Cố Giáo Sư NGUYỄN NGỌC HUY – Hồn thiêng khi đã về Trời – Phục Hưng
Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, tạ thế ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Paris, 5 ngày trước khi Ðại Hội LMDCVN Thế giới Kỳ I khai diễn tại Hòa Lan. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy mất đúng vào lúc công cuộc tranh đấu dành tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam tiến vào một khúc quanh lịch sử đầy triển vọng, đúng vào lúc vai trò lãnh đạo của ông sáng tỏ và được công nhận rộng rãi trong hàng ngũ những người quốc gia.
Cuộc đời của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một bản trường ca chính khí, giống như nhũng bản anh hùng ca trong tập thơ “Hồn Việt” do ông sáng tác với bút hiệu Ðằng Phương. Thực vậy, đọc thơ ông rồi đối chiếu với cuộc đời thấy có một sự thể hiện trung thực lạ lùng. Thơ của ông, từ thuở thiếu niên đến lúc bạc đầu, là tiếng đam mê một đời sống phụng sự Tổ Quốc cao thượng. Ông đã sống cuộc đời cao thượng ấy cho đến giây phút cuối cùng. Hơn 40 năm tận tụy làm việc, tranh đấu không ngừng nghỉ, bất chấp bao nỗi gian nan:
Ðây những người sinh nhằm thời quốc biến
Trong gian truân cố chuyển lại cơ trời
Giữa đêm sâu mưa máu rộn tơi bời
Vẫn thẳng tiến không rời đường cách mạng
(Anh Hùng Ðất Việt)
Tiếc thay đến lúc nhắm mắt ông vẫn chưa thấy được bình minh trên quê hương Việt Nam:
Lúc bước chân vào nẻo đấu tranh
Trên đầu mái tóc vẫn còn xanh
Nửa đời nếm đủ mùi cay đắng
Giấc mộng ngày xưa vẫn chưa thành
(Xuân Cảm)
Những năm cuối trước khi mất sức khỏe của ông sa sút một cách rõ rệt, cơ thể chỉ còn xương bọc da, lưng còng như sắp gập xuống. Trước kia là một nhà hùng biện, lời nói thao thao như nước chảy, nay cả hàm răng đã mất, hết cổ đau và lưỡi đau, phát âm chỉ nghe được tiếng còn tiếng mất. Mỗi bửa ông chỉ ăn được rất ít, thường chỉ là một chén súp đặc. Sức khỏe càng suy kém, ông càng làm việc nhiều hơn. Ông đã đi khắp nơi, năm châu bốn biển để xây dựng cơ sở cho tổ chức, huấn luyện cán bộ, biến Liên Minh Dân Chủ Việt Nam thành một đoàn thể chính trị tranh đấu vững mạnh và có đường lối qui củ rõ ràng. Ông đến diễn thuyết, nói chuyện với đồng bào, tiếp xúc với chính giới các nước, rồi bằng uy tín cá nhân và tài thuyết phục đã cùng với các chiến hữu trong đoàn thể vận động lập nên Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do qui tụ hàng trăm nghị sĩ, dân biểu, chính trị gia, tướng lãnh, nhà văn, nhà báo . . . của các nước Anh, Pháp, Ðức, Bỉ, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại và một số nhân sĩ Việt Nam. Hai thành viên lỗi lạc, của Ủy Ban Quốc Tế này, Giáo sư Stephen Young, cựu Phó Khoa Trưởng Ðại Học Luật Khoa Havard ở Hoa Kỳ và ông David Kilgour, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Canada đã nhiều lần bày tỏ sự khâm phục đối với ông và hết lời ca ngợi ông là Gandi của nước Việt Nam.
