Chuyện lượm được ở đám giỗ ông Võ Văn Kiệt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyện lượm được ở đám giỗ ông Võ Văn Kiệt

Ông Võ Văn Kiệt. Nguồn: internet

 

Posted by adminbasam on 14/06/2016

14-6-2016

Sáng gã cùng gs Tương Lai, nhà thơ Nguyễn Duy, tiến sĩ Trương Đình Hiển ra Nghĩa trang Thành phố. 8 năm rồi thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đi.

Hàng đầu là những ngôi mộ của những lãnh đạo cao cấp của đảng và quốc gia như Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Võ Trần Chí… Trên bia mộ vị nào cũng đề rất nhiều chức tước đã kinh qua trong đảng, uỷ viên bộ chính trị, bí thư trung ương. Duy trên bia mộ của ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Văn Trà chỉ ghi vỏn vẹn: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Mai Chí Thọ, Thượng tướng Trần Văn Trà. Đặc biệt hơn là trên bia mộ của ông Kiệt bên cạnh tấm hình của ông còn có tấm hình của bà Trần Kim Anh, người vợ đầu yêu thương của ông đã bị chết mất xác vì bom Mỹ trong chiến tranh. Có lẽ đây là tấm bia mộ lãnh đạo quốc gia VN duy nhất có hình vợ chồng song đôi như vậy.

Thắp nhang cho ông Kiệt xong gã thắp thêm cây nhang cho bà Nguyễn Thị Định. Gã thương bà Định thủ lĩnh đội quân tóc dài, cả cuộc đời vá áo cho lính nhưng chưa một lần được vá áo cho cậu con trai duy nhất, và rồi giữa chiến trường sôi việc nước phải nhận tin con trai chết chỉ vì chuyện chả liên quan tới việc nước.

Nguyễn Duy kể cái suất mộ kia của ông Kiệt ông Kiệt tuyên bố nhường cho nhà văn Nguyễn Khải. Chuyện là thế này, khi nhà văn Nguyễn Khải tác giả của “Đi tìm cái tôi đã mất” mất, Nguyễn Duy đại diện Hội Nhà văn VN lên Thành uỷ TP HCM xin một suất đất để nhà văn yên nghỉ tại Nghĩa trang TP. Người ta trả lời đất chật quá rồi, ông nhà văn không đủ tiêu chuẩn chôn ở đây. Chạy vạy các cửa đều không được, Nguyễn Duy bèn nhớ tới ông Kiệt. Ông Kiệt bảo tiêu chuẩn của nhà văn là tác phẩm chứ đâu phải là chức tước hay cách mạng tiền khởi nghĩa. Ông điện cho ông Ba Đua lúc ấy là phó bí thư Thành uỷ yêu cầu lấy suất của ông chôn ở nghĩa trang TP cho nhà văn Nguyễn Khải. Đương nhiên anh Ba Đua kia đâu dám làm như thế. Và thế là nhà văn Nguyễn Khải đỡ phải ra tận nghĩa trang ở Củ Chi xa xôi để chiêm nghiệm “cái tôi” khi mất thật thì tìm lại bằng cách nào?

Phái đoàn của gã tới nhà Hiếu Dân, con gái ông Kiệt để dự đám giỗ sớm thứ nhì. Sớm nhất là đoàn của tỉnh Vĩnh Long quê hương ông Kiệt do ông bí thư và chủ tịch dẫn đầu. Tại bàn thờ của vợ chồng ông Kiệt có vòng hoa của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Trần Đại Quang, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… bên vòng hoa của những người nông dân Nam Bộ.

Gs Tương Lai chọn chỗ ngồi khá thuận lợi cho việc quan sát. Và cái bàn của gs Tương Lai ngồi toàn trí thức thành phần cộm cán được gọi là “thoái hoá tư tưởng” đòi đa nguyên . Gã cứ nói toẹt ra theo ngôn ngữ của những người được phân công thường xuyên bám sát để mắt theo dõi từng chuyển dịch của họ là thành phần… “phản động”. Này nhé Huỳnh Kim Báu chủ nhiệm câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, này nhé Lê Công Giàu, này nhé Huỳnh Tấn Mẫm.

