Chuyện Cô Gái Chăn Dê

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyện Cô Gái Chăn Dê
 

Năm đệ ngũ, tôi có ông thày dạy Việt Sử đáng nhớ. Thày giảng bài lôi cuốn như đang kể chuyện. Và những câu chuyện thày kể in sâu vào trí nhớ đám học trò thành những trang sử hùng. Tôi mê những giờ Việt Sử của thày. Nhưng tới giữa niên học thì những bài Việt Sử của chúng tôi không còn được trình bày dưới hình thức những chuyện kể đầy quyến rũ nữa. Lý do đơn giản là thày chúng tôi nhập ngũ. Những ngày sắp nghỉ để khoác áo lính, thày tâm sự với đám học trò là thày sẽ thi tuyển vào Không Quân, thày hy vọng sẽ được chọn. Thày kể về ước mơ được là phi công. Thày nói về những chuyến bay. Những ngày cuối, thày lan man kể về “Đời Phi Công” của Toàn Phong – Nguyễn Xuân Vinh, thày mơ màng nói về “Bay Đêm” và thày viết lên bảng cái tên cuốn sách bằng tiếng Pháp của Antoine Saint-Exupéry: Vol de nuit. Thày bảo nếu được chọn để huấn luyện thành phi công, thày sẽ được gửi đi đào tạo tại Marrakech.

Đó là lần đầu tiên bọn học trò lớp đệ thất của chúng tôi được nghe kể về một xứ sở xa xôi ở tận phía bắc Phi Châu. Môn Việt Sử của thày lan rộng thành môn Thế Giới Sử. Thày kể về xứ sở mang tên Ma-Rốc, cái tên đã một đôi lần chúng tôi được nghe trong giờ Việt Sử. Ma-Rốc cũng là một thuộc địa của Pháp như Việt Nam nên có rất nhiều lính viễn chinh trong quân đội Pháp gốc người Ma-Rốc. Tôi biết đến xứ Ma-Rốc từ dạo đó. Thày đố học trò biết vì sao cho phi công tập bay người ta lại chọn Marrakech. Bọn học trò đoán lung tung nhưng không ai có câu trả lời đúng. Câu trả lời thì ra thật đơn giản: ở Marrakech bầu trời thường ít khi có mây mù. Trời trong, dễ cho phi công tập lái máy bay. Thời xa xưa ấy, phi công lệ thuộc nặng nề vào khả năng nhìn rõ của hai con mắt. Thời đó, máy móc đâu có tân tiến và phức tạp như ngày nay.

Năm tháng sau đó, thày giáo dạy Việt Sử của chúng tôi trở thành lính tàu bay. Một lần – nghe nói – thày trở lại thăm trường trong bộ đồ bay đẹp tuyệt. Đám học trò ít nhiều phân tán nên thày không gặp đưọc nhiều học trò cũ. Thày dạy sử lớp đệ thất của tôi để lại trong tôi nhiều ấn tượng tuyệt vời qua những câu chuyện lịch sử.

Mấy mươi năm sau, tôi vẫn còn ngửi được mùi thuốc súng tẩm trên chiến bào Quang Trung Hoàng Đế sau trận Đống Đa. Và tôi vẫn mơ màng bầu trời biếc xanh đẫm nắng vàng của thành phố Marrakech bên bờ Địa Trung Hải.

Lớn lên chút nữa, đất nước Ma-Rốc lại đến với tôi qua cuốn phim Casablanca. Casablanca, một thành phố có hải cảng lớn thứ nhì thế giới và lớn nhất Phi Châu, là căn cứ hải quân của Hải Quân Hoàng Gia Ma-Rốc. Casablanca cũng là một trong ba đầu cầu đổ bộ của quân đội Hoa Kỳ lên khu vực Phi Châu thuộc Pháp vào thời kỳ đầu Thế Chiến II. Casablanca còn là tên cuốn phim tình cảm lấy bối cảnh cuộc thế chiến, đã đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh cao quý. Cuốn phim thêm một lần nữa khiến tôi mơ màng một chuyến du lịch đến xứ Ma-Rốc biển xanh và nắng vàng.

