Chuyện cô gái Xứ Thần Nông mất quần

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyện cô gái Xứ Thần Nông mất quần
Phương Toàn – Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Cựu thợ lái máy bay chuồn chuồn ở Căn Cứ KQ – Phù Cát – Bình Định, cựu tù Chính trị, đến Mỹ từ 1980, hiện an cư lạc nghiệp tại Garden City, Kansas. Đã góp một số bài đặc biệt và nhận giải thưởng Viết Về Nước Mỹ từ mấy năm trước. Thường mỗi dịp Tháng Tư, ông thường góp bài viết. Bài năm ngoái là chuyện phở. Năm nay là chuyện về một thời kỳ nhiều người, nhiều xứ bị… mất quần, mất áo, mất cái ăn, mất nhà ở, mất biết bao nhiêu thứ…

Nhân dịp kỷ niệm ngày 30-4 sắp trở lại, mời mọi người cùng tôi trở về thời gian hơn ba mươi năm trước, cái năm mà… “nhà nước ta” còn đang say men chiến thắng.

Câu chuyện dựa vào cốt chuyện có thật, kể ra không phải với dụng ý châm chọc ai, tác giả chỉ muốn nhắc lại để hồi tưởng một thời điêu đứng đã qua và hy vọng dựa vào đó : “ Dại nhiều lần, ai đó sẽ học khôn.”

Chuyện tuy đầu ở quê cũ Việt Nam nhưng cái đuôi vẫn là ở quê mới nước Mỹ.

Xứ Đạo Thần Nông.

Mới nghe qua cái tên, nhiều người lầm tưởng, ở trên trời mới có Kinh Thần Nông. Nơi mấy ông tiên thay nhau trồng lúa để dâng cho Ngọc Hoàng, lấy đó mà nuôi các tiên đồng, ngọc nữ, hoặc dùng để trả công cho mấy ông chức sắc, như Thái thượng Lão quân hay Nam tào Bắc đẩu gì đó. Mấy ai biết rằng, dưới đất cũng có Kinh Thần Nông.

Kinh Thần Nông không có tên trên bản đồ của nước Việt Nam, nhưng nhiều người biết nó là Kinh 5 thuộc khu Dinh điền Cái Sắn, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang bây giờ.

Sở dĩ nó có tên gọi như vậy, vì trước thời 1975, nông dân ở đây nhờ trồng lúa Thần Nông mà đời sống sung túc vươn lên hơn những người ở con kinh khác. Hiện nay, những người kinh Thần Nông hiện định cư tại khắp năm châu, thành lập Giáo Xứ Kinh Thần Nông, sinh hoạt tương trợ nhau tại Hải ngoại cũng như quê nhà. Họ có trang Web riêng : WWW.Kinh5.com.
. . .

Năm 1978, cái năm mà nhiều người ngay mắc nạn. Ông Nam tuổi đã cao, ruộng ông bị sung công vô Hợp tác xã. Ban đầu ông nhất định không ký giấy gia nhập, vì ông nghe người bà con ngoài bắc vô nói : Vào hợp tác là chết đói cả lũ. Hôm Công an lùa dân ký, ông ngồi ở bờ ruộng tới trưa rồi trốn về.

Hôm sau con ông cho biết, có hai người không ký, bị Công an bắt vì tội tình nghi CIA cài lại, Công an khám ngoài vườn chuối bắt được điện đài chôn dấu, mà ông ấy cứ ngoan cố bảo đấy là cái loa cũ của máy Cassette mà ông liệng ngoài bờ chuối. Ông Nam thở dài rồi khoác cái áo cháo lòng vào, lên xã để tình nguyện ký đơn vào Hợp tác xã.