Riêng Nguyễn Duy và gã giản đơn chỉ là “tay chơi văn nghệ” mà bản tính của “tay chơi văn nghệ” là tự kiêu ngạo ta đây cho mình cái quyền đứng ngoài các … phe phái. Nói riêng cho chính xác là Nguyễn Duy và gã chơi với bất cứ ai dù là “phản động” hay vững chắc “lập trường cộng sản” đối chọi nhau bôm bốp, miễn là mình… thích. Trường phái này dân gian gọi là trường phái “tuy là”. Đại loại, đồng chí ấy hay tay ấy tuy là… nhưng mà …tốt.

Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang xuất hiện. Ông được Hiếu Dân dẫn vào ngồi bàn quan khách bên dưới bức ảnh rất lớn của ông Kiệt mà lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đang ngồi uống trà. Ông Sang đang chuyện trò với bí thư, chủ tịch Vĩnh Long thì nhận ra bàn phía ngoài rìa có nhóm trí thức chủ xướng của nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và chủ xướng nhiều kiến nghị thay đổi cho đất nước, ông lập tức đứng dậy rồi đi rất nhanh tới.

Ông lần lượt bắt tay Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Tương Lai, Nguyễn Duy, Trương Đình Hiển và đương nhiên cả gã.( Xin mở ngoặc , gã chỉ là người do ngồi cùng bàn nên là người duy nhất được bắt tay ăn theo thôi).

Nhìn điệu bộ của ông gã tin chắc ông không thể nhớ gã đã từng đối chất với ông về hợp tác hoá nông nghiệp khi ông là bí thư huyện uỷ huyện Bình Chánh. Nhưng nếu gã chỉ cần nói tôi là người đề nghị ông bỏ lá cờ “thành tích hợp tác hoá nông nghiệp hàng đầu” xuống vì đó là một sai lầm ấu trĩ về kinh tế tập thể bao cấp thì thể nào ông sẽ “à” lên một cái và nhớ gã là ai. Ông sẽ nhớ vì lúc đó chính ông đã làm cho gã rất thích thú khi nói “Để tôi bàn với thường vụ huyện uỷ gỡ xuống” mà không hề tỏ ra bực tức gì, để rồi ông nhận được lời tiên đoán của gã rằng “sau này ông sẽ lên to lắm” làm mắt ông lim dim như tủm tỉm cười.

Nhưng rồi sau này gã có nghe được một nguồn tin rằng, sau khi gã vừa biến thì ôngđã mắng một anh cán bộ tuyên huấn huyện: Thằng nào kêu tay nhà báo ăn nói lung tung ấy tới vậy?

Thực ra theo tường thuật của nguồn tin gã chưa trực tiếp kiểm chứng kia là ông còn kèm theo một câu chửi thề nữa. Gã chả trách ông vì thời đó những năm tám mươi của thế kỉ trước, hợp tác hoá nông nghiệp vẫn là một phong trào thi đua yêu nước mà cả nước đang tích cực theo. Nếu ông có chửi gã và cho rằng gã ăn nói lung tung là rất đúng.

Bây giờ sau gần ba mươi năm, ông trước mặt gã và bắt tay gã. Công nhận bàn tay ông ấm và cái bắt tay chặt.

Khi ông bắt tay Nguyễn Duy, ông nhắc đi nhắc lại câu: Tái hồi Kim Trọng nha, Nguyễn Duy!

Ông trở về bàn khách trung tâm rất nhiều quan chức chính phủ và quan chức Sài Gòn đã có mặt. Ngồi chuyện trò với các quan chức trên một lúc, gã thấy ông nhòm đồng hồ rồi đứng dậy. Và trong chiếc sơ mi màu mỡ gà ông lại đi rất nhanh đến bàn rìa này. Ông đứng sau lưng Lê Công Giàu, nắm chặt tay Lê Công Gìau rồi nói giọng trầm hẳn chân thành chứ không hề mang tính hài hước.

– Tên là Giàu mà lại nghèo.

Ông có ý chia sẻ tới với nhà cách mạng từng bị tù Côn Đảo này sống trong sạch nên nghèo. Ông cũng biết trong đám giỗ của ông Võ Văn Kiệt có rất nhiều ánh mắt với những quan điểm, tư tưởng khác nhau thậm chí đối chọi nhau – bảo thủ, hà khắc nguyên tắc, lập trường cứng ngắc, hay tiến bộ, thông thoáng… đang dòm ngó từng cử chỉ của người mới mấy tháng trước đây là nguyên thủ quốc gia để xem ông có thái độ thế nào với đám nổi tiếng… chống đối. Ông đưa thêm một bàn tay nữa ấp lên bàn tay gầy guộc, xanh xao của Lê Công Giàu. Gã thấy ông rơm rớm nước mắt.

