Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu: “Người Nhật làm việc như những con kiến, sống trong chuồng thỏ nhưng sản xuất những sản phẩm hoàn hảo nhất”
Cafefbiz.vn
18/08/2017 04:09 PM
Nói đến sản phẩm của Nhật Bản, người ta thường nhắc kèm hai từ “hoàn hảo”. Họ đóng cửa thị trường trong nước và xuất khẩu không ngừng những sản phẩm hoàn hảo nhất, từ thép, xe hơi, máy vô tuyến đến sản phẩm điện tử, mang về hàng tỷ USD.
Trong mỗi cá nhân sinh ra tại đất nước mặt trời mọc có một loại quyết tâm kỳ lạ: họ tin rằng bản thân mình có thể thành công, ở mọi cấp độ, nếu nỗ lực không ngừng. Tất cả xã hội lao động đó đưa mình vào một cuộc đua không có điểm dừng, cuộc đua tối đa hóa năng suất lao động, xuyên suốt trong niềm tự hào về nghề nghiệp mà họ lựa chọn.
Trong suốt chuyến viếng thăm vào cuối những năm 1970 đến Takamatsu, một thành phố trên đảo Shikoku, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã chứng kiến một ví dụ không thể nào quên được về cách người Nhật Bản tự hào trong công việc của họ.
Khi ấy, đại sứ Nhật Bản chiêu đãi ông một bữa tối tại khách sạn tốt nhất của họ, với thức ăn tuyệt ngon, dù chỉ có ba sao.
Cố Thủ tướng Singapore nhớ lại khi viết trong cuốn hồi lý nổi tiếng của mình: “Riêng trái cây và món tráng miệng, một bếp trưởng khoảng 30 đến 40 tuổi xuất hiện trong bộ đồ trắng tinh khiết biểu diễn tài gọt vỏ hồng vàng và lê giòn điêu luyện của ông ta với một con dao sắc. Quả là một màn trình diễn tuyệt vời!”.
Tò mò về cách người đầu bếp luyện tập các kỹ năng của anh ta, ông Lý Quang Diệu đã nhận được câu trả lời khiến bản thân rất ngạc nhiên: Sự tự hào trong công việc và không bao giờ cảm thấy xấu hổ về khởi đầu là nguyên nhân cho thành công ngày hôm nay của vị bếp trưởng.
Người nghệ nhân bắt đầu với công việc là một người giúp việc trong bếp, rửa chén đĩa, gọt khoai tây và cắt rau.Năm năm sau, anh ta tốt nghiệp là một đầu bếp cấp thấp; mười năm sau, anh ta trở thành bếp trưởng trong khách sạn này và tự hào về điều đó. Giờ đây, anh ta cắt trái cây trước mặt các nguyên thủ với kỹ nghệ hiếm có, và vẫn vui vẻ làm việc tại nơi đã giúp anh ta thành công, dù đó chỉ là một nhà hàng 3 sao.
Với người Nhật, không xuất phát điểm nào là thấp kém, và họ luôn làm việc với lòng mong mỏi vượt trội hơn các vai trò được giao, dù là đầu bếp, bồi bàn, hay những người hầu phòng. Điều này đã tạo nên năng suất cao trong các ngành dịch vụ; còn trong sản xuất, đó là chìa khóa khiến “các sản phẩm có xuất xứ từ xứ xở hoa anh đào hầu như không có khuyết điểm”.
Với người Nhật, sự rập khuôn trong suy nghĩ rằng bản thân cần làm việc như những con kiến, sống trong những chuồng thỏ, đóng cửa thị trường trong nước và xuất khẩu không ngừng những sản phẩm hoàn hảo nhất, từ thép, xe hơi, máy vô tuyến đến sản phẩm điện tử đã mang đến cho đất nước Nhật Bản thành công hiếm có, khó có thể lặp lại ở bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.
Sự tận tụy trong công việc của người Nhật từng khiến cố Thủ tướng Lý Quang Diệu sốc, bởi họ luôn gắn trách nhiệm cá nhân rất nặng lên nhiệm vụ được giao. Một kỹ sư người Nhật thậm chí còn tự sát vì nhận ra bản thân mắc sai lầm trong việc tính toán chi phí một dự án, khiến công ty bị giảm lợi nhuận. “Chúng tôi không thể tưởng tượng được bất kỳ một người Singapore nào có thể cảm thấy trách nhiệm cá nhân nặng nề như vậy”.
Nội dung được trích từ cuốn sách Hồi Ký Lý Quang Diệu: Từ Thế Giới Thứ Ba Vươn Lên Thứ Nhất do Omega Plus xuất bản, Alpha Books phát hành toàn quốc.
Cuốn sách là những câu chuyện tổng kết về những sự kiện xảy ra sau những năm độc lập đầu tiên của quốc gia này, được kể lại bởi chính nhà kiến tạo quốc gia Lý Quang Diệu, cho thấy chặng đường và những quyết sách đã đưa Singapore đi từ ngưỡng cận kề diệt vong lên thành một trong những nước có mức sống cao nhất thế giới sau 30 năm.
Theo L.T
Nhịp Sống Kinh Tế