Chuyện gì xảy ra khi Việt Nam bị khủng hoảng kinh tế?!

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyện gì xảy ra khi Việt Nam bị khủng hoảng kinh tế?!
VietTuSaiGon (RFA Blog) – Câu phát biểu của ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhà nước Cộng sản Việt Nam trong cuộc họp quốc hội gần đây khiến tôi giật mình: “Nên kêu gọi và huy động tiền từ nhân dân để trả nợ công…”. Câu nói này vô tình gợi nhắc đến những cuộc trưng thu tài sản nhân dân kể từ khi chế độ Cộng sản hình thành đến nay và nó cũng dự cảm một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam.
Có hai lý do để tin rằng Việt Nam sẽ bị khủng hoảng kinh tế trong thời gian tới: Tài nguyên Việt Nam và niềm tin của nhân dân vào đảng Cộng sản đã cạn kiệt; Nguồn vốn huy động từ nhân dân đã khan hiếm và công nghiệp xuất khẩu/bán sức lao động với giá rẻ bèo cũng như tệ nạn tham nhũng và giá dầu thô tuột dốc, nợ công tăng cao là tiền đề của khủng hoảng kinh tế.
Ở vấn đề thức nhất, niềm tin của nhân dân vào đảng Cộng sản, có thể nói hiện tại, đó là con số 0 to tướng, nếu không muốn nói là số âm tuy bề ngoài người dân vẫn chấp nhận sự thống trị của đảng Cộng sản. Nhưng chấp nhận không có nghĩa là tin, chuyện này không những với người dân bình thường mà ngay với tất cả các đảng viên Cộng sản gạo cội vẫn hoàn toàn không tin vào đảng. Sự cố chấp bảo vệ đảng cũng như ra chiều thần tượng đảng, thần tượng Hồ Chí Minh của các đảng viên gạo cội và những doanh nghiệp tư bản đỏ, những tay xã hội đen cộm cán được đảng chống lưng đều mang tính diễn xuất theo nguyên tắc “bảo vệ mâm thịt chó”.
Nguyên tắc này đảm bảo đã ngồi vào mâm thì phải được ăn thịt chó cho dù có người thờ Khổng Tử, có người thờ Bạch Mi, có kẻ thờ con dao, cũng có kẻ thờ cái đầu chó… Thiên  hình vạn trạng niềm tin và sự tôn thờ trong một mâm thịt chó tập thể. Chính vì khác nhau về chính kiến, niềm tin nên người ta chẳng ưa gì nhau và chẳng có ai nhất quán niềm tin về cái đầu chó hay con dao cả. Nhưng người ta phải tôn thờ, ca ngợi thịt chó (ít nhất là vậy!) để cùng nhau ăn một bữa ngon, đảm bảo mâm thịt không bị hất xuống đất do tranh cãi.
Nhân dân cũng vậy, người ta có thể gớm, kinh tởm thịt chó và cho rằng ăn thịt chó là tội lỗi nhưng người ta đủ khôn khéo để hiểu rằng nếu gặp đám ăn thịt chó thì đừng bao giờ chê thịt chó, nếu khó quá, căng quá thì khen vài tiếng về những anh hùng ăn thịt chó cũng chẳng chết ai, miễn được yên thân. Nhưng chắc chắn một điều đó là những câu cửa miệng, không xuất phát tự đáy lòng.
Nạn tham nhũng, đục khoét, thậm chí bán đứng lãnh thổ, lãnh hải và đàn áp, chèn ép người yêu nước mà đảng Cộng sản đã gây ra cũng đủ để nhân dân thấm nhuần triết lý ăn thịt chó khi sống dưới sự cai trị của họ. Nhưng có một vấn đề cần nói; Hiện tại, đảng Cộng sản rất khó huy động vốn trong nhân dân.