Gã độp hỏi ông:

– Vậy tên anh là Sang anh có sang không?

Ông hơi sững lại trước câu hỏi bất ngờ đầy hàm ý của gã rồi đáp:

– Cũng chả sang gì…

Ông nở nụ cười chả rõ thật hay … diễn.

– Tôi xin phép có việc phải về trước. Và không quên nói với Nguyễn Duy một lần nữa: Nhớ tái hồi Kim Trọng nha!

Không biết khi ra xe ông có lẩm bẩm chửi gã – thằng cha hỏi móc lò dễ ghét, không?

***

Gã hỏi Nguyễn Duy “Tái hồi Kim Trọng” là thế nào? Nguyễn Duy bảo: Trước đây cứ tết là ông Tư Sang đều mời nhiều trí thức văn nghệ sĩ trong đó có tôi, tới ăn tết với ông. Nhưng ba năm nay tôi không thấy hứng nên tôi không tới… Ông nghĩ chắc tôi có điều gì không hài lòng về ông.

Từ phía ngoài gã thấy một người đàn ông cao lớn mặc áo sơ mi xanh da trời xuất hiện. Bây giờ thì gã đã hiểu lí do vì sao ông Tư Sang muốn về sớm rồi.

Người đàn ông cao lớn kia chân khập khiễng rất khác với hình ảnh của ông trên các thảm đỏ nhiều quốc gia với bước đi bành bạnh ngang tàng.

Ông là ai?

Ngày mai gã sẽ kể.

 

Chuyện lượm được ở đám giỗ ông Võ Văn Kiệt (phần 2)

 

Posted by adminbasam on 17/06/2016

 

Tiếp theo phần 1: Chuyện lượm được ở đám giỗ ông Võ Văn Kiệt

Chắc chẳng khó gì với bạn đọc của gã để đoán ra người cao lớn có bước chân khập khiễng kia là ông Ba Dũng – dngười quyền lực của quốc gia một thời.

Nhìn bước khập khiễng của ông vì còn mang trong chân nhiều mảnh đạn thời chiến, trở về với đời thường không phải tiêm thuốc giảm đau như bấy lâu nay mỗi khi xuất hiện trước công chúng hay trước các chính khách thế giới để chứng tỏ oai phong, lẫm liệt của mình, gã thấy… động lòng.

Điều gì đã tạo nên cái bi hài của bước chân khập khiễng rất thật và bước chân bành bạch ngang tàng kia?

Thuốc giảm đau ư?

Thời thế đã đổi thay ư?

Sự thật và dối trá ư?

Tuỳ mỗi người theo góc độ mà mình biết thông tin thật giả tới đâu mà chủ quan cảm nhận thôi, gã không thể đưa ra nhận định của gã khi chính mắt mình chứng kiến khuôn mặt phần nào mệt mỏi và bước chân khập khiễng của ông lúc này.

Hiếu Dân dẫn ông Ba Dũng vào gian thờ ông Võ Văn Kiệt để ông Ba Dũng thắp nhang như dẫn ông Tư Sang cách đây không lâu. Chả biết khi ông Ba Dũng thắp nhang cho ân nhân của mình, người mà có không ít lần ông nói là ông coi như cha của mình cạnh kề nén nhang mà ông Tư Sang thắp trước đó làn khói vương lên có quyện, có xoắn với làn khói của cây nhang do ông Tư Sang thắp không?

Gã cứ lẩn thẩn với ý nghĩ liệu có là bi kịch cho ông Kiệt ở chỗ, cả hai ông Ba và Tư đều từ một ông thầy và chính ông thầy ấy sau này ba người mỗi người một ngả.

Khi thắp nhang xong trở lại nơi có tiệc đám giỗ, ông Ba Dũng bắt tay nhiều quan khách. Chắc ông cũng thừa biết lúc này qua cử chỉ, cái cười gượng mà ra… gạo hoặc ra cám, sự hồ hởi hay sự lơi lơi, ai thật tình, ai giả dối với ông. Điều này thì ông khó mà biết được khi mới đây thôi, ông còn ở trên đỉnh chót vót quyền lực.

