Chuyện Trò Với Giáo Sư Vũ Tường về Cuộc hội thảo, có tên là “Nation-Building in War: The Experience of Republican Vietnam, 1955-1975,”
October 8, 2016
Trùng Dương: Chuyện trò với Giáo sư Vũ Tường về cuộc hội thảo ‘Kinh nghiệm kiến quốc trong thời chiến của Việt Nam Cộng hoà, 1955-1975’ tại UC Berkeley
Thứ Sáu, ngày 07 tháng 10 năm 2016
Lời giới thiệu: Cuối tháng 4 vừa qua một Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War Summit) đã được tổ chức tại Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas, kéo dài ba ngày, từ 26 đến 28. Vì là “thượng đỉnh” nên chương trình nghị hội gồm 10 chủ đề, hơn 60 diễn giả, với ba cuộc triển lãm, bên cạnh phần trưng bầy Bức Tường Hoà Giải (The Wall That Heals), phó bản thu nhỏ của bức The Vietnam Veterans Memorial tại Washington, D.C., và phần giới thiệu bẩy cuốn sách. Theo ký giả Triều Giang, chủ tịch Hội Bảo tồn Lịch sử và Văn hoá Người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Heritage Assoiation) trụ sở đặt tại Austin, và là người đã tham dự suốt ba ngày hội, ngoài số diễn giả đông đảo, người tham dự phải có vé mới được phép vào nghe, mà vé thì đã mau chóng bán hết. Nhiều người tại Austin, nơi chương trình “thượng đỉnh” diễn ra, được mời đã từ chối vì cho là nghị hội có khuynh hướng khuynh tả, một dịp cho phe phản chiến bộc bạch tâm tình hơn là chủ ý đi tìm sự thật. Điểm qua danh sách tham dự viên và các đề tài thảo luận tại Web site của hội nghị, như thường lệ là sự vắng mặt của đại diện của đồng minh của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà; và dưới chủ đề After the War, không thấy đề cập tới hàng triệu người Việt miền Nam nạn nhân của cuộc chiến, như thể họ không hề hiện hữu và can dự. Hy vọng “dọi một tia sáng có thẩm quyền vào cuộc chiến, [và] những bài học và di sản của nó,” do đấy, đã chỉ là một mục tiêu thiếu sót, bất quân bình.
Không khua chiêng gõ trống kiểu “thượng đỉnh” là việc chuẩn bị song song cho một chương trình hội thảo của một số giáo sư đại học Hoa Kỳ và Canada, trong đó có một số giáo sư trẻ gốc Việt. Cuộc hội thảo, có tên là “Nation-Building in War: The Experience of Republican Vietnam, 1955-1975,” cũng trong bối cảnh cuộc chiến tại Miền Nam, nhưng đặt trọng tâm vào các khía cạnh tích cực đã từng bị giới truyền thông và học giả Mỹ bỏ quên hay bỏ qua, điển hình là qua nội dung của Hội nghịThượng đỉnh ở Austin.
“Các cuộc nghiên cứu về đề tài [cuộc nội chiến giữa Bắc và Nam Việt Nam và Cuộc Chiến tranh Lạnh giữa các siêu cường] phần lớn tập trung vào bối cảnh rộng hơn vềquân sự trong khi bỏ qua công trình xây dựng quốc gia thực hiện bởi người Việt Miền Nam,” theo bản thông báo phổ biến gần đây của ban tổ chức. “Thực tế, khá nhiều sựviệc đã diễn ra trong phạm vi chính trị, xã hội, văn hoá, và kinh tế hơn là quân sự. Một thiên kiến nữa của các công trình nghiên cứu này là nỗi ám ảnh bởi sự can thiệp từ bên ngoài và do đấy là sự lơ là đối với phiá Việt [Miền] Nam. Trong khi Hoa Kỳ giữmột vai trò then chốt trong khả năng đứng vững của Miền Nam như một thực thể độc lập, những nỗ lực của Nam Việt Nam đã không được đánh giá đúng mức.”
Internet image
Cuộc hội thảo nhằm rút tỉa những bài học tích cực về công trình kiến quốc trong thời chiến này sẽ diễn ra vào hai ngày 17 và 18 tháng 10 tới tại trường University of California ở Berkeley, nơi mệnh danh là “cái nôi” của phong trào phản chiến đối với cuộc chiến đang diễn ra tại Việt Nam vào thập niên 1960.
