Phỏng vấn Gs Nguyễn Mạnh Hùng: Crimée- Putin gây áp lực Tây phương và ghi bàn thắng
Lính Nga canh gác tại sân bay Belbek, vùng Crimée, Ukraina (ảnh chụp 04/03/2014) – REUTERS/Baz Ratner
Trả lời phỏng vấn của Tú Anh, phóng viên RFI, GS Nguyễn Mạnh Hùng cho độc giả biết một số điểm quan trọng: TT Obama đối phó với tình huống Ukraina bình tĩnh chứ không do dự như một số phê phán, TT Nga Putin sẽ không lùi bước vì áp lực kinh tế của Hoa Kỳ và Âu châu sẽ gây tổn hại cho cả đôi bên, áp lực chính trị có gây ảnh hưởng xấu cho Nga, nhưng kết cuộc Ukraina sẽ mất vùng Crimee’. Ban Biên Tập.
Theo RFI – Tú Anh – Thứ năm 13 Tháng Ba 2014
Vào năm 1954, Nikita Khrouchtchev, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô, người Ukraina, đã lấy quyết định sáp nhập Crimée vào Ukraina. Trước đó, hàng triệu dân ‘tạc-ta » ở Crimée đã bị người tiền nhiệm của Khrouchtchev, là Stalin, trấn áp, lưu đày trong một chính sách thanh lọc chủng tộc đẫm máu.
Trong thế giới khép kín của phe « xã hội chủ nghĩa », mọi sinh hoạt quay theo quỹ đạo của Matxcơva dù Crimée là của Ukraina cũng nằm trong chế độ Xô-viết.
Cho đến năm 1991, Liên Xô tan rã, Ukraina độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ đã được các cường quốc Mỹ, Anh và Nga công nhận qua « bị vong lục » ký kết vào ngày 05/12/1994 tại Budapest, và sau đó được Trung Quốc và Pháp thừa nhận. Tất cả các nước lớn này công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, trong đó có Crimée. Đổi lại, Kiev nhận được 18% lực lượng hải quân của Liên Xô, nhưng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân thừa kế.
Vùng Crimée tưởng chừng như chìm vào quên lãng. Thế nhưng, 23 năm sau ngày Ukraina độc lập, một cựu sĩ quan gián điệp KGB, nay nắm toàn bộ quyền lực tại Matxcơva, lo ngại chế độ Kiev thoát khỏi ảnh hưởng của Nga nên quyết định lấy lại quyền kiểm soát bán đảo chiến lược này trong Hắc hải. Một lần nữa, Vladimir Putin lập lại chiến thuật ở Gruzia 5 năm về trước, lấy cớ bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga để can thiệp. Lần này, chủ nhân điện Kremli phối hợp áp lực quân sự với thủ đoạn chính trị, đặt Tây phương vào thế bị động, lúng túng vì không ngờ đối thủ hành động táo bạo.
Phải chăng một cuộc chiến tranh lạnh đang tái diễn với hình thức mới ? Theo giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng thì « Putin phòng thủ hơn là tấn công ».
RFI : Nga thấu cáy hay thách đố Tây phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng? Để làm gì và sẽ đi đến đâu ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Đây không phải là vấn đề thách đố hay thấu cáy mà là hành động để bảo về cái mà Vladimir Putin cho là quyền lợi chiến lược của Nga. Tháu cáy là không có thực lực mà làm như có thực lực. Trong trường hợp Ukraina, cán cân lực lượng nghiêng một cách áp đảo về phía Nga.
Mục tiêu chiến lược của Nga là tránh không có một chính quyền chống Nga ở Ukraina, nhất là ở những vùng có đa số dân gốc Nga và nơi Nga có căn cứ hải quân, như ở Sebastopol trong vùng Crimée.
Tự ái dận tộc và giấc mơ khôi phục vị thế đã mất của Nga trước những hành động lấn lướt đơn phương của Mỹ đẩy lùi ảnh hưỡng của Nga ra khỏi Bosnia, qua Iraq, Syria, nay lại lan đến gần biên giới của Nga, cũng là một động lực khác khiến Putin hành động như vậy.
Thêm vào đó, Putin cũng muốn chụp thời cơ ở Ukraina để tái lập sự kiểm soát của Nga ở những vùng trước kia thuộc Liên bang Xô viết và tiếp giáp với Nga, như trường hợp ông đã thành công trong việc tách rời Abkhazia và Nam Ossetia ra khỏi Gruzia. Đó là cái mục tiêu đã và đang đi đến.
RFI : Phương tiện và quyết tâm của đôi bên, Nga và Tây phương, trong cuộc đọ sức này ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Phản ứng của Tây phương là làm áp lực kinh tế và chính trị để thuyết phục Nga chấp nhận điều đình để đi đến một giải pháp vừa giữ gìn được sự vẹn toàn lãnh thổ của Ukraina, vừa tôn trọng được các quyền lợi chính đáng của Nga, của dân Ukraina gốc Nga, và của căn cử hải quân của Nga ở Sebastopol.