Ông Ba ngồi vào cái ghế mà ông Tư vừa bỏ đi. Và rồi cũng như ông Tư khi ngước lên phát hiện ra cái bàn bên rìa với gs Tương Lai cùng những trí thức thời nào cũng bị cho là… đối lập như Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, ông bèn đứng dậy và bước những bước chân mạnh mẽ hơn khi xuất hiện ban đầu khập khiễng, đến bên cái bàn-ốc đảo ấy.

Ông khẽ cười rồi lần lượt bắt những bàn tay còn quẩn quanh vương vít mùi da thịt bàn tay của ông Tư Sang.

Chỉ khác, khi bắt tay Lê Công Giàu ông không nói như ông Tư: Tên là Giàu mà nghèo. Có thể trong ông từ lúc nào không biết nữa cái câu nói đó đã thành dĩ vãng rồi chăng?

Ồi, hên cho ông vì đã không nói câu nói như ông Tư Sang nên khỏi phải nhận cái câu hỏi “toé loe con bò kéo xe” của gã là, anh Ba ơi vậy tên anh là Dũng nhưng có “dũng” không? Như gã từng hỏi “anh Tư ơi tên anh là Sang nhưng có “sang” không?”.

Ừ nhỉ, nếu xảy ra tình huống ấy thì sao? Gã tin với cá tính thẳng toẹt của ông thể nào ông cũng cười hà hà và hỏi ngược như một câu trả lời: Mắc mớ gì mà không dũng?

Chỉ khác nữa là khi ông bắt tay gs Tương Lai thì ông gs vươn người đứng dậy chứ không ngồi yên một chỗ như khi bắt tay ông Tư Sang. Theo gs Tương Lai thì đó là gs muốn tỏ rõ một thái độ. Gã tôn trọng chuyện thích hay không thích của bất cứ ai.

Còn một điều không khác ông Tư Sang là khi bắt tay gã nhìn cử chỉ của ông, ông không thể nhớ gã là ai. Nếu gã nhắc lại khi ông là chủ tịch Kiên Giang kiêm trưởng ban chống buôn lậu, gã tới gặp ông phản ánh tại cảng Hòn Chông gã phát hiện buôn lậu ô tô từ Singapore, thì may ra ông sẽ nhớ tới gã, vì lúc ấy ông đã rất “dũng” mà nói rằng: Ở tỉnh tôi lúc này không buôn lậu thì lấy cái gì mà sống.

Thôi chuyện qua lâu lắm rồi.

A, còn một điều không khác ông Tư nữa là tay ông Ba khi bắt cũng rất chặt và ấm. Sự thật như thế thì gã phải nói như thế còn ai tự cảm thấy đó là sự trớ trêu nào đó về thời cuộc thì đó là việc của họ.

Sau màn chào hỏi khá thân tình ấy ông Ba trở về bàn chính giữa dành cho mình mà ngồi bên cạnh ông là ông Lê Hồng Anh với bộ lông mày rậm rịt rất riêng mà trong bộ chính trị bộ lông mày của ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không sánh bằng.

Lúc này xuất hiện luật sư Trương Trọng Nghĩa và vợ là nhà báo Thế Thanh cùng giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM Phan Thanh Bình. Ông Nghĩa, người luôn hăng hái có ý kiến phản biện quyết liệt và hừng hực đem tiếng nói bức xúc của người dân trên diễn đàn QH vừa tái trúng cử QH. Ông dướn tròn cặp mắt kể gã nghe, hôm gặp cử tri để vận động bầu cử, ông bất ngờ khi có cử tri hỏi ông vì sao lại để vợ mình đi biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Ông đã trả lời: Tôi là ĐBQH tôi phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân. Vợ tôi cũng là một người dân.