Nhằm tìm hiểu thêm, người viết tiếp xúc với Giáo sư Vũ Tường, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Á châu thuộc Phân khoa Chính trị học tại Đại học Oregon, Eugene, và là một trong những người đứng ra tổ chức chương trình hội thảo. Sau đây là buổi chuyện trò với Giáo Sư Tường. Mời độc giả theo giõi. – TD
Chuyện trò với Giáo sư Vũ Tường
Trùng Dương: Xin chào Giáo sư Vũ Tường. Trước hết, xin giáo sư vui lòng cho biết qua về thân thế? Sinh ra và lớn lên tại đâu? Học tiểu học và trung học tại đâu? Giáo sư sang định cư tại Hoa Kỳ năm nào, theo diện gì? Theo học đại học nào, ngành gì? Tại sao chọn ngành học đó? Hiện giữ chức vụ gì?
Giáo sư Vũ Tường: Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn và sang Mỹ năm 1990 theo chương trình “HO” (Ba tôi ở tù “cải tạo” gần tám năm). Học “Đại học Tổng Hợp” ở Sài Gòn khoa Anh trước khi sang Mỹ. Sau đó học thêm ngành chính trị học ở Đại học Minnesota, cao học ở Đại học Princeton, và tiến sĩ cùng ngành ở Đại học California, Berkeley. Tôi chọn ngành chính trị học vì thấy đây là một lãnh vực cực kỳ lý thú và ở Việt Nam chưa từng nghe đến. Hiện tôi là giáo sư khoa Chính trị học và giám đốc chương trình Á châu học của Đại học Oregon (University of Oregon).
Giáo Sư Vũ Tường tại buổi hội thảo chuyên đề “Asia’s Changing Security Environment and the Dilemmas for Vietnam and Southeast Asia,” tổ chức tại Ritsumeikan Center for Asia Pacific Studies, Asia Pacific University, Japan, June 2016. (Ảnh APU)
TD: Động lực nào đã khiến giáo sư và các bạn đồng nghiệp đứng ra tổ chức cuộc hội thảo này, và lại tại chính nơi vào thập niên 1960 đã được mệnh danh là “cái nôi” của phong trào phản chiến Mỹ – đây là một sự cố ý hay tình cờ?
GS.VT: Tôi nghiên cứu về chính trị và chiến tranh Việt Nam và đang in một công trình nghiên cứu tựa đề “Cách mạng Cộng sản ở Việt nam: Quyền năng và giới hạn của ý thức hệ” (Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology). Trong quá trình nghiên cứu đó, tôi cảm nhận giới học giả thế giới hiểu rất ít và thiên lệch vềViệt Nam Cộng Hòa. Họ có xu hướng nhấn mạnh tính lệ thuộc ngoại bang và những vấn đề khó khăn của nó như tham nhũng và không dân chủ. Những điều này không sai, nhưng sẽ rất thô thiển nếu chỉ biết những điều này. Không khó để chỉ ra lý do của xu hướng trên: tư tưởng bài Mỹ và chống đế quốc của nhiều học giả khuynh tả, phong trào phản chiến ủng hộ Hà Nội rất thịnh hành ở các trường đại học phương Tây trong chiến tranh Việt Nam, tâm lý xu phụ kẻ thắng trận và dè bỉu người thua trận của đám đông, sự tự do và cởi mở của xã hội miền Nam (do bị áp lực của đồng minh hay do bản chất chế độ) cho phép các yếu kém được phơi bày khá trần trụi (so với bức màn sắt ở miền Bắc), v.v… Những lý do trên làm cho một thời kỳ lịch sử của Việt Nam bị che giấu trong khi nó có thể có nhiều bài học có giá trị cho người Việt vào lúc này, khi họ muốn từ bỏ chế độ cộng sản.
Trong môi trường tự do học thuật,ở đâu có những hạn chế về tri thức, ở đó có những nỗ lực tìm tòi khám phá để đẩy rộng biên giới của sự hiểu biết. Trong nhiều thập kỷ, việc nghiên cứu về VNCH bị giới hạn vì chính trị và những khó khăn khác. Ngày nay điều kiện đã cởi mở hơn, cho phép các học giả trẻ không vướng mắc định kiến và do đấy có những khám phá mới. Ở Mỹ, giáo sư Keith Taylor của Đại học Cornell đã tổ chức thành công một Hội thảo về VNCH năm 2012. Mặc dù tôi chỉ đóng vai trò người tham dự, Hội thảo Cornell đã giúp tôi tạo lập mối quan hệ với một số nhân vật lãnh đạo của VNCH và khuyến khích tôi tổ chức một cuộc gặp mặt tương tự.
