18/12/2016
Như thường lệ, báo chí VN tích cực làm “nhiệm vụ chính trị” của mình. Ông thủ tướng Xuân Niểng vừa được ê kíp ông Trump “bắt điện thoại” thì cả làng hồ hởi bốc thơm. Mà nếu nhìn cho kỹ, việc hai bên “điện thoại chúc mừng” chưa nói lên được điều gì tích cực.
VN là một trong những nước không được ê kíp của tổng thống đắc cử Donald Trump quan tâm. Theo “thứ tự ngoại giao”, vùng Biển Đông, ê kíp ông Trump gọi Phi trước hết. Nhân dịp này tổng thống Duterte khoe rằng Trump khen ngợi chính sách diệt trừ ma túy “có hiệu quả” của ông. Chuyện “ngoạn mục” tiếp theo là ê kíp Trump nhận điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan. Hành vi này dĩ nhiên là trái với thông lệ ngoại giao. Đài Loan được HK xem là một phần lãnh thổ của TQ mà nhà nước đại diện là chính quyền Bắc Kinh.
Nhận một cú điện thoại của Duterte, một nhân vật bị Tòa án Hình sự Quốc tế đe dọa truy tố do việc sử dụng những biện pháp ngoài luật lệ (với những hành vi bị xem là “diệt chủng”, chống nhân loại). Sau đó của bà Thái Anh Văn, đại diện một “nhà nước” không được công nhận. Tổng thống đắc cử Donald Trump cho dư luận thế gới thấy, về bề mặt, cái lập dị trong cách làm việc (không theo thủ tục ngoại giao) của ông, mà bề trong cho thấy vai trò của Phi và Đài Loan sẽ (rất) quan trọng trong đường lối ngoại giao của Mỹ trong 5 năm tới.
Ông Trump cũng vừa lựa chọn ông Rex Tillerson làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, một tài phiệt ngành dầu hỏa thành đạt (tổng giám đốc ExxonMobil), được biết là có quan hệ mật thiết với Nga. Theo tin tức báo chí, Rex Tillerson hiện đang có nhiều hợp đồng khai thác dầu khí giá trị lớn lao với Nga. Bản thân ông này đã được TT Putin của Nga trao tặng huân chương “hữu nghị” năm 2013.
Điều này cho thấy, nếu không gặp sự chống đối của Quốc hội, với Rex Tillerson, đường lối ngoại giao của HK sẽ có những thay đổi ngoạn mục. Người ta đoán rằng Mỹ sẽ thân với Nga để chống TQ.
“Liên minh” này có thể thành hình. Bởi vì bản thân của Putin vốn là người “thực tiễn”, rất khôn ngoan, biết mềm nắn rắn buông. Trường hợp Nga với Thổ, vài tháng trước hai nước này có những “đụng chạm nguy hiểm” vì phòng không Thổ đã bắn hạ Su 24 (11-2015) của Nga đang dội bom khu vực biên giới với Syrie. Thổ dựa vào NATO “cương” với Nga. Nhưng bây giờ, gió đổi chiều 180°. Quan hệ Nga-Thổ thắm thiết như chưa bao giờ, bởi vì hai bên có chung “lợi ích chiến lược” ở Syrie. Rốt cục “liên minh Nga-Thổ” lại đe dọa Châu Âu.
Nga hiện đang rất cần “hòa” với Mỹ để củng cố lại nền kinh tế đang ngắc ngoải vì bị Mỹ và Châu Âu “cấm vận” sau vụ Crimée. “Hòa” với Mỹ còn cần thiết cho Nga về chiến lược, như củng cố ảnh hưởng ở Ai Cập, và dĩ nhiên để Mỹ không cản trở trong việc giúp Bachar el-Assad “tiêu diệt khủng bố, giải phóng lãnh thổ” ở Syrie (mà điều này sắp hoàn tất).
Nhưng (có người) nói rằng Mỹ hòa với Nga (để chống TQ) thì có lợi cho VN, theo tôi là điều cần xét lại. Bởi vì không có dâu hiệu nào cho thấy VN dứt khoát chống TQ để bảo vệ quyền lợi của mình, về kinh tế hay ở Biển Đông. Thứ tự ưu tiên ngoại giao (VN đứng sau cả Đài Loan, đối với Mỹ vốn không phải là quốc gia) cho thấy Mỹ hoài nghi VN. Dĩ nhiên Mỹ không muốn VN đứng về phía TQ. Nhưng không phải vì vậy mà Mỹ muốn VN đứng vào “liên minh” với Mỹ.
Ngay cả việc bổ nhiệm Tellerson vào bộ Ngoại giao cũng không nói lên điều gì, mặc dầu dưới thời Tellerson làm giám đốc ExxonMobil VN có ký hợp đồng cho hãng này khai thác dầu khí trên thềm lục địa (vùng tỉnh Khánh Hòa) và việc này bị Bắc Kinh đe dọa. Bởi vì ta không thể quên, hãng Cresstone của Mỹ cũng đã từng ký hợp đồng với Bắc Kinh để khai thác bãi Tư Chính, trên thềm lục địa của VN, (Bắc kinh gọi là Vạn An Bắc), đầu thập niên 90 thế kỷ trước.
Quan hệ giữa VN và Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ sắp tới sẽ “không mặn mà” như dưới thời Obama, (nếu không có những khủng hoảng chính trị quan trọng như Trump bị bãi chức vì lý do nào đó).
Sự việc tàu chiến TQ “tịch thu” thiết bị của tàu nghiên cứu Mỹ, trong khu vực 50 hải lý cách vịnh Subic của Phi, cho thấy hai bên Mỹ-Trung căng thẳng, từ lời nói chuyển sang hành động. Trên phương diện pháp lý, có sự “xung đột” giữa “pháp quyền-juridiction” của Phi (vì vùng biển này thuộc EEZ của Phi), với các quyền “tự do làm công tác nghiên cứu khoa học trên đại dương” của Mỹ với “quyền bất khả xâm phạm chiến hạm” của TQ, trong trường hợp thiết bị thăm dò của Mỹ áp sát tàu chiến, (tạo thành thế “tự vệ” cho tàu chiến). Vụ này xem ra trầm trọng không kém vụ máy bay do thám của Mỹ bị ép hạ cánh ở Hải Nam nhiều năm trước.
Song song đó, hình ảnh từ các vệ tinh cho thấy TQ đã “quân sự hóa” các đảo nhân tạo (xây dựng từ các bãi chiếm của VN năm 1988).
Tập Cận Bình đang “nắn gân” Trump ? Thái độ sắp tới của bộ quốc phòng Mỹ (có hành vi trả đũa hay không) cho ta biết quyết tâm của Mỹ ở Biển Đông.
Dầu thế nào cũng không thể xem căng thẳng giữa Mỹ và TQ là một “dịp may chiến lược” cho VN. Nội các của Trump toàn là tài phiệt. Mà tư bản (cũng như cộng sản) làm gì có tổ quốc ? Vì quyền lợi, họ sẵn sàng làm ngơ nếu TQ mở cuộc xâm lăng mới, như phong tỏa chiến thuật vùng dầu khí của VN (từ đảo Trường Sa lớn vào bờ), không cho VN khai thác. Hay chiếm thêm các đảo của VN ở TS.
Trương Nhân Tuấn