Cổ thụ lùn
Nhát cuốc cuối cùng làm bật lên tảng đất màu vàng mỡ màng, mình đất phô ra những hạt cát thạch anh lấp lánh trong vắt. Làn hơi đất nhẹ như khói vươn lên lan toả trong trong nắng mai lộng gió đỉnh đồi hoang vắng. Tôi cẩn thận đập vỡ chiếc chậu đất nung già lửa đã hóa sành , nhẹ nhàng gỡ từng chiếc rễ non bám chặt trong lòng chậu. Tôi đặt cây Lim mà bấy lâu nay bị nhốt trong lòng chiếc chậu nhỏ chật chội, vào cái hố mới đào, lấp đất màu mỡ lên, nén lại. Tôi nhủ thầm: Từ nay cây được giải thoát rồi! Trên đỉnh đồi trong một buổi mai hoang vắng, vang lên từ lòng tôi, vọng lại từ đất trời lời kinh cầu tha thiết.
– Cây ơi! Hãy cắm sâu những chiếc rễ vào lòng đất hào phóng trù phú này. Thân ơi hãy vươn cao hơn hết thảy, toả bóng râm che khuất loài cỏ dại cây hoang nhỏ nhoi vô danh, bụi bờ gai góc tầm thường, xứng đáng là vua của rừng mưa nhiệt đới đại ngàn. Từ nay cây đã thoát ra khỏi mảnh đất ngục tù!
Tôi vừa đập vỡ chậu đất bứng cây “cổ thụ lùn“ của ông để lại trồng trên đỉnh đồi. Tôi làm việc này hoàn toàn tự ý mình. Tôi muốn giữ riêng sự bí mật. Tôi tin, nếu ông biết ông cũng sẽ bằng lòng. Ngày trước khi còn phong lưu ông rất hâm mộ nghệ thuật Bonsai của người Nhật. Sau này tôi nghĩ, không hẳn đã là trò chơi, người thâm trầm kín đáo như ông còn muốn gởi gắm tâm sự mình vào trò tiêu khiển chẳng hợp thời này. Tội nghiệp ở cái chốn nghèo nàn khốn khổ bận rộn, có ai hơi đâu tìm hiểu tâm sự người khác. Tôi còn nhớ trong một lần đi làm rẫy về, qua khu rừng cháy nham nhở, trên nền đất đen phủ đầy tro bụi, một cây nhỏ vừa mọc lên với hai lá mầm đầu tiên non nớt xanh như ngọc, mở ra đón chào ánh mặt trời. Ông ngồi xuống nâng niu, ông hỏi cây gì, tôi nói là cây Lim, loài danh mộc, cây cho gỗ rất quí và cũng là vua của những khu rừng già nhiệt đới. Ông thích lắm, bứng lên đem về trồng trong chậu. Từ đó cây và người thành bạn, ra vào có nhau. Thế nhưng năm qua cây sống lây lất, không lớn thêm lên, nó già nua cằn cỗi, dáng dấp cổ thụ tí hon.
Sau biến cố đất nghiêng trời lệch, nước non đổi chủ cả hai chúng tôi bị đày vào cái chốn hoang sơ này, tôi tìm được ông và ông bắt gặp tôi. Tôi thì cho rằng trong cuộc kỳ ngộ này có bàn tay sắp đặt của vị ác thần. Một cơ hội tàn nhẫn cho cả hai phải chứng kiến cuộc đời của nhau. Tôi bỗng dưng hoá thành nhân chứng và là người tham dự một phần trong cuộc đời đầy thử thách gian nan, long đong kỳ dị, tối tăm cùng cực của một nhân cách tuyệt vời. Chúng tôi nương tựa vào nhau để tồn tại, tìm chút hơi ấm tình người để không mất niềm tin vào loài người.
Cuối năm 74 ông trở về Việt Nam chịu tang mẹ và bị kẹt lại. Ở nước ngoài ông được biết như một nhà bác học với tất cả cái nghĩa đích thực. Năm 60 ông đỗ tú tài và được học bỗng Colombo du học ngành y ở Pháp. Ra trường, ông là bác sĩ nội trú tại bệnh viện Saint-Louis ở Paris. Sau ông dạy tại trường đại học y khoa Paris. Ông là một giáo sư danh tiếng chuyên về cấy ghép. Rồi ông không đi dạy nữa mà nghiên cứu ngành ghép tuỷ chữa ung thư máu thuộc viện Pasteur. Ông có quốc tịch Pháp, vợ và hai con. Cả đời ông làm khoa học, phục vụ loài người. Ông không quan tâm đến chính trị.