Hành động của Putin là dùng cái gọi là “ lực lượng phòng vệ ” ở Crimée và ở miền đông Ukraina, giống như thời chiến tranh Việt Nam, miền Bắc gọi là Mặt Trận Giải Phóng, để củng cố từng bước quyền kiểm soát của Nga ở vùng có đông dân tộc Nga, tạo tình trạng “ sự đã rồi ” không lật ngược được. Quốc hội Crimée đã bỏ phiếu ngày 16/03 trưng cầu dân ý. Quốc hội Nga cũng bỏ phiếu cho ông Putin dùng vũ lực, rồi hoan nghênh Crimée đòi tự trị và sáp nhập vào Nga.
Quyết tâm của Nga mạnh hơn vì cái gì xảy ra ở Ukraina có ảnh hưởng mạnh và trực tiếp đối với Nga hơn là đối với các nước Tây phương. Nga đang sử dụng vũ lực, trong khi Tây phương loại bỏ giải pháp vũ lực. Cán cân lực lượng tại chỗ nghiêng về Nga hơn là về phía Tây phương.
RFI : Giáo sư nhận định như thế nào về các phản ứng của Mỹ và Châu Âu ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Mỹ và Châu Âu một mặt chọn giải pháp « cây gậy và củ cà-rốt », một mặt làm áp lực kinh tế, nhưng mà cũng nhẹ nhàng thôi, thuyết phục Nga chấp nhận điều đình để đi đến một giải pháp chính trị. Giải pháp chính trị đó, trước hết là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, nhưng đồng thời, cũng tôn trọng quyền lợi chính đáng của Nga, có nghĩa là Nga có ảnh hưởng, tiếng nói, dân gốc Nga không bị chính quyền Kiev đàn áp, vẫn bảo vệ được quyền lợi của họ, được tham gia vào tiến trình chính trị và Nga bảo vệ được các căn cứ hải quân ở Sebastopol.
Nhưng về phương tiện chế tài thì chế tài kinh tế tuy làm thiệt hại Nga, nhưng cũng làm thiệt hại quyền lợi kinh tế của những nước Mỹ cần giúp đỡ để hỗ trợ cho mình như Đức, Pháp, và Anh. Ở Mỹ, một số tài phiệt đã tiếp xúc với cả hành pháp lẫn Quốc hội để cảnh báo sự thiệt hại đối với họ có thể lên đến hàng tỷ Mỹ kim nếu có chiến tranh kinh tế.
RFI : Phản ứng rụt rè của Tổng thống Barack Obama trong vụ Syria có tác động nhân quả gì trong hành động của Vladimir Putin tại Ukraina?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Hoàn toàn không. Syria khác, Ukraina khác, về tầm quan trọng chiến lược và cán cân lực lượng của các nước liên hệ. Nếu mấy ông chính trị gia và bình luận gia Mỹ ghét Obama chỉ trích hành động của ông ấy ở Syria và Ukraina là “ rụt rè ” và “ yếu ” thì một số chiến lược gia bình tĩnh hơn lại coi phản ứng của ông là “ tỉnh táo ” (thực sự họ dùng chữ “ sane ” có nghĩa là lành mạnh, không bệnh hoạn).
RFI : Có thể so sánh chiến thuật của Putin với Hitler và tương quan lực lượng Nga/ Tây phương hiện nay có khác gì tình trạng Âu Châu chia rẽ trước Đức Quốc Xã trước đây ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Về chiến thuật và cách giải thích hành động xâm lấn của mình thì có giống. Cả Hitler lẫn Putin đều viện cớ bảo vệ dân gốc Nga, nói tiếng Nga để lấn chiếm lãnh thổ của các quốc gia lân cận.
Về chiến lược thì không, vì khác với Đức, Nga không nhằm chiếm trọn Âu Châu, và cũng không có khả năng làm việc ấy. Nói một cách tương đối, thì chiến lược của Putin có tính phòng thủ hơn tấn công. So với tình trạng trước đệ nhị thế chiến thì Âu Châu ngày nay mạnh hơn nhiều. Crimée không phải là Sudetenland.
RFI : Tổng thống Nga suy tính ra sao mà từng bước thúc đẩy quân cờ của mình bất chấp mọi phản ứng của Tây phương ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Bởi vì quyền lợi của ông ấy thiết thực hơn, quan trọng hơn, cán cân lực lượng tại chỗ thuận lợi hơn.
Ông cũng nghĩ là các quyền lợi của các quốc gia Châu Âu không đến nổi mạnh để họ xông vào chiến tranh. Ngay cả lãnh tụ cực hữu của Mỹ, Thượng nghị sĩ Ted Cruise, cũng loại bỏ giải pháp vũ lực vì không đáng và nguy hiểm. Người Mỹ không bao giờ nói đến chuyện đưa quân vào (hiện trường) để tạo chiến tranh mà họ cho là không quan trọng.