Trong khi cơ thể ông khô héo, chết dần, ý chí hay phép lạ nào khiến óc ông vẫn minh mẫn, mắt vẫn sáng, thần thái vẫn ung dung, tư tưởng vẫn lạc quan và đầy hào khí. Tác phẩm “PERESTROIKA” – Sự Phục Hận của Chủ Nghĩa Mác Ðối Với Chủ Nghĩa Lenine – dầy 300 trang chữ nhỏ viết bằng Anh ngữ hoàn tất 2 tháng trước khi ông mất là một tác phẩm lớn của thời đại, trình bày thực chất những thay đổi chấn động trong thế giới Cộng Sản – ở Liên Sô, ở Trung Hoa và ở Việt Nam – hậu quả cũng như triển vọng đối với nhân loại và các dân tộc liên hệ. Cuốn sách đã được đề tặng cho các chiến hữu của ông trong Ủy Ban Quốc Tế đang sát cánh tranh đấu cho một nhân loại tự do và tốt đẹp trong ngày mai.
Cuốn sách đã được viết trong bóng tử thần!
Khi thấy ông tiều tụy quá, nhiều người khuyên can xin ông bớt làm việc, nhưng Ông chỉ mỉm cười nói qua chuyện khác hoặc lặng yên ghi nhận. Cách đó vài năm có báo chí đoán già đón non về bệnh trạng của ông, nhưng rồi thấy ông vẫn bình thản làm việc lại đâm ra bán tín, bán nghi. Họ không biết được sự thực bởi vì ông không nói ra. Ðúng ra ông chỉ nói với một vài người thân cận, có lẽ ông nghĩ nói ra sẽ làm trở ngại cho cuộc vận động xây dựng thế quốc tế của cuộc tranh đấu và có thể làm nản lòng một số người đặt kỳ vọng vào sự lãnh đạo của ông. Chỉ đến khi biết cái chết đã gần kề, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy mới tiết lộ đầy đủ về bệnh trạng của ông: Ông bắt đầu bị ung thư từ năm 1982, từ lưỡi, xuống cổ họng, xuống ngực và lan khắp cơ thể rồi làm tiêu hết máu và thịt. Những năm sau cùng, các bác sĩ chuyên khoa đều bó tay và lấy làm lạ tại sao ông còn sống, vẫn làm việc và đi lại như thế vì người bị ung thư đến giai đoạn cuối rất đau đớn có khi phải dùng morphine để chống đỡ. Sau khi ông mất, tang lễ chưa cử hành, bản di chúc của ông được tuyên đọc trước Ðại Hội Thế Giới của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam họp tại Hòa Lan với trên dưới 200 đại biểu có mặt, trong một khung cảnh rất bi tráng, hào hùng và đầy nước mắt! Bấy giờ thì mọi người mới hiểu rõ: khi cuộc đời còn lại đếm từng ngày thì nghỉ ngơi tĩnh dưỡng chỉ làm ông mất thời gian quí báu, cho nên bất chấp sự cấm cản của bác sĩ, trung tuần tháng 7, năm 1990, ông đáp máy bay từ Boston vượt Ðại Tây Dương đến Âu Châu nhất quyết tham dự Ðại Hội, sinh hoạt với các chiến hữu thân yêu. Lúc máy bay đáp xuống đất Bỉ thì ông đã bất tỉnh và được đưa ra khỏi phi trường trên chiếc băng-ca. Sau đó ông tỉnh dậy, về Paris sống được thêm 10 ngày nữa. Trong 10 ngày này mặc dầu kiệt quệ ông chủ tọa các phiên họp tiền đại hội, hoàn tất một số bài viết sắp xếp cho cuộc ra đi ngàn thu vĩnh biệt:
Những người sống là những người dám sống
Là những người luôn dũng cảm hiên ngang
Ðương đầu cùng trở lực chắn ngang
Là những người không hề màng vất vả
Nhằm mục đích thiêng liêng và cao cả
Tiến theo đường đã định mãi không thôi
Lúc hết hơi mới biết đến mạng trời
Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động
(Quyết Sống)
Lịch sử Việt Nam quả không thiếu những bậc anh hùng vị quốc vong thân, nhưng hiếm thấy người như ông – kiên trì tận tụy với dất nước trong một thời gian đằng đẵng, hết năm này đến năm khác đến nỗi lãnh đạm với mọi sinh thú ở đời, lãnh đạm cả với cái chết. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã đảm đương sứ mạng cứu nước một cách tự nhiên, thung dung tựu nghĩa, không cần ép uổng hay cố gắng. Ông cũng đảm đương vai trò lãnh đạo một cách tự nhiên và can đảm phi thường. Cuối năm 1971, sau khi đặc công Cộng Sản, ngay tại Saigòn, giữa thanh thiên bạch nhật, tung mìn ám sát Giao Sư Nguyễn Văn Bông, Chủ Tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, người đồng chí thân thiết nhất của ông thì ai cũng biết rõ ông sẽ là mục tiêu kế tiếp. Thực vậy, Cộng Sản đã mưu toan ám sát ông nhiều lần kể cả lần định dùng chất nổ để giết ông tại nhà riêng trong ngỏ hẻm. Thế mà ông không chút sợ hãi, vấn tiếp tục hoạt động chính trị, diễn thuyết khắp nơi, đi dạy học như bình thường, chỉ thay vì đi xe đạp thì ngồi vắt vẻo sau chiếc Honda hai bánh có người chở với một người đồng chí cận vệ cũng lái xe gắn máy đi kèm, và thay đối lộ trình cùng giờ giấc đi về.