Những câu chuyện về xứ sở (gọi theo tiếng Anh là) Morocco gợi ra trong trí tưởng tượng của tôi những chuyến đi đầy thú vị. Nhưng cuộc sống đẩy con người xa dần xứ sở của những ước mơ. Morocco, Marrakech, Casablanca trong tôi chìm dần vào quên lãng.

Thế rồi cách đây không lâu, cái tên Morocco sống lại trong trí tưởng khi tôi tình cờ đọc một bài báo về một người nổi tiếng ở nước Pháp, đến từ đất nước bắc Phi này.

Là đứa con thứ nhì trong một gia đình có bảy người con, cô bé Najat Vallaud-Belkacem chào đời năm 1977 ở một ngôi làng mang tên Bni Chiker, 877 km đường chim bay từ Casablanca. Thời thơ ấu của cô quanh quẩn trong túp nhà tranh vách đất đỏ, lẻ loi ở vùng núi Rif phía bắc Morocco. Những ngày bé dại, cô thường đi với người chị, múc nước ở cái giếng gần nhà và giúp ông nội chăn đàn dê. Năm lên bốn cô cùng mẹ, chị và các em được cha bảo lãnh qua Pháp. Và cuộc sống mới bắt đầu dưới sự “cai trị” gay gắt của ông bố, một nhân viên hãng xe Renault.

Najat Vallaud-Belkacem và chị của cô không được phép đong đưa với bọn con trai, không được bén mảng đến những khu giải trí, những hộp đêm trước khi lên 18 tuổi. Và vốn không phải là loại thiếu niên nổi loạn, cô tập trung tất cả năng lực vào việc học, đọc sách không ngừng và ngay trong năm đầu tiên ở quê hương mới, cô đã thông thạo Pháp ngữ.

Khi biết ý định của cô là muốn theo học tại Học Viện Chính Trị Paris (Institut d’études politiques de Paris), một giáo sư đã thuyết phục cô đừng nộp đơn, và giải thích rằng lãnh vực ấy ở ngoài tầm với của cô, tuy nhiên cô vẫn tiếp tục dự kỳ thi nhập học và thi đậu. Sau đó cô tham gia hoạt động chính trị với bước đầu ứng cử và đắc cử hội đồng thành phố Lyon. Sự xuất hiện của cô gặp nhiều chống đối ở một môi trường mà khung cảnh chính trị hầu như bị chiếm lĩnh bởi những công dân thuộc giai cấp thượng lưu, mà cụ thể là nam giới và những người da trắng. Năm 2012, tổng thống Fraincois Hollande bổ nhiệm cô vào chức vụ Bộ Trưởng Bộ Sự Vụ Phụ Nữ, một chức vụ mà qua những năm 1980 đã bị hủy bỏ.

Tháng Tư năm 2014, cô đảm nhiệm chức vụ Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, được xem như một trong những vai trò quan trọng nhất trong chính quyền Pháp. Với một ngân sách khổng lồ dành cho giáo dục, cô đã đem lại sự đổi mới để giúp nền giáo dục thích ứng với những thay đổi của bộ mặt thế giới.

Khi được hỏi về giới trẻ và việc tham gia chính trị, cô nói: “Tôi luôn khuyến khích giới trẻ tham gia chính trị. Cách hay nhất để có thể hài lòng với tương lai của bạn là dự phần vào nó. Nếu bạn chỉ là kẻ đứng ngoài chấp nhận số phận chung, thì chắc chắn bạn sẽ thấy thất vọng.”