Thế mà ma đưa lối quỉ dẫn đường ông lại rơi vào cơn bão tồi tệ mùa xuân 75. Ông bị cuốn phăng đi như chiếc lá khô. Tai hại thay, cái tính ngây thơ chuyện đời kiểu bác học, khiến ông hành động như trẻ con. Ông kể lại cho tôi nghe về những ngày đầu tiên: Mẹ tôi bị ung thư đến giai đoạn cuối, theo thầy thuốc thì khó lòng chờ đợi đứa con thân yêu từ phương trời tây trờ về để vuốt mắt. Thế mà bà vẫn sống ngoài qui luật sinh học và sự tiên liệu của tất cả thầy thuốc, nằm thoi thóp chờ gặp tôi rồi mới ra đi. Làm khoa học cả đời tôi không tin vào điều huyễn hoặc. Song lần này hiển nhiên quá, mà tôi lại là người trong cuộc, làm sao không tin ngoài cái thế giới vật chất vận hành bởi những qui luật khoa học này còn có thế giới phi vật chất, thế giới của tâm linh? Bà ra đi nét mặt, thần thái toát lên vẻ thanh thản nhẹ nhàng. Chôn cất mẹ xong tôi rã rời cả thân xác lẫn tâm hồn. Gia đình ba má tôi ở Huế.
Lúc đó tình hình chiến sự ở Huế đã nghiêm trọng. Tôi vô Đà Nẵng, nơi đây còn hỗn độn hơn, ngoài đường đủ mọi sắc lính, dân chúng người chạy ra bắc kẻ kéo vào nam. Tôi đi lùng chiếc vé máy bay đi Saigon, nhưng đã trễ. Bằng đủ mọi phương tiện di chuyển tôi chạy vào Nam với hy vọng mong manh sẽ kiếm được máy bay qua Pháp. Trên tử lộ tìm tự do hàng vạn, hàng trăm ngàn con người chà xát, dẫm đạp lên nhau cố vào nam dưới làn mưa đạn, mới đến Nha Trang thì quân Bắc việt tràn vào, chận lại. Như thế là hết. Tôi phải làm gì? Lúc đầu tôi suy nghĩ đơn giản, mình làm khoa học, không theo phe phái nào, chẳng ai làm gì mình. Song nhiều người quen biết tôi họ nói: Trong cơn điên loạn này, không còn ai tỉnh táo, thì một con người như ông, được đào tạo ở nước ngoài, cả đời sống ở nước ngoài, quốc tịch Pháp, nội cái đó cũng đủ cho đi tù. Ai tin ông chỉ làm khoa học và chuyến trở về này là để chôn cất mẹ? Bây giờ người ta nhìn đâu cũng thấy bóng ma gián điệp. Người ta cứ tống vô tù cho chắc, và ông sẽ bị bỏ quên trong đó có thể năm mười năm. Cái toà đại sứ Pháp của ông họ đã cuốn gói từ lâu. Lấy ai can thiệp cho ông? Tôi nghe có lý quá. Làm sao yên thân? Tôi hành động theo kiểu tôi nghĩ và cho là đúng. Trước tiên tôi đốt mọi thứ giấy tờ có liên hệ xa hoặc gần với tôi. Đốt một cách bí mật hồi hộp. Đêm lại, tôi lấy cớ đun nước, mò xuống bếp khơi lửa cho vào đó cái passport, cái căn cước, nhiều giấy tờ tuỳ thân, kể cả bằng cấp, hàng trăm tấm danh thiếp. Số giấy tờ cần thiết cho cả một đời người chỉ vừa đủ đun sôi ấm nước nhỏ. Tôi còn lén mang ra khỏi nhà một quãng thực xa mới dám vất chiếc va li áo quần và bao nhiêu vật dụng cần thiết, làm như tất cả chúng mang mầm bệnh dịch hạch. Sau đó tôi chẳng còn gì thuộc về dĩ vãng nữa.
Tôi suy nghĩ, hãy làm như mọi người và tuân theo mệnh lệnh của người cầm quyền thì sẽ được yên thân. Lúc này người ta kêu gọi bỏ thành phố về nông thôn tăng gia sản xuất. Ai không có đất thì xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới. Tôi nhờ cô em bán giùm tôi cái biệt thự sang trọng được hai ngàn đồng tiền mới. Gồm toàn những tờ giấy bạc màu đỏ mười đồng mà thời đó thấy to lớn lắm, ai cũng thèm thuồng. Số tiền này cũng chỉ vừa đủ mua một cái chòi tranh, với mảnh rừng phát nham nhở làm rẫy. Nghĩ thật buồn cười vi la đi đổi chòi tranh, đất thành phố đem đổi đất rừng. Tôi lại rất mãn nguyện, hăm hở tăng gia sản xuất.