Năm 1973, vợ ông bất ngờ mất vì tai nạn. Ðứng cạnh quan tài người vợ hiền yêu quý mấy mươi năm, đáp lễ khách đến phúng viếng gồm Tổng, Bộ trưởng, chính khách, đồng chí, bạn đồng sự, môn đệ . . . nét mặt ông bình thản, nghiêm trang khiến ai cũng khâm phục trước sức tự chủ ghê gớm ấy. Ngày sau cùng ở Paris, kiệt quệ như ngọn đèn hết dầu, ông đã yêu cầu bác sĩ chích nước biển vào cơ thể, chích tới đâu mạch máu vỡ ra đến đó, nước tràn lênh láng vậy mà ông vẫn thản nhiên, không một lời thở than hay rên rỉ. Sự can đảm và tự chủ của ông một lần nữa làm cho những người chứng kiến đều kinh hồn động phách và không cầm được nước mắt. Dáng người bé nhỏ, tánh nết giản dị khiêm cung, nhưng ý chí bằng thép Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã sống và chết như một đại dũng sĩ:
Nhưng đã gần nhau ắt có xa
Thường nhân vẫn nhận thế kia mà
Huống chi ta, những người tranh đấu
Thề lấy non sông thế cửa nhà
Vả lại dầu xa mấy núi sông
Dẫu còn tái hội nữa hay không
Hồn ta vẫn ở bên nhau mãi
Vẫn sống trong tim những bạn lòng
Như thế ta còn bận bịu chi
Còn lo chi nữa lúc ra đi
Cười lên cho tiếng vui hăng hái
Ðánh bạt u buồn lúc biệt ly
Ta hay cười lên đón ánh dương
Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng
Tiếng khải hoàn ca dậy phố phường
(Giã Bạn Lên Ðường)
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy có 3 người con, hai trai một gái , đều học giỏi, hiền lành và đức hạnh. Ông không sống với các con vì nay đây mai đó, nhiều khi đi vắng cả hai ba tháng, lại muốn tập trung tâm trí vào việc nước. Hai người con lớn đã trưởng thành, tốt nghiệp Cao học và Tiến Sĩ, người con trai ở Paris, con gái ở Nữu Ước. Người con trai Út tên Nguyễn Ngọc Khánh Thụy, mồ côi mẹ từ lúc 6, 7 tuổi đi trọ học xa, trong nhà một người Mỹ, tánh hay buồn rầu vì thiếu tình gia đình. Năm 1982, có lẽ được biết bố bị ung thư, Khánh Thụy khủng hoảng tự vẫn chết. Làm lễ hoả táng con xong, ngay ngày hôm sau, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đáp máy bay sang Pháp tham dự một phiên họp quan trọng của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, Liên Khu Bộ Âu Châu đúng như dự định. Không ai ngờ ông vừa mắc bệnh nan y và mất một người con yêu quí:
Ðã là kẻ hiến thân đền nợ nước
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường
Éo le thay muốn phụng sự quê hương
Phải dẵm nát bao lòng mình yêu mến.
