Có nước ‘chống lưng’ trong vụ tranh chấp Việt Nam – Campuchia?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Có nước ‘chống lưng’ trong vụ tranh chấp Việt Nam – Campuchia?

Một giới chức đang chỉ ra các khu vực xảy ra xung đột tại biên giới Campuchia – Việt Nam.

23.07.2015

Những căng thẳng thời gian qua trên biên giới Tây Nam đã khiến vấn đề phân định biên giới Việt Nam – Campuchia lại ‘nóng’ lên. Tin cho hay, hiện đã có hơn 80% vùng biên giới giữa hai nước đã được cắm mốc và số còn lại vẫn còn đang trong vòng thương thảo. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, VOA Việt Ngữ đã hỏi chuyện ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, người từng tham gia vào các cuộc đàm phán với Phnom Penh.

VOA: Thưa ông, ông đánh giá ra sao về tình hình biên giới Việt Nam – Campuchia thời gian qua?

Ông Trần Công Trục: Hai bên đang tiếp tục tìm mọi cách thúc đẩy quá trình phân giới cắm mốc, vượt qua được những khó khăn, những nhận thức khác nhau để cắm mốc, đạt được đường biên giới một cách rõ ràng và cố định trên thực địa như mốc giới hiện tại. Đấy là công việc mà theo tôi nghĩ đã làm được.

Trong quá trình làm việc này, có xảy ra một số vụ tranh chấp lộn xộn. Cái này có nguyên nhân là bị một số đảng phái, một số nhân vật trong đảng phái đối lập của Campuchia họ kích động dư luận để gây ra cái rắc rối đó, đặc biệt là tại một số khu vực còn có chưa phân giới cắm mốc và còn có vấn đề nhận thức khác nhau.

Đây là một vấn đề có thể nói là đang gây ra dư luận rất là bức xúc, thậm chí gây ra đụng độ, tuy là nhỏ nhưng rất nguy hiểm, gây khó khăn bất lợi khi Việt Nam phải đối phó với rất nhiều hướng như về phía đông là biển Đông và phía Tây là Campuchia, tạo cho Việt Nam khó khăn.

VOA: Liệu những căng thẳng hiện thời có làm phức tạp hóa việc cắm mốc giới ở biên giới Tây Nam trong thời gian tới không, thưa ông?

Ông Trần Công Trục: Tại khu vực hiện nay, còn có những nhận thức khác nhau do tài liệu và bản đồ để lại thì hai bên cần phải tiếp tục xem xét và đặc biệt là cần phải ra thực địa để mà xem xét cụ thể xem vấn đề biên giới ở đây quản lý tạm thời ra làm sao và vấn đề cột mốc cũng như là xây dựng có ảnh hưởng tới quan điểm, hay lập trường của các bên hay vấn đề phân giới cắm mốc không.

Chính phủ Việt Nam có đề nghị rằng tại những khu vực đang có tranh cãi đó, hai bên thôi không có những hoạt động xây dựng hay làm điều gì trong khu vực thuộc bán kính phân chia đường biên giới 100 mét. Đấy là những đề nghị tôi cho rằng rất là cầu thị và thực tế, phù hợp với tập quán quốc tế lâu nay trong việc xử lý tranh chấp. Hiện nay chúng tôi đang chờ đợi câu trả lời từ bên phía Campuchia.

Nếu như không tích cực và cùng nhau hợp tác thì đấy có thể là điểm lan rộng tranh chấp, và thậm chí nếu không kiểm soát được sẽ trở thành đụng độ lớn.

VOA: Ông từng nói rằng là hai bên cũng phải cần cảnh giác với một bên gọi là bên thứ ba. Theo ý ông, bên thứ ba này là ai?

Ông Trần Công Trục: Người ta đã nói rất nhiều rồi. Rõ ràng có sự chống lưng của Trung Quốc trong các hoạt động vừa qua ở biên giới Việt Nam – Campuchia. Trung Quốc hiện nay giúp đỡ rất nhiều trong các lĩnh vực cho phía Campuchia, mà đặc biệt là các phần tử đảng phái, bất đồng, đang muốn tranh giành các vị trí trong nhà nước Campuchia. Cái đó thì rõ rồi.

Nhiều thông tin nói họ viện trợ kinh tế, họ giúp đỡ về quốc phòng rồi kể cả ngoại giao lẫn các vấn đề khác để làm sao cho lực lượng này họ có thể tiếp tục trong công cuộc tìm mọi cách, mọi cớ để phá hoại ổn định và uy thế của đảng phái cầm quyền hiện nay cũng như quan hệ Việt Nam – Campuchia. Điều đó quá rõ rồi. Đấy là một nguyên nhân rất là lớn, rất quan trọng, không thể không tính tới.