Lý do tại sao tổ chức ở Berkeley: Mặc dù Berkeley nổi tiếng là trung tâm phản chiến thời chiến tranh Việt Nam, trường Đại học Berkeley đã thay đổi nhiều. Các thế hệ thứ hai trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt có mặt ở đây rất đông. Giáo sư Peter Zinoman1ở Berkeley là một sử gia hàng đầu về Việt Nam; ông là người đã đóng vai trò rất lớn trong thập niên vừa qua trong việc đào tạo và hướng dẫn những sinh viên tiến sĩ nghiên cứu về Việt Nam. Giáo sư Zinoman lớn lên sau chiến tranh như tôi, và ông ta không bị các định kiến của giới học giả phản chiến chi phối. Ông là một trong những giáo sư tôi gặp đầu tiên ở Berkeley, và tôi đã lấy lớp của ông cũng như được ông huấn luyện cách nghiên cứu của sử học (chuyên môn của tôi là khoa học chính trị, không phải sử). Việc tổ chức Hội thảo này chỉ là một phần nhỏ trong những quan hệ hợp tác giữa hai chúng tôi. Những lý do khác là Berkeley có khả năng đóng góp về tài chính, Hội thảo có ích cho những sinh viên của giáo sư Zinoman nghiên cứu về VNCH, và địa điểm ở California đơn giản và ít tốn kém cho việc đi lại của đa số diễn giả của VNCH.
Internet image
TD: Về Hội thảo tại Berkeley tới đây, xin giáo sư cho biết mục đích, nội dung và dựkiến về những thành quả hy vọng đạt được qua hai ngày hội thảo là những gì? Giáo sư có gặp những trở ngại gì trong việc phối hợp tổ chức?
GS.VT: Hội thảo nhằm mục đích tìm hiểu thêm về kinh nghiệm xây dựng quốc gia dưới thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, cả những ưu điểm và những yếu kém, thành công hay thất bại. Tôi tin rằng Hội thảo sẽ giúp mở rộng hiểu biết về VNCH mà hiện nay còn rất hạn hẹp và thiên lệch như tôi đã nói ở trên. Hội thảo cũng có thể gợi ra vài bài học bổ ích cho việc xây dựng một thể chế dân chủ, kinh tế tư nhân phát triển, và xã hội tự do ở Việt Nam vào thời điểm này và trong tương lai. Đường hướng phát triển này đã hiện hữu trong cơ cấu chính trị, kinh tế, và xã hội của VNCH, nhưng bị khuynh đảo bởi cuộc chiến tàn bạo và bị chôn vùi trong bốn thập niên qua sau khi đất nước thống nhất bởi những người cộng sản. Mục đích của Hội thảo trước nhất là vì học thuật. Chúng tôi không có mục đích chính trị, không phục vụ ý đồ của bất kỳ phe nhóm chính trị nào trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, càng không nhằm phê phán, tôn vinh, hay khôi phục chế độ VNCH.
Hội thảo gồm bẩy nhóm bài viết: năm nhóm bài viết của các nhân vật lịch sử thời VNCH và hai nhóm bài viết của các học giả nghiên cứu về giai đoạn đó. Trong số các nhân vật lịch sử, có các bộ trưởng, chính khách đối lập, sĩ quan cao cấp, văn nghệ sĩ, và các nhà giáo dục. Các vị này sẽ trình bày dựa trên kinh nghiệm bản thân và công tác của họ về chính sách của chính quyền, các hoạt động và phong trào chính trị, quân sự, văn hóa, nghệ thuật, và giáo dục. Những bài viết của học giả dựa trên nghiên cứu những tài liệu lưu trữ và phỏng vấn.
Trong khi tổ chức Hội thảo, chúng tôi được sự ủng hộ nhiệt tình của Giáo sư Zinoman và Tiến sĩ Sarah Maxim (bà là Phó Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á của Berkeley), và sự tin cậy cũng như ủng hộ của rất nhiều nhân vật lịch sử của VNCH. Nếu không có sự nhiệt tình giúp đỡ, giới thiệu, vận động, và đóng góp kiến thức, thời gian, và tài chính của các ông Nguyễn Đức Cường, Hoàng Đức Nhã, Trần Văn Minh, Phan Công Tâm, Trần Văn Sơn (đã quá vãng năm ngoái) và những cộng sự của họ, Hội thảo sẽ không thể ra đời.
Trở ngại chính là số nhân vật lịch sử thời VNCH không còn nhiều, phần lớn sức khỏe yếu do tuổi tác cao và tù đày nhiều năm dưới chế độ cộng sản, nhiều người e ngại nói trước công chúng nhất là bằng tiếng Anh, và cũng có vài vị nghi ngờ thiện chí của chúng tôi. Hai tháng trước ngày Hội thảo, hai nhân vật lịch sử đã nhận lời tham gia nhưng, tiếc thay, đột ngột quá vãng do tuổi cao và bệnh tật. Đó là Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ trưởng Giáo dục, và ông Võ Long Triều, cựu Bộ trưởng Thanh Niên và chủ nhiệm báo Đại Dân Tộc, cũng là chính khách đối lập.