Nhìn hình chụp cô Bộ trưởng Bộ Giáo Dục nước Pháp, bạn cũng như tôi chắc không thể không nghĩ tới quê nhà, nơi mà để che giấu đi sự thua kém của mình, những kẻ thắng trận đã dìm những tài năng của đất nước xuống bùn đen bằng nhà tù, trại giam; bằng những biện pháp thuận lợi cho tinh thần phe nhóm, con ông cháu cha; bằng hình thức ưu tiên cho bọn có dây mơ rễ má với phe thắng trận; bằng việc nâng cấp cho đám y tá rừng rú thành bác sĩ chuyên tu, rồi thành trưởng khoa này khoa nọ; bằng việc sửa điểm để giúp những kẻ dốt nát trở thành những quan chức của chế độ; trở thành những kẻ ngồi trên đầu trên cổ người dân.

Đọc tiểu sử bà Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục nước Pháp chắc bạn cũng như tôi không thể không nghĩ đến sự tương đồng hiếm hoi giữa một quốc gia mà những người cầm quyền có trình độ, có văn hóa, biết nghĩ tới tương lai đất nước như nước Pháp, với cái đất nước mà lũ cầm quyền là những kẻ ngu dốt, không có văn hóa, đám người mà thứ tương lai chúng nghĩ tới chỉ là tương lai của riêng chúng, của gia đình chúng ở cái đất nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Cộng. Nét tương đồng ấy chỉ khác nhau ở cái sự đảo ngược: Ở phương Tây và Bắc Mỹ người ta có thể biến những người chăn dê, chăn cừu thành những nhà khoa học, những nhà giáo dục, những con người đúng nghĩa; còn ở nước Việt Cộng người ta cũng có thể làm như thế, chỉ khác là làm theo chiều ngược lại: biến bác sĩ thành gã buôn chợ trời, biến giáo sư thành phu xích lô, biến nhà khoa học thành kẻ giao hàng cho tổ hợp mì sợi; nói tóm lại là kéo những con người đích thực xuống hàng muông thú.

Nhưng đó buổi đầu của thời kỳ Mán mới về thành, thời kỳ mà đám Lý Sự Đỏ gọi là “thời kỳ quá độ”, bây giờ chúng đã luyện được phép màu; chúng chỉ cần hô biến là một tay thiến heo không chuyên nghiệp – kẻ đã làm hại bao nhiêu đời heo vô tội – chỉ nhờ có hơi hướm gia đình cách mạng, bỗng một ngày trở thành ông tiến sĩ, thành ông nhà nước, thành ông cầm quyền… có mọi thứ quyền sinh sát trong tay.

Mấy mươi năm qua, tôi vẫn nhớ giọng nói của người thày dạy môn Việt Sử năm đệ thất. Nhờ thày mà hôm nay, khi viết những dòng này, tôi vẫn nghe được tiếng voi trận của Trưng Nữ Vương dẫm nát doanh trại quân Tàu, tôi vẫn ngửi được mùi thuốc súng trên chiến bào Quang Trung Hoàng Đế lúc Ngài điều binh khiển tướng trên gò Đống Đa, vẫn nghe rõ tiếng chiến thuyền quân Nam Hán nứt vỡ và chìm sâu khi vướng cọc nhọn quân Nam của Ngô Quyền đóng dưới lòng sông Bạch Đằng. Những giờ Việt Sử hiện lên rõ nét trong “Giờ Quốc Sử” của tác giả Đoàn Văn Cừ, bài học thuộc lòng mà học trò chúng tôi thuở ấy không bao giờ quên:

“Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi nghe yên lặng lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ quốc sử.
…”

Ghi chú: Khi nhắc đến nghề thiến heo, tôi không có ý chê bai. Những người bỏ công sức ra vì sinh kế đều đáng trọng. Một ông bác sĩ giải phẫu tôi quen ngày trước, sau 1975 đã trở thành ông thợ thiến heo, nhưng là một ông thợ thiến heo đáng kính trọng. Với khối kiến thức và sự tận tâm còn sót lại của nghề thày thuốc, ông đã chữa lành bệnh cho không biết bao nhiêu người cùng xóm.

Khúc An