Ông Phan Thanh Bình có khuôn mặt còn tươi rói, trẻ trung nhưng tóc thì bạc phơ. Ông thuộc trường phái như gs Tương Lai nói là “không đổi trắng thay đen”, và như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tóc cũng bạc phơ, là “ thì… mình thế nào cứ để thế”. Riêng gã, gã nghĩ ông Bình không dám “trở ngói” cho tóc đen vì sợ….vợ. Ông đẹp trai ăn nói có duyên đứng trước giảng đường mà lại tóc đen nhanh nhánh nữa thì ối em sinh viên mê tít, về nhà vợ hành cho phải biết. Mỗi lần gã gặp ông Bình lại nhớ câu thơ của nhà thơ Viễn Phương, cha ông, mà thời bé tẹo gã rất thích:

Nhớ lắm em ơi, nhớ lắm những ngày

Sống ở hầm ăn cơm vắt uống nước chai

Mỗi tối đem cơm mắt em lấp láy

Từ yêu nhau chỉ gặp mặt dưới sao trời

Ông Bình trúng Trung ương hai khoá, cả hai lần người ta đồn rầm là ông sẽ lên chức bộ trưởng Bộ GD và ĐT, nhưng rốt cuộc cả hai lần ông đều tại vị ở ĐH QG. Ông nói đùa với gã: Tôi là anh ba cơ nhỡ. Rồi ông nói nghiêm chỉnh: Thực ra hạnh phúc của tôi là được truyền lửa cho sinh viên.

Hội của luật sư Trương Trọng Nghĩa và giáo sư Phan Thanh Bình vừa rời khỏi bàn của gã thì lập tức giáo sư Trần Hồng Quân cựu bộ trưởng bộ GD và ĐT tới. Ông Quân lúc này ốm o khác xa một quý ngài bộ trưởng oai phong thuở nào. Gã nhớ một người bạn giảng dạy ở ĐH Bách khoa TP HCM kể rằng, trong lần tiếp xúc với các giảng viên các trường đại học, ngài bộ trưởng có nói rằng, nền giáo dục nước ta rất ưu việt. Một giảng viên trẻ đã hỏi lại ông: Vậy tại sao bộ trưởng không cho con mình học ở trong nước để thừa hưởng tính ưu việt đó mà lại cho con học ở nước ngoài?

Câu hỏi khó quá. Gã nghĩ nếu bây giờ nghe câu hỏi hóc ấy thì ông cựu bộ trưởng sẽ hồn nhiên mà phá lên cười…cả trừ lẫn cộng.

Gã nhòm qua bàn ông Ba Dũng đang ngồi. Lúc này bên trái ông xuất hiện ông Trương Hoà Bình và bên phải ông là cái ghế trống mà ông Lê Hồng Anh đi đâu không biết, kề cận cái ghế trống ấy là ông Đinh La Thăng. Ông Đinh La Thăng ngồi quay lưng với bàn gã ngồi, còn ông Trương Hoà Bình thì ngồi đối diện và ông dễ dàng nhận ra nhà thơ Nguyễn Duy và nhóm của gs Tương Lai. Gã thấy ông uỷ viên Bộ Chính trị vừa được Đại hội Đảng 12 bầu kiêm phó thủ tướng thường trực vừa được QH bầu đi đến cái bàn rìa . Mái tóc hơi xoăn, nụ cười thường trực trên môi ông vui vẻ lắm, bắt tay các thành viên của cái bàn…ốc đảo này. Ông tỏ ra đặc biệt thân tình với Nguyễn Duy và hẹn Nguyễn Duy một cuộc nhậu.

Gã khá ngạc nhiên cử chỉ của người từng là trùm an ninh và hiện phụ trách mảng nội chính này đối với nhóm của gs Tương Lai. Với vai trò của ông, đương nhiên ông quá rành từng kiến nghị, tuyên bố, thư ngỏ, bài viết không theo đúng ý Đảng của các ông Tương Lai, Huỳnh Kim Báu, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu này. Vậy thì với nụ cười sởi lởi, ánh mắt tươi vui cái bắt tay chân tình của ông dành cho những đối tượng kia nói lên điều gì?

Chịu.

Gã chỉ ghi nhận chứ không thể đưa ra được lời nhận xét sao cho hợp, cho đúng những vấn đề cực kì nhậy cảm và tế nhị này. Có người sẽ bảo chính trị nó là như thế. Tuỳ!

