Chuyến bay MH17 và những thảm họa của Putin

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyến bay MH17 và những thảm họa của Putin

 

 
 Hiện trường vụ tai nạn MH17 
Ben Judah (Prospect, Anh)
 Phạm Nguyên Trường dịch/VNTB 
Sự bất tài của người Nga là nguyên nhân vụ rơi máy bay MH17
(VNTB) Vladimir Putin đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự như thế này. Một lần nữa ông ta lại đối mặt với sự kiện là do sự bất tài của các quan chức Nga mà biết bao người đã bị thiệt mạng một cách cực kì vô lí. Một lần nữa, ông ta lại nổi giận, ông ta lại cảm thấy bị làm nhục, bị phản bội – nhưng dĩ nhiên ông ta không phải là người có lỗi.

Chưa bao giờ nước Nga được cai trị một cách hiệu quả. Hiện nay đất nước này được cai trị bởi một con quái vật dị thường do Putin tạo ra – một bộ máy quan liêu đầy sức mạnh nhưng tham nhũng khủng khiếp, một mô hình mang tính đế chế, cai trị dân một cách độc đoán nhưng lại thiếu khả năng đến mức nực cười trong việc chữa trị căn bệnh tham nhũng của chính mình.
Tất cả những thảm họa của Putin đều là do nhà nước Nga không thể thành lập được chính phủ đáng tin cậy, có thể cai trị đất nước một cách hiệu quả, không để xảy ra tai nạn hoặc những vụ đổ vỡ khủng khiếp như thế. Năm 2010, các chỉ số về quản trị và tham nhũng toàn cầu khác nhau cho thấy Nga có mức độ tham nhũng gần như Papua New Guinea, quyền sở hữu gần như Kenya, kinh doanh cũng “dễ” gần như Uganda, và tính cạnh tranh và mức độ độc quyền tương tự như Sri Lanka. Năm ngoái nước này đứng thứ 127 trong số 177 quốc gia tham nhũng nhất thế giới.
Chính quyền của Putin được đánh dấu bằng những vụ thảm họa: từ vụ đắm tàu ​​ngầm Kursk (2000), đến vụ bao vây nhà hát Nord-Ost (2002), và vụ thảm sát trường học ở Beslan (2004), tất cả đều được người phương Tây biết. Rồi hàng loạt vụ tai nạn đau đớn tương tự như thế, ví dụ, vụ nổ nhà máy điện Sayano-Shushenskaya (2009), những đám khói có thể làm chết người ở Moskva và vụ cháy rừng hoành hành dữ dội (2010).
Trong tất cả các trường hợp đó, chính sự kém cỏi của bộ máy quan liêu đã giết khá nhiều người Nga: chế độ độc tài của Putin đang phình lên đã bóp chết tất cả tính minh bạch, và loại bỏ mọi lực lượng đối trọng và kiểm soát. Đồng thời mức độ tham nhũng không thể tưởng tượng được của nó đã làm cho hệ thống rơi vào tình trạng bất lực cùng cực nhất. Hiện nay Nga đã bí mật can thiệp bằng quân sự vào Ukraina và đã hoàn toàn thất bại. Ngay sau vụ máy bay bị rơi, truyền hình nhà nước Nga đã bắt đầu khoe khoang rằng lực lượng nổi dậy đã bắn rơi một máy bay quân sự Ukraine, nhưng sau đó đã phải lập tức thay quan điểm của mình.
Vụ rơi máy bay này đã đặt người Nga vào hoàn cảnh khó khăn: họ nhìn thấy các quan chức đang cười nhạo mình, thấy các quan chức nháy mắt và giả vờ như không có chuyện gì xảy ra cả, trong khi đáng lẽ ra tổng thống phải xin lỗi và những người đứng đầu phải mất chức. Mỗi thảm họa như thế đã làm gia tăng sự tức giận của người Nga đối với tầng lớp tinh hoa độc tài và không ai có thể động tới được.
Vladimir Putin xử lý mỗi bi kịch tầm quốc gia này theo cùng một cách: tự thương hại mình và tung ra những lời cáo buộc cuồng loạn rằng những lực lượng nham hiểm ở hậu trường đã gây ra những thảm cảnh đó. Lần nào vị tổng thống này cũng cảm thấy rằng mình bị chính các quan chức và những kẻ quan liêu dễ sai khiến của mình phản bội, nói dối, thậm chí là bị lừa. Theo các quan chức thì ông ta đã phản ứng với với sự bình tĩnh khác thường và lòng thương hại đối với chính mình, trong khi đổ hết trách nhiệm lên thuộc hạ như thể ông ta chẳng có trách nhiệm gì – sau gần 15 năm cai trị nước Nga.
Vladimir Putin đã hành động hệt như thế với tình trạng tương tự xung quanh vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia ở miền Đông Ukraine. Cho đến khi quả cầu lửa đó bị rơi và nổ trong cánh đồng trồng hướng dương, các lực lượng của Nga đã tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật khá thành công. Hầu như tất cả những kẻ được các phương tiện truyền thông gọi là “những kẻ phản loạn” đều được những quan chức bí mật của Nga chỉ huy, được quân đội Nga trang bị gần như đầy đủ, được tăng cường bằng lính đánh thuê và các đơn vị từ Chechnya và Ossetia tới.
Nói một cách đơn giản, những đơn vị “nổi loạn” đó là một trong những hoạt động tình báo quân sự lớn nhất của Nga trong giai đoạn hiện nay. Nhưng, dường như, dù đã được trang bị những bệ phóng tên lửa tinh vi, họ đã không thể nhận thấy được sự khác biệt giữa máy bay chở khách của Malaysia với máy bay vận tải quân sự của Ukraine. Đấy là do, trong lĩnh vực này, các lực lượng đặc nhiệm của quân đội Nga (lực lượng hỗ trợ quân ly khai) đã không thể chống lại được tệ tham nhũng, bất tài và trống đánh xuôi kèn thồi ngược, cũng chính là nguyên nhân của tình trạng lộn xộn ở Beslan cách đây khoảng mười năm, khi quân đội Nga xông vào ngôi trường bị bọn khủng bố chiếm giữ và tạo ra tình hỗn loạn khủng khiếp làm thiệt mạng 334 người.
Vladimir Putin đã phản ứng lại tất cả những thảm họa của nước Nga theo cùng một cách: ông ta không biết đồng cảm. Ông ta không nằm trong số những chính trị gia có thể chia sẻ với những người đang than khóc hay giả vờ là đang chia buồn cùng với họ và dẫn dắt bi kịch của quốc gia. Không những thế, ông ta đã phản ứng một cách lạnh lùng, giống như một người không thể hiểu rằng chính ông ta chứ không phải bộ hạ của ông ta là kẻ có tội trong việc để cho hệ thống quyền lực của nước Nga lâm vào tình trạng thối rữa như thế.
Người Nga đã quen với việc bị những kẻ cầm quyền lạm dụng và bị đối xử như súc vật. Những bản báo cáo làm lạnh sống lưng từ vị trí máy bay MH17 rơi – xác người nằm rải ra trên mặt đất, đồ đạc và thẻ tín dụng của người chết bị trộm cướp – tất cả đều không làm công chúng Nga mủi lòng. Họ biết rằng đấy là cách các quan chức Nga đối xử với xác người chết. Chỉ có sự khác biệt, lần này chủ yếu là xác người châu Âu, cho nên sự tự thương hại và nụ cười mỉa mai của vị tổng thống của họ đang đập vào mắt phương Tây.