Nên nhớ là ở Gruzia (2008) vì có hành động khiêu khích của Tổng thống Saakachvili. Còn ở Ukraina, cũng có một số hành động mà Putin cho là khiêu khích. Nên nhớ là trong cuộc Cách mạng màu da cam năm 2004, Putin chấp nhận, đâu có làm gì.
Nhưng mà từ đó đến nay đã có hai thay đổi. Thứ nhất là ông Putin đã củng cố được địa vị trong nước và bên ngoài, ông cũng cảm thấy khỏe hơn vì cán cân lực lượng ở địa phương. Thứ hai là sau vụ dàn xếp của Tây phương, phe Tổng thống Ianoukovitch và đối lập điều đình với nhau và đồng ý giải pháp « chính phủ đoàn kết quốc gia » trong đó Ianoukovitch cũng có đại diện, rồi bớt quyền Tổng thống, thay đổi Hiến pháp, bầu cử tự do vào tháng 12/2014. Đùng một cái, các phần tử quá khích, trong đó có nhiều người chống Nga, nổi lên lật đổ Ianoukovitch. Ông này bỏ chạy. Cảnh sát và giới thân cận của ông ấy cũng bỏ trốn hết. Rõ ràng là đối lập không tôn trọng thỏa thuận và có khuynh hướng bài Nga nhiều hơn thì Putin lấy cớ đó để hành động.
RFI : Tây phương có biện pháp nào để cứu Ukraina hay thật sự vô kế khả thi ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Trên nguyên tắc thì Crimée bỏ phiếu để tự trị hay sáp nhập vào Nga thì Tây phương xem là « không chính đáng ». Nhưng chuyện này đã từng xảy ra ở Ossetia và Abkhazia mà hai nơi này vẫn tồn tại. Dĩ nhiên, đây là một gánh nặng cho Nga.
Bây giờ chuyện còn lại và quan trọng nhất là làm sao cứu được miền đông Ukraina hiện đã có xung đột giữa phe thân Nga và phe thân chính quyền trung ương. Muốn vậy thì phải giúp cho Ukraina mạnh lên. Trước Cách mạng màu da cam thì đã có tham nhũng, sau này cũng tham nhũng, vì thế làm chính phủ yếu. Nếu Châu Âu muốn giúp Ukraina mà Ukraina thì phụ thuộc vào khí đốt và viện trợ của Nga, thì phải bỏ tiền ra, tức là phải giúp Ukraina củng cố chính trị và kinh tế.
RFI : Theo giáo sư thì liệu một cuộc chiến tranh kinh tế có xảy ra hay không ? Nga sẽ xuống thang khi thấy khó nuốt trôi Crimée ? hay chính Tây phương sẽ ngậm đắng nuốt cay ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : Không có chiến tranh kinh tế. Chế tài kinh tế Nga và Nga đáp trả lại thì có, nhưng chiến tranh kinh tế hay cô lập Nga thì cuối cùng không xảy ra, mặc dù hiện nay có cố gắng xây dựng. Những gì đã xảy ra ở Gruzia sẽ xảy ra ở Ukraina, nhưng các nước lớn cuối cùng sẽ trở lại với nhau. Crimée là việc đã rồi, khó lấy lại được. Tây phương có thể bực tức như trước kia Nga đã từng bực tức, nhưng chẳng có gì phải ngậm đắng nuốt cay.
Đây chỉ là một cái cớ để các chính trị gia Mỹ khai thác chuẩn bị cho mùa tranh cử sắp tới. Nhưng mà họ đã cảnh cáo các nhà lãnh đạo Ukraina đừng tạo cớ cho người ta xâm lấn đất nước. Bởi vì, trong chính phủ Ukraina, có nhiều người chống Nga quá khích, nên Mỹ sợ nếu họ cứ tiến theo kiểu đó thì khó đỡ mà Châu Âu cũng không thể nào đi vào chiến tranh bảo vệ Ukraina được. Cho nên họ yêu cầu các lãnh đạo ấy tự chế và đừng tìm cách khiêu khích Nga làm cho Nga cảm thấy quyền lợi bị đe dọa.
*
Putin thành công chiếm lấy Crimée trong chớp mắt : Chỉ trong vòng hai tuần lễ, từ ngày 27/02 khi Nga đưa quân không mang phù hiệu vào bán đảo Crimée cho đến cuộc trưng cầu dân ý 16/03 mà kết quả được biết trước.
Tổng thống Nga có hai phương án : Một là tuyên bố tức khắc Crimée trở thành lãnh thổ của Liên bang Nga và hai là giữ nguyên trạng như một lá bài để đàm phán với Tây phương hoặc với chính quyền Kiev mà cho đến nay bị Nga xem là « phe đảo chính ».
Trong tình huống nào thì Crimée cũng đã nằm trong tay của Matxcơva.