Cộng sản – cái tên đầy miệt thị và khinh bỉ – Không thể vì đại cục mà bao che cho cái xấu – 26 tuổi là Phó vụ trưởng, bổ nhiệm hài hước quá!

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cộng sản – cái tên đầy miệt thị và khinh bỉ – Không thể vì đại cục mà bao che cho cái xấu – 26 tuổi là Phó vụ trưởng, bổ nhiệm hài hước quá!
Saturday, December 10, 2016
Quảng Tín 
Theo DLB 

Tôi không biết mỗi khi nghe hai từ “Cộng sản”, cảm giác của bạn như thế nào. Còn riêng với cá nhân tôi và có lẽ là đối với đại đa số những người dân Việt Nam đã và đang sống dưới chế độ Cộng sản, khi nghe thấy hai từ đó người ta sẽ có một cảm giác lành lạnh và sợ hãi…
Cộng sản – cái danh từ tưởng chừng như rất đỗi bình thường như biết bao tên gọi của các đảng phái khác trên thế giới: Cộng hòa, Dân chủ, Lao động… đúng không? Nhưng có nhiều nguyên nhân thuộc về bản chất mà khiến nó không bình thường và gợi cho người ta nhiều cảm giác sợ hãi không như tên gọi của các đảng phái khác.
Nếu bạn đứng trước mặt một người Cộng sản và thử chào họ bằng một câu thế này: – Chào anh Cộng sản! (hoặc chào cô, bác, chị, em Cộng sản), tôi tin chắc lúc đó họ sẽ nghĩ rằng bạn đang gọi họ theo một cách coi thường và đầy miệt thị đấy.
Bạn không tin điều đó? Vậy bạn có đủ can đảm và tự tin để thử chào họ theo cách tôi vừa nói không?
Và tại sao những người Cộng sản họ lại nghĩ rằng bạn đang miệt thị họ khi bạn đang gọi họ với đúng với cái danh xưng mà họ đang mang trong mình?
Cái tên gọi nó có ý nghĩa thế nào không quan trọng, quan trọng là bản chất của những người đứng đằng sau cái tên đó.
Từ “Cộng sản” được hiểu theo cách đơn giản nhất (và có lẽ là chính xác nhất) đó là tập trung, cộng tất cả tài sản của xã hội lại. Và theo học thuyết của những người khai sinh ra nó (cũng được hiểu theo cách đơn đơn giản nhất), những người Cộng sản sẽ phân chia số tài sản mà họ tập trung lại cho toàn xã hội. Mục tiêu mà họ đặt ra là tiến tới một xã hội mà ở đó không có kẻ giàu người nghèo, không có áp bức, bất công và bóc lột…
Vậy tại sao cái tên Cộng sản với lý tưởng cao đẹp và đầy mê hoặc như vậy lại trở thành nỗi sợ hãi và đầy ám ảnh mà mỗi khi nhắc tới, ngay cả những người đứng trong hàng ngũ của nó đều có cảm giác mình đang bị miệt thị khi nhắc tới?
Cái xã hội mà những bậc tiền bối của chủ nghĩa cộng sản vẽ ra đó cho tới nay vẫn chưa thấy xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới (và nó đã bị khai tử tại chính mảnh đất mà nó sinh ra), mặc dù vẫn còn vài ba nước “miệt mài” theo đuổi trong đó có Việt Nam. Nhưng có điều là chính ông Trọng tổng bí cũng từng thừa nhận: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Vì cái xã hội đầy sức mê hoặc mà những người Cộng sản vẽ ra thì chưa thấy đâu. Nhưng những “chính sách” đặc trưng nhất của chủ nghĩa Cộng sản đã từng được áp dụng một cách khuôn mẫu trong quá khứ từ Liên Xô, Trung Quốc cho tới tận Việt Nam mà mỗi khi nhắc tới thôi là chỉ thấy toàn máu và giết chóc: Cải cách ruộng đất, Đánh tư sản, Cách mạng văn hóa… Hàng triệu sinh mạng đã nằm xuống trong các chính sách này của những người Cộng sản.
Vậy nên tự trong bản thân những người Cộng sản, nếu họ có chút ít sĩ diện của một con người, hẳn họ đã cảm thấy mình đang theo đổi cái lý tưởng mà ở đó chỉ có sự giết chóc, tàn ác, dối trá và lọc lừa người dân.
Cho dù trong tay họ có một bộ máy tuyên truyền khổng lồ với hàng ngàn chiêu bài để nhồi nhét vào đầu người dân những mỹ từ để tự ca ngợi mình như: vinh quang, vĩ đại, muôn năm, là đỉnh cao trí tuệ… thì tự bản thân của họ cũng hiểu bản chất thật của cái đảng phái, cái ý thức hệ mà họ đang theo đuổi. Đó chính là nguyên nhân mà ngay bản thân họ cũng cảm thấy bị miệt thị và khinh bỉ mỗi khi cái danh xưng đó được xứng lên ngay trước mặt họ: Cộng sản.
————
Saturday, December 10, 2016 9:37 AM //   ,  ,  , 
Nguyễn Tường Thụy 
Theo blog RFA 
Ảnh minh họa – Nguồn: internet

