Còn Đảng còn mình

Cac Bai Khac

No sub-categories

Còn Đảng còn mình

Nguyễn Hưng Quốc – Theo VOA – 02.06.2014

Câu khẩu hiệu “còn Đảng còn mình”, cho đến nay, chỉ xuất hiện trước các đồn công an và, từ đó, trở thành một đối tượng để phê phán của những người ngoài đảng và có tinh thần dân chủ và độc lập.   Kể cũng dễ hiểu.   Câu khẩu hiệu ấy sai đến dại dột và lố bịch. Trên thế giới, có lẽ không ở đâu người ta dại dột và lố bịch đến như vậy. Bởi, trên thế giới, từ lâu, người ta đã biết và đã thực thi nguyên tắc: Công an phải độc lập với đảng cầm quyền. Nhiệm vụ của công an không phải là để phục vụ và kiếm lợi từ cái đảng ấy. Nhiệm vụ của công an là bảo đảm an toàn và an ninh cho xã hội và chỉ tuân theo luật pháp.
Giới lãnh đạo Việt Nam, ngay trong ngành công an, có lẽ cũng hiểu điều ấy. Nhưng họ vẫn nói, hơn nữa, nói một cách công khai, đàng hoàng và dõng dạc, thành khẩu hiệu. Để làm gì? Như một lời hứa, một sự cam kết đối với công an.   Bởi vậy, câu khẩu hiệu trên phản ánh không những tình trạng đảng trị và phi dân chủ mà còn cả sự mua chuộc của đảng Cộng sản đối với lực lượng công an. Điều này, thật ra, đã được nhiều người nêu lên: Hiện nay, đảng Cộng sản bảo vệ thế đứng độc tôn của mình trên chiếc kiềng ba chân: một là quân đội, hai là công an; và ba là nền kinh tế quốc doanh, qua đó, đảng có thể vơ vét tài sản quốc gia và phân phối lợi nhuận cho những người trung thành, kể cả hai lực lượng nòng cốt vừa nêu: công an và quân đội.   Tuy nhiên, theo tôi, câu khẩu hiệu “còn đảng còn mình” không chỉ giới hạn trong lực lượng công an. Nó còn là nếp tư duy chung của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong giới lãnh đạo, nhất là trong quan hệ với những thử thách họ đang đối đầu.   Nói một cách vắn tắt, ít nhất cho đến thời gian gần đây, trước khi vụ giàn khoan HD-981 bùng nổ, tất cả những toan tính chiến lược của nhà cầm quyền Việt Nam không phải là bảo vệ đất nước mà, trước hết, bảo vệ quyền lực và quyền lợi của chính họ; và vì những quyền lực và quyền lợi ấy gắn bó với sự tồn tại, hơn nữa, tồn tại một cách độc tôn của đảng Cộng sản, do đó, hệ quả là, mọi người cứ lo chăm chắm bảo vệ đảng dù cái giá phải trả có khi là mất đi một phần lãnh thổ hay lãnh hải.   Có lẽ sự chọn lựa ấy được định hình thành chính sách sau cuộc hội nghị ở Thành Đô giữa giới lãnh đạo Việt Nam và giới lãnh đạo của Trung Quốc, ở đó, Việt Nam công nhận Trung Quốc là lãnh tụ độc nhất của khối xã hội chủ nghĩa, thay thế vị trí của Liên Xô trước đó; và Việt Nam thề thốt trung thành với con đường xã hội chủ nghĩa; điều đó cũng có nghĩa là trung thành với Trung Quốc.   Không phải chỉ trong lời nói. Việt Nam thành thực tuân theo các thỏa thuận ấy, xem Trung Quốc như một đồng chí tốt, hơn nữa, một thứ đàn anh tốt. Sự thành thực ấy không chỉ phản ánh trong lời nói, ở các diễn văn cũng như các khẩu hiệu tuyên truyền. Nó còn thể hiện qua việc làm: lúc nào cũng đề cao và nhường nhịn Trung Quốc. Hơn nữa, họ còn hết lòng tin tưởng Trung Quốc. Theo dõi ngân sách của Việt Nam cho lãnh vực quốc phòng, giới quan sát chính trị thế giới nhận ra một điểm đặc biệt: Việt Nam chỉ bắt đầu hiện đại hóa quân đội Việt Nam chỉ từ năm 2004, tức là 14 năm sau hội nghị Thành Đô, khi âm mưu xâm lấn của Trung Quốc đã quá rõ rệt và khi dân chúng đã quá bức xúc trước những âm mưu xâm lấn đó.   