Nguyễn Duy kể gã nghe, hồi trước do làm những bài thơ có “vấn đề” về đất nước, Nguyễn Duy bị an ninh theo dõi. Trực tiếp ông Trương Hoà Bình tiếp xúc với Nguyễn Duy thế quái nào ngài chỉ huy an ninh lại mê thơ và trở thành bạn nhậu tâm đắc của Nguyễn Duy. Rồi đường ai nấy đi, ông Bình họ Trương vù vù thăng tiến quan lộ, Nguyễn Duy vẫn bình chân như vại, thơ phú cùng rượu nút lá chuối làng Vân. Để rồi thỉnh thoảng hội ngộ lại chỉ thơ và … rượu.

Khi ông phó thủ tướng trực về lại chỗ của mình thì tới lượt bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, người đang gây cơn sốt trong truyền thông, thế giới mạng cũng như công chúng về một loạt hành động, tuyên bố hợp lòng dân của mình. Mặc dù có nhiều người quen của gã còn nghi ngờ ông họ Đinh này, riêng gã, gã chỉ đơn giản nghĩ, dù quá khứ người ta thế nào, nếu hôm nay bằng hành động người ta đang tích cực vì dân thì mừng quá đi chứ, thì mắc mớ gì mà không đưa cả hai tay lên ủng hộ.

Ông Thăng đưa hai tay bắt tay Huỳnh Tấn Mẫm một thủ lĩnh của thanh niên mà một thời ông Thăng là một cốt cán tích cực ở Thuỷ điện sông Đà. Ông Thăng mới đây đã vào thăm ông Mẫm khi ông Mẫm chữa tim.

Gã nghe loáng thoáng gs Tương Lai nói với ông Thăng:

– Tôi có gửi một bức thư cho anh…

– Dạ, em có nhận được ạ. Xin lỗi anh, nhiều việc quá, em chưa trả lời được. Xin anh thông cảm.

Gã nói với ông Thăng, gã cùng tiến sĩ Trương Đình Hiển đang bàn về cách thức tổng thể chống hạn, chống lũ ở đồng bằng Cửu Long và chống ngập ở Sài Gòn. Ông Thăng chăm chú nghe rồi cho gã số điện thoại . Vẫn giọng rất nhún nhường ông nói: Có gì anh cứ gọi cho em. Em chơi thân với Lưu Trọng Ninh thời anh Ninh làm phim ở sông Đà. Gã không thể ngờ một con người cao lớn đi đâu thấy sự bất bình của dân là thét ra lửa với những quan chức vô cảm, vô trách nhiệm gây nên sự bất bình ấy lại nhỏ nhẹ đầy chất nho nhã như thế.

Thỉnh thoảng gã lại liếc nhìn về phía bàn ông Ba Dũng. Không hiểu sao lúc này ông ngồi nhõn mình. Có lẽ ít khi giữa đám đông mà ông lại chỉ ngồi một mình như thế. Gã thấy ông cầm chiếc khăn trắng đưa lên mắt lau cái gì đó ở mắt.

Gs Tương Lai đột ngột chống gậy đứng dậy. Gs nói với gã: Tôi muốn nói với ông Ba một câu.

Khi ông Tương Lai tới bên ông Ba, đây là lần đầu tiên suốt đám giỗ ông Kiệt, vị giáo sư già tuổi 80 có biệt danh là “Tương Lai” luôn đau đáu những “Mênh mông thế sự” này mới dời khỏi ghế của mình đi sang bàn khác, thì bàn ông Ba đã có sự trở lại của các ông Trương Hoà Bình, Đinh La Thăng , Phan Thanh Bình, Trần Hồng Quân. Còn ông Lê Hồng Anh hình như đã lặng lẽ ra về.

Vị gs già không ngồi chiếc ghế trống bên phải ông Ba mà ông Lê Hồng Anh đã đi và cũng không hiểu sao ông Đinh La Thăng không ngồi vào thế chỗ cho gần ông Ba hơn. Nhưng ông Ba đang dở chuyện với một ông nào đó gã không biết tên, nên gs quay qua ông Thăng và nói với ông Thăng:

– Giáo sư Hồ Ngọc Đại hôm kia có điện thoại cho tôi hỏi tôi có đúng là Đinh La Thăng nói “Giáo dục là khoa học không phụ thuộc ý chí chính trị” không? Tôi bảo, đúng vì tôi xem trên báo, và biết có thể báo sẽ bị rút bài nói này nên đã lưu lại, ông muốn đọc nguyên văn tôi sẽ chuyển cho ông. Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói…

– Dạ, thế nào ạ?