Một số người hoạt động dân chủ thường hay mỉa mai, chế giễu, chỉ trích mỗi khi trong đảng CSVN có ai đó đưa ra quan điểm “vì đại cục”, “đánh chuột đừng để vỡ bình”, sợ “thế lực thù địch lợi dụng”… tóm lại là vì việc lớn bỏ qua chuyện nhỏ, vì đại cục bỏ qua tiểu tiết.

Phê phán quan điểm ấy là đúng. Đó chẳng qua là lối ngụy biện cho việc chống tham nhũng không triệt để, “tắm từ vai trở xuống”.

Những tưởng khi chỉ trích Đảng CSVN thì những người ấy sẽ không né tránh, thậm chí phải ủng hộ việc đưa ra những sự thật tiêu cực, có hại cho phong trào dân chủ. Thế nhưng họ lại dùng chính những lý lẽ ấy từ phía Đảng CSVN để bao che cho những việc làm xấu, tức là vẫn “vì đại cục”, “sợ cộng sản lợi dụng”. Thậm chí họ kết án những người đưa ra sự thật là kẻ phá hoại phong trào, đạp đổ những thành tựu đã đạt được, lái công luận đi chệch hướng đấu tranh…

Thống nhất tuyệt đối là không thể

Trong lịch sử, chưa bao giờ có một sự đoàn kết, thống nhất tuyệt đối trong các phong trào, lực lượng chính trị hay các đảng phái. Mâu thuẫn luôn luôn tồn tại và phát triển, dù muốn hay không. Nếu cố tình che đậy thì chỉ làm cho mâu thuẫn ngày càng sâu sắc hơn và khi bùng nổ thì sẽ có tác động lớn hơn. Ở đây không nói tác động theo hướng nào, tốt lên hay xấu đi vì điều đó phụ thuộc vào sự việc cụ thể. Ba tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng CS Đông Dương khi mới ra đời cũng từng chỉ trích nhau, tổ chức nào cũng cho chỉ mình là cộng sản chân chính. Đảng CSVN từ khi thành lập đến nay cũng luôn tồn tại những mâu thuẫn, về quan điểm chính trị, mâu thuẫn về lợi ích các phe nhóm, thậm chí mất đoàn kết nghiêm trọng.

Vì vậy đòi hỏi các phong trào, các lực lượng chính trị hoàn toàn thống nhất là điều không tưởng. Đó cũng là một biểu hiện của bệnh duy ý chí.

Phong trào dân chủ cũng không ngoại lệ. Mỗi thành viên đến với phong trào với cá tính riêng và mục đích khác nhau. Chính điều này là nguyên nhân chính luôn luôn tồn tại mâu thuẫn.

