Có bao nhiêu Trần Văn Truyền khác trong vỏ bọc liêm khiết?
Theo Một Thế Giới – Kiến Giang – 23-11-2014
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về khối tài sản của ông Trần Văn Truyền là rất rõ ràng. Hầu hết là nhà đất được cấp sai nguyên tắc. Cấp sai thì thu hồi lại, đó là việc đương nhiên. Dẫu vậy, vụ việc liên quan đến ông Truyền gây ra quá nhiều tổn hại. Mà tổn hại lớn nhất, chính là lòng tin của người dân. Khi một người đầu ngành chống tham nhũng lại vơ vét của cải thì lòng tin của dân về công cuộc chống tham nhũng chắc chắn sẽ bị lung lay và sẽ phát sinh câu hỏi: Có bao nhiêu ông Truyền khác đang khoác vỏ bọc liêm khiết? Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, điều người dân hoang mang không chỉ là những khối tài sản kếch xù thiếu minh bạch mà ông có được. Hoang mang là đã có lúc, ông với cương vị người đứng đầu cơ quan thanh tra, đã có những tuyên bố mạnh mẽ, đương đầu với quốc nạn tham nhũng. Người ta vẫn tin ông là một người thanh liêm, có trách nhiệm, dám nói dám làm. Thế nhưng, khi mọi việc vở lẽ, người ta ngao ngán thực tế rằng những gì ông nói trái ngược hẳn với những gì ông làm. Thậm chí, nếu quá tức giận, người ta có thể gọi ông là kẻ “tay ăn cắp, miệng la làng” cũng không có gì quá đáng. Cuối tháng 12/2007, ông phát biểu đầy cảm khái: “Càng công khai, minh bạch, càng kiểm soát được tình hình; nhất là công khai các hoạt động của bộ máy nhà nước, công khai các việc mà công chức nhà nước phải làm; từ đây công khai, minh bạch luôn cả về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức”. Cùng thời gian đó, con gái ông được làm thủ tục mua lại căn nhà ở đường Nguyễn Trong Tuyển, Q.Phú Nhuận mà trước đây ông thuê lại. Giữa năm 2010, một thời gian chưa lâu sau khi ông làm thụ tục xin mua lại căn nhà rộng lớn ở thành phố Bến Tre và được xét duyệt, ông lại đăng đàn phát biểu hùng hồn: “Đấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang mong”. Hoang mang lớn nữa của người dân là tại sao ông Trần Văn Truyền “vô tư” lấy nhà đất công một cách dễ dàng, nhanh gọn. Phát biểu của lãnh đạo đầu ngành TP.HCM và Bến Tre rằng cấp nhà do không biết ông Truyền đã có nhà nơi khác là không hợp lý. Vì chúng ta có hẳn một hệ thống quản lý tài sản công, thủ tục hóa giá nhà theo nghị định 61 cũng rất nhiêu khê, xác minh rất cặn kẽ. Trong khi ông Truyền không gặp trở ngại nào. Tại TP.HCM, nói không thể xác minh việc ông Truyền có nhà nơi khác lại càng không thể chấp nhận. Bởi vì căn nhà đó được hóa giá cho con gái ông Truyền, một nhân viên bảo hiểm, không nằm trong diện được xét duyệt. Việc bà này sở hữu một căn hộ cao cấp ở quận 5, TP.HCM dân thường còn biết, không thể nói cán bộ quản lý nhà không biết. Không thể có cách lý giải nào khác ngoài việc các cơ quan quản lý tài sản công, vì một lý do nào đó, đã không thi hành chức trách của mình, tạo điều kiện cho ông Truyền và gia đình vơ vét của công. Cuối cùng, một câu hỏi đặt ra, nếu ông Truyền không xây biệt thự hoành tráng, ai sẽ biết ông lắm tiền nhiều của? Không có báo chí vào cuộc phanh phui, cơ quan chức năng nào sẽ vào cuộc điều tra khối tài sản khổng lồ của ông? Thậm chí, nếu báo chí không đặt vấn đề, có lẽ sự việc của ông Truyền có thể đã rơi vào im lặng. Ông tiếp tục sở hữu tài sản kếch xù, tiếp tục vung tay phát ngôn về đạo đức cán bộ, về minh bạch và chống tham nhũng. Như có lần ông hùng hồn tuyên bố: “Chống tham nhũng hiện không chùng xuống, nếu chùng xuống thì chỉ có báo chí chùng, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không chùng”.
Sẽ có nhiều người “tội nghiệp” ông Truyền vì trót phô trương, trót vương giả nên mới bị soi mói. Thực tế, có người cho rằng rất ít cán bộ dám thoát ra ngoài bộ quần áo giản dị, chiếc xe máy bình thường mặc dù đang sở hữu tài sản lớn. Nhiều người đợi đến khi về hưu vài năm mới dám đầu tư chiếc xe hơi vừa giá để tránh soi mói như một hình thức hạ cánh an toàn và nhẹ nhàng. Cán bộ cả gan như ông Truyền còn lắm. Ông Truyền đáng bị chê trách. Nhưng nhờ ông, dư luận có quyền đặt câu hỏi, có bao nhiêu ông Truyền khác đang ẩn mình? Và bằng cách nào bóc được lớp vỏ bọc liêm khiết? Một người tỏ ra cương trực, thẳng thắn như ông Truyền lại là người không minh bạch. Người ta không nghi ngại về những cán bộ ít ngoại giao, khép mình. Khi quyền lực đi với quyền lợi quá lớn và dễ dàng như trường hợp của ông Truyền, sẽ có bao nhiêu người giữ được sự công tâm vô tư? Câu trả lời quá khó. Cũng như quá khó để trả lời câu hỏi: Thu hồi nhà đất của ông Truyền, làm sao “thu hồi” được lòng tin của người dân.