Chuyện gì đến rồi nó cũng phải đến. Kinh Thần Nông bây giờ trở thành những tập đoàn sản xuất. Mọi người từ mười lăm tuổi trở lên, sáng sáng xếp hàng ra ruộng cuốc đất, ăn công điểm bằng nhau. Tuần lễ đầu, năng xuất còn khá, đến tuần thứ hai, hình như mọi người thấy có cái gì không ổn. Làm cỏ ruộng cách nhà nửa cây số, giải lao mười lăm phút, chị Phương bỏ về.

Tổ trưởng hỏi, chị trả lời tỉnh queo:

– Về cho thằng Triết bú.

Thừa thắng xông lên, hôm sau bác Hiệu đang làm, tự nhiên phát biểu:

– Bỏ mẹ rồi, quên cho heo ăn, nói đọan, bác lững thững bước về.

Cuối cùng, bác tổ trưởng có truyền thống hiền lành chất phác văng tục:

– Bố khỉ, ông cũng phải về cho mẹ đĩ nó đấm lưng.

Tập đoàn cứ thế mà lừng lững tiến lên, như Bác đang cùng chúng cháu hành quân.

Cuối năm, ruộng lúa Thần nông bạt ngàn ngày nọ, bây giờ, trong cái muôn nghìn cỏ dại, vài bông lúa trồi lên như hoa lạc giữa rừng gươm, và mỗi người một cái bị, tràn ra đồng bứt từng bông lúa dồn vào.

Ông Nam pha trò:

– Đén ngọ, thiếu cái gậy nữa thì y chang đám ăn mày.

Nhà ông lúa tràn bồ mỗi năm, năm nay chia công điểm, được gần bằng một phần mười.
. . .

Cô Lan con ông Nam, từ ngày vào tập đoàn không đủ ăn, cô đi bán hàng lậu. Thời thế buồn cười, cứ cái gì không lậu là bán không có tiền.

Thọat tiên cô đi buôn gạo lậu. Cái Kinh Thần nông lúa tràn bồ mỗi vụ, thậm chí lúa đập thành hột xếp đống ngoài ruộng ngày này sang ngày khác nào có ai màng gì tới trộm cắp, có ai ngờ rằng bây giờ phải chở lậu đi bán. Hễ mang được một giạ lúa từ trong kinh ra đến ngoài lộ, nơi mà mấy người hồi mới đến cắm lều ở tạm, là dư tiền đi chợ được một ngày. Ngặt nỗi ở đầu ấp có một trạm kiểm soát. Tụi Ấp đội, nói nào ngay, cũng toàn là con cháu trong kinh trong Ấp, nên gác thì gác vậy, tụi nó cũng không bắt ngặt cho lắm. Thằng Bảng làm “Ấp Đội”, không hiểu cái chức gì mà nghe chói cái lỗ tai, nó cầm cây súng quơ quơ nói:

– Bà con không có đi qua được, gạo mà không có giấy phép là hàng quốc cấm, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Cô Lan năn nỉ:

– Ê Bảng, cho tụi tao qua một chuyến đi, mày ác quá đẻ con không có “lỗ đích” đó mày.

Thằng Bảng cũng đã có dạo “dòm ngó “ cô Lan , nhưng nó cảm thấy yếu cơ hơn những đứa khác, đành tự động gài số de, nó trây trua đáp:

– Ê a cái gì, phải cô Lan ế chồng không?

– Ừ tao đây, thằng 30 tháng 4. Cô chanh chua đáp lại.

Thằng Bảng nhìn cô Lan, lưỡng lự, rồi nó lại nhìn hết mấy cô bán gạo lậu, người nào cũng sắc nước hương trời mà sao trời đày lam lũ quá. Nó nói với tụi canh gác, mà ý cũng muốn cho hai cô nghe thấy:

– Giải lao, anh em giải lao mười lăm phút, giải lao xong chiếc xuồng nào còn léng phéng dưới sông là bắn thủng ráng chịu.

Thằng Bảng kéo cả bọn Ấp Đội vào nhà hút thuốc lào, dưới sông mấy cái xuồng buôn lậu làm cái ào vượt qua nút chặn rất là thần thánh, tài tình, trong nhà thằng Bảng nói vọng ra:

– Năm phút nữa là hết giải lao đó nghe tụi bay.