TD: Được biết thành phần diễn giả gồm hai loại, một là các học giả/giáo sư đại học, họ gồm những ai và các đề tài tham khảo là gì?
GS.VT: Các học giả bao gồm ba người là giáo sư Đại học, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, và bốn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Phần lớn họ đến từ các trường đại học lớn của Mỹ (Berkeley, Cornell, Dartmouth, Columbia). Có một người đến từ Canada. Có hai người gốc Việt. Đề tài của họ bao gồm chính trị, kinh tế và xã hội dân sự dưới thời VNCH. Ngoài diễn giả ra, có ba người trong Ban Tổ chức cũng là gốc Việt.
Đặc biệt trong ngày thứ hai của Hội thảo vào giờ ăn trưa có buổi ra mắt sách mới của Giáo sư Nathalie Huỳnh Châu Nguyễn từ Đại học Monash của Úc đến. Giáo Sư Nguyễn là người Úc gốc Việt và tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu về cộng đồng người Việt hải ngoại. Tác phẩm mới nhất của bà sẽ được giới thiệu tại Hội thảo là “Quân nhân miền Nam Việt nam: Ký ức về chiến tranh Việt Nam và thời hậu chiến” (South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnam War and After).
TD: Được biết nhóm diễn giả thứ hai gồm những vị đã từng sinh hoạt, do đấy đã đóng vai trò nhân chứng, trong các cơ quan chính quyền Việt Nam Cộng Hoà thuộc các ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp, và quân đội, và trong các ngành nghề liên quan đến kinh tế, giáo dục, văn hoá, và văn học, kể cả truyền thông, và nghệ thuật. Xin giáo sư cho biết thành phần thuyết trình viên này gồm những ai, và đề tài thuyết trình của họ là những gì?
GS.VT: Các thuyết trình viên của nhóm sau này gồm các diễn giả, nói về các đề tài chính trị, quân sự, kinh tế, kể cả nông nghiệp, thì có: Luật sư Lâm Lễ Trinh, cựu Bộtrưởng Nội vụ thời Đệ nhất Cộng Hòa, sẽ nói qua hệ thống Skype, về “Tổng thống Ngô Đình Diệm và Đệ nhất Cộng Hoà (1954-1963); Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Bộtrưởng Bộ Dân vận và Chiêu hồi, về “Nỗ lực hướng tới một nền hoà bình vững bền để tiếp tục kiến quốc: Thỏa hiệp Hoà bình tại Việt Nam và Hậu quả”; Giáo sư Vũ Quốc Thúc bàn về “Sự Ra đời của Hệ thống Ngân hàng Trung Ương,” cũng qua Skype, từ Pháp; Luật sư Cao Văn Thân, cựu Bộ trưởng Bộ Cải cách và Phát triển Nông nghiệp thời Đệ nhị Cộng Hoà, thuyết trình về “Cải cách Ruộng đất, Phát triển Nông thôn và Nông Nghiệp”; Ông Phạm Kim Ngọc, cựu Bộ trưởng kinh tế thời Đệ nhịCộng Hoà, bàn về “Cải cách hoặc Tan rã”; và Ông Nguyễn Đức Cường, cựu Bộtrưởng Thương mại và Kỹ nghệ, nói về “Nền móng của Tự lực và Phát triển.” Về quân sự, có cựu Đại tá Trần Minh Công, chỉ huy trưởng Học Viện Cảnh sát Quốc gia nói về những thách thức đối với ngành Cảnh sát dưới một chế độ có định hướng dân chủ và trong thời chiến; và cựu Trung tá Bùi Quyền, Lữ Đoàn phó Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, trình bày cách nhìn của ông đối với cuộc chiến với tư cách một sĩ quan vào sinh ra tử ngoài mặt trận.
