Chuyến viếng thăm Pháp: “Có thế nào người ta mới mời” và đón tiếp như thế chứ!

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyến viếng thăm Pháp: “Có thế nào người ta mới mời” và đón tiếp như thế chứ!
Tô Hải
27-3-2018
Chỉ 2 ngày trước khi Đại cồ Việt Hoàng Đế Nguyễn Phú Trọng 2018 đặt chân tới đất nước Cộng Hòa Pháp, nơi phát sinh ra cái nền dân chủ tư sản, đề cao quyền tự do bình đẳng của giai cấp tư sản “giãy mãi không chết”, thì ông ta đã nhận được bức thư khá dài với đầy đủ lý lẽ tang chứng về một chế độ cầm quyền cực kỳ lạc hậu, phản tiến bộ gọi là “chế độ xã hội chủ nghĩa” do độc nhất một cái đảng gọi là Cộng sản VN lãnh đạo toàn diện.
Mặc dù cái nôi sinh ra nó: Liên Xô và cả hệ thống chư hầu đã bị chính những người cộng sản vứt vào sọt rác của Lịch Sử từ những năm 90, của thế kỷ trước. Còn sót lại chỉ là mấy nước mà bọn cầm quyền, do không thể từ bỏ những “quyền lợi đã qua tay mình” bằng những thủ đoạn “Cộng tất cả Sản” của mọi người vào tay một nhóm người gọi là lãnh ‘đạo ưu tú’ bằng súng đạn, nhà tù và khủng bố dân, mị quan bằng tuyên truyền dối trá, thậm chí đến ba chữ “đảng cộng sản” họ cũng không dám dùng như Trung Cộng, Triều Tiên, Lào trừ 2 tên “điếc không sợ súng” Việt Lam và Cu-Ba!
Theo dõi các báo chí, thông tấn nước Pháp thì… tới sáng 26/3/2018, tất cả đều lặng tờ, chẳng có quay phim, chụp ảnh gì đại vương nước Việt được đưa lên báo, đài, mãi đến chiều 26/3, mới có một bài của… chính ông Trọng được đưa lên Le Monde chứ chẳng phải của một ký giả, bình luận thời cuộc nào thèm hạ bút!
Được nghe TV1 báo tin Đại Vương có bài viết đăng trên Le Monde, mình vội vàng truy tìm cả báo ngày, báo tuần và cả Le Monde diplomatique (luôn cả bản tiếng Anh) để xem báo đài của mấy ông ấy có phịa thêm hay cắt xén bớt phần nào ný nuận của nãnh tụ miền bắc này không thì… cũng mỏi mắt, đau lưng mà không thấy!
Gõ tìm archives thì chỉ thấy cái này!
Chẳng thấy cả cái mặt của ông Macron, người mời ông Trọng viếng thăm nước Pháp. Thôi thì cũng tạm bớt thắc mắc vì sao truyền thông Pháp lại quá coi thường chuyến đi của Đại Vương nước ta như vậy…
Ở ta, những tài liệu phản động này khó mà xuất hiện công khai! Thôi thì cứ dịch ra đây cho ai không biết tiếng Pháp đọc cho vui và để hiểu thêm cái xã hội tư sản phản động thối nát, giẫy chết báo chí nó phục tùng ai? Ghét ai? Phục vụ thực sự quyền lợi của ai?
***
“Kính gửi Ngài Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Paris, ngày 24/3/ 2018
Thư mở tới Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron về chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
Thưa Ngài Tổng thống,
Ngài đã mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến thăm Pháp từ ngày 25 đến 27//3/2018 để kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp và kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam. Với chuyến thăm chính thức này, ngài sẽ tiếp lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) trên cương vị là người đứng đầu nhà nước.
Không cần phải nói, ĐCSVN không chỉ đơn giản là một đảng chính trị. Đây là đảng duy nhất được công nhận hợp pháp tại Việt Nam, gần đây đã cấm các thành viên thảo luận về việc dân chủ, phân chia quyền hạn và đa nguyên hoặc phải đối mặt với khai trừ.
Ngài đã tập trung nhiệm vụ của mình để cổ súy sự tham gia tích cực của xã hội dân sự trong các vấn đề chính trị của quốc gia. Người mà ngài tiếp hôm nay, đại diện cho một chế độ, mà mục tiêu của họ là ngược lại – để ngăn chặn tiếng nói của xã hội dân sự và tiêu diệt những khát vọng của công dân, để biểu lộ bất cứ mối quan tâm nào đối với các vấn đề của xã hội, trừ việc hoan nghênh những chính sách của nhà cầm quyền.
Ông đã là người tuyên bố rằng “chủ nghĩa cộng sản tốt hơn dân chủ”. Trong chiến dịch đàn áp xã hội dân sự và quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam – một trong những chiến dịch tồi tệ nhất kể từ khi mở cửa kinh tế của nước này theo chính sách “Đổi Mới” năm 1986 – Ông Trọng rõ ràng đề cập đến bộ máy an ninh và cảnh sát như là vũ khí để bảo vệ chế độ độc tài.
Sự đàn áp đối với xã hội dân sự ở Việt Nam, là có chủ ý và được tổ chức bài bản. Trong khi tuyên bố xây dựng “luật pháp,” Việt Nam đang củng cố “luật pháp” bằng cách áp dụng các đạo luật mơ hồ nhằm xoá bỏ các quyền cơ bản. Các quy định về an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự là xương sống của chính phủ trong việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, các blogger, các nhà báo công dân, các nhà bảo vệ nhân quyền, và các thành viên của các cộng đồng tôn giáo “không được công nhận”. Tại Liên Hợp quốc, trong lần Đánh giá Toàn cầu (UPR) của Việt Nam năm 2014, Pháp kêu gọi bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản về an ninh quốc gia để đảm bảo rằng, chúng không là rào cản hạn chế quyền tự do ngôn luận và biểu đạt. Việt Nam không thực hiện khuyến cáo này.
