Chuyến đi của Đinh Thế Huynh trong mối quan hệ ‘tay ba’ ở Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyến đi của Đinh Thế Huynh trong mối quan hệ ‘tay ba’ ở Biển Đông

26-10-2016

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đinh Thế Huynh phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thủ đô Washington, ngày 25 tháng 10 năm 2016 [Bộ Ngoại giao / Public Domain]
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đinh Thế Huynh phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thủ đô Washington, ngày 25 tháng 10 năm 2016 [Bộ Ngoại giao / Public Domain]

Đinh Thế Huynh đang có mặt tại Hoa Kỳ theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry. Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi Mỹ đầu tiên của Đinh Thế Huynh trong cương vị Thường trực Ban Bí thư mang ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với hai cường quốc trước bối cảnh tranh chấp Biển Đông.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong buổi tiếp Đinh Thế Huynh hôm 25/10 đánh giá cao sự phát triển trong mối quan hệ hai nước, đồng thời cho biết hai nước đã có những sáng kiến trong nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ông Kerry nói:
“Chúng tôi đã bắt đầu một số sáng kiến trong các lĩnh vực ứng phó khẩn cấp, hợp tác chống khủng bố, tăng cường khả năng thúc đẩy pháp quyền ở Biển Đông”.
Trước khi đến Washington, Đinh Thế Huynh cũng đã tới Bắc Kinh từ ngày 19-21/10 và có các cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình và một số giới chức trong Bộ Chính trị TC.
Trong buổi tiếp Đinh Thế Huynh hôm 20/10, Tập Cận Bình được tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời nói “Trung Quốc và Việt Nam cần coi trọng những “giá trị tích cực” trong quan hệ song phương và “xử lý đúng đắn các tranh chấp”.
Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi “2 trong 1” lần nay của Đinh Thế Huynh tới Bắc Kinh và Washington là cách làm quen thuộc của các lãnh đạo Việt Nam từ trước tới nay, nghĩa là hoặc thực hiện cùng một lúc hoặc 2 chuyến đi liên tiếp nhau đến hai “trụ” trong mối quan hệ “tay ba” Việt-Mỹ-Trung.
Trong khi đó, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Giáo sư Jonathan London của Trường Đại học Leiden, cho rằng chuyến đi của Huynh nhằm gửi đi một thông điệp về tầm quan trọng của Mỹ trong chiến lược của Việt Nam. Ông nói:
“Rõ ràng theo nhận xét của nhiều người thì chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á là yếu so với trước đây, nhưng tôi và nhiều người khác không đồng ý. Tôi thấy là phía Việt Nam thì vẫn có quan điểm rằng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ phải là một yếu tố trung tâm của chiến lược giữ chủ quyền trong thời gian tới. Vì thế, tôi nghĩ chuyến đi này như là một thông điệp của chính phủ Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể là lãnh đạo của Việt Nam, là vẫn xem Mỹ là một nước hợp tác cần thiết và có vị trí trung tâm. Và cũng hàm ý rằng Việt Nam vẫn chấp nhận vai trò trung tâm của Mỹ đối với vấn đề giữ ổn định trong khu vực”.
Giáo sư Jonathan London cho rằng trong giai đoạn “phức tạp” và “rất khó đoán” hiện nay, có thể thấy TC vẫn duy trì tham vọng “đô hộ” cả Biển Đông. Vì vậy, theo Giáo sư London, dù các lãnh đạo Việt Nam có đi Bắc Kinh bao nhiêu lần đi nữa thì quan điểm trong việc quản lý mối quan hệ “tay ba” cũng sẽ không thay đổi, trong đó Mỹ vẫn phải là một đối trọng rất quan yếu cho việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
“Lãnh đạo của Việt Nam thì vẫn thấy là không thể để cho TC làm những gì mà họ muốn làm. Mà nước duy nhất có khả năng để bảo đảm một Biển Đông được phát triển theo hướng cân nhắc với nguyên tắc trong luật pháp quốc tế chính là Mỹ. Vì thế tôi nghĩ dù Bắc Kinh có nói gì hoặc các lãnh đạo của Việt Nam có sang Bắc Kinh bao nhiêu lần, thì thực tế vẫn là chỉ có Mỹ mới là nước mà có liên minh với Mỹ thì có thể bảo đảm một Biển Đông phát triển theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Ngoài vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng John Kerry cho biết cuộc gặp của Đinh Thế Huynh với các lãnh đạo Mỹ cũng sẽ bàn về Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số vấn đề về nhân quyền, bao gồm việc cho phép lập công đoàn độc lập tại Việt Nam.
Chuyến đi của Đinh Thế Huynh tới Mỹ kéo dài từ ngày 23 đến ngày 31/10. – Theo VOA

Vì sao Đinh Thế Huynh thăm Mỹ?