Thử phân loại phong trào dân chủ để giải thích 

Nhà báo Phạm Đoan Trang, trong một bài viết có phân loại phong trào dân chủ như sau:

– Nhóm 1: Là những người coi hoạt động dân chủ là một cuộc chiến đấu giữa họ và độc tài, độc đảng cầm quyền. Bản thân nhóm 1 này cũng có thể được chia thành: 1a là những người quyết chiến, quyết phải tiêu diệt đảng Cộng sản, “có tao thì không có mày”, nghĩa là mục đích của họ là tiêu diệt cộng sản. 1b là những người không chủ trương loại bỏ cộng sản, nhưng cũng vẫn mưu cầu sự thay đổi chế độ (chuyển sang một thể chế dân chủ), và họ vẫn hiểu đây là một trận chiến nguy hiểm, không phải trò chơi.

– Nhóm 2: Là những người coi hoạt động dân chủ là một cuộc mưu cầu quyền lực thời hậu cộng sản. Họ xuất hiện lúc này là để xây dựng lực lượng, tạo dựng hình ảnh, chuẩn bị cho việc tham gia chính trường và giành một (số) ghế trong chính thể tương lai, khi đất nước đã thay đổi theo hướng dân chủ hóa.

– Nhóm 3: Là những người coi hoạt động dân chủ là một cuộc chơi, với những trải nghiệm thú vị, thích thì tham gia (cho vui), không thích thì nghỉ, chẳng có gì phải bận tâm suy nghĩ cho mệt.

– Nhóm 4: Là những người coi hoạt động dân chủ là một cuộc làm ăn. Tất nhiên, một cuộc làm ăn dưới trướng đảng Cộng sản thì vẫn đầy rủi ro, nguy hiểm, chứ chẳng phải một trò chơi.

(Hết trích)

Về cơ bản, tôi đồng ý với Đoan Trang cách phân loại này, nó gần với suy nghĩ của tôi hơn. Với tôi, trong số những người được cho là hoạt động dân chủ:

– Có người có ý thức đấu tranh dân chủ thật;

– Có người lợi dụng phong trào dân chủ để trục lợi (lợi, danh);

– Có người đi hàng hai;

– và thậm chí có người do an ninh cài cắm.

Phân loại nhằm phân biệt những người có ý thức đấu tranh dân chủ với những người cơ hội. Như vậy, khái niệm “những người hoạt động dân chủ” và “những người được coi là hoạt động dân chủ” khác nhau. Không có một tiêu chí cụ thể nào để xác định ai đó là người dân chủ, nhưng ít ra, có thể nhìn thấy ở họ động cơ rõ ràng, không trục lợi. Những bài viết, các status, các comment chỉ trích chế độ độc tài trên mạng xã hội chưa thể khẳng định người ấy hoạt động dân chủ. Nếu chỉ nhìn vào điều đó thôi thì đâu là an ninh, dư luận viên cao cấp, đâu là người dân chủ, có nhiều trường hợp rất khó phân biệt. Cần phải căn cứ vào hoạt động nhưng thậm chí nhìn thêm vào cả hoạt động nữa cũng vẫn bị nhầm lẫn. Nói thế, không phải là nghi ngờ lung tung, nó phụ thuộc vào khả năng phân tích, trực giác của mỗi người

Trong chiến tranh, kể cả chiến tranh lạnh, các bên đều sử dụng điệp viên chui sâu leo cao trong hàng ngũ bên kia. Có những người hy sinh cả một đời để lấy kẻ thù làm chồng, sinh con đẻ cái cẩn thận. Trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc 1955 – 1975, Cộng sản thành công hơn Cộng hòa trong chiến tranh gián điệp. Họ cắm người của họ sâu hơn bên kia.

Nhắc thế để hình dung, để mà cảnh giác chứ đối với phong trào dân chủ, nhà cầm quyền không quá kỳ công đến thế. Ngược lại, phong trào dân chủ chẳng “cắm” được ai vào hàng ngũ cầm quyền.

