Crimea sẽ là ‘Hoàng Sa’ của Ukraine
Bản đồ Crimea với biểu tượng Phát Xít và với cờ Nga cùng chữ ‘hoặc’ ở giữa tại Crimea
Nguyễn Hùng – BBC Tiếng Việt – 14:13 GMT – thứ ba, 11 tháng 3, 2014
Giáo sư Carl Thayer, người cũng từng giảng dạy ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng cũng như Đại học Quốc phòng Australia, cho rằng:
“Ở chừng mực nào đó bẫy đã sập xuống rồi,” ông Thayer nói và chỉ ra rằng đã có binh lính và xe tải quân đội vượt biên giới vào Crimea.
Vị giáo sư nói đã có một phong trào ủng hộ Nga ở Crimea từ những người nói tiếng Nga, các dân quân và cả Tư lệnh Hải quân cũng đào ngũ sang phía thân Nga.
Ông Thayer nói ông không tin là Nga sẽ phủ nhận kết quả trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới và cũng không loại trừ khả năng 20% người Ukraine ở Crimea có thể bị trục xuất một khi Crimea về với Nga.
“Nó giống như Hoàng Sa của Việt Nam. Mỗi ngày trôi qua Trung Quốc lại củng cố thêm vai trò quản lý của họ và Việt Nam không thể thắng được về mặt pháp lý.
“Trung Quốc tiếp tục xây dựng và phát triển Tam Á, Hải Nam, Phú Lâm, tiếp tục sản xuất thêm tàu hải quân.
“Việt Nam sẽ chẳng thể làm gì được.”
Ông Thayer nói cũng giống như Ukraine trước một Crimea bị chiếm đóng, Việt Nam sẽ không thể dùng vũ lực lấy lại Hoàng Sa và cũng không thể tuyên bố trao Hoàng Sa cho Trung Quốc.
Điều duy nhất Hà Nội có thể làm là tiếp tục ra các tuyên bố phản đối.
Giáo sư Thayer nói ông hy vọng sẽ đến lúc hai bên có thể có quan hệ cho phép ngư dân Việt Nam có thể ra Hoàng Sa đánh cá và người Việt Nam có thể du lịch tới đây.
‘Đối sách Monroe’
So sánh quyết định của cựu Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev tặng Crimea cho Ukraine hồi năm 1954 và công hàm hồi năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “tán thành” một tuyên bố của chính phủ Trung Quốc mà theo đó Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) thuộc về Bắc Kinh, ông Thayer nói:
“Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ có một trang thôi, nó không đề cập cụ thể tới Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ ghi nhận và thừa nhận rằng chính phủ Việt Nam thông báo để các cơ quan liên quan tôn trọng phạm vi hàng hải mới của Trung Quốc.
“Mỗi lần tôi tới Moscow tôi đều nhận thấy không ở đâu mà giới học giả lại nghi ngờ quá đáng và luôn có thuyết âm mưu về Hoa Kỳ như thế.” – Giáo sư Carl Thayer
“Một yếu tố phức tạp khác là [công hàm] có từ trước khi có luật biển quốc tế và một số người ở Việt Nam nói với tôi họ [các chính trị gia Việt Nam thời ông Đồng] quá ngờ nghệch và không hiểu được hệ lụy của công hàm. Trung Quốc coi Hoàng Sa là của họ nhưng Việt Nam lại không làm thế.”
Bình về phản ứng hiện nay của Nga trước các diễn biến ở Ukraine, giáo sư Thayer nói nó có vẻ giống như ‘Đối sách Monroe’ mà Hoa Kỳ dùng hồi Thế kỷ 19 khi họ coi bất kỳ cố gắng nào của các quốc gia châu Âu trong việc chiếm thuộc địa hay can thiệp vào các quốc gia ở Bắc và Nam Mỹ là “hành vi gây hấn” và buộc Hoa Kỳ phải ra tay can thiệp.
Ông bình luận thêm: “Mỗi lần tôi tới Moscow tôi đều nhận thấy không ở đâu mà giới học giả lại nghi ngờ quá đáng và luôn có thuyết âm mưu về Hoa Kỳ như thế.
“Tôi có cảm giác tôi đang ở hành tinh khác,” ông Thayer nói.
Nhưng vị giáo sư cũng nói giống như George, Ukraine là “sân sau” của Nga và Moscow sẽ luôn cố gắng để có ảnh hưởng.
Ông nói để hiểu được sự xấu đi của quan hệ giữa Nga và Ukraine, người ta hãy hình dung ông Hugo Chavez là Tổng thống Mexico, ngay sát nách Hoa Kỳ, và xem Washington sẽ phản ứng như thế nào.