CSVN tiếp tục tung tiền tìm kiếm hậu thuẫn tại Hoa Thịnh Đốn
Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) – Theo Asian Time (1), kể từ tháng Chín năm 2017, Viettel, một tập đoàn kinh doanh về các dịch vụ viễn thông do quân đội Cộng sản Việt Nam (CSVN) kiểm soát, đã tung tiền ra cho hãng luật McDermott Will & Emery, có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, để vận động chính phủ Trump có quan điểm “thân thiện” hơn với chế độ độc tài toàn trị này.
Asian Times cho biết hãng luật McDermott Will & Emery nhận khoảng bốn mươi ngàn Mỹ kim mỗi tháng từ Viettel để làm kinh phí vận động cho CSVN. Đương nhiên đây chỉ là kinh phí cho vận động, quan hệ và môi giới, không tính đến các khoảng phí “đút lót” cần thiết khác. Như vậy, tiền trả công cho hãng luật này đi vận động từ tháng Chín đến tháng Hai năm nay, CSVN đã tốn khoảng hai trăm ngàn Mỹ kim, và tổng số tốn kém sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Cũng theo Asian Time, thành viên của hãng luật này là Stephen Ryan, vốn làm luật sư riêng của Cohen, một tay chân thân tín và là luật sư riêng của tổng thống Trump, vừa nhận tội trước chính quyền Liên Bang trong tháng này vì vi phạm nhiều điều khoản về thuế và “rửa tiền”, nhận lãnh trách nhiệm môi giới này. Cạnh Ryam trong hãng còn có cựu hạ nghị sĩ Cộng Hòa Jeff Miller góp sức.
Một hãng luật khác là hãng Dowell Pham Harrison, hoạt động tại Hoa Thịnh Đốn, cũng nhận được khoản tiền mười ngàn Mỹ kim một tháng cùng thời gian với hãng McDermott Will & Emery để hổ trợ các hoạt động tìm kiếm hậu thuẫn từ chính phủ Trump.
Xin lưu ý, mối liên hệ cá nhân giữa TT Donald Trump và CSVN còn dây dưa liên quan đến sòng bài và khu nghĩ mát Hồ Tràm ở Cấp (Vũng Tàu), với kinh phí xây dựng được cho là lên đến bốn tỷ Mỹ kim. Tập đoàn xây sòng bài Hồ Tràm là Asian Coast Development Ltd, mà chủ nhân là Philip Falcone, bạn làm ăn chung với Trump khi chưa làm tổng thống. Theo tạp chí Forbes (2), Falcon đang thúc ép CSVN cho phép người dân Việt Nam đánh bài trong các sòng bài này, và Trump đã có những hành động áp lực đáng kể để Hà Nội suy nghĩ mà quyết định, trong đó có việc Trump, vừa thắng cử tổng thống đã có cú điện thoại nói chuyện với thủ tướng Phúc mà không thông qua sự dàn xếp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Xin đề cập thêm, trong thời gian khi Tổng thống Obama còn tại vị, CSVN cũng đã tung không biết bao nhiêu tiền cho hãng Podesta (3) thông qua vây cánh của gia đình Clinton, để vận động Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vũ khí. Như vậy, chúng ta có thể thấy, vận động hậu trường chính trị ở Hoa Thịnh Đốn để Hoa Kỳ ủng hộ hay hậu thuẫn cho CSVN là một chính sách được duy trì thường xuyên không ngừng nghỉ.
Những cuộc vận động liên tục ở hậu trường để tìm kiếm hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã khiến hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng tốc, chúng ta có thể thấy như sau:
1. Tổng thống Obama bãi bỏ lệnh cấm vận buôn bán vũ khí với Việt Nam vào năm 2016.
2. Vào tháng Giêng năm 2018, Bộ Trưởng Quốc phòng Mattis đã sang thăm Việt Nam, trong đó có bàn đến việc Hoa Kỳ sẽ trao ba chiếc tàu tuần duyên hạng nặng thuộc lớp Hamilton vào năm 2019 (4) cho CSVN; và một chiếc đã được giao cho Hà Nội vào cuối năm ngoái. Loại tàu này nặng khoảng trên ba tấn, được trang bị radar phòng không, đại pháo 76 ly và nhiều loại súng máy khác, với lượng thủy thủ đoàn lên đến trên 116 người.
3. Tương tự, vào tháng Ba năm nay, theo trang mạng Vnexpress, Hoa Kỳ đã giao cho CSVN 6 chiếc xuồng tuần tra duyên hải Metal Shark 45 Defiant với đầy đủ thiết bị trị giá lên đến 20 triệu Mỹ kim tại đảo Phú Quốc (5). Cũng theo trang mạng này, căn cứ cảnh sát biển ở Vũng Tàu cũng sẽ được Hoa Kỳ giúp tân trang.
