Có phải khủng hoảng kinh tế toàn thế giới sắp xảy ra không?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Có phải khủng hoảng kinh tế toàn thế giới sắp xảy ra không?

“…hình dáng của sự phục hồi kinh tế sẽ vô cùng xấu xa, mang tính chất khấp khểnh, cà giựt, lúc có lúc không. Đó là điều không thể tránh được cho đến khi chúng ta tìm ra được thuốc chủng ngừa, và được sử dụng được cho toàn thế giới…

Thế giới đang rất bối rối và sợ hãi. Bệnh dịch COVID-19 trên đà gia tăng, đem lại những tai hại về kinh tế trong một thời gian rất dài. Có phải chúng ta đang đi đến gần cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu- sự khốn khổ về kinh tế đáng sợ nhất từ trước đến nay sắp xảy ra.

Hãy tạm quên chuyện phục hồi kinh tế đi. Đại dịch COVID-19 đem lại những tai hại về kinh tế trong một thời gian rất dài. Hậu quả về kinh tế của trận đại dịch này sẽ nặng nề nhất từ trước đến nay.

Thế giới đang rất bối rối và sợ hãi. Bệnh dịch COVID-19 trên đà gia tăng ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở những nước trước đây tưởng chừng như đã kiểm soát được bệnh dịch. Viễn tượng tương lai sẽ vô cùng bất trắc. Các nước vội vã đi tìm thuốc chủng ngừa, có nước còn bỏ qua thủ tục thử nghiệm phức tạp để tìm cách phân phối thuốc chủng ngừa thật sớm. Trong lúc đó, tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao đến phát sợ, chỉ số thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng, như muốn cưỡng lại sự suy thoái về kinh tế. Chúng ta đang đi đến gần cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu- sự khốn khổ về kinh tế đáng sợ nhất từ trước đến nay sắp xảy ra.

Không chỉ nói riêng về một thành phố nhỏ như Hoovervilles. Ngày nay, Hoa Kỳ và hầu hết các nước trên thế giới đều có một tầng lớp trung lưu khá ổn định, vững chắc. Chúng ta có một mạng lưới xã hội an toàn mà chín thập niên trước đây chưa hề có. Đó là điều rất may mắn, các nước đang phát triển cũng có mạng lưới an toàn kiểu này. Hầu hết chính phủ trên thế giới ngày nay đều công nhận có sự liên đới, lệ thuộc vào nhau giữa các nước qua mậu dịch, và xu hướng đầu tư toàn cầu áp dụng trong nhiều thập niên vừa qua. Nhưng những ai mong chờ sẽ có một ngày bệnh dịch COVID-19 bị tiêu diệt nhờ thuốc chủng ngừa, và nền kinh tế sẽ trở lại tình trạng bình thường như trước, họ sẽ hết sức thất vọng.

Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách định nghĩa chữ Depression: Khủng Hoảng Kinh Tế nghĩa là gì? Thực ra, không có một định nghĩa chung nào được gọi là đúng để miêu tả tình trạng kinh tế khủng hoảng. Bởi vì sự khủng hoảng kỳ này vô cùng lớn lao, chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm qua. Tuy nhiên, có ba yếu tố để phân biệt sự khủng hoảng kinh tế với tình trạng suy thoái – recession – đơn giản. Yếu tố đầu tiên là nó xảy ra trên khắp thế giới, trên toàn cầu, không chừa một nước nào. Thứ hai là nó ảnh hưởng nặng nề trên cuộc sống của mọi người so với tất cả các giai đoạn suy trầm kinh tế trước đây. Thứ ba là tình trạng bi đát đó kéo dài rất lâu.

Khủng hoảng kinh tế không phải là giai đoạn làm cho nền kinh tế bị co thắt lại. Tình trạng co thắt nền kinh tế vẫn còn chừa chỗ cho khoảng thời gian phục hồi ngắn và tạm thời. Cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế thời thập niên 1930’s bắt đầu bằng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Xảy ra vào tháng 10 năm 1929 và tiếp tục cho đến đầu thập niên 1940’s, khi Thế Chiến Thứ Hai mở đầu cho nền tảng của đợt phát triển mới.Thời kỳ đó bao gồm hai đợt tuột dốc của nền kinh tế: đợt đầu xảy ra vào năm 1929 đến 1933, và sau đó đợt thứ hai xảy ra vào năm 1937 đến 1938. Tương tự như thời thập niên 1930’s, chúng ta sẽ thấy cuộc khủng hoảng hiện nay còn kéo dài khá lâu.