(Ngày Tang Yên Bái)
Sự cương quyết sắt đá của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy khiến người ta liên tưởng đến lời khẳng khái nghĩa khí can trường của nhà chí sĩ Phan Ðình Phùng hơn 100 năm trước, khi trả lời thư dụ hàng của Kinh Lược Sứ Hoàng Cao Khải, đại diện cho chính quyền thực dân Pháp: “Ta chỉ có một ngôi mộ rất to phải giữ, đó là nước Việt Nam, người bà con rất to phải cứu, đó là mấy mươi triệu đồng bào. Về sửa sang phần mộ của nhà mình, ai sẽ lo cho ngôi mộ của cả nước? Về để cứu lấy bà con mình, ai sẽ lo mấy mươi triệu anh em khác? Ta thề chỉ có chết mà thôi !” Thực ra với tâm hồn của một nhà thơ, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là người rất tình cảm. Chỉ vì lấy phụng sự quê hương làm lý tưởng, ông phải chôn dấu cảm xúc xuống tận đáy lòng. Trong suốt mười mấy năm bôn ba tìm phương cứu nước, đi đâu người ta cũng thấy ông mặc một chiếc áo măng-tô cũ bằng da, chiếc áo đã quá cũ bạc màu và rách tơi tả bên trong đến nổi không còn khâu vá lại được. Có anh em nằn nì xin ông thay áo khác thì ông nói giản dị: “Không phải vì tôi muốn tiết kiệm đâu, áo nầy nhà tôi mua cho tôi, lúc còn cùng sống lưu vong bên Pháp mấy chục năm trước, nay nhà tôi đã mất nên tôi không nở bỏ.” Chỉ sau nầy chiếc áo đã rách quá, lại phải tiếp xúc nhiều hơn với các nhân vật chính trị Âu Mỹ, cần một bề ngoài tươm tất nên mới thấy ông mặc một chiếc áo mới hơn. Một lần hiếm hoi khác, tâm hồn đa cảm của ông hé lộ trong một bài thơ tạ tội với mẹ già viết trong những ngày lưu lạc ở quê người vào đầu thập niên 60:
Bọn chúng tôi cùng một lứa tuổi đầu xanh
Không can tâm nhìn đất nước điêu linh
Mới cương quyết lao mình vào chiến đấu
Ðời cách mạng từ bao lâu bôn tẩu
Ðể mẹ già sống cực nhọc lầm than
Trước những giòng lệ ngọc ứa chứa chan
Lòng con há dững dưng không cảm xúc?
Nhưng đất nước chưa qua hồi tang tóc
Phải nghiến răng cắt đứt mối thâm tình
Tuy chẳng vì vụ lợi hay ham danh
Nhưng cũng đã trót làm cho mẹ khóc
Và con sẽ phải làm cho mẹ khóc
Hởi quê hương hởi đất nước thân yêu
Dầu gian truân dầu cực khổ bao nhiêu
Chúng tôi cũng vẫn sẵn sàng nhận lấy
Chỉ mong ước ngày mai còn được thấy
Cả non sông giống Việt hết điêu linh
Cả toàn dân giống Việt sống thanh bình
Và chỉ dầu một ngày hay một buổi
Dầu một phút hay một giây ngắn ngủi
Ðược như lời Phật nguyện chốn dương trần
Còn có cơ quỳ dưới gối từ thân
Ðể khấn thiết cúi xin người thứ lỗi
(Lời nguyện cầu của những kẻ làm cho mẹ khóc)
Nuôi tâm thì làm thiên tài
Trong suốt nửa thế kỷ vừa qua có lẽ ông Lý Ðông A, Ðảng Trưởng Ðại Việt Duy Dân Ðảng và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là hai nhà lý thuyết chính trị Việt Nam xuất sắc nhất. Ông Lý, nhà cách mạng gần như huyền thoại, bị Cộng Sản sát hại lúc còn thanh niên, là người sáng tạo chủ nghĩa Duy Dân, một chủ nghĩa chính trị và triết lý được viết rất cô động và cao siêu nên người đời sau dù bái phục nhưng không mấy ai hiểu được đầy đủ. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, bút hiệu Hùng Nguyên đã san định, bổ túc, hệ thống hoá và phong phú hoá Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của nguyên đảng trưởng Ðại Việt Quốc Dân Ðảng Trương Tử Anh để xây dựng một căn bản tư tưởng cần thiết và thích nghi cho cuộc đấu tranh cứu quốc và kiến quốc.
