CSVN khó tác động đến chính sách, bước đi của Philippines

Cac Bai Khac

No sub-categories

CSVN khó tác động đến chính sách, bước đi của Philippines

Chủ tịch CSVN Trần Đại Quang đã tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 29/9 sau khi Duterte đến Hà Nội hôm 28/9, thực hiện chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày.

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị tổng thống, theo tường thuật của truyền thông Việt Nam, Duterte khẳng định “coi trọng và tăng cường quan hệ mọi mặt với Việt Nam” và mong muốn “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược” giữa hai nước trong thời gian tới.

Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hồi tháng 11/2015. Năm nay, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tin cho hay lãnh đạo hai nước “nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị, ngoại giao” thông qua “tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp”.

‘Trụ cột quan trọng’

Hợp tác an ninh, quốc phòng được hai bên đánh giá là “một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước”.

Về vấn đề Biển Đông, truyền thông Việt Nam cho biết trong cuộc hội đàm giữa Quang và Duterte, hai bên cam kết “duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông”.

Hai bên cũng kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Quan sát từ Singapore, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại đảo quốc nhỏ bé, nhận định rằng Việt Nam sẽ “tận dụng” chuyến thăm của tổng thống Duterte để hiểu rõ “lập trường chính sách” của Philippines đối với các tranh chấp ở Trường Sa. Ông Hiệp cho rằng thông qua đó hai nước sẽ xác định được rõ hơn hướng đi của quan hệ song phương trong thời gian tới, trong khi Việt Nam “sẽ định hình được các bước đi của mình đối với vấn đề Biển Đông”.

Trong những tháng gần đây, tổng thống Philippines đã có những tuyên bố hoặc tỏ dấu hiệu sẽ thay đổi chính sách cả về vấn đề Biển Đông lẫn quan hệ với các nước lớn có ảnh hưởng đến khu vực là Mỹ và TC.

Một số nhà phân tích và Tiến sỹ Hiệp cho rằng điều này gây lo ngại cho Việt Nam. Liệu Việt Nam có sử dụng chuyến thăm hiện nay để tác động đến chính sách và các động thái của Duterte hay không, Tiến sỹ Hiệp đưa ra dự báo: “Khả năng của Việt Nam tác động vào Philippines để Philippines đi theo những đường hướng chính sách có lợi cho Việt Nam thì tôi nghĩ là rất là khó. Điều đấy phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức về mặt lợi ích quốc gia của ông Duterte và chính quyền của ông. Trong thời gian trước mắt, tôi nghĩ rằng khả năng đấy là thấp. Còn trong trung và dài hạn, khi có những thay đổi về nhận thức và khi có những sức ép khiến chính quyền của ông Duterte thay đổi, tôi nghĩ may ra lúc đấy khả năng Việt Nam có thể tác động hoặc làm sao có thể định hình các chính sách của Philippines có lợi hơn cho mình thì tôi nghĩ lúc đấy mới có thể khả dĩ hơn”.

Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, phân tích thêm rằng Tổng thống Duterte có những ưu tiên mâu thuẫn với những mong muốn của một số người về vấn đề đối ngoại.

Ông Hiệp nêu ra ví dụ là có những người Philippines mong muốn nước này tiếp tục cứng rắn với TC để bảo vệ lợi ích trên Biển Đông, trong khi chính quyền của Duterte lại muốn cải thiện quan hệ với TC. Lý do là ông muốn tận dụng sự hợp tác, sự hỗ trợ về kinh tế của TC để ông thực hiện các mục tiêu đối nội, nhất là phát triển kinh tế. Do vậy, Việt Nam sẽ khó tác động đến Philippines.

‘Tuyên bố khó hiểu’

Về các tuyên bố đối ngoại gây khó hiểu của Duterte, Tiến sỹ Hiệp lưu ý cần phải bình tĩnh tìm hiểu xem ý định thực chất trong những phát biểu của ông là gì, do Duterter “xuất thân là một chính trị gia ở địa phương”, không có “các kinh nghiệm lãnh đạo ở tầm quốc gia” cũng như “các kinh nghiệm quốc tế”. Ngoài ra, ông Hiệp cũng cho rằng những ràng buộc do thể chế và các hiệp ước sẽ hạn chế phạm vi hành động của tổng thống Philippines, nhất là trong quan hệ với Mỹ và TC.

Ông nói: “Về quan hệ của Philippine với Trung Quốc và Hoa Kỳ, tôi cho rằng sẽ vẫn có những sự rằng buộc về mặt thể chế cũng như những sức ép về mặt chiến lược, về mặt kinh tế, về mặt chính trị, v.v… mà có thể hạn chế phạm vi tự do hoạt động, tự do quyết định của ông Duterte. Dẫu sao thì Mỹ vẫn là một đồng minh hiệp ước với Philippines và Philippines sẽ không thể một sớm một chiều quyết định rời xa Hoa Kỳ. Có những cái hiệp ước vẫn còn giá trị, những cái ràng buộc pháp lý vẫn còn có giá trị giữa hai bên và ông Duterte không thể tự mình có thể xoay chuyển được trong một sớm một chiều”.

Một ngày trước, vào tối 28/9, phát biểu với cộng đồng người Philippines tại Hà Nội, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố sẽ sớm chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ, song cam kết sẽ tôn trọng hiệp ước an ninh hiện hành giữa hai quốc gia đồng minh này.

Hôm 29/9, Ngoại trưởng Philippines Yasay đã giải thích rõ hơn rằng tuyên bố của tổng thống không có nghĩa là Philippines tách ra khỏi đồng minh Mỹ hay hủy bỏ bất cứ hiệp ước nào với Mỹ.

Ngoại trưởng Philippines nói: “Điều đó chỉ có nghĩa là khi Ủy ban Quốc phòng Chung trong tương lai đưa ra đề xuất đó, căn cứ vào lời ông nói hiện nay, tổng thống nhiều khả sẽ không cho phép tiến hành tập trận chung”. – Theo VOA