Khủng hoảng kinh tế không chỉ phát sinh ra những con số thống kê đau buồn, và người mua và kẻ bán ngồi yên trong nhà không đi mua sắm gì cả. Khủng hoảng kinh tế sẽ còn làm thay đổi hẳn cách sống của chúng ta. Cuộc Đại Suy Thoái Kinh Tế hồi trước tạo ra rất ít sự thay đổi lâu dài. Một số nhà lãnh đạo trên khắp thế giới thích nói nhiều về sự bất bình đẳng về tài sản, nhưng ít có ai nói về việc nên làm gì để thay đổi tình trạng đó. Một phần lớn dân số trong xã hội đang ở tuổi sắp về hưu sẽ không thể tiết kiệm và đầu tư giống như thời trước khi xảy ra khủng hoảng. Họ đã quen với nếp sống đầy đủ, khá vững chắc của thời kỳ hồi phục. Nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay do bệnh dịch COVID-19 gây ra khác hẳn. Cách cư xử của mọi người trong cuộc sống hàng ngày thay đổi, khác xưa, và sự tranh chấp giữa hai nước Hoa Kỳ và Trung cộng ngày càng gay cấn, khó giải quyết.

Hơn thế nữa, tình trạng xung đột chính trị ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới kỳ này trầm trọng hơn thời kinh tế suy thoái của năm 2008-2009. Trong lúc cuộc khủng hoảng tài chánh đang từ từ diễn ra, nhưng cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều chưa tin rằng tình trạng nguy cấp có thực sự xảy ra hay chưa. Trong cuộc Khủng hoảng năm 2020 hầu như đôi bên không đạt được sự tương thuận nào cả.

Hãy trở lại xem xét từng yếu tố cấu thành cuộc khủng hoảng kinh tế. Trước hết, tình trạng kinh tế suy thoái hiện nay xảy ra trên toàn thế giới hầu như là rõ ràng, không có gì phải bàn cãi. Hầu hết các lần suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ sau thế chiến chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế nội địa. Nhưng phần lớn những giai đoạn suy thoái xảy ra là do lạm phát ở trong nước, hay do co thắt thị trường tín dụng quốc gia. Đó không phải là trường hợp của COVID-19, cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra sự suy thoái toàn diện, ở khắp thế giới. Cuộc khủng hoảng hiện nay mang tính chất đồng điệu, hầu như tất cả mọi vùng kinh tế, giầu cũng như nghèo, từ Trung cộng, sang đến Hoa Kỳ và Liên Âu đều bị ảnh hưởng nặng. Bệnh dịch coronavirus tàn phá tất cả mọi nền kinh tế trên thế giới. Sự tàn phá của nó được nhận thấy ở mọi nơi.

Các mạng lưới an toàn xã hội ở các nước bị thử thách nặng nề nhất từ trước đến nay. Một số nước có hệ thống an ninh xã hội bị sụp đổ, và trở nên thất bại. Đặc biệt là ở các nước nghèo, hệ thống y tế bị quá tải, và bị áp lực rất nặng. Trong lúc cố gắng làm giảm số người chết do bệnh dịch gây ra, nhiều chính phủ đành bó tay không thể trả nợ được những món nợ quốc gia rất lớn. Vì những lý do này, giới trung lưu và những nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nhất. Riêng tình trạng không thể trả nợ nổi, có thể đi đến chỗ quịt nợ sẽ là áp lực rất lớn cho hệ thống tài chánh toàn cầu.

Sắc thái quan trọng thứ hai của cuộc khủng hoảng lần này cần nói đến là: Ảnh hưởng về kinh tế của đại dịch COVID-19 sẽ di họa rất lớn, và lâu dài nhất cho nền kinh tế từ trước đến nay. Phúc trình về tình hình tiền tệ do Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang đệ trình Quốc Hội hồi tháng Sáu vừa qua ghi nhận rằng: “Mức độ trầm trọng, phạm vi rộng lớn, và tốc độ quá nhanh của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay sẽ tệ hại hơn những lần suy thoái trước rất nhiều kể từ Thế Chiến Thứ Hai đến nay.”. Số người còn đi làm , có tên trong sổ lương bị giảm bớt 22 triệu người từ tháng Ba sang tháng Tư, sau đó lại giảm thêm 7.5 triệu việc làm trong hai tháng 5 và 6. Tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt lên đến 14.7% vào tháng Tư, tỉ lệ cao nhất tính từ ngày xảy ra cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế trước đây. Sau đó, tỉ lệ phục hồi được ở múc 11.1% vào tháng Sáu.

Bây giờ chúng ta lại có thêm những tin xấu mới. Trước hết, tài liệu thu thập được cho thấy lại có sự bộc phát dịch COVID-19 ở một số tiểu bang miền Nam, và miền Tây nước Mỹ làm cho sự phục hồi kinh tế bị khựng lại. Có nhiều dấu hiệu cho thấy một số công ty lớn đang gặp khó khăn ngày càng tăng. Và nếu xảy ra lần bùng phát trở lại của bệnh dịch lần thứ hai, lần thứ ba sẽ khiến cho có thêm nhiều người bị mất việc. Tóm lại, sẽ không thể có sự phục hồi kinh tế bền lâu nếu chưa xóa sạch được bệnh dịch. Có lẽ phải đến khi nào có thuốc chủng ngừa căn bệnh. Thậm chí ngay cả khi có thuốc chủng ngừa, nền kinh tế cũng không thể bấm nút phục hồi ngay, và trở về tình trạng bình thường. Có người được cho thuốc chủng ngừa, nhưng lại từ chối. Cuộc phục hồi kinh tế sẽ chỉ diễn ra ở mức độ chậm.