Đề cập đến việc phân loại là để giải thích tại sao có những quan điểm khác nhau trong các cuộc tranh cãi. Nhất là khi lợi ích nhóm bị đụng chạm thì việc chống đỡ rất quyết liệt.

Những cuộc cãi vã mi ni trong phong trào dân chủ

Việc phân loại cho thấy phong trào dân chủ rất phức tạp. Đã từng có nhiều chuyện chỉ trích nhau giữa người này, người khác, nhóm này, nhóm khác. Tuy nhiên, những sự việc nêu ra không nghiêm trọng, có khi khác nhau về cách nhìn, người thích kẻ ghét đảng này, cá nhân kia và ngược lại, thậm chí chỉ vì không hiểu nhau. Người thì cứ thấy việc gì không vi phạm pháp luật thì cứ làm, nhưng cũng có người theo quan điểm ôn hòa, “bảo toàn lực lượng”, cũng gây nên tranh cãi.

Cũng những khi những khuất tất trong tài chính với những trường hợp cụ thể được đưa ra công khai. Thế rồi do không được sự ủng hộ của số đông, do “bé miệng”, do cho là chuyện nhỏ, do quan điểm “vì đại cục” lấn át, những chuyện như thế rồi cũng qua đi, mâu thuẫn không được giải quyết.

Có những mâu thuẫn về quan điểm, lối sống không được đưa lên công khai hoặc chưa tới mức đưa công khai. Hai bên đều tự kiềm chế và tự giải quyết rồi mọi chuyện vẫn tốt đẹp. Đây là cách giải quyết nên khuyến khích.

Không thể giấu giếm ung nhọt

Tuy nhiên, có những việc không thể giải quyết được, mâu thuẫn tích tụ ngày càng lớn. Nếu cứ để cho nó phát triển sẽ nguy hại đến phong trào thì cần thiết phải đưa ra công khai, đặc biệt là các trường hợp lợi dụng phong trào dân chủ. Không thể “vì đại cục” mà câm lặng cho nó hoành hành. Đồng lõa với cái xấu cũng là tội ác.

Trong một bài viết về một trùm chăn dắt dân oan, Đặng Phương Bích nêu quan điểm “Đã là cái dằm, đằng nào cũng phải nhổ”.

Việc đưa ra ánh sáng trường hợp ăn chặn tiền của dân oan và những người được cứu trợ nửa cuối tháng 11 vừa qua là một ví dụ, tạm gọi là vụ DM.

Phần nổi của tảng băng trong vụ DM vào khoảng 80 triệu, trong đó theo nhà báo Võ Văn Tạo thì có 54 triệu trong 9 ngày Cần thấy rằng, người bị tố cáo dù vẫn cố tỏ ra ngạo nghễ, vẫn cố coi mình trong sạch nhưng sổ sách trên phần nổi của tảng băng cũng đã được sửa chữa lại theo những bằng chứng được đưa ra. Như vậy, việc đưa ra là có tác dụng đấy chứ. Ít ra, khoảng 80 triệu phần nổi của nạn nhân do thiên nhiên và do chế độ suýt nữa chui vào túi cá nhân.

Bị phe “đại cục” phản công

Ngoài số đông ủng hộ, những người đưa ra vụ việc còn bị chỉ trích khá nặng nề, không chỉ bởi phe của DM. Có thể là những người đồng bệnh, “có tật giật mình”, những kẻ cơ hội nhân danh dân chủ, tranh thủ nói xấu cá nhân, điều này không có gì lạ. Lại có có cả những người được cho là có ý thức đấu tranh dân chủ, đã có độ tin cậy nhất định.

Nhưng dù là ai thì họ cùng chung một phương pháp: lờ đi những bằng chứng tố cáo ngày càng nhiều, lái vấn đề sang hướng khác, bám chặt lấy quan điểm đại cục để né tránh vấn đề nêu lên.