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy sống lâu hơn Ông Lý Ðông A nên ngoài tác phẩm Chủ Nghiã Dân Tộc Sinh Tồn, còn để lại những công trình trước tác và biên khảo đồ sộ hàng vạn trang giấy gồm hàng trăm bài viết, mấy chục pho sách Việt, Anh và Pháp ngữ về các thể loại chính trị, luật pháp và văn hoá. Ðọc những tác phẩm của ông, từ luận án tiến sĩ “Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc Cổ Thời”, đến “Hàn Phi Tử”, “Chủ Thuyết Dân Tộc Sinh Tồn”, “Những Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung”, “Perestroika”… người ta luôn luôn tìm thấy những đặc điểm sau đây:
– Những cái nhìn rất mới lạ, bao quát và sâu sắc
– Phương pháp làm việc khoa học: cẩn thận, bằng cớ rõ ràng, phát biểu ôn hoà, lý luận chặc chẻ, trình
bày sáng sủa, lời lẽ giản dị và dễ hiểu
– Khả năng phân tích và tổng họp phát huy tới mức cao độ. Giáo Sư Cao Thế Dung, một nhà văn hoá, đồng thời một lãnh tụ chính trị, đã nhận xét về tác phẩm Quốc Triều Hình Luật và tác giả Nguyễn Ngọc Huy như sau: “Người ta có thể tìm trong quyển A Quốc Triều Hình Luật một vùng đầy hoa thơm và dị thảo của văn minh văn hoá toàn Việt. Với tựa đề tưởng như khô khan vì chỉ là những nhận định luật pháp cổ thời, nhưng ngay từ những trang đầu đã cuốn hút người đọc vào thế giới của sử liệu của những đặc thù độc đáo trong hệ thống tư tưởng Tam Giáo qua một lối hành văn đơn giản trong sáng. Là một nhà khoa bảng uyên thâm về Hán học, nên Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã sở trường về cách dùng từ và chữ một cách bình dị mà vẫn giữ được sự chính xác của từ và chữ. Văn là người thì qua văn của tác giả thể hiện trong tác phẩm đã hiện rõ một Nguyễn Ngọc Huy chừng mực, phong cách, tôn trọng sự thực và nhất là tràn đầy tình tự quê hương dân tộc. Từ cái khô khan, cứng và khuôn thước của văn chương luật pháp và là luật pháp cổ, tác giả bằng cả tâm hồn và trí tuệ, ông đã dẫn người đọc vào dòng tình tự đầy phong hoa với những rung động truyền kỳ qua từng diễn biến lịch sử đã hình thành nên các hệ thống pháp chế cổ.
Tôi đã say mê đọc một “lèo” quyển A, Quốc Triều Hình Luật, nhiều lần phải dừng lại, lim dim mắt với hình ảnh một học giả uyên bác trước mặt. Hình ảnh Nguyễn Ngọc Huy nhà nho, một nhà nho khai phóng và cũng là người theo con đường đạo học và thiền học, ông là một tổng hợp của Tam Giáo trong dòng tình tự dân tộc. Và chính nhờ thế, tác giả đã làm nổi bật được Quốc Triều Hình Luật trong khu vườn trăm hoa của văn minh và văn hóa Việt. Từ nhiều năm qua với tư cách một người cầm bút, tôi rất khâm phục Giáo Sư Huy về sở học uyên bác của ông về nhiều bộ môn; tác giả quả là một hào kiệt hiếm quí, một hào kiệt văn hóa và cũng là một chiến sĩ văn hóa mà từ nếp sống của ông, chữ viết của ông trong tất cả các tác phẩm của ông đã tỏa ra tấm lòng rất nhân bản và khai phóng của ông. Cái tâm của Giáo Sư Huy rất lớn tuy lúc nào cũng ẩn dấu trong phong cách khiêm tốn, bình dị nhưng tràn đầy tình người và tình dân tộc. Ðọc Quyển A Quốc Triều Hình Luật sẽ bắt gặp cái tâm vĩ đại và trí tuệ của dân tộc Việt và cái tâm của một học giả yêu nước Nguyễn Ngọc Huy.”
