Chuyên gia: Sau năm 2035, ông Tập Cận Bình muốn tiếp tục ‘buông rèm nhiếp chính’ đến năm 2049
Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa kết thúc, chủ yếu thảo luận về các mục tiêu dài hạn cho năm 2035. Có chuyên gia cho rằng, phiên họp lần này là cuộc họp để ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực, che giấu mục tiêu trực tiếp nắm quyền đến năm 2035 và tiếp tục “buông rèm nhiếp chính” đến năm 2049 của ông Tập.
Tổng bí thư Tập Cận Bình trong buổi diễu binh ở trước quảng trường Thiên An Môn và Tử Cấm Thành Bắc Kinh hôm 3/9/2015. (Kevin Frayer/Getty Images)
Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 19 được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 26-29/10. Trong khi Phiên họp toàn thể lần thứ năm các khóa trước kia đều chỉ lập Kế hoạch cho 5 năm sắp tới và tập trung vào phát triển kinh tế và xã hội quốc gia, thì lần này chính quyền ông Tập lại chú trọng vào mục tiêu dài hạn tới năm 2035, tương đương với việc lập hẳn 3 ‘Kế hoạch 5 năm’ trong một lần. Thậm chí, “Đề xuất cho Mục tiêu dài hạn năm 2035” đã được đưa vào chương trình nghị sự từ hồi cuối tháng Bảy.
Mục tiêu dài hạn đến năm 2035 đã được nhắc đến trong báo cáo của Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 19. Tại thời điểm được công bố, báo cáo này tiếp tục đi theo chủ trương của các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 16, 17 và 18, và xác định rõ năm 2020 là “thời điểm quyết thắng để xây dựng xã hội khá giả vừa phải về mọi mặt”.
Từ năm 2020 – 2035 đặt mục tiêu “cơ bản hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội”, từ năm 2035 đến giữa thế kỷ 21 thực hiện mục tiêu “Quốc gia xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, hiện đại hóa”.
Vào ngày 29/10, ông Tống Vĩnh Nghị (Song Yongyi) thuộc Đại học Bang California Hoa Kỳ nói với VOA rằng, ngoài việc hoạch định phương hướng phát triển và lập kế hoạch kinh tế cho tương lai của Trung Quốc, thì tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm lần này, một trong những điểm quan trọng, đáng chú ý nhất là việc “Quy chế làm việc của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ” được thông qua.
Ông Tống nói: Quy chế này là muốn nói với các Ủy viên Trung ương dưới thời Tập Cận Bình, đặc biệt là các Ủy viên Bộ Chính trị, rằng phải duy trì và bảo vệ quyền lực tuyệt đối của ông Tập, không được chống lại Tập. Điều này là do các Phiên họp toàn thể Trung ương thường tạo ra các cuộc “đảo chính”.
Cây bút chính luận Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai) cho rằng, một mục tiêu khác trong Phiên họp toàn thể lần thứ năm của ông Tập Cận Bình là thu xếp cho việc cầm quyền lâu dài của mình.
Ông Ngô Tộ Lai nói: “Một trong những mục tiêu lớn của ông Tập Cận Bình là [nhắm đến mốc] năm 2035 và mục tiêu còn lại là năm 2049 (tròn 100 năm ĐCSTQ thiết lập chính quyền). Điều gì ẩn đằng sau hai mốc thời gian này? Suy đoán rằng ông Tập sẽ nắm quyền đến năm 2035, trực tiếp kiểm soát chế độ cho đến năm 2035, và sau đó ông ta sẽ ‘buông rèm nhiếp chính’ cho đến năm 2049. Đây là một trong những kế hoạch to lớn của ông Tập – một bố cục [với tham vọng] lớn”.
Trước đây, tờ Nikkei Asian Review của Nhật đã đăng một bài báo nói rằng, ông Tập Cận Bình muốn nắm quyền đến năm 2035 – khi đó ông sẽ 82 tuổi, và cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông cũng từng thống trị Trung Quốc cho đến khi ông ta qua đời ở tuổi 82. Ông Tập tự so bản thân với ông Mao, đang cố gắng để trở thành lãnh đạo thứ hai của ĐCSTQ nắm quyền đến lúc chết.
Bài báo cho rằng, kế hoạch siêu dài hạn năm 2035 là cốt lõi trong đường lối chính trị của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trong một thế giới mà tương lai ngày càng bất định, đặc biệt là khi virus Viêm phổi Vũ Hán vẫn đang hoành hành, thì viễn cảnh 15 năm là khá xa vời, tương đương với việc lập 3 ‘Kế hoạch 5 năm’ trong một lần, và động cơ đằng sau nó là rất rõ ràng.
Tờ Deutsche Welle của Đức phân tích, ông Tập Cận Bình lo lắng rằng sự bất mãn trong nội bộ và các thế lực chống đối ông đang lợi dụng tình thế bên ngoài xấu đi “để rục rịch ngóc đầu tạo phản hoặc gây sóng gió phá hoại”. Đối với ông Tập Cận Bình thì “phóng mắt nhìn xa, đâu đâu cũng thấy kẻ thù”. Theo bài báo, nếu mức độ kiểm soát chính trị được nới lỏng một chút, những người này rất có thể sẽ làm ra những việc bất lợi cho ông Tập, thậm chí là gây nguy hiểm đến an ninh của chế độ, cơn bão chính trị có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Nhiều chuyên gia về Trung Quốc tin rằng, chính quyền của Tập Cận Bình đã đẩy nhanh quá trình biến đổi của Trung Quốc và trước tình hình rối ren cả bên trong và bên ngoài hiện nay, ĐCSTQ có thể bất ngờ rớt khỏi vũ đài lịch sử bất cứ lúc nào. Việc ông Tập Cận Bình chậm trễ công bố người kế nhiệm chính là vì sợ rằng một khi “thoái vị” sẽ bị tranh trừ, nhiều khả năng ông Tập sẽ là Tổng bí thư cuối cùng của ĐCSTQ.
Vào tháng 12/2019, từ trước khi virus Viêm phổi Vũ Hán lây lan, ông Arthur Waldron, một chuyên gia người Mỹ về Trung Quốc và là Giáo sư về quan hệ quốc tế và lịch sử Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania Hoa Kỳ, đã nói với tờ Epoch Times phiên bản tiếng Anh rằng, chính quyền ĐCSTQ biết rất rõ rằng nó đang chết dần.
Giáo sư Waldron tiết lộ rằng, một phụ tá cho quan chức cấp cao của ĐCSTQ – người thân cận với ông Tập Cận Bình, từng thẳng thắn nói với ông: “Chúng tôi đã đến bước đường cùng rồi. Ai ai cũng biết rất rõ rằng cái thể chế này đã kết thúc và chúng tôi đã đi vào ngõ cụt. Chúng tôi không biết phải làm gì tiếp theo, bởi vì ở đây chỗ nào cũng gắn mìn, đi sai một bước có thể sẽ thịt nát xương tan”.
Giáo sư Waldron nhận xét về tình hình hiện tại ở Trung Quốc và nói: ĐCSTQ đang bước vào thời kỳ tương tự như thời Liên Xô sụp đổ. Ông cũng đã đề nghị Mỹ nên xem xét việc dự định sẽ có phản ứng như thế nào khi ĐCSTQ sụp đổ, khi các thế lực trong nội bộ ĐCSTQ quy hàng và khi thể chế chính trị của Trung Quốc chuyển đổi mô hình.
Đông Phương – Theo NTD tiếng Trung – 31/10/20