Họ cho rằng, làm như thế là vạch áo cho người xem lưng, là để cộng sản lợi dụng, rằng đó là chuyện “gà nhà đá nhau”, rằng làm lạc mục tiêu đấu tranh, rằng sao không vạch ra tham nhũng của cộng sản, không tập trung đánh đổ cộng sản?

Những người cổ vũ cho sự không minh bạch đã đả phá những người dám chống lại nó một cách điên cuồng. Họ tưởng tượng, ghán ghép điều xấu xa cho đối phương, mắng mỏ họ không thiếu một ngôn từ xấu xa nào.

Họ mạt sát những người tố cáo là đê tiện, bỉ ổi, đểu cáng, không có nhân cách, nhỏ nhen, làm con người nhỏ bé trước những tư tưởng lớn… Thì ra, tư tưởng lớn của họ là che đậy cho gian tham, là mạt sát những người dám đấu tranh với nó.

Những ngụy biện của cộng sản “vì đại cục” mà họ từng chỉ trích, nay lại được họ vận dụng thô thiển hơn, lố bịch hơn hòng che đậy cho những kẻ mà họ đồng lõa. Với những kẻ nhôm nhem, nham nhở không nói, nhưng điều này đã làm tôi buộc phải nghi ngờ một số người tôi vẫn cho là đấu tranh dân chủ.

Ban đầu, một số người chỉ nêu ra những trường hợp khuất tất để tố cáo. Nhưng quen thói “cả vú lấp miệng em”, họ lu loa lên rằng, những người này đòi minh bạch. Từ đó họ huy động quan điểm vì đại cục, vì đảm bảo an ninh để dạy dỗ, chửi bới đối phương. Thực ra, không có ai đòi công bố sổ sách cả vì nhóm DM vẫn công bố trên mạng. Người ta chỉ nêu ra những điều khuất tất phát hiện ra trong sổ sách mà thôi.

Đồng ý rằng, với tính chất hoạt động của các hội đoàn xã hội dân sự, trong nhiều trường hợp không thể công khai tài chính, chỉ có thể công khai trong nội bộ thậm chí trong một bộ phận rất nhỏ để đảm bảo an ninh. Nhưng rõ ràng hoạt động từ thiện không nằm trong trường hợp này.

Cũng may mà nhóm “đại cục” không phải là phổ biến, không khuynh loát được xu hướng tấn công vào cái xấu trong phong trào dân chủ, nhất là với những kẻ lợi dụng phong trào dân chủ, dù xu hướng này mới manh nha.

Vài câu hỏi dành cho các “nhà đại cục”

– Các vị đang đấu tranh để xây dựng một xã hội dân chủ phải không ạ. Vậy theo quý vị, cái phong trào đang lẫn vào những kẻ cơ hội, tham lam, ăn chơi bằng những đồng tiền của những người nghèo khổ mà đi đấu tranh với cộng sản hiệu quả hơn, hay bớt đi một kẻ tham lam, đấu tranh có hiệu quả hơn?

– Một chế độ dân chủ mà quí vị hy vọng có cần phải đấu tranh chống những sai trái, chống tham nhũng không ạ? Chế độ ấy có cần minh bạch không ạ? Pháp luật của chế độ ấy sẽ không có chế tài cho hành vi tham nhũng phải không ạ?

– Và cũng mạo muội hỏi thật: các vị chửi mắng những người yêu cầu minh bạch thậm tệ như thế, liệu có phải là quí vị chặn trước một sự việc tương tự đến lượt mình không ạ?

– Hay là theo quí vị, dân chủ là phải bưng bít? Là phải bao che cho cái xấu?

Lời cuối

Trong một comment vào blog của tôi hồi năm 2013, có một người viết rằng: Với ông, chế độ nào cũng thế thôi, nếu không vừa ý, ông vẫn chửi.