(Tự Do Dân Bản Số 49 tháng 3/90, trang 55)
Tất nhiên luôn luôn có những người không hoàn toàn đồng ý với quan điểm hay nhận định của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy nhưng chưa thấy ai có đủ khả năng bác bỏ những lập luận của ông. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là người trí thức của những người trí thức ông, ông thầy của những ông thầy – ông rất xứng đáng là bậc Tôn Sư của thời đại. Kiến văn quảng bác, thông minh lạ kỳ, một phần do bẩm sinh, nhưng chủ yếu là do – như lời ông Lý Ðông A đã nói – “Nuôi tâm thì làm thiên tài, nuôi trí thì làm nhân tài, nuôi thân thì làm nô tài.” Ông không nuôi thân – làm việc tận tụy 40, 50 năm, tài sản đến khi chết chỉ có vài bộ quần áo cũ và một ít sách. Ông cũng không nuôi trí để tự hào về sở học của mình và khuất phục người khác. Khả năng đặc biệt do tâm đức mà có. Dâng hiến cuộc đời cho Tổ Quốc cho đến giọt máu khô kiệt cuối cùng, cho đến khi thân xác đã thành tro bụi, ông đã tập trung tất cả năng lực để nhiên cứu, học hỏi, suy nghĩ, hoạt đông cho một mục đích duy nhất. Một người có một lý tưởng cao cả và bền bỉ như vậy không trở thành thiên tài sao được?
Tinh anh rực rỡ nghìn sau
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy không còn nữa – thể xác đã theo lửa hồng trờ về cát bụi – nhưng cái chết của ông, cái chết của ông mang bao nhiêu ý nghĩa và ảnh hưởng quan trọng:
1. Từ đây ông cùng với các bậc anh hùng liệt nữ Trưng, Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Phan Ðình Phùng, Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh, Lý Ðông A … hợp thành hồn thiêng của sông núi Việt Nam. Nguyễn Ngọc Huy đã trở thành nhân vật lịch sử dân tộc, tên tuổi vĩnh viễn gần liền với nòi giống Việt. Nguyễn Ngọc Huy tuy chết nhưng đã trở thành bất tử:
Dù lăng ngà hay cổ khâu
Tuy tồn tại với thời gian việc làm chính nghĩa
Tranh sáng với trăng sao tấm lòng trượng phu
Hào khí người còn sang sảng
Ðâu đây lòa chói giấc mơ
Nước sông Dịch còn trôi hay đã cạn?
Gương anh hùng vằng vặc sáng thiên thu
(Vũ Hoàng Chương)
2. Sự ra đi đột ngột của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là lúc người ta nhìn lại cuộc đời, công nghiệp, tinh thần và tư tưởng của người chiến sĩ quốc gia lỗi lạc và rửa sạch những lời cáo giác do kẻ thù Cộng sản tung ra hay những người đố kỵ loan tuyền rằng ông kỳ thị địa phương, làm việc cho cựu tổng thống Thiệu, tham nhũng tiền bạc, thân Trung Cộng, CIA v..v.. Hãy đọc bài “Suối Tuôn Giòng Lệ” đăng trên báo Ngày Nay số ngày 15 tháng 8 năm 1990 vừa qua của một lãnh tụ chính trị khác, cựu thượng nghị sĩ Phạm Nam Sách, người mà trong quá khứ nhiều lần tấn công và đả kích Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy dữ dội nhất:
“Người ta thường nghĩ anh Nguyên Ngọc Huy có tinh thần kỳ thị Nam Bắc. Tôi không nghĩ như vậy. Anh có dè đặt khi nhận người Bắc vào hàng ngũ chẳng phải vì anh kỳ thị mà chính vì anh cẩn trọng. Nếu anh nhận lầm một cán bộ cộng sản, hậu quả cho đoàn thể sẽ không lường. Mà anh sanh trưởng ở trong Nam biết sao hết người miền Bắc. Có lần anh hỏi tôi biết người này, biết người nọ hay không. Tôi xem lại thì toàn là người Bắc. Khi tôi trả lời biết chắc thì anh giao ngay công tác mà không chút nhần ngại. Ai bảo anh Huy kỳ thị Nam Bắc, tôi không nghĩ thế. Làm chịnh trị phải thận trọng. Tôi có viết ở đâu đó rằng chẳng phải một sớm một chiều người ta có thể thành một người hoạt động yêu nước, một kẻ lăn lưng vào cách mạng, sẵn sàng quên hết mọi vui thú ở cuộc đời. Nhìn vào hàng ngũ những người lãnh đạo hiện nay thì anh là một người thật hiếm hoi mà tôi gọi là có dòng máu cách mạng. Anh cũng như anh Hà Thúc Ký, cũng như anh Nguyễn Văn Xuân, cũng như anh Nguyễn Quốc Xủng… đều có máu cách mạng, nói cách khác, các anh là những người yêu nước cả trăm phần nồng nhiệt. Ở các anh không có chỗ cho vợ con, gia đình; ở các anh không có chỗ cho danh vọng, bạc tiền. Ở các anh là Ðất Nước, là Quốc Dân, ở các anh là Anh Em, là Ðảng. Năm 1950 mới hồi cư về Nam Ðịnh, tôi đã đọc say mê từng bàt thơ yêu nước ký tên Ðằng Phương, đặc biệt là Ngày Tang Yên Bái:
“Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài danh dự
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ….”
Nổi vui của tôi biết lấy chi cân khi biết Ðằng Phương là anh, ồ anh, các ngày anh viết bài thơ này anh đang học ở Hà Nội. Phải có tâm hồn yêu nước trong sáng, chân thành và tuyệt đối thế nào người ta mới viết được những câu thơ làm rung động lòng người. Anh chính là một trong những nhà thơ yêu nước dưới bút hiệu Ðằng Phương. Hồn nước đã hun đúc anh, tạo nên con người tuấn kiệt, đấu tranh không biết mỏi mệt cho ngày mai. Lòng dân đã thúc đẩy anh đi lên và đi lên mãi. Cuộc hành trình của chúng ta chỉ ngưng lại khi sức cùng lực kiệt. Và anh đã ngừng cuộc hành trình vì sức anh đã cùng, lực anh đã kiệt. Ở tôi vẫn là “suối tuôn giòng lệ ….”.
Anh Huy ra đi, đất nước mất người con yêu, quốc dân mất người can đảm. Với cái tuổi ngoài 50, tôi đã chứng kiến nhiều cái chết của anh em. Mỗi lần như vậy tôi cảm thấy cô đơn thêm. Nhìn con đường trước mặt tôi rùng mình. Các bậc đàn anh rủ nhau đi hết, Quốc Dân ở lại vẫn chịu nhiều đớn đau. Ngày mai trên quê hương đầy bất trắc, những người quốc gia còn tấm lòng vẫn chia năm, xẻ bảy. Anh Nguyễn Ngọc Huy, tôi xin mượn mấy câu thơ của cụ Phan Chu Trinh để giải tỏ tấm lòng:
Thanh sơn bích thủy ủng cô phần
Phong vũ thiên nhai khắp cố nhân
Vi cảm tận tình quyên huyết lệ
Hồi đầu quốc thổ chính trầm luân”
3. Trong đời tranh đấu Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã lập ra các đoàn thể – kể theo thứ tự thời gian: Ðảng Tân Ðại Việt, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến và Liên Minh Dân Chủ Việt Nam. Mặc dù thương yêu các đồng chí và chiến hữu như anh em ruột thịt, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy hoàn toàn không có tình thần tư đảng vì ông luôn luôn coi đảng là phương tiện phục vụ Tổ Quốc, chứ không phải là cứu cánh. Khi hoàn cảnh thay đổi, phương tiện cũng phải thay đổi hay cải biến.
