Có phải Trung Cộng đang làm mất việc của người Mỹ?
Cameron Redd đã cắt truyền hình cáp và phải chuyển sang dùng xe hơi giá rẻ.
Kể từ khi mất công việc của mình tại một nhà máy luyện nhôm góc đông nam Missouri, anh đã phải thắt chặt chi tiêu.
Dù có công việc tạm thời, cuộc sống của Redd vẫn tệ hơn nhiều so với trước đó.
“Nếu không có một công việc với mức lương trên trung bình ở vùng này, cuộc sống của tôi sẽ ngày càng tệ hơn,” anh nói.
“Hoặc tôi sẽ phải đi qua vùng khác.”
Tác động đến cộng đồng
Anh Redd là một trong 847 nhân viên bị sa thải khi nhà máy luyện nhôm do Noranda điều hành, đóng cửa hồi đầu năm nay.
Không ai nói trước được tương lai tại hạt New Madrid, khi một công ty Thụy Sĩ mua lại nhà máy. Các ảnh hưởng tiêu cực đã lan rộng khắp cộng đồng vốn đã nghèo theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ này.
Một số người đã rời bỏ thị trấn, nhưng cũng có nhiều người cố gắng để đào tạo lại.
Nhà máy nhiệt điện than bên cạnh cũng đang chạy dưới công suất vì nhu cầu điện rất lớn từ nhà máy nhôm đã không còn. Khi còn hoạt động, nhà máy nhôm phải cần đến lượng điện năng tương đương với lượng điện năng của cả một thành phố trung bình. Gần đó, các trường học địa phương cũng chịu ảnh hưởng khi nguồn thu lớn nhất từ việc đào tạo nhân viên cho nhà máy cũng bốc hơi.
Dường như đây là khó khăn của vùng này hiện nay, nhưng anh Redd cho rằng một phần lý do là sự tràn ngập với giá thấp của nhôm TC trên toàn cầu đã đẩy giá xuống đến mức độ quá thấp để các đối thủ Hoa Kỳ có thể cạnh tranh lại.
Đây là một vấn đề mà cả hai ứng cử viên đã nêu ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay.
Ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đã đưa ra một lập trường cứng rắn. Ông cáo buộc TC thao túng đồng đôla Mỹ. Trong khi đó, bà Hillary Clinton đảng Dân chủ hứa sẽ cho thực thi mạnh mẽ các điều luật thương mại đã ký.
TC có phải là một phần cho các khó khăn của Mỹ?
Không phải chỉ trong ngành luyện kim. Viện chính sách kinh tế Hoa Kỳ công bố 3,2 triệu việc làm đã chuyển từ Hoa Kỳ sang phía TC từ năm 2001 đến 2013. Tác giả chính, Robert Scott, người đang thực hiện những nghiên cứu tiếp theo, chắc chắn rằng, con số đó còn tiếp tục gia tăng. Trong đó ngành sản xuất và xây dựng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Scott chỉ ra rằng “Sản xuất và xây dựng là hai lĩnh vực mà nhân công được trả lương cao. Các công việc mà chúng tôi có được chỉ là dịch vụ với mức lương thấp hơn trung bình 30% như bán lẻ, nhà hàng và chăm sóc sức khỏe. Nghĩa là chúng tôi đang phải đánh đổi những công việc tốt để chuyển sang công việc có mức lương thấp hơn”.
Lo sợ lớn hơn là tầng lớp trung lưu ngày càng xa rời hàng hóa Hoa Kỳ. Và trong khi tầng lớp quan trọng này hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ hơn từ TC, những công nhân mất việc như Cameron Redd phải vật lột mưu sinh để thấy lợi ích đó.
Robert Scott lập luận rằng thao túng tiền tệ là yếu tố lớn nhất duy nhất. Ông quả quyết rằng TC đã giữ tiền tệ của họ thấp một cách giả tạo trong nhiều năm qua. Tiền TC được định giá thấp làm cho hàng hóa của họ xuất khẩu rẻ hơn ở nước ngoài. Đây là một hình thức trợ cấp lớn cho các nhà sản xuất TC.
Đây là một đề tài mà Donald Trump đã vạch ra và ông hứa sẽ xác nhận TC thao thúng tiền tệ trong ngày đầu tiên làm tổng thống và sẽ có những hành động trả đũa tương xứng.
Tuyên bố của Trump gây khá nhiều tranh cãi. Dù sao, Nhân dân tệ đã giảm so với đồng đôla năm nay – nhưng ít nhất một phần do đồng đôla đang hồi phục mạnh. Và đồng nhân dân tệ đã lên giá trong một thời gian dài.
Nhiều chuyên gia cho rằng tuyên bố đó chỉ là thủ đoạn chính trị. Và rằng Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ không xác nhận TC thao túng tiền tệ. Năm nay, TC dường như đã có xu hướng củng cố sức mạnh đồng nhân dân tệ, chứ không phải là hạ thấp nó.
Và với nền kinh tế đang ngày càng lớn mạnh, TC cũng dần mất đi thế mạnh của họ ở mảng giá nhân công lao động.
Tư duy xuất khẩu
Một vài công ty TC thậm chí đã thiết lập cửa hàng tại Mỹ, như Fuyao, công ty sản xuất kính ô tô lớn nhất TC. Dây chuyền sản xuất tự động rất hiện đại ở Ohio đang sử dụng hơn hai nghìn người và tọa lạc ngay trên nơi từng là một nhà máy của GM, ở thị trấn mà mọi người đã chứng kiến nhiều nhà máy đóng cửa.
Ông John Gauthier, chủ tịch Fuyao Hoa Kỳ nói: “Các tập đoàn, công ty lớn một thời hoạt động đã đi rồi, nên khi có cơ hội, cộng đồng ở đây thực sự hoan nghênh và dang rộng vòng tay chào đón Fuyao.”
Giá nhân công lao động vẫn rẻ hơn nhiều ở TC, và các nhà máy cần tự động hóa cao hơn cũng như năng suất cao hơn để cạnh tranh. Nhưng ông Gauthier nói năng lượng thì ở Mỹ là rẻ hơn nhiều. Và các nhà máy ở gần khách hàng làm cho họ thoải mái mua sắm, trong khi loại bỏ được chi phí vận chuyển và các hàng rào thuế. Nói tóm lại, nó tạo cảm giác kinh doanh thuận lợi.
Sáng kiến Reshoring, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích mang quá trình sản xuất về lại Mỹ, cho rằng các trường hợp như thế này là một dấu hiệu đáng khích lệ. Harry Moser, giám đốc điều hành của tổ chức nói rằng nếu các công ty cân nhắc tất cả các yếu tố thay vì chỉ tập trung vào giá nhân công rẻ, thì một phần tư trong số họ sẽ chần chừ khi gia công ở nước ngoài. Và Hoa Kỳ không nhất thiết cần phải chờ đợi TC thay đổi thì mới trở nên thu hút hơn với phần còn lại của thế giới.
Đó là một cái nhìn lạc quan và ít ai cho rằng tương lai các nhà máy của Hoa Kỳ sản xuất ở đó được đảm bảo. Tuy nhiên, người ta cũng có thể nói điều tương tự về TC.