“Mơ-xơ Bec-trăng” cầm rựa phát rẫy thực. Mới có nửa buổi tay ông đã phồng. Ba ngày sau lên thăm ông anh, cô em thấy thân thể ông anh mình đỏ như con tôm luộc. Và cái cảnh cười ra nước mắt: Một vị bác sĩ danh tiếng nằm sấp trên tấm chiếu rách cho lão nhà quê cạo gió chữa bệnh. Lão già tên là Mười Cuốc, lão là người bán chòi bán rẫy cho ông. Lão lấy cái muỗng nhôm cũ mèm đen sì, cạo dọc lưng, luôn miệng than:
– “Gió” nhiều chi lạ. Chỗ mô cũng có “gió”.
– Rồi lão đổi sang chuyện khác:
– Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tui chưa thấy người đàn ông nào da trắng mỏng còn hơn da con gái như anh Hai Sâm này…
– Lão bắt ông há miệng lè lưỡi ra cho lão bôi dầu cao sao vàng, thứ thuốc chữa bá bệnh trong thời kì ấy. Dầu cay, nước mắt ông trào ra. Lão còn hối mụ vợ nấu nồi nước lá xông. Bây giờ người ta thấy ông giáo sư danh tiếng, ngồi trên chõng tre trùm mền rách run lập cập. Mấy ngày sau ông cũng qua khỏi, và tháng sau làn da hồng hào miền ôn đới cũng từ giả ông nốt. Anh chàng hớt tóc dạo cắt đi mái tóc bềnh bồng kiểu bác học. Lúc đó có ai thấy ông, đầu đội nón cời, mặc bộ bà ba mốc thếch ngồi chồm hổm cạo nồi cơm cháy không còn nhận ra ông. Nhờ ơn cách mạng đã đổi thay hình dạng gốc rễ của ông rồi.
– Lần đầu tiên tiếp xúc với chính quyền cách mạng là một kinh nghiệm, thú vị, nhớ đời. Ông cầm lá đơn tới miếu thổ thần, phía trước có treo lá cờ nửa xanh nửa đỏ, trụ sở uỷ ban quân quản. Cùng với ông còn có nhiều người dân ngồi trên đất chờ đợi. Nửa tiếng đồng hồ sau có một thanh niên gầy gò, thấp bé chỉ đứng đến vai ông.
Anh thanh niên có làn da màu chì, mai mái, dấu hiệu rõ ràng của bệnh sốt rét ngã nước kinh niên. Anh ta mang trên vai cây súng dài lượt bượt, lọai súng Ga-Răng (Grant) súng Mỹ, dùng từ thời chiến tranh Pháp Đức. Có lẽ khẩu súng đã bị chôn nhiều năm trong đất. Cái báng súng mối ăn như củ khoai sùng, nòng súng và nhiều bộ phận khác han gỉ cả. Khẩu súng như thế chưa chắc bắn đã nổ. Thế nhưng hình như nó là món trang sức không thể thiếu của bọn trẻ được đào tạo trò chơi súng ống này. Con người, và vũ khí, khiến cho ông thêm băn khoăn, cái gì làm cho họ chiến thắng nước Mỹ giàu có hùng mạnh? Cái vóc dáng của anh chủ tịch uỷ ban quân quản là thế song cách làm việc của anh thực nhanh chóng giản dị. Anh cầm lá đơn ông, hình như không đọc, thấy anh ta lật qua lật lại rồi ghi bên lề hai chữ “nhất trí“, kiểu chữ như người mới học viết. Ông hoang mang chưa hiểu nhất trí là sao, có người giảng, là điều gì ông ghi trong đơn đều được chính quyền cách mạng chấp thuận. Trời ơi, những công việc hệ trọng kiểu này, ở nước khác, người ta phải mở cả phiên toà và hàng bộ trưởng nội vụ mới có quyền ký và thời gian cũng phải mất ít nhất mấy năm. Từ giờ phút đó ông mang tên mới, Nguyễn Văn Sâm, giấy khai sinh với ngày sinh nơi sinh do ông tự đặt ra, quốc tịch Việt Nam, nghề nghiệp làm nông, chỗ ở làng Cận Sơn…Nghĩa là tất cả những gì gọi là nhân thân chỉ được giải quyết chóng vánh trong một phút. Ông bắt đầu có cảm tình với nền “hành chính cách mạng”!
– Đã là công dân, phải có nghĩa vụ. Nghĩa vụ đầu tiên của ông là đi làm thuỷ lợi mười ngày.
Ông chẳng hiểu thuỷ lợi là gì. Sau mới biết là đi đào mương. Riêng đối với ông, thuỷ lợi còn đơn giản hơn nhiều. Ông chỉ việc nhận tảng đất người bên cạnh đưa, trao lại cho người bên cạnh. Việc này có khi lại vui vui. Nhờ người ta xếp ông đứng gần cuối cái gọi là“ dây chuyền sản xuất” Tức là một dãy mười mấy con người, đứng từ dưới thấp lên bờ theo môt hàng thoai thoải. Tảng đất lúc đầu mới xúc lên to nặng, chuyền qua tay nhiều người nó rơi rụng gần hết, nên khi nó đến tay ông, còn lại nhỏ như cái bánh bao, chỉ cần nắm một tay ném lên bờ mương.