Vì vai trò lãnh đạo của ông trong cả 3 đoàn thể nên Liên Minh Dân Chủ Việt Nam ngày nay bao gồm những phần nhân sự cốt cán của Tân Ðại Việt và Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến – ở cả trong và ngoài nước. Trong 9 năm qua Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã dồn tâm lực xây dựng và phát triển Liên Minh thành một đoàn thể chính trị mạnh với các cơ sở hoạt động khắp nơi. Các đoàn viên gia nhập Liên Minh một phần vì lý tưởng tranh đấu, một phần vì cảm phục cá nhân Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, coi ông là hình ảnh để noi theo. Hệ quả là đoàn viên của Liên Minh thường có một số đặc điểm chung: tuổi trung niên trở lên, trình độ học thức tương đối cao, đứng đắn, ôn hòa, có tinh thần dân chủ và cởi mở, có khả năng lãnh đạo, chỉ huy – ít ra là trong phạm vi các cộng đồng địa phương. Một đội ngũ đoàn viên có phẩm chất như thế thì 100 cán bộ cũng có thể huy động hàng vạn người vào những mục tiêu tranh đấu khi cần thiết.
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã để lại cho Liên Minh một di sản tinh thần vô giá: chủ thuyết chính trị, đường lối và sách lược tranh đấu, một chương trình huấn luyện cán bộ đầy đủ và nhất là sự ngưỡng mộ của nhân dân Việt Nam đối với con người và công nghiệp của ông – Liên Minh Dân Chủ Việt Nam chính là một trong những công nghiệp kiệt xuất của ông. “Dưới tay tướng giỏi không có quân hèn” cho nên dù có phải trải qua một giai đoạn bối rối lúc giao thời, Liên Minh đã mạnh mẽ tiếp tục con đường phụng sự Tổ Quốc rất vinh quang mà người lãnh tụ anh hùng quá cố đã vạch ra.
4. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy mất, công cuộc cứu nước vẫn còn dang dở, giống như Khổng Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc muốn dùng sở học để bình thiên hạ như Gia Cát Lượng đời Tam Quốc nhất tâm phục Hán, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã tận nhân lực và tri thiên mệnh. Nhưng ai dám nói những vĩ nhân này thất bại? Quốc Gia hưng vong, thất phu hữu trách, cứu nước là bổn phận của toàn dân, nào phải riêng ai. Riêng Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy ông đã làm hơn rất nhiều bổn phận của một con dân đất Việt và như một danh nhân Tây Phương nào đã nói “Quần chúng đối với thiên tài là một cái đồng hồ đi trễ”, công việc cứu nước chưa hoàn tất có lẽ vì người đương thời đã không theo kịp ông. Cái chết của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy ít nhiều không khỏi là một trường hợp lương tâm của người Việt Nam. Bởi vì trước thảm họa quốc gia suy vong đã có bao nhiêu người công dân Viện Nam, như bản Quốc Ca thường hát, thực sự đứng lên đáp lời sông núi, hy sinh tiếc gì thân sống, chấp nhận hiến thân dưới cờ, lấy máu đào đem báo thù nước….? Có được bao nhiêu công dân Việt Nam trong lúc nệm ấm chăn êm, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan thành thực ủng hộ hay quan tâm đến một người nghĩa sĩ, tuổi già, tóc bạc, thân mang trọng bệnh ung thư sống chết trong sớm tối, lầm lũi trên đường thiên lý bất kể ngày đêm, bất kể sương tuyết, một lòng một dạ tìm phương cứu vớt 70 triệu đồng bào đang bị đày đọa trong địa ngục cộng sản?
Cái chết của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy gây xúc động lớn lao trong và ngoài nước, đã lay tỉnh người dân nước Việt và như vậy là thông điệp về chính nghĩa Quốc Gia và quyết tâm loại trừ chế độ cộng sản để xây dựng một nước Việt Nam thực sự Dân Chủ, Tự Do. Là thông điệp về lòng yêu nước và cuộc đời phục vụ lý tưởng cao thượng đối chiếu với cuộc đời tầm thường, nhỏ nhen. Là thông điệp về chính trị vương đạo so với chính trị bá đạo. Là thông điệp về yêu thương và đoàn kết. Cái chết của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy như thế vừa là một cái tang đau đớn, vừa là một niềm cảm hứng vô biên; vừa là một mất mát to lớn không thể thay thế được, vừa là một thông điệp của hy vọng về một ngày mai tươi sáng trên quê hương Việt Nam.
https://mail.google.com/mail/u/0/?tab=wm#inbox/15628e0b034995ba?projector=1