4. Không những thế, vào đầu tháng Tám năm nay, đài VOA loan báo CSVN vừa mua hàng loạt các thiết bị quân sự hàng hải lên đến 94 triệu Mỹ kim, hầu hết là các thiết bị điện tử, radar nhằm tăng khả năng nhận dạng đối phương cho Hải quân (6).
5. Ngay cuối tháng Tám, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ là Andrea L. Thompson sang thăm Việt Nam đã khẳng định hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và CSVN là “dài hạn và chiến lược” với các ưu tiên về an ninh hàng hải, hợp tác đào tạo (7).
Lời tuyên bố này của bà Thứ trưởng Thompson báo hiệu cho mọi người thấy giai đoạn chuyển giao vũ khí, đào tạo và tập luyện sử dụng các loại vũ khí tối tân này từ phía Hoa Kỳ cho CSVN sẽ tăng tốc hơn nữa trong những năm sắp tới.
6. Đương nhiên, sự kiện hàng không mẫu hạm của Mỹ vào Đà Nẵng cho lính hát hò càng làm nổi bật ý muốn tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Hoa Thịnh Đốn của CSVN.
Có thể nói, mặc dù cố chối bỏ đường lối quân sự của Việt Nam Cộng Hòa một cách tối đa trong vấn đề hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, nhưng từng bước từng bước, CSVN buộc phải đi theo chiến lược này. Sự khác biệt ở chỗ, Việt Nam Cộng Hòa hợp tác với Hoa Kỳ là để bảo vệ hòa bình toàn vẹn lãnh thổ, còn CSVN muốn hợp tác với Hoa Kỳ chỉ để kéo dài quyền uy của đảng, vốn đang bị Tàu Cộng đe dọa và sát nhập.
Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 là một điều không thể tránh khỏi, khi Cộng sản Bắc Việt tấn công liên tục vào Việt Nam Cộng Hòa, đó là chưa kể vụ Tàu Cộng tấn công vào Hoàng Sa năm 1974, thì nay, sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ tại các cảng lớn của miền Nam như Cam Ranh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc lại cũng không thể tránh khỏi vì thảm họa đỏ từ Bắc Kinh.
Mặc dù CSVN đang cố tình nhượng bộ Bắc Kinh tối đa để trì hoãn xung đột xảy ra, tuy nhiên, những nhượng bộ này không làm cho Bắc Kinh hài lòng vì Bắc Kinh thấy rõ nỗ lực của Hà Nội đang tăng tốc tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Hoa Thịnh Đốn như là phương án dự phòng để đối phó quân sự với mình khi cần thiết. Do đó, yêu sách và hăm dọa từ phía Tàu Cộng đối với CSVN tiếp tục tăng trong thời gian gần đây.
CSVN đã từng chịu nhục, nín lặng hủy bỏ hợp đồng khai thác dầu hỏa với công ty Repsol để làm dịu cơn tức giận của Tàu Cộng (8). Hợp đồng này nếu được tiến hành, sẽ đem đến cho CSVN một nguồn tài chánh khá lớn. Trữ lượng dầu ở mỏ Rồng Đỏ ước tính lên đến 45 triệu thùng, chưa kể 172 tỷ ft khối khí. Nếu giá thị trường của dầu thô ở mức 70 Mỹ kim/thùng thì hợp đồng này mổi năm mang về hai tỷ rưỡi Mỹ kim dễ dàng.
Tuy vậy, nhượng bộ lớn lao này của Hà Nội không làm thỏa mãn cơn tức giận của Bắc Kinh. Bắc Kinh vẫn tiếp tục đòi hỏi CSVN phải chấm dứt mọi hợp đồng hay kế hoạch khai thác dầu hỏa trên biển Đông. Dĩ nhiên, CSVN không thể nào thỏa mãn được đòi hỏi này mà chỉ có thể gợi ý hợp tác chung để kéo dài thời gian trong khi tìm kiếm một hiệp ước hậu thuẫn từ phía Hoa Kỳ.
Các phương thức sách nhiễu gây áp lực của Tàu Cộng lên CSVN thường xảy ra ở dưới dạng cho tàu tuần tra đâm thủng tàu cá ngư dân Việt Nam, kéo dàn khoan dầu vào lãnh hải Việt Nam, đem oanh tạc cơ đáp xuống Hoàng Sa đe dọa trực tiếp đến không phận của Việt Nam, cử đặc phái viên sang Việt Nam chửi bới chỉ trích về mặt ngoại giao hoặc yêu cầu đặc phái viên của CSVN sang để nghe chửi bới chỉ trích. Trần Quốc Vượng cuối tháng Tám này đã phải sang thăm Tàu Cộng để nghe Tập Cận Bình xả cơn tức giận của mình, nhất là việc CSVN được Hoa Kỳ mời tham dự tập trận RIMPAC trong khi Tàu Cộng thì không (9).
Hoa Kỳ làm như vậy là muốn cho Bắc Kinh thấy CSVN đang là đối tác quân sự của mình, còn Tàu Cộng thì không. Điều này vô hình chung làm những nhượng bộ của Hà Nội bấy lâu nay để xoa dịu Tàu Cộng trở nên vô dụng, như muối bỏ biển. Ngoài ra, dự luật ngân sách quốc phòng từ lời đề nghị của Thượng nghị sĩ John McCain, mà Tổng thống Trump mới ký, lên đến 716 tỷ Mỹ kim, được coi là dự luật chỉ nhắm vào Tàu Cộng, càng làm cho Bắc Kinh thêm nổi giận và chắc chắn, điều này khiến CSVN càng bị Tàu Cộng hăm dọa thêm nữa.
Có thể nói thời gian đu dây “dĩ hòa vi quý” mà CSVN chủ trương bấy lâu khi bang giao với Tàu Cộng đã không còn được bao lâu nữa, và giai đoạn xung đột tranh chấp đang gần kề. Mọi nhượng bộ của CSVN trong quá khứ đối với Tàu Cộng chỉ là tốn hao thiệt hại cho đất nước quá nhiều nhưng vô ích.
Tuy nhiên, việc bắt tay hợp tác quân sự với Hoa Kỳ cũng gây khó khăn cho CSVN vì quân đội cần phải tái cấu trúc. Quân đội của đảng được cấu trúc theo kiểu Sô Viết mà trong đó, chính ủy viên của đảng, dù không phải là quân nhân chuyên nghiệp, nhưng lại là người có quyền quyết định hay ra lệnh đơn vị hành động, không phải là chỉ huy trưởng các đơn vị như quân lực những quốc gia dân chủ hiện đại hay như Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Có nghĩa là quân đội của đảng, “hồng hơn chuyên”, đánh để đạt mục tiêu chính trị chứ không phải đánh để đạt mục tiêu quân sự. Xin nhớ, đánh để đạt mục tiêu chính trị tức là đánh để bảo vệ đảng, còn đánh vì mục tiêu quân sự tức là đánh để bảo vệ đất nước.
Trong giai đoạn kháng chiến hay làm cách mạng để lớn mạnh, lối điều hành lực lượng quân sự Sô Viết thích hợp để bành trướng chủ nghĩa Mác-Lê, nhưng khi ở vị thế là quân đội chính quy phòng thủ quốc gia, đường lối điều hành quân đội kiểu Sô Viết đem đến thảm họa cho quân đội và cho đất nước!
Người đầu tiên nhận ra thảm họa này không ai khác hơn chính là Stalin. Quân đội dưới sự điều khiển của đảng Bolsevic đã thảm bại thê thảm trước Đức Quốc Xã, cả triệu quân bị tan rã trong vài tuần lễ cũng chỉ vì lề lối chỉ huy “hồng hơn chuyên”. Khi thủ đô Mạc Tư Khoa bị vây hãm, Stalin hết cách buộc phải cho phép các tướng lãnh, sĩ quan quân sự chuyên nghiệp có nhiều quyền quyết định, nhờ vậy, vai trò của tướng Zhukov mới nổi lên như lịch sử chứng minh.
Do đó, khi CSVN hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, dù là chỉ mức tập luyện đào tạo hay mức hợp tác tác chiến, cách thức điều hành quân đội theo kiểu Sô Viết Cộng sản không thể nào duy trì được nữa. Mô hình cấu trúc quân đội Quốc gia như Việt Nam Cộng Hòa thực hiện trước đây là cần thiết. Cho dù có miễn cưỡng đến mấy, CSVN cũng hết đường lựa chọn mà phải quay lại học hỏi và làm theo cách thức tổ chức quân đội mà Việt Nam Cộng Hòa đã cũng cố, dựa trên tinh thần “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm.”
Khoảng cách giữa cơ chế Sô Viết cũ ở mọi mặt từ cơ cấu chính quyền đến cấu trúc quân đội và thực tiễn thúc bách cần phải thay đổi tại Việt Nam vẫn còn quá xa. Càng cố trì hoãn thu hẹp khoảng cách này bao nhiêu, thì số phận chung cuộc dành cho đảng CSVN càng khốc liệt bấy nhiêu.
Nói một cách ngắn gọn, đảng CSVN đường nào cũng chết, chỉ là chết kiểu nào, chết nhẹ nhàng theo ý nguyện của thời cuộc hay chết thảm khốc trước hoàn cảnh lịch sử. Sự trở lại của mọi giá trị mà Việt Nam Cộng Hòa cưu mang từ kinh tế, chính trị đến quân sự cũng vì thế, là một điều không thể cưỡng lại. Việt Nam Cộng Hòa hiện diện trở lại sớm hay muộn, ít đổ máu hay không chỉ phụ thuộc vào khả năng nhận thức của người dân Việt Nam về vấn đề này nhanh hay chậm mà thôi.
* Chú thích:
25.08.2018