Những năm 1940, nhân dân đã tin vào đảng Cộng sản, đã góp từng hạt gạo trong cái hủ mà họ đặt trong nhà mình, nhân dân đã thật thà nhịn ăn để góp gạo để nuôi đảng, nuôi quân đánh miền Nam. Để rồi sau đó, nhân dân tiếp tục tin tưởng trong “cải cách ruộng đất’. Đến sau 30 tháng 4 năm 1975, mọi sự vỡ òa khi đảng trưng thu (mà chính xác là lấy ngang xương, cướp trắng) tài sản để xây dựng đất nước nhưng trong thực tế là làm giàu cho những đảng viên quyền lực. Càng về sau, gương mặt tham lam, cướp bóc càng lộ diện, nhân dân càng mất niềm tin.
Nhưng dù sao thì hai lần phát trái phiếu, công trái nhà nước từ những năm 1976 đến 1989 cũng thu về một khoản tiền không nhỏ cho đảng từ đóng góp của nhân dân. Khoản tiết kiệm nhân dân phó thác cho đảng cũng không nhỏ. Tuy nhiên, trò chơi trượt giá đồng tiền để quỵt nợ của đảng đã nhanh chóng đốt cháy chút niềm tin còn lại trong nhân dân. Cộng với những trò cướp đất, gian dối trắng trợn, cảnh sát giao thông đứng đường ăn chặn của nhân dân càng làm cho nhân dân nổi giận.
Hiện tại, nếu có một cuộc vận động nhân dân mua công trái, có lẽ kết quả nhận được của đảng Cộng sản rất thê thảm. Bên cạnh đó, tài nguyên rừng, đất đai và khoáng sản trong lòng đất hầu như đã cạn kiệt bởi cách khai thác đầy rẻ rúng, thiếu khoa học và bán lúa non tư túi của giới chóp bu trung ương Cộng sản.
Thêm phần nữa, mũi nhọn xuất khẩu gạo và dầu thô đang gặp khủng hoảng trầm trọng, giá dầu thô của thế giới giảm xuống đáng kể, điều này khiến cho Việt Nam mất đi hàng trăm tỉ đô la trong công nghiệp xuất khẩu dầu thô. Hạt gạo Việt Nam cũng bị mất uy tín trên thế giới, điều này dẫn đến hệ quả người nông dân sản xuất ra rất nhiều gạo mà bán được chẳng bao nhiêu tiền.
Với ba mũi suy thoái: Niềm Tin nhân dân bị mất; Tài nguyên khô cạn; Nợ công ngập đầu… cùng tấn công vào chế độ, chắc chắn mức độ suy thoái của Việt Nam sẽ không ít trầm trọng và lúc này, chỉ còn một cách duy nhất để cứu chế độ, đó là huy động tiền của nhân dân. Nhưng vấn đề là huy động như thế nào?
Câu trả lời là không có chuyện gì là nhà nước Cộng sản không dám làm, nếu huy động bằng “biện pháp nhẹ” như phát hành trái phiếu, kêu gọi đóng góp mà không có hiệu quả. Một lần nữa chiêu bài trưng thu, tịch thu sung công quĩ để xây dựng đất nước (mà trong thực tế là để cũng cố chỗ đứng của đảng Cộng sản) hay nói khác là “biện pháp mạnh” sẽ tái xuất. Và lần này, mức độ gay cấn cũng như sắc máu sẽ không nhỏ bởi niềm tin của nhân dân đã mất, họ đứng trước bờ vực sinh tồn.
Nếu có khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam, chắc chắn sẽ có những cuộc bố ráp và trưng thu tài sản nhân dân vô cùng tàn khốc. Câu nói gợi ý của ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Việt Nam chỉ mang tính chất gợi ý cho một chiến lược hợp thức hóa và pháp qui hóa vấn đề trưng thu, tịch thu sau này khi cần đến!
Bởi hình thức có thể thay đổi theo thời gian nhưng tính chất giảo hoạt và tham lam, cố vị thì hơn sáu mươi năm nay, xâu chuỗi lịch sử, người Cộng sản chưa có gì thay đổi, vẫn lấy của dân, cướp của dân làm sức mạnh phe nhóm!