Qua trạm thần Nông thì cũng dễ, nhưng ấp phía ngoài nó cũng có một trạm nữa, cách đó khoảng chừng nửa cây số. Trạm này khó ai qua lọt, vì gạo tịch thu được, tụi nó hè nhau bán chợ đen rồi chia nhau nhậu.

Nhắm tới nhắm lui, khó mà qua lọt được cả hai cái trạm trời đánh này, cô Lan đành đổi nghề, cô không đi buôn lậu nữa, cô tự nguyện làm người dân lương thiện.

Nhà nước cấm bán gạo, bán cá. Cô đi bán cá khô, chắc là không bị cấm. Cô Lan xuống chợ Rạch giá mua hai chục ký cá khô đem lên Bắc Vàm Cống mà bán. Xe đò chạy ngang Rạch Sỏi, trạm thuế vụ bắt cô đóng thuế, tiền thuế tương đương với vốn mua một ký cá khô, thôi cũng được, chẳng thà lời ít mà chắc ăn.

Xe rục rịch chạy đến Mông Thọ, lại một trạm kiểm soát nữa, bắt cô đóng thuế, cô Lan cự:

– Mới đóng dưới Rạch Sỏi, còn đóng gì nữa, biên lai thuế còn đây nè.

Đám thuế vụ cười dê với cô:

– Cô hai ơi, nó ở xã khác, biên lai thì thiếu gì, lấy nhiêu không có. Cô không chịu đóng thuế ở đây, tụi tui giữ cá khô lại chờ trên giải quyết.

Cô Lan tính cự nữa, những người đi cùng xe khuyên:

– Đóng đại cho tụi nó đi cô, coi như thí cô hồn vậy mà, đem lên trên kia bán cũng còn chút lời. Nó mà giữ cá lại là mất luôn vốn đó.

Cô Lan tức lắm, nhưng cũng móc tiền ra đóng, cô nhập hai cái biên lai lại bỏ vào túi áo bà ba, miệng rủa thầm:

– Thứ ôn dịch ở đâu không hà.

Chửi thì chửi vậy, chứ cô thấy nếu trời thương, bán số khô này cũng lời đủ tiền mua gạo.

Xe lên đến chợ Kinh B, giáp ranh hai tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá, lại một trạm Thuế vụ khác, mấy chiếc xe đò đều phải xếp hàng mà nép vô lề để kiểm tra. Có hai tờ biên lai đóng thuế trong túi, cô Lan không sợ gì nữa. Chú Thuế vụ tuổi cỡ hai mươi đá vào bao cá khô hỏi:

– Bao này của ai “Giấy tờ đâu”?

Cô móc túi đưa hai tờ biên lai đóng thuế.

Chú thuế vụ sẵng gịong nói:
– Tui không hỏi biên lai thuế, tui hỏi giấy phép di chuyển cá khô kìa.

– Chú hai ơi, cá khô đâu có cấm mà chú hỏi “giấy phép”

– Ai biểu cô là cá khô “ không cấm” Cô có nghe đài nói là không được vận chuyển nông sản, hải sản và phó sản của mấy thứ đó sao? Cá khô là phó sản của hải sản, ai cũng biết mà.

– Rồi bây giờ làm sao hả chú Hai?

– Hàng lậu thì tịch thu chứ sao nữa.

– Hàng đóng thuế đàng hoàng chứ đâu phải hàng lậu chú Hai.

– Tui nói là hàng lậu mà cãi hoài.

– Vậy tiền tui đóng Thuế ở hai trạm kia giải quyết sao chú Hai?

– Dìa dưới mà đòi tụi nó, biểu tụi nó: tui nói nó là mấy thằng ngu, hàng cấm mà cho con người ta đi, rồi đóng thuế.