Ngoài ngân sách, sự tin cậy và lệ thuộc vào Trung Quốc cũng thể hiện rất rõ qua vô số cách hành xử của giới lãnh đạo Việt Nam, ví dụ, trong việc thả lỏng cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm, từ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên đến việc thuê dài hạn rừng núi, ngay cả ở những khu vực có vị trí chiến lược về quân sự, việc nhắm mắt để công nhân Trung Quốc ào ạt sang làm việc một cách trái phép, việc để cho người Trung Quốc di trú và hoạt động bất hợp pháp ở những nơi được xem là hiểm yếu của Việt Nam như hải cảng quân sự Cam Ranh, việc để cho các công ty Trung Quốc thành công trong phần lớn các cuộc đấu thầu liên quan đến các dự án có tầm vóc quốc gia, việc lơ đễnh để báo chí, bản đồ, thậm chí, cả sách giáo khoa, thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của… Trung Quốc, v.v…   Không ai bày tỏ quan điểm bảo vệ đảng bằng mọi giá như Trần Đăng Thanh, đại tá, giáo sư tiến sĩ, thuộc Học viện chính trị Bộ quốc phòng. Phát biểu trước các cán bộ lãnh đạo trong ngành giáo dục vào tháng 12 năm 2012, ông Thanh thể hiện tư tưởng ghét Mỹ và bài Mỹ qua nhận định “Người Mỹ chưa hề, chưa từng và không bao giờ tốt thật sự với chúng ta cả”.  Ngược lại, với Trung Quốc, ông nhấn mạnh: “Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa, đấy là đối với Trung Quốc”.  Cuối cùng, ông kêu gọi mọi người hãy trung thành với Đảng với lý do thiết thực: “Hiện nay các đồng chí đang công tác chưa có sổ hưu nhưng trong một tương lai gần hoặc một tương lai xa chúng ta cũng sẽ có sổ hưu và mong muốn mỗi người chúng ta sau này cũng sẽ được hưởng sổ hưu trọn vẹn”.  Nói một cách đơn giản: Nếu đảng còn thì sổ hưu của các “đồng chí” còn!   Những người chủ trương trang Bauxite Việt Nam phải thốt lên một lời nhận định đầy cay đắng: “Chưa bao giờ những lời rao giảng về lý tưởng xã hội chủ nghĩa lại ‘thực dụng’ đến như thế và cũng… thảm thiết đến như thế!”
Chính cách tư duy “còn đảng còn mình” và “còn đảng còn sổ hưu” ấy chi phối thái độ và chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc: Cho dù lấn hiếp Việt Nam đến mấy thì Trung Quốc cũng vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa; Việt Nam chỉ cần nhường nhịn Trung Quốc là có thể bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, nghĩa là bảo vệ vị thế lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản. Chúng cũng chi phối thái độ và chính sách của Việt Nam đối với Mỹ và Tây phương nói chung: Các quốc gia ấy lúc nào cũng đòi hỏi dân chủ và nhân quyền tức là lúc nào cũng âm mưu “diễn tiến hòa bình” để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.  Mà tất cả những kẻ nào có ý định lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa đều bị xem là “lực lượng thù nghịch”.   Nói cách khác, dưới mắt giới lãnh đạo Việt Nam, những kẻ bị xem là “thù nghịch” không phải là những kẻ mưu toan lấn chiếm vùng biển và hải đảo Việt Nam mà chính là những kẻ muốn Việt Nam được dân chủ hóa. Nói cách khác nữa, với họ, việc bảo vệ đảng quan trọng hơn việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải.   Dân chúng hiểu rõ điều đó cho nên lâu nay vẫn truyền tụng một câu nói thật thông minh và sắc sảo, thể hiện thế lưỡng nan của nhà cầm quyền Việt Nam: “Đi với Trung Quốc thì mất nước, đi với Mỹ thì mất đảng.” Mà hình như không phải là “lưỡng nan”. Bởi không chừng nhà cầm quyền Việt Nam đã có chọn lựa rõ ràng: “Thà mất nước hơn là mất đảng”, cũng theo cách nói của dân chúng.   Hy vọng sau biến cố giàn khoan HD-981, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ thức tỉnh.   Chỉ hy vọng vu vơ vậy thôi chứ cho đến nay cũng chưa thấy có dấu hiệu nào về sự thức tỉnh ấy cả. Buồn.