Riêng về các đề tài văn hoá, giáo dục, và văn học nghệ thuật thì có nữ Tiến sĩ Võ Kim Sơn, nguyên giảng sư Đại học Sư Phạm Saigòn, nói về “Việc điều hành hệ thống giáo dục công lập tại Nam Việt Nam”; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước, nguyên Viện trưởng Phân khoa Đào tạo Giáo viên Tiểu học tại Saigon, đóng góp về đề tài “Triết lý Giáo dục và Phát triển Hệ thống Trường Kiểu mẫu của Việt Nam Cộng Hoà”; Nhà báo Phạm Trần, với trên 50 năm kinh nghiệm trong báo giới từ cả trước và sau 1975, nói về đề tài “Sống và làm việc trong vai trò ký giả dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà”; Nhà báo Vũ Thanh Thủy, cựu phóng viên chiến trường trước 1975 và hiện là giám đốc Đài Phát thanh Saigon Houston, nói về “Chiến tranh Việt Nam qua cái Nhìn của các Phóng viên Chiến trường người Việt”; Ông Huỳnh Văn Lang, giám đốc Viện Hối Đoái và bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc Đảng Cần Lao Nhân Vị thời Đệ nhất Cộng Hoà, sáng lập viên Hội Văn hoá Bình dân và tạp chí Bách Khoa, và là một nhà kinh doanh thành công thời Đệ nhị Cộng Hoà, qua Skype, nói về “Xã hội của Những Kẻ Tự nguyện Lưu vong Muôn thuở”; Nhà văn Nhã Ca, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết và đặc biệt cuốn hồi ký lịch sử “Giải Khăn Sô Cho Huế,” mà ấn bản Anh ngữ do Bà Olga Dror dịch được phát hành cách đây hai năm, kể về kinh nghiệm viết văn tại Miền Nam; và cuối cùng, nữ diễn viên Kiều Chinh trình bầy về “Nghệ thuật Điện ảnh Việt Nam Cộng Hoà, 1954-1975.”
TD: Được biết trong nhóm thuyết trình viên thứ hai vừa kể trên có ông Võ Long Triều vừa mới ra đi. Xin thành thật chia buồn cùng gia quyến của ông Triều và với riêng ban tổ chức hội thảo về sự ra đi bất ngờ này. Xin giáo sư cho biết qua về thân thế và đề tài mà ông Triều sẽ thuyết trình và ban tổ chức có định cho người trình bầy đại ý nội dung phần nói chuyện này của người quá cố?
GS.VT: Ông Võ Long Triều là người Bến Tre du học ở Pháp trong thập niên 1950 và tốt nghiệp ngành kỹ sư canh nông tại Đại học Paris-Grignon. Sau khi về nước, ông Triều làm việc ở Bộ Cải tiến Nông thôn và dạy học ở trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn. Ông nhận chức Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao trong Nội các chiến tranh của tướng Nguyễn Cao Kỳ năm 1966, nhưng từ chức một năm sau để phản đối việc lạm quyền của tướng Cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan. Ông bị động viên nhập ngũ sau đó và tốt nghiệp trường Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức. Mặc dù chịu nhiều cản trở từ phía chính quyền, ông được bầu làm Dân biểu Quốc Hội của tỉnh Bến Tre khóa 1971-1975. Ông sáng lập, điều hành, và phụ trách mục bình luận trên nhật báo Đại Dân Tộc để tranh đấu cho lập trường chính trị của ông. Ông đi tù 11 năm dưới chế độ cộng sản, sau đó đi định cư ở Pháp và Mỹ. Ông tiếp tục hoạt động mạnh trên lãnh vực truyền thông ở hải ngoại trước khi qua đời vào tháng trước do bệnh tật.
Ban Tổ chức Hội thảo yêu cầu ông Triều trình bày về hai vấn đề. Một là phân tích đánh giá nền dân chủ đa nguyên của Đệ nhị Cộng Hòa qua kinh nghiệm dân biểu đối lập và chủ báo Đại Dân Tộc — cụ thể là những tiến bộ và hạn chế, cũng như lý do của hạn chế; vai trò và tổ chức của đối lập chính trị thời Đệ nhị Cộng Hòa; và bài học để xây dựng Việt Nam dân chủ trong tương lai. Hai là phân tích, đánh giá khả năng và hạn chế của chính quyền VNCH từ thời chuyển tiếp (1963-67) cho đến Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-75) — bao gồm khả năng kiểm soát và cai quản quốc gia về các mặt quân sự, kinh tế, chính trị, lý do thiếu khả năng hay có tham nhũng, lý do của thành tựu và yếu kém. Tiếc là ông Triều không còn nữa, và bài viết của ông hãy còn dở dang không thể đưa ra trình bày.
TD: Thề còn Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cũng vừa qua đời – Xin thành kính phân ưu cùng gia đình GS về mất mát lớn lao này. Xin Giáo sư Tường cho biết về GS Liêm và phần thuyết trình của ông được không ạ?