Cô Lan tức lắm, lầm bầm:

– Cán bộ thì là Cán ngố, Thuế vụ thì là mấy thằng ngu.

– Nè cô hai, tui nể cô …nhỏ, cô đừng nói bậy tui báo cáo à nha.

Cô Lan được đưa vào trạm, nhận tờ giấy viết tay, trong đó ghi rằng, tạm giử một túi cá khô, chờ giải quyết, họ biểu cô tạm về nhà chờ giấy thông báo.

Cô Lan buồn so, đón xe trở ngược về Kinh thần nông, kể cho ông Nam nghe hết mọi chuyện, ông Nam trầm ngâm giây lát rồi nói:

– Thôi bỏ đi con, của đi thay người là chuyện thường, con lên trên đó nó nhốt con về tội buôn lậu đó.

Thực ra, ông Nam không nghĩ con ông sẽ bị nhốt vì tội buôn lậu mấy kí cá khô, vì người ta bị tịch thu hàng hà rầm, ông chỉ sợ cái nhan sắc con của ông sẽ bị tụi thuế vụ nhân vụ này mà lợi dụng.

Nằm vắt tay lên trán thâu đêm, ông Nam không còn chọn lựa nào hơn là cho cô Lan vượt biên. Sức ông chỉ đủ tiền chung cho một người đi thôi, con nhỏ kháu khỉnh dễ thương, để nó ở lại, lỡ bề gì… ông không muốn nghĩ tiếp.

Cô Lan được ông Nam gửi đám thanh niên có họ đi vượt biên chung ghe là thằng Hiền và thằng Thăng. Ông dặn:

– Tính ra vai vế, nó là chị tụi bay đó, tuy có nhỏ tuổi hơn đôi chút, tụi bay phải lo cho nó tới nơi tới chốn, qua bên đó ăn học đàng hoàng chứ đừng có lông bông, hay được tao cạo đầu đó.

Thăng và Hiền thấy cô Lan thì cũng nổi máu dê lắm, ngặt nỗi có họ gần xa nên chưa đứa nào dám léng phéng, được ông Nam giao cho nhiệm vụ đưa cô Lan đi vượt biên thì mừng lắm.

Thằng Thăng ỡm ờ hỏi:

– Cô Lan à, tiền vượt biên là do tiền cô buôn lậu hay bác Nam cho?

– Ba tui mượn của người ta, chứ đi buôn cả lậu lẫn không lậu huề vốn là may chứ lời cái gì mà lời.

– Cô bị bắt trên đường bộ nhiều hay dưới sông nhiều?

– Trên đường nhiều chứ dưới sông không bao nhiêu, nhờ thằng Bảng nó dê, nên thỉnh thoảng nó cho qua mấy chuyến cũng đỡ.

– Đất có thổ công, sông có hà bá cô Lan ơi. Cô đi buôn lậu, tụi Thuế vụ trên bờ nó bắt đóng thuế, cô đi lọt dưới sông nhờ thằng Bảng nó quen, thế nào cũng có ngày bị đóng thuế trọn gói đó.

– Đừng hù “chị” nghe Thăng, hôm nay là ngày chót rồi, mai mình ra “cá lớn”. Hà bá nào còn đòi thuế được nữa, chị chấp cả đám ôn dịch tụi nó đó.

Sáng tinh mơ, chiếc tàu vượt biên neo ở khúc sông lớn, khách lên gần đủ. Bỗng có tiếng la lớn:

– Công an, công an tới!

Mọi người hỗn lọan, nhốn nháo, một số nhảy xuống sông lặn ngụp. Thăng và Hiền cũng hốt hoảng không biết phải làm sao, ở lại, bị bắt là cái chắc, nhảy xuống sông, may ra thoát, nhưng kẹt con nhỏ Lan rồi làm sao!

Thăng hỏi:

– Lan, bơi được không?

– Em bơi gần thì được, xa quá thì không biết.