– Xin lỗi anh trước, giáo sư Hồ Ngọc Đại nói với tôi: Thằng ý khá đấy mày ạ. Rồi giáo sư nhấn mạnh thêm, nói được câu ấy là khá lắm đấy.

Đột nhiên giáo sư Trần Hồng Quân đứng bật dậy nói:

– Lẽ ra anh Thăng nên nói thế này thì đúng hơn, giáo dục là khoa học không phụ thuộc vào ý chí cá nhân của người làm chính trị.

Ông Thăng tỏ ra lúng túng trước câu sửa lưng của ông cựu bộ trưởng giáo dục này. Nhưng ông chọn im lặng và một nụ cười tất nhiên rõ ràng là gượng.

Ông Ba đã xong chuyện với với ông nào đó mà gã không biết tên, quay người lại nắm tay gs Tương Lai. Gs vỗ tay lên vai ông Ba, nói:

– Hôm nay, anh thong thả (gã chú ý là ông gs cố ý không dùng từ thanh thản hay lui về), tôi đến nói với anh một câu thôi: Anh nhớ ngày mùng 1 tháng giêng năm 2014 anh cho phát đi bản “Thông điệp đầu năm” thì mùng 2 BBC và RFA phỏng vấn tôi. Tôi nói tôi ủng hộ thủ tướng khi ông nói “Không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng của đất nước lấy tình hữu nghị viển vông và lệ thuộc”.

– Có, tôi có biết cuộc phỏng vấn đó. Câu đó tôi nói đúng như thế. Tôi nghĩ thế và tôi nói như thế và tôi nhất quán điều đó, cho đến hôm nay tôi vẫn như thế.

Gs Tương Lai nói tiếp:

– Câu trên là anh nói ở Shangri-La, tôi lưu ý với BBC và RFA câu anh viết trong Thông điệp: Động lực tạo ra từ Đại hội Sáu đã cạn rồi, muốn phát triển thì phải có động lực mới. Động lực mới đó phải được tạo ra bằng Dân chủ và Nhà nước pháp quyền. Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh của thể chế chính trị hiện đại. Gộp cả hai câu đó lại, tôi cho đây là một đột phá về tư duy chính trị mà đất nước đang cần. Tôi quyết liệt ủng hộ cho bước đột phá đó. Vì vậy, hôm nay tôi đến để khẳng định lại với anh đó phải là lựa chọn của đất nước.

Ông Ba mỉm cười. Ông Thăng cười rất tươi. Ông Phan Thanh Bình đưa điện thoại lên chụp vị gs già bên ông cựu thủ tướng và nói:

– Tôi chụp nhưng không đưa lên facebook đâu.

Gã nhớ lại có lần gs Tương Lai kể với gã sau cuộc gặp vào tháng 7.2014 của gs và một số trí thức tên tuổi với ông Ba khi gs nhắc đến hai câu nói nổi tiếng kia của ông Ba, gs đã nói thẳng với ông Ba: Anh sẽ đi vào lịch sử nếu thực hiện những điều anh nói. Còn không thì anh sẽ là tội đồ của lịch sử.

Riêng gã, gã rất tiếc rằng có lẽ vì sự tế nhị nào đó khi ông Ba đã không còn ở vị trí quyền lực nữa nên gs đã không nhắc lại câu nói mà theo gã là của Lịch sử này đối với bất cứ ai đang nắm vận mệnh dân tộc, đất nước.

Trời đột ngột mưa to.

Gã cùng gs Tương Lai ra sảnh để về. Đột nhiên có một ông lạ hoắc gã chưa từng biết oang oang nói:

– Ông gs, ông đứng lại để tôi bắt tay ông một cái nào.

Sau khi ôm lấy gs, ông quay ra nói với mọi người :

– Ông này mới là người yêu nước chân chính!

Gã nhận thấy ông gs cố nén nước mắt. Gã hỏi nhỏ một người quen:

– Ông kia là ai?

– Một người dân cùng quê với ông Võ Văn Kiệt ở Vĩnh Long.

Lên xe, gs Tương Lai nói với gã:

– Tôi gần đất xa trời rồi, câu nói của ông ấy là câu làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong đời của tôi đấy ông Văn ạ.