Con đường phản cách mạng
Nhân Tuấn Trương – Theo Facebook: Nhân Tuấn Trương
Theo tự điển, cách mạng là hành vi thay đổi những cái cũ bằng cái mới tốt đẹp hơn. Ngược lại, hành vi tái dựng lại cái cũ là «phản cách mạng».
Theo tôi thì đảng cộng sản VN hiện nay đang đi trên con đường «phản cách mạng». Họ đang phá bỏ con đường «cách mạng» mà họ đã xây dựng từ 75 đến nay (đúng ra là từ thập niên 30). «Cách mạng» của ông Hồ và các đồng chí của ông đặt ra từ thập niên 30 là lấy ruộng đất của người giàu chia cho người nghèo, xây dựng một chính quyền chuyên chính vô sản, dân chủ, văn minh…
Cuộc hội luận «bàn tròn thứ năm» trên BBC kỳ này, do nhà báo Hồng Nga hướng dẫn, nói về chủ đề 70 năm ngày «cách mạng tháng tám». Khách mời là ông Vũ Thư Hiên và bà Lê Hiền Đức. Hai vị đã có những lời phê bình về thực chất của cuộc «cách mạng». Ta có thể khẳng định là đảng CSVN đang đi trên con đường «phản cách mạng».
Bà Lê Hiền Đức phẫn nộ tố cáo rằng: những gì đang diễn ra ở Việt Nam đi ngược lại với mục tiêu của cách mạng là lấy đất chia cho dân nghèo. Bây giờ họ lấy đất của nguời nghèo, mà tôi dùng từ cướp đất, từ nguời dân cày cho bọn nhà giàu”.
Thật tình, nghe bà cụ phẫn nộ nói không thành câu, lòng mình cũng phẫn nộ theo. Làm sao không phẫn nộ khi tin tức hàng ngày đăng tải những thảm cảnh dân oan phải tự thiêu để bảo vệ đất. Hoặc công an, bảo vệ lấy xe ủi cán người để cướp lấy đất. Hoặc cả gia đình, từ cha mẹ đến đứa con mới 15 tuổi, bị công an bắt vì chống cướp đất, để lại đứa bé gái chơ vơ một mình. Đi sang Kampuchia, thấy dân VN sống lưu vong nheo nhóc bên đó. Lý do đất đai bị giải tỏa. Nông dân họ không có đất thì họ sống bằng cái gì? Nhà nước CSVN xua đẩy những người này khiến họ phải đi qua nước láng giềng sinh sống. Họ không sợ bị «cáp duồn». Ở Kampuchia họ bị đe dọa giết chết nhưng ở VN chắc chắn họ sẽ chết. Dân oan đầy dẫy trên bốn miền đất nước.
“cách mạng” và “phản cách mạng”…
Chỉ ở điều này ta thấy rằng đảng CSVN đang đi những bước vững chắc trên con đường «phản cách mạng».
Cách mạng chủ trương «trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ». Địa ở đây là địa chủ. Cách mạng thành công, thành phần địa chủ (cùng với thành phần trí thức, thuơng gia…) đều bị cách mạng tiêu diệt.
Bây giờ nhà nước CSVN tái dựng lại một tầng lới địa chủ mới, địa chủ đỏ, tàn độc trăm lần hơn địa chủ thời Pháp thuộc. Địa chủ ngày xưa không có công an chống lưng, xử dụng xe ủi cán qua người dân oan. Địa chủ ngày xưa không dùng công an bỏ tù cả nhà dân oan, kể cả đứa nhỏ 15 tuổi. Địa chủ ngày xưa không ngang nhiên cướp đất của người ta như địa chủ đỏ hôm nay, vì dầu sao cũng còn pháp luật.
Pháp luật ngày xưa, dưới thời Pháp thuộc, cũng đứng về phía dân oan, như vụ Nọc Nạn, cho dầu địa chủ là người Pháp.
Nhưng pháp luật thời «cách mạng» lại đứng về địa chủ đỏ. Vụ Đoàn Văn Vươn là một thí dụ điển hình.
Ông Vũ Thư Hiên trong buổi hội luận có nói rằng: “Nó bị phản bội một cách từ từ chứ không phải ngay lập tức. Không có cái mốc nào cho sự phản bội cả. Nhưng nếu phải đặt ra một cái mốc thì tôi nghĩ là từ năm 1949 khi mà biên giới Việt Nam và Trung Quốc gắn liền, khi cách mạng Trung Quốc đã thành công.”
Thì ra vậy, cuộc cách mạng đã «phản thùng» từ những năm 1949.
Vậy mà không ai thấy. Cái bịp bợm trong xã hội CS tinh vi đến độ người ta sống trong cơ cực lầm than như thế mà cứ tưởng là thiên đàng. Mọi người ảo tưởng để sống. Trí thức thì «tự sướng» để được ơn mưa móc.
Đảng CSVN dẫn cả nước đi trên con đường «phản cách mạng» mà không ai thấy.
Cám ơn nhà báo Hồng Nga đã mở ra chủ đề hội luận này. Phải can đảm lắm mới đụng vào chủ đề gai góc này.
Nhưng mà, nếu mình không đặt lại vấn đề, đất nước này chừng nào mới có thể khá hơn?
– See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150815/nhan-tuan-truong-con-duong-phan-cach-mang#sthash.EqklNWA9.dpuf