Chuyện bây giờ mới kể: Soạn giả Viễn Châu, “kẻ sĩ” của giới nghệ sĩ
SG Viễn Châu và danh ca Lệ Thủy
Soạn giả Viễn Châu mất ngày 01 tháng 02 năm 2016, đến nay chỉ hơn hai mươi ngày, tôi muốn viết vài kỷ niệm về anh nhưng trong thâm tâm tôi, bàng bạc mãi một luyến tiếc: tại sao tôi không viết ngay bài này khi Viễn Châu còn sống hoặc viết và gởi cho anh đọc trước khi anh lìa đời.
Điều tôi muốn nói cho anh nghe là tôi và không ít người bạn nghệ sĩ ở Canada và bên Hoa Kỳ, những người quen biết hay ái mộ Viễn Châu đều công nhận anh là “kẻ sĩ trong giới nghệ sĩ”.
Gọi Viễn Châu là “kẻ sĩ trong giới nghệ sĩ”, có người cho là tôi thần tượng hóa nhân vật Viễn Châu, hay nói nôm na là quá ca ngợi Viễn Châu. Tôi nghĩ là nên định nghĩa danh từ “kẻ sĩ”, rồi đối chiếu với việc làm và lối sống của Viễn Châu khi anh còn sanh tiền để xem tôi đánh giá Viễn Châu là Kẻ Sĩ trong giới nghệ sĩ có quá lời không?
“Kẻ sĩ là người có trình độ học vấn, có lối sống hòa đồng với đại đa số dân chúng, là người nói hay làm việc gì cũng nhắm vào có lợi cho dân tộc, đất nước. Kẻ sĩ là người không ham danh lợi bất nghĩa, không khuất phục trước cường quyền hay quyền lực bạo ác của lũ xâm lược để nói hay làm việc gì có hại cho dân tộc, cho đất nước.”
Theo quan niệm vừa kể, tôi xin kể qua cuộc sống và việc làm của soạn giả Viễn Châu từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Trong khúc quanh lịch sử 30/04, hàng trăm ngàn người chết, máu đổ xương rơi, hàng triệu gia đình ly tán, một thời điểm đánh dấu màn đen âm u và không khí hận thù sắt máu đã phủ kín bầu trời miền Nam thân yêu. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, người có điều kiện bỏ quê hương vượt biển, tìm một cuộc sống khác nơi xứ lạ quê người, chọn cho mình một cách sống không lệ thuộc vào kẻ thù Cộng Sản. Những người thuộc hàng ngũ Quân Cán Chính lầm tin lời dụ gạt của CS, hay không có điều kiện vượt thoát nên đành phải đi học tập đường lối cách mạng, bị đưa đến các trại tập trung, ở tù từ 3 đến hơn 13 năm, nhiều người bị chết vì sự hành hạ của cán giáo CS, hoặc bị bịnh không thuốc men điều trị mà chết, hoặc đói kém và bị lao động khổ sai kiệt sức mà chết.
Các tầng lớp dân chúng khác như nông dân, công nhân, trí thức ( bác