GS.VT: Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm sinh ở Mỹ Tho, tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục ở Đại học Iowa State University, là cựu hiệu trưởng trường Petrus Ký và thứ trưởng Bộ Văn Hóa, Giáo dục và Thanh Niên dưới thời Đệ nhị Cộng Hòa. Chúng tôi đặt hàng ông viết về sự phát triển và quan điểm chi phối việc tổ chức giáo dục đại học và chuyên nghiệp dưới thời Đệ nhị Cộng Hòa, bao gồm: triết lý giáo dục, tổ chức đào tạo, quản trị đại học, ảnh hưởng của Pháp và Mỹ, những nỗ lực cải cách nếu có, sự phát triển của khu vực tư và khu vực công trong giáo dục và quan hệ giữa hai khu vực, và bài học cho tương lai. Trước khi mất, Giáo sư Liêm giới thiệu Tiến sĩ Võ Kim Sơn và Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước thay ông phụ trách bài viết về lãnh vực giáo dục.
TD: Trong thông báo về cuộc hội thảo này, ban tổ chức có nói là hy vọng thu thập tài liệu và phân tích những nỗ lực của Miền Nam về cả quân sự lẫn những khía cạnh khác của công trình xây dựng đất nước, đồng thời giúp cho giới học giả hiểu biết vềcác kinh nghiệm kiến quốc trong thời chiến, không chỉ ở Việt Nam và với sự trợ giúp từ bên ngoài. Ngoài ra, đáng kể hơn cả là việc ban tổ chức nhấn mạnh là, “Một cách đáng kể là kinh nghiệm thời Cộng Hoà về chính trị, kinh tế xã hội, và một sự phát triển văn hoá sinh động rất phùng thời cho Việt Nam hôm nay khi người dân trong nước đã bác bỏ chủ nghĩa cộng sản nhưng còn đang cố gắng xây dựng một chính quyền dân chủ, một xã hội công bằng, một nền văn hoá sinh động và một nền kinh tếphồn thịnh dựa trên nền tảng tư doanh.” Xin giáo sư khai triển thêm: có phải giáo sư đang nhìn thấy những đổi thay chính trị không thể không xẩy ra ở Việt Nam trong một tương lai gần, đặc biệt trong bối cảnh thảm họa môi trường đang diễn ra từ mấy tháng nay với vụ cá chết, biển độc, dân chài mất nguồn sinh sống, và dân chúng biểu tình khắp nơi, đặc biệt tại Miền Trung là nơi chịu nạn nặng hơn cả?
GS.VT: Ở Việt nam hiện nay, tôi cho rằng thay đổi chính trị theo chiều hướng dân chủ hóa là không thể tránh khỏi. Giới trí thức và rất đông dân chúng ủng hộ việc này, và càng ngày phong trào càng mạnh. Vấn đề là khi nào sẽ chuyển hóa (trong vòng năm năm hay lâu hơn), và theo kiểu nào (ít hay nhiều bạo lực, thay đổi tạo động lực chuyển biến nhanh hay phải qua nhiều trắc trở). Câu trả lời dĩ nhiên tùy thuộc vào người trong cuộc và một phần vào tình hình quốc tế.
TD: Cũng trong giòng suy nghĩ trên, gần đây có hiện tượng đáng chú ý, đó là việc một số người trẻ trong nước có khuynh hướng vọng tưởng về thời Việt Nam Cộng Hòa với nhiều tiếc nuối. Có người tự xưng là hậu duệ của VNCH. Có người ngang nhiên treo cờ vàng ba gạch đỏ của thời VNCH trước nhà, như trường hợp của cậu Nguyễn Viết Dũng (đã đi tù về tội “phá rối trật tự” khi đi biểu tình chống đốn cây xanhở Hà Nội và bị bắt), hoặc như cô Hồng Thái bất chấp hậu quả công khai lên YouTube bầy tỏ niềm tiếc nuối về một thời Cộng Hoà nhân bản và khai phóng mà thế hệ của cô đã không được hưởng. Trên YouTube ta được thấy một số clip thu hình các em vào Nghĩa trang Biên Hoà thắp nhang nến khấn vái với các anh linh của tử sĩ VNCH. Gần đây tôi được đọc một tài liệu dài trên một trang Web, có lẽ là của một người trong nước, viết về nền giáo dục dưới thời VNCH, với tựa đề mà thú thật tôi đọc không khỏi thấy sót xa: “Nhìn lại nền Giáo dục VNCH: Sự tiếc nuối vô bờ bến.” Thực ra thì nhiều người trẻ sinh sau 1975 và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản đã từ lâu tìm đọc sách vở VNCH và biết tới những công trình văn hoá nghệ thuật của giai đoạn này. Tôi nhớ có một lần trao đổi e-mail với một em trong nước, hỏi tại sao cậu ta lại quan tâm tới văn học của thời Cộng Hoà thì cậu cho trả lời rất ngắn gọn, “Vì ở đó có sự thật.” Xin phép đã nói lan man …
Trở lại đề tài kiến quốc, theo giáo sư công trình cấp thiết nhất trong việc xây dựng đất nước là gì? Giáo sư đã có những suy tư gì có thể chia sẻ được với độc giả?