27 tháng 10 2016

Một trong những lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đang có chuyến thăm lần đầu tiên trên cương vị mới tới Hoa Kỳ từ ngày 24-30/10/2016 theo lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry.
Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đại hội XII của đảng cộng sản Việt Nam và thực hiện các thỏa thuận cấp cao Việt Nam – Hoa Kỳ, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi Bàn tròn thứ Năm hôm nay 27/10 (được phát từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam) về chuyến thăm Mỹ của Đinh Thế Huynh: http://youtu.be/OZ802lto8Yc
Ngày 25/10, tại thủ đô Washington, Đinh Thế Huynh đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng John Kerry, vẫn theo truyền thông nhà nước csvn, tham dự cuộc hội đàm, về phía Việt Nam có đại diện Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục-Đào tạo và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh. Về phía Hoa Kỳ, còn có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cùng các quan chức cấp cao của Chính phủ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Tại hội đàm, Đinh Thế Huynh khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là “coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ theo khuôn khổ Đối tác Toàn diện đã được xác lập trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị, con đường phát triển và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, từng bước xây dựng và củng cố lòng tin để đưa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển ổn định, thực chất, lâu dài, bền vững theo tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai; đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.”

Kể cả kênh đảng

Huynh cũng được truyền thông Việt Nam dẫn lời “đề nghị hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện vì phát triển, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, kể cả theo kênh Đảng; mở rộng các cơ chế tham vấn giữa hai nước về các vấn đề cùng quan tâm; củng cố và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác đã có; đẩy mạnh hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư làm nền tảng và động lực cho quan hệ song phương…”
“Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định Việt Nam coi trọng và đang chuẩn bị các bước sẵn sàng cho việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như thực hiện nghiêm túc các cam kết liên quan,” Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam hôm 26/10 cho biết thêm.
Về phía Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry được truyền thông dẫn lời nói ông đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh Đinh Thế Huynh và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Hoa Kỳ “vào thời điểm quan trọng của chính trường Hoa Kỳ; chuyển lời thăm hỏi và tình cảm tốt đẹp cùng với thông điệp về sự coi trọng phát triển quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam của Tổng thống Barack Obama tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.”
Ngoại trưởng Kerry cũng được dẫn lời khẳng định Hoa Kỳ sau bầu cử ngày 8/11 vẫn sẽ “tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược “tái cân bằng” tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, coi trọng quan hệ với ASEAN, trong đó có Việt Nam”
Ông John Kerry bày tỏ “vui mừng trước sự phát triển tích cực quan hệ song phương Hoa Kỳ – Việt Nam trong thời gian qua, nhất là sau các chuyến thăm lịch sử của hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước; cảm ơn những đóng góp quan trọng của các nhà lãnh đạo hai nước trong hơn 20 năm qua đối với việc phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam; nhấn mạnh tiếp tục coi trọng vị trí và vai trò của Việt Nam, coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực; cam kết tăng cường quan hệ và nỗ lực thúc đẩy triển khai các cam kết với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước năm 2013 và Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2015,” hãng tin nhà nước của Việt Nam tường trình.

Lựa chọn chính trị

Trước đó, từ ngày 19-21/10, Đinh Thế Huynh đã có chuyến thăm tới TC, mà tại đó ông đã gặp gỡ người đồng cấp, Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa và tiếp kiến với Chủ tịch TC Tập Cận Bình.
Tại cuộc tiếp đón của Chủ tịch TC hôm 20/10 với phái đoàn Việt Nam, Đinh Thế Huynh được tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời nói “việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia chính là chiến lược nhất quán, là lựa chọn chính trị của Việt Nam và của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Cũng tại sự kiện này, Chủ tịch Tập Cận Bình được hãng tin nhà nước của TC, Tân Hoa Xã, trích lời, nói “Trung Quốc và Việt Nam cần phải trân trọng những phát triển tích cực trong quan hệ song phương, phải xử lý tranh chấp một cách cẩn thận và phải phát triển quan hệ hợp tác.”
Như vậy, trong cùng một tháng, quan chức cao cấp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Đinh Thế Huynh đã có hai chuyến thăm nối tiếp nhau tới hai cường quốc, được coi là hai đối tác quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt về chuyến thăm đang diễn ra của Đinh Thế Huynh tại Hoa Kỳ, đâu là ý nghĩa, thực chất và tín hiệu của sự kiện này… là chủ đề của Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ với sự tham gia của các khách mời từ Việt Nam và hải ngoại là các nhà bình luận, quan sát và phân tích thời sự, chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế và khu vực.
Chương trình bắt đầu từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam ngày 27/10, mời quý vị sau đây để đón theo dõi: http://youtu.be/OZ802lto8Yc – Theo BBC