Comment ấy tôi đã xóa. Nhưng sau nghĩ lại, người ấy nói đúng, chỉ không đồng ý với chữ “chửi” vì tôi viết phản biện chứ chưa bao giờ chửi bới ai. Tôi đấu tranh vì lẽ phải, vì công lý chứ đâu vì một đảng phái hay cá nhân nào. Tôi ghét chế độ cộng sản nhưng tôi không sẵn sàng chấp nhân một chế độ dù mang danh cộng hòa hay dân chủ gì đi chăng nữa, nếu như nó vẫn hại nước hại dân thì tôi vẫn cứ chống như thường. Tôi có thể đi tù ở chế độ cộng sản, hoặc có thể đi tù ở chế độ mà chẳng may có quí vị tham chính, điều đó cũng là dễ hiểu.

———–
Saturday, December 10, 2016
Lã Yên 
Theo Danluan 
Vũ Minh Hoàng (phải) – Ảnh baodatviet

Mới 26 tuổi, chưa làm việc ngày nào nhưng đã được bổ nhiệm hàm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Chuyện lạ không thể lạ hơn, trò hề không thể hề hơn. Đó là trường hợp của Vũ Minh Hoàng, sinh năm 1990, quê quán Lương Tài – Bắc Ninh). Thật tình, tôi rất tò mò và muốn gặp để xem tài năng của con người này thế nào.

Theo một nguồn tin trên mạng xã hội, Vũ Minh Hoàng là con trai của đại gia Hùng ken (heineken), là cháu của đại tá Vũ Quốc Tuấn – phó Giám đốc công an Bắc Ninh. Ông Tuấn trước đây từng giữ chức vụ Cục phó cục an ninh Tây Nam Bộ. Thông tin này chưa biết thực hư thế nào, đang chờ kiểm chứng. Nhưng chắc rằng gia thế của Vũ Minh Hoàng không phải dạng vừa nếu không dễ gì mà con đường quan lộ lại thẳng cách cò bay như vậy.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên khuất tất trong quy trình bổ nhiệm cán bộ nhưng là trường hợp được bổ nhiệm thần tốc nhất, kinh dị nhất.

Theo báo điện tử dân trí, ngày 4/6/2014, Vũ Minh Hoàng được Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tuyển dụng vào làm việc tại Phòng Nghiên cứu – Tổng hợp của ban này. Chưa đầy 3 tháng sau (ngày 8/9/2014), cơ quan này ra quyết định cử ông Vũ Minh Hoàng đi học Tiến sĩ ở Nhật Bản từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2017. Đến ngày 15/1/2016, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ có quyết định 824/QĐ/BCĐTNB bổ nhiệm ông này giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban. Chỉ 32 ngày sau, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, lại ký tiếp quyết định để ông Hoàng chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ. 32 ngày nhận 2 quyết định bổ nhiệm, chuyện thật cứ ngỡ đùa.

Điều đáng nói ở đây là, vụ việc sai trái thế mà Đảng ủy ở cơ sở không phát hiện, cơ quan thanh tra, kiểm tra có đủ cả nhưng cũng không hay, người trong cuộc biết cũng không lên tiếng. Chỉ đến khi báo chí thông tin mọi chuyện mới vỡ lẽ, mới ồn ào.

Lý giải về sự việc trên, ông Nguyễn Hoàng Ba – Giám đốc Sở nội vụ cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận và bổ nhiệm ông Hoàng là đúng quy trình, bổ nhiệm nhanh thì chỉ có bên Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban không nắm được quy trình bên đó”. Nhận cán bộ mà không biết họ là ai, quá trình công tác như thế nào, thành tích ra sao vẫn nhận thì đúng là chuyện lạ đời. Đến ra chợ mua con cá, con gà người ta còn phải chọn, phải lựa huống hồ đây là con người, mà là cán bộ lãnh đạo. Cay đắng thay, lỗi lại tại cái quy trình.