GS.VT: Một quốc gia tồn tại trong 20 năm với đầy đủ chính quyền và được công nhận bởi hàng chục nước khác dĩ nhiên phải để lại di sản nào đó. Có thể là di sản vật chất, ví dụ như Dinh Độc Lập hay Xa lộ Biên Hòa. Có thể là di sản tinh thần, ví dụ như thơ Bùi Giáng, nhạc Phạm Duy, hay tiểu thuyết Bình Nguyên Lộc. Có những di sản tinh thần khó thấy hơn, ví dụ thái độ yêu tự do, tinh thần trọng tri thức và tranh luận, tâm lý cởi mở với thế giới bên ngoài, thói quen lễ phép của trẻ em, hay tư duy mạo hiểm của nhà sản xuất kinh doanh.
Không phải di sản nào cũng hay và tốt: đâu phải bản nhạc nào của Phạm Duy cũng hay? Cũng không phải mọi di sản tồn tại bất biến với thời gian: những di sản vật chất sẽ bị hủy hoại dần dần, và nhiều di sản tinh thần có thể còn trong ký ức những người lớn tuổi. Nhận diện và đánh giá những di sản của VNCH là việc làm có giá trị: trước mắt là về mặt lịch sử, sau đó là những bài học cụ thể (cả bài học tốt lẫn xấu) trong xây dựng dân chủ (ví dụ Hiến pháp Đệ nhị Cộng Hòa và cơ chế lưỡng viện), trong phát triển kinh tế (ví dụ chính sách phát triển nông thôn), và trong việc tổ chức một xã hội tự do phóng khoáng (ví dụ nền báo chí tư nhân hay các hiệp hội chuyên môn).
Tôi nghiên cứu về chính trị, và dĩ nhiên có xu hướng xem chính trị có vai trò chủ chốt. Theo tôi, việc cấp thiết nhất với Việt Nam hiện nay là cải tổ chính trị sâu sắc và rộng lớn theo hướng dân chủ hóa. Giải quyết được điều này có thể giải phóng được rất lớn trí tuệ và năng lực người Việt Nam. Nếu sợ dân chủ sẽ dẫn đến hỗn loạn, hãy có lộ trình, nhưng không được lấy cớ hỗn loạn để trì hoãn. Bi (hài) kịch là nhiều vị lãnh đạo Việt Nam tự đắc là chính quyền của họ dân chủ nhất thế giới. Nếu thế thì còn gì để nói nữa?
Internet image
TD: Như Giáo sư đã nói qua ở trên thì đây không phải là cuộc hội thảo đầu tiên vềkinh nghiệm kiến quốc của VNCH? Giáo sư và các bạn đồng nghiệp đã từng tổ chức một cuộc hội thảo tương tự nhưng thu hẹp hơn vào khuôn khổ thời Đệ nhị Cộng Hoà từ 1967 tới 1975 tại Đại học Cornell vào năm 2012? Xin giáo sư cho biết về cuộc hội thảo này? Chủ đề là gì? Nội dung gồm những gì? Thành phần tham dự gồm những ai? Thành quả ra sao? Phản ứng của giới học giả về những gì thu thập được từ cuộc hội thảo này thế nào? Ai muốn tìm hiểu và tham khảo các tài liệu đã thu thập được từcuộc hội thảo này thì phải làm gì?
GS.VT: Hội thảo ở Cornell năm 2012 nhằm mục đích tạo cơ hội cho những nhân vật lãnh đạo và giới tinh hoa của VNCH có dịp nói lên quan điểm của họ mà trước nay người Mỹ ít được nghe. Trong Hội thảo đó, có phần trình bày của những vị như cựu Đại sứ Bùi Diễm, cựu Trung tướng Lữ Lan, Thẩm phán Phan Quang Tuệ, ông Trang Sĩ Tấn, ông Trần Văn Sơn, ông Hoàng Đức Nhã, v.v… Hội thảo chỉ chuyên về chính trị và quân sự nên không có sự hiện diện của các nhà giáo dục và văn nghệ sĩ như Hội thảo lần này ở Berkeley. Hội thảo rất thành công với sự có mặt trong cử tọa của nhiều nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam ở miền Đông Hoa Kỳ cũng như các giáo sư và sinh viên của Cornell. Phần lớn các bài trình bày đã được xuất bản trong quyển “Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975)”.