Đi làm thuỷ lợi về ông nhận được tờ giấy khen. Ông nghĩ họ thực là hào phóng. Ở các nước tư bản, làm cả đời chẳng được tờ giấy khen nào. Về sau ông mới hiểu đây là cách tốt nhất, ít tốn tiền nhất, hiệu quả nhất để khuyến khích người dân, còn hòng điều động nhiều lần nữa. Cũng có một điều lạ, rất nhiều người, nhất là thanh niên, thấy ông đi nghĩa vụ lao động mười ngày lại tỏ ra thèm thuồng, ước muốn được như ông. Sau này ông mới hiểu, đi lao động dù sao cũng được cơm no ngày ba bữa, ở nhà chỉ có cơm độn, một phần gạo, chín phần độn, nói một cách hình tượng, một củ khoai cõng vài hạt cơm.
Về sau ông mới thấy chính quyền cách mạng chơi sang hơn tư bản nhiều. Người ta động viên hàng ngàn hàng vạn con người trong nhiều tháng trời để làm một công trình hoàn toàn vô ích. Đào con mương dài hàng cây số, lồi lõm quanh co, chỗ cạn chỗ sâu và cuối cùng con mương thuỷ lợi đó chưa một lần có nước chảy qua, mấy năm sau trở thành bình địa. Hỏi thì người ta biện bạch, không cần kết quả, cái chủ yếu là giáo dục dân chúng thành thị miền nam biết thế nào là ý thức lao động. Ôi hoá ra đây chỉ là một trò chơi?
Thời gian đó nhiều sự trớ trêu của số phận đùn đẫy ông trở về với cái nghiệp y. Ông lại được cầm con dao mổ. Có lần tôi nhìn thấy bàn tay vàng của nhà phẩu thuật tài hoa Âu châu cầm dao mổ nhưng không phải trong phòng mổ ở một bệnh viện nào mà ở phía sau nhà lão Cuốc. Ông đang thiến cho con bò tơ, cột đứng giữa hai gốc cau. Chỉ một vết rạch và vài mũi khâu, trong chốc lát chú bò non, chưa nếm mùi đời đã trở thành vị hoạn quan, thái giám. Về sau nơi nào cần thiến heo, trâu bò gà chó đều kêu ông. Đừng tưởng những cuộc phẫu thuật kiểu này là không quan trọng, ai cũng làm được. Thời kì này sinh mệnh con vật có khi còn lớn hơn con người. Có nhà con cái đau ốm chỉ ra vườn hái lá làm thuốc, mà con heo nái bỏ ăn lại lên tỉnh mua thuốc trụ sinh thứ ngoại về chữa. Họ hành động thế cũng chỉ vì con heo nái là tài sản quý giá duy nhất và nó nuôi sống cả gia đình. Vì thế mỗi khi dù cầm dao thiến heo ông cũng hồi hộp vô cùng.
Lần khác giữa mùa lụt, vợ Tám Hoà chuyển bụng đẻ. Mụ này sinh khó vì đã bốn mươi bốn tuổi rồi con sinh thêm đúa con thứ chín. Suốt thời kỳ mang thai mụ thiếu ăn, còn bị sốt rét rừng hành hạ. Mụ phù thủng nặng, bàn chân húp không còn thấy mắt cá, thiếu máu, da vàng như con tằm bủng và vạch mi mắt ra thấy trắng nhợt. Nước lụt dâng ngập con đường về huyện về tỉnh. Không có cách nào di chuyển sản phụ. Mụ ta chuyển bụng một ngày một đêm rồi mà đứa con không chịu sổ ra. Tám Hoà nài nỉ ông cứu. Ông liều ra tay. Mụ ta vừa đau đẻ vừa mắc cỡ, chửi chồng: “Bộ ông muốn giết tui hay răng mà kêu cái thằng cha thiến heo về đỡ đẻ!…” Trong cơn vật vã, mụ này níu cái thanh giường gần gãy, ông cầm tay mụ giữ lại, mụ cắn cánh tay ông. Ông gồng mình chịu đau cho mụ đàn bà hung dữ cắn. Cuộc sinh nở mẹ tròn con vuông. Sau này có lần kể lại cho tôi nghe ông nói, bên Tây mấy con đầm đau đẻ còn hung hăng dữ tợn hơn, họ la thét chửi chồng, có khi còn đánh cả chồng. Nhìn vết răng mụ Tám trên cánh tay ông nhiều ngày chưa lặn tôi mới hiểu thế nào là lương tâm người thầy thuốc.
Quý Thể