Ông Ba đã đưa ra lời nhận xét: “Kinh nghiệm làm việc của ông Hoàng hơi ngắn là vì thời gian công tác, còn thời gian học từ học ĐH, 2-3 bằng Thạc sĩ, lại đang NCS, nghĩa là học rất nhiều, mà Cần Thơ thì cần những người có trình độ như vậy để làm tham mưu cho thành phố”. Đồng thời cũng khẳng định chắc chắn: “Chúng tôi hiện nay cũng mạnh dạn bố trí các cán bộ trẻ có triển vọng, có trình độ, thực sự mà nói, ở đây không có dạng bà con, dòng họ” (theo Đất việt). Mới 26 tuổi đã có tới 2-3 bằng thạc sĩ lại đang là NCS thì quá tài, quá giỏi. Phải nói là thần đồng mới đúng nhưng sao khó tin quá. Vì lâu nay cứ mãi giả dối, khuất tất như vậy nên giờ vàng thau lẫn lộn. Một cán bộ trẻ được bổ nhiệm dù có bằng năng lực thật sự thì cũng không thể tránh được sự ngờ vực “đồng chí này con đồng chí nào”. Nói nhiều, nói mãi vẫn vậy hỏi sao không bất mãn cho được.

Thật ra, chuyện này xưa như trái đất, không phải là trường hợp đầu tiên và chắc chắn cũng không là trường hợp cuối cùng: Nguyễn Minh Triết (sinh năm 1988, là con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) cũng gây ồn ào dư luận một thời gian. 16 tuổi sang Anh học, tốt nghiệp đại học năm 2009, có bằng Thạc sỹ Kỹ thuật Ðộng cơ Siêu thanh và được Ðại Học Queen Mary (Lon don) cấp học bổng học tiếp tiến sĩ, nhưng lại chọn trở về Việt Nam để cống hiến tuổi trẻ cho quê hương đất nước. Về nước năm 2011, đến năm 2014, được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, tháng 4/2016 được bổ nhiệm làm Trưởng ban Thanh niên Trường học, Trung ương Đoàn. Tô Linh Hương (sinh năm 1988, con Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng) trở thành chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng (Vinaconex – PVC) năm 2012, khi mới 24 tuổi. Gần đây nhất là vụ Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Tuy mới sinh năm 1986 nhưng đã từng giữ các chức vụ Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI), Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu thuộc Cục Xúc tiến Thương mại, hàm Phó vụ trưởng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bia Sabeco.

Những trường hợp tương tự như vụ việc như trên khẳng định là rất nhiều. Nói cho đúng thì đây là hiện tượng phổ biến của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, chỉ có điều người ta có phanh phui ra hay không thôi.

Con lãnh đạo sinh ra làm lãnh đạo, bố mẹ làm công chức bố trí cho con cái mình vào bộ máy nhà nước. Ngược đời là thế nhưng ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng Lãnh đạo cũng có tố chất di truyền: “Trong thực tiễn của thế giới cũng như ở Việt Nam, có những gia đình có tố chất di truyền. Tố chất ấy được thể hiện trong lãnh đạo, trong các ngành chuyên môn”. Còn Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận, việc con em lãnh đạo được giao trọng trách quản lý là điều hạnh phúc của dân tộc, không có gì phải nghi ngại (http://vietnamnet.vn/ ngày 6/10/2015).

Còn cái gọi là cơ cấu cán bộ thì còn sinh ra nhiều chuyện “trái khoáy”. Công bằng mà nói, ngay cả thời phong kiến cũng không có những chuyện càn dỡ như thế. Nghĩ lại thời nay chế độ quan chế sao bét bát đến thế.

Nói thế thôi đừng bi quan quá bởi dù tụt hậu so với cả thế giới nhưng xứ ta vẫn còn khá hơn Bắc Triều chán: Kim Jong-un (sinh năm 1984) 27 tuổi đã được phong hàm Đại tướng, 30 tuổi đã là lãnh tụ tối cao.