Hãy tạm gác sang một bên tỷ lệ thất nghiệp cao nhất từ trước đến nay với vụ đại dịch lớn nhất thế kỷ, còn có những dấu hiệu quan trọng khác mà chúng ta cần nói đến. Con số thống kê mới nhất của Bộ Lao Động ghi nhận rằng có một số việc làm bị mất, trước đây tưởng là chỉ bị mất “tạm thời”, nay những việc làm đó sẽ không bao giờ trở lại nữa. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục xảy ra, bởi vì bệnh dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục xóa bỏ vĩnh viễn một số việc làm khác. Một số cơ sở doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, và chính phủ không thể tiếp tục đứng ra viết checks bảo trợ cho những doanh nghiệp mãi.

Những yếu tố trên đưa chúng ta đến định nghĩa thứ ba: cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ kéo dài rất lâu, khác với những giai đoạn suy thoái ngắn hạn trong 80 năm qua. Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội cảnh báo rằng tỉ lệ thất nghiệp cao sẽ kéo dài một cách lì lợm trong thập niên sắp tới, và sản lượng của nền kinh tế sẽ tiếp tục bị áp lực, bị đè nén, trừ phi chính phủ làm những thay đổi quan trọng trong chính sách thuế má và công chi. Những thay đổi này sẽ tùy thuộc vào sự nhận thức cần phải làm những thay đổi rộng lớn khẩn cấp để có thể phục hồi nền kinh tế Hoa Kỳ trở lại lành mạnh. Những gì đúng ở Hoa Kỳ sẽ xảy ra tương tự ở nơi khác.

Vào giai đoạn đầu của đại dịch, nhiều chính phủ trong khối G-7 và ngân hàng trung ương của họ đã cấp tốc ra tay can thiệp để giúp người công nhân và cơ sở kinh doanh tiếp tục có lợi tức, duy trì cuộc sống bình thường. Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang, Ngân Hàng Trung Ương Âu châu, Ngân Hàng Anh Quốc, Ngân Hàng Nhật Bản tất cả đều áp dụng những biện pháp kích thích kinh tế, cung cấp những yểm trợ chưa hề có từ trước đến nay để đảm bảo thị trường tài chánh tiếp tục hoạt động.

Số thanh khoản tiếp vào nền kinh tế (đi đôi với niềm tin sẽ sớm có thuốc chủng ngừa) sẽ giúp thị trường tài chánh tiếp tục đưa chỉ số thị trường chứng khoán gia tăng. Nhưng nhịp cầu tiếp ứng về tài chánh sẽ không đủ để khôi phục sự sống còn của nền kinh tế, bởi vì dịch COVID-19 kỳ này gây ra khủng hoảng cho nền kinh tế là sự thực rõ ràng, thể hiện qua đủ mọi mặt. Cả phía cung cũng như phía cầu của nền kinh tế cùng bị thiệt hại rất nặng. Việc đóng cửa nền kinh tế thêm lần hai, lần ba sẽ rất khó đem ra áp dụng xét về mặt chính trị.

Chính vì thế, hình dáng của sự phục hồi kinh tế sẽ vô cùng xấu xa, mang tính chất khấp khểnh, cà giựt, lúc có lúc không. Đó là điều không thể tránh được cho đến khi chúng ta tìm ra được thuốc chủng ngừa, và được sử dụng được cho toàn thế giới.

Các nhà lãnh đạo thế giới có thể làm được gì để rút ngắn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu? Họ có thể chối bỏ tâm trạng bi quan, và nói với người dân rằng ngày tươi đẹp sẽ không xa lắm. Người dân đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm làm những quyết định cứng rắn.

Đứng trên quan điểm thực tiễn, chính quyền có thể làm thêm nhiều kế hoạch để kiềm chế bệnh dịch coronavirus. Nhưng đồng thời họ cũng cần phải đầu tư thêm vào những nước nghèo đang gặp khó khăn trong việc đối phó với nạn dịch. Đầu tư thật nhiều vào những nước này để giúp họ có thể tự đứng vững được. Ngày nay, vì thiếu sự lãnh đạo quốc tế,nên tình hình trở nên tồi tệ thêm. Đại dịch COVID-19 có thể dạy cho các nhà lãnh đạo thế giới bài học về tinh thần hợp tác quốc tế để tránh những tai họa chung của loài người. Những trường hợp khẩn cấp xảy ra trên thế giới trong tương lai có thể được thu xếp, quản lý khéo léo, dễ dàng hơn cho mục tiêu chúng đó. Tiếc thay, chúng ta lại không đi theo con đường hợp tác đó trong lúc này.

Ian Bremmer

Bài phân tích của Ian Bremmer trên báo TIME ngày 10/8/2020/

Nguyễn Minh Tâm dịch

HOA TỰ DO