TD: Xin phép tiếp lời Giáo sư Tường để chia sẻ thêm với độc giả, và cũng cám ơn Giáo sư đã có nhã ý gửi cho đọc cuốn sách “Voices” kể trên. Thú thực, đọc qua các bài thuyết trình đã được khai triển thêm và chú thích trong tập sách gần 200 trang này, tôi đã học hỏi thêm nhiều điều và cũng không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: là tại sao suốt thời gian lớn lên tại Miền Nam (tôi chỉ thực sự bước vào tuổi 20 vào giữa thập niên 1960), và mặc dù sinh hoạt trong giới văn học và báo chí mà tôi thực tình không biết một cách sâu xa những gì đề cập tới trong tập sách tuy mỏng mà đầy ắp thông tin đó. Những bài viết về từ công trình xây dựng và củng cố (sau một thời gian bịgián đọan vì khủng hoảng chính trị từ sau khi chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị xụp đổ, từ 1963 tới 1967) các cơ chế chính trị, đảng phái, kinh tế, các chương trình quân sự bình định và phát triển nông thôn, đặc biệt chương trình Người Cầy Có Ruộng phải nói là tương đối thành công dưới thời Đệ nhị Cộng Hoà, trong bối cảnh cuộc chiến ngày một gia tăng, khốc liệt, cùng với sự thâm nhập đánh phá, kể cảkhủng bố, hàng ngũ quốc gia của cán bộ cộng sản. Một trong những bài tôi đặc biệt thích thú, và cũng sót xa nữa, là bài “Từ việc trực diện các nhóm phản chiến tới công cuộc kiến quốc” của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, kể lại những đối phó của VNCH với bên ngoài, đặc biệt là trong bầu không khí vô cùng tiêu cực do ảnh hưởng của phong trào phản chiến từ Mỹ đối với cuộc chiến tại Việt Nam đã làm mờ nhạt chính nghĩa tranh đấu bảo vệ nền tự do và dân chủ còn rất non yếu của VNCH. Tôi cũng cảm nhận được sự chân thực, không khoe khoang, tô hồng qua những lời trần tình của các tác giả trong “Voices” khi kể lại kinh nghiệm kiến quốc của họ. Và tôi hy vọng độc giả tiếng Việt sẽ có dịp đọc bản dịch Việt ngữ của cuốn sách tài liệu này trong một tương lai không xa.2
Xin thành thật cám ơn GS Tường đã bỏ thì giờ chia sẻ qua buổi nói chuyện hôm nay. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này gửi lời cám ơn nhà văn Bùi Văn Phú là người đã giới thiệu chúng ta với nhau và do đấy cho tôi dịp biết đến những công trình giáo sư và các bạn đồng nghiệp đang theo đuổi, để chia sẻ với độc giả Việt hôm nay. Xin chúc cuộc hội thảo tới tại Đại học Berkeley thành công tốt đẹp.
Cuộc hội thảo tại Đại học Cornell: Trên, trái, bích chương của cuộc Hội thảo “Voices from the South – New Testimonies From the Last Leaders of South Vietnam” tại Đại học Cornell, tháng 6, 2012. Phải, các tham dự viên của cuộc hội thảo hai ngày, gồm khoảng 40 người, chia thành bốn nhóm thảo luận, với thành quả là sự phát hiện nhiều thông tin chi tiết chưa từng được biết tới về các sinh hoạt chính trị, xã hội, văn hoá, kinh tế và quân sự của thời Đệ nhị Cộng Hoà (1967-1975). (Ảnhhttp://iao.hypotheses.org/595?lang=es_ES)
[TD, 2016/10]
Ghi chú:
1 Giáo sư Peter Zinoman, sinh năm 1965, là đồng dịch giả cuốn tiểu thuyết “Số Đỏ” (Dumb Luck: A Novel by Vu Trong Phung) lừng danh của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939). Ông còn là tác giả hai cuốn biên khảo, “The Colonial Bastille: A History of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940” (UC Press, 2001), và “Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision of Vu Trong Phung” (UC Press, 2013).
2“Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975),” do Giáo sư K.W. Taylor hiệu đính, Cornell Southeast Asia Program Publications ấn hành, 2014, hiện có trênAmazon.com. Độc giả tiếng Việt có thể đọc thông tin bằng tiếng Việt về cuộc hội thảo tại Cornell và bài giới thiệu của GS Taylor, do GS Vũ Tường dịch ra tiếng Việt tại https://tuannyriver.com/2015/07/26/bai-gioi-thieu-sach-ve-de-nhi-vnch/
http://tntmediasandiego.com/dien-dan-the-ky-trung-duong-chuyen-tro-voi-giao-su-vu-tuong