Thằng Hiền đốc:

– Bơi được tới đâu thì tới, tụi này xốc tiếp, nhảy mau không Công an tới bây giờ.

Ba người nhảy cái đùng xuống dòng sông lớn, nhắm hướng bờ bên kia bơi miết tới.

Trời sương mù, gió êm nhưng nước chảy mạnh, cô Lan bơi được chừng hai chục thước là muốn chìm. Thăng vừa lội vừa la:

– Hiền, xốc nách bên kia, tao xốc nách bên này. Nó nói thêm:

– Lan cố đập nước tiếp nghe, mệt đừ rồi đó.

Hai thằng xốc hai bên nách cô Lan vừa bơi, vừa uống nước hụt hơi, tưởng như sắp về gặp ông bà cố.

Thời may, chân hai đứa đụng đất. Mô Phật.

Té ra đã vào đến bờ mà không hay, dòm lại phía bờ bên kia, sương mù còn dày đặc, không hiểu có Công an thiệt hay đứa nào giỡn mà la sảng. Nghe nói cũng có lần dân địa phương làm vậy để hôi của. Thây kệ, kể như không bị bắt là may rồi, hai đứa từ từ lội lên bờ.

Cô Lan chỉ lội có mấy bước rồi không chịu bước nữa. Thằng Thăng đốc:

– Lẹ lên bà cố, làm gì đứng hoài dưới đó?

Cô Lan không nói gì, mà cũng không bước thêm bước nào nữa.

Đến lượt thằng Hiền nạt:

– Lẹ lên bà nội, Công an nó bắt bây giờ.

Cô Lan nhích từng bước một, hai tay vọc dưới nước như đang bụm một cái gì.

Thằng Hiền không chờ được nữa, nhào đến, chụp áo cô Lan mà lôi đại, cô hốt hoảng nói:

– Không được, em lên không được.

– Lên không được tôi kéo tiếp.

– Không phải, tại, tại, tại…

– Tại cái gì, nói lẹ lên.

– Tại cái quần….. của em…

– Cái quần làm sao?

– Cái quần…bị …nước.. cuốn mất rồi.

Hai thằng ông nội đang tức nghe vậy cũng chưng hửng, rồi tá hỏa tam tinh.

Té ra cô Lan bị mất quần là do hai thằng xốc nách mà kéo dưới dòng nước ngược thủy triều đang chảy xiết.

Trước tình cảnh oái oăm như vậy, thằng Hiền sáng trí nói:

– Thăng, cởi cái quần mày ra đưa cho cô ấy mặc, rồi lấy cái áo của tao mà quấn vào bụng mày, lẹ lên còn chạy.

Ba người leo lên bờ sông nhắm càn ruộng lác mà phang tới. Số hên, đi được một lúc thì gặp cái xuồng câu, ông già như đoán được sự việc, cho quá giang về nhà, lấy quần áo cho thay, rồi chỉ đường để tránh Công an mà về nhà.

Ba mươi năm sau, tại Thành phố Wichita, Kansas…

Thằng Thăng bây giờ là một Kỹ sư thâm niên của hãng máy bay Boeing; Thằng Hiền là một “đại gia” ở San Jose, cùng tụ lại ăn cưới con người bạn ở Wichita Kansas, với rất đông Đồng Hương Kinh Thần Nông. Nhìn sang bàn bên cạnh, cô Lan thỉnh thoảng liếc nhìn hai đứa rồi cười vu vơ.

Thăng đốc mạnh vào sườn Hiền:

– Ê Hiền, sang hỏi bà Lan là đã tìm lại được cái quần bị tuột hồi nọ chưa.

– Bả bây giờ là Senior của IBM rồi đó, đừng có cà rỡn, bả cạo đầu mày.

– Không hiểu nếu hồi đó tao với mày chỉ mặc có cái quần đùi thì phải làm sao?

– Thì bảo bả cởi áo ra mà quấn chứ làm sao bây giờ…

Phương Toàn