CSVN: Không quân sự hóa Biển Đông
Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam không tìm cách tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Phát biểu của Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra hai ngày sau khi Tổng Thống Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, cho phép quân đội Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại và hợp tác gần gũi hơn với quân đội Mỹ.
“Việt Nam không tăng cường quân sự nhưng Việt Nam cần phải bảo vệ chủ quyền, trước tiên là bằng các giải pháp hòa bình, ngoại giao và thậm chí là pháp lý,” Nguyễn Xuân Phúc nói.
“Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và luôn giải quyết các vấn đề của quốc tế cũng như khu vực dựa theo luật pháp quốc tế trên tinh thần không dùng vũ lực và không dùng sức mạnh để đe dọa nước khác.”
Phúc không hề nhắc đến TC trong suốt cuộc phỏng vấn và không rõ ý của người đứng đầu chính phủ Việt Nam là gì khi đề cập đến từ “pháp lý” như là một biện pháp để Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Nhậm chức từ tháng trước và là một trong ba vị trí lãnh đạo quyền lực nhất, Phúc đang đối diện với nhiệm vụ khó khăn là vừa duy trì mối quan hệ thân thiết với TC, vừa phải chịu áp lực của người dân đòi chính phủ Việt Nam phải có thái độ với sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở biển Đông.
“Không có xung đột”
Việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí, dấu ấn cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, theo các chuyên gia, có thể sẽ giúp Việt Nam theo đuổi việc hiện đại hóa quân đội để gia tăng khả năng bảo vệ bờ biển đồng thời tạo nên những ràng buộc chặt chẽ hơn về an ninh.
Vậy nhưng, Thủ tướng Phúc cho biết ưu tiên lúc này là các nước thuộc khối Asean và những đối tác như Nhật Bản có thể làm giảm căng thẳng một cách hòa bình và không dùng vũ lực để đe dọa.
“Tôi xin nhắc lại một lần nữa là không có xung đột” Phúc nói. “Việt Nam không chủ trương quân sự hóa mà chúng tôi có những giải pháp để hợp tác với các nước khác nhằm duy trì hòa bình, tự do hàng hải, tự do hàng không và tự do giao thương”.
Thủ tướng cũng ca ngợi sự thành công của chuyến thăm Việt Nam trong ba ngày của Tổng thống Obama và cho biết lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đón chào người đứng đầu chính phủ Mỹ bằng tình hữu nghị.
“Tổng thống Mỹ nói sự đón chào của nhân dân Việt Nam đã chạm đến trái tim khiến ông ấy cảm động và cám ơn,” Phúc nói.
Khi được hỏi liệu hệ thống chính trị và những tư tưởng bảo thủ có ảnh hưởng đến những mục tiêu về kinh tế hay không, Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam theo đuổi tự do thương mại cho thấy chủ nghĩa cộng sản không phải là rào cản.
“Đất nước chúng tôi được lãnh đạo bởi đảng Cộng Sản, nhưng Việt Nam là một quốc gia theo kinh tế thị trường,” Phúc nói.
“Chúng ta không thể cho rằng Việt Nam là một quốc gia bảo thủ. Kinh tế thị trường đi liền với sự năng động, không thể bảo thủ được.”
Phúc, nhậm chức từ tháng trước, nói ưu tiên hàng đầu của Việt Nam lúc này là kiểm soát nợ công và giữ ở mức dưới 65% so với GDP, đồng thời duy trì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức 6.7 % đến 7% trong vòng 5 năm tới. – Theo BBC