Chính phủ Việt Nam đã bắt giữ, truy tố và bắt giam một cách độc đoán nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự trong vòng 14 tháng gần đây. Có ít nhất 130 tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trong nhà tù Việt Nam hiện nay. Họ bao gồm blogger và cựu đảng viên cộng sản Nguyễn Hữu Vinh (người bị kết án 5 năm tù), người bảo vệ nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga (10 và 9 năm tù). Cả Quỳnh và Nga, là hai bà mẹ với trẻ nhỏ, gần đây đã bị chuyển đến nhà tù cách nhà của họ hơn 1.000 km để gây khó dễ cho việc thăm nuôi. Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Văn Oai (bị kết án 5 năm tù) cũng bị đưa đến nhà tù cách xa nhà ông. Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, bị bắt vào tháng 12 năm 2016, đã bị giam cầm từ đó với cáo buộc “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, một tội danh mang án tử hình.
Tự do tôn giáo bị hạn chế bởi một hệ thống đăng ký bắt buộc và khắc nghiệt. Các cộng đoàn tôn giáo không đăng ký với nhà nước, chẳng hạn như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đang bị đàn áp và quấy rối hàng ngày. Lãnh đạo Thích Quảng Độ của giáo hội này vẫn bị quản thúc tại gia trong hơn 35 năm. Nhóm dân tộc thiểu số theo Kitô hữu (Hmong, người Thượng), Cao Đài, Hòa Hảo Phật giáo (10 người gần đây bị kết án tù đến 12 năm) là mục tiêu đàn áp chỉ đơn giản là thực hiện quyền tự do tín ngưỡng.
Sự đàn áp của Việt Nam đối với xã hội dân sự không chỉ là một sự vi phạm trắng trợn về các quyền cơ bản mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Không có báo chí tự do, không có công đoàn độc lập, không có xã hội dân sự độc lập và không có tư pháp độc lập ở Việt Nam, mọi người không có phương tiện để tự bảo vệ mình hoặc thể hiện sự bất đồng của họ. Ví dụ, vào tháng 4 năm 2016, bờ biển miền Trung Việt Nam đã bị một trong những thảm họa ô nhiễm công nghiệp nặng nề nhất hơn bao giờ hết. Vụ xả chất thải độc hại của nhà máy thép Formosa gây ô nhiễm trên bờ biển dài 200 km, làm chết hàng trăm tấn cá và phá hủy sinh kế của người dân, sự sống còn của họ phụ thuộc vào việc đánh cá. Các nạn nhân không nhận được bồi thường, và những người khiếu nại hoặc thậm chí bày tỏ mối quan tâm đã bị đàn áp khắc nghiệt. Bác sĩ Y khoa Hồ Văn Hải, người viết blog của mình về những hậu quả nghiêm trọng của vụ ô nhiễm môi trường này, đã bị bắt và bị kết án 4 năm tù giam và vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Kháng nghị điều kiện làm việc tồi tệ ở Việt Nam cũng là điều cấm kị. Một báo cáo gần đây về điều kiện làm việc của phụ nữ trong ngành công nghiệp điện tử cho thấy có những vi phạm về quyền của người lao động dẫn đến các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như sẩy thai, ngất và mệt mỏi. Tác giả của báo cáo, bà Phạm Thị Minh Hằng, sau đó bị các nhà chức trách đe doạ và quấy nhiễu. Công nhân nữ bị đe dọa nếu họ nói chuyện với người ngoài công ty về điều kiện làm việc.
Ngài Tổng thống,
Chúng tôi không phủ nhận tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Nhưng mối quan hệ này không đòi hỏi phải có sự hy sinh của các nguyên tắc của Pháp, một nước đầu tiên đề cập đến nhân quyền, cũng như phúc lợi của người dân Việt Nam. Ngài không thể tiếp một nhà độc tài như ông Nguyễn Phú Trọng mà không sử dụng toàn bộ thẩm quyền của ngài để nhấn mạnh rằng Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc tôn trọng và bảo đảm nhân quyền.
Điều cần thiết là Pháp phải thúc giục Việt Nam ngay lập tức và vô điều kiện phóng thích tất cả tù nhân lương tâm, chấm dứt quấy rối, đánh đập và mọi hình thức hăm dọa khác đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà bảo vệ nhân quyền và chấm dứt cuộc bức hại tôn giáo. Việt Nam cũng nên tiến hành các bước để xoá bỏ các điều khoản chống nhân quyền. Giữ im lặng về những vấn đề quan trọng này sẽ gây thất vọng sâu sắc đối với xã hội dân sự ở Việt Nam.
Ký tên
Dimitris Christopoulos – Chủ tịch FIDH
Võ Văn Ái – Chủ tịch VCHR
Malik Salemkour – Chủ tịch LDH
Ảnh: VTV
TB: Cho đến hôm nay 27/2/2018, mở các trang báo Pháp ra vẫn không một dòng nào, một tấm ảnh nào của cuộc viếng thăm này cả?! Các nhân vật được nhắc tới nhiều vẫn là Trung Úy hiến binh Arnaud Beltram, anh hùng đã hy sinh trong vụ giải cứu con tin vửa qua, hoặc vụ Đức đã bắt giữ lãnh tụ đòi độc lập cho xứ Catalan, thậm chí cả cô đào nổi tiếng phim khiêu dâm Stormy Daniels lo vì lộ tin có “quan hệ” với đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chuyến viếng thăm Pháp: “Có thế nào người ta mới mời” và đón tiếp như thế chứ!