn, hối lỗi và xin sự thứ tha nhỏ nhoi nhưng sẽ không bao giờ có điều đó.
Gỡ nút thắt chỉ có công an Thành phố Hà Nội chỉ đạo lập biên bản ai là người tổ chức bắt giữ cụ và 4 người khác, ai làm vỡ xương cụ? Ai chỉ đạo? Thông cáo trên truyền thông nhà nước và gia đình cụ giữ một bản, lúc đó các con cụ sẽ ký.
Nhưng thực tế, chưa có trường hợp nào cho thấy công an thua dân, nhún nhường trước dân, thay vào đó là sự trấn áp, tuyên truyền kích động, chia rẽ lòng dân bằng chính quyền lực mà xưa kia cụ Kỉnh đã góp phần xây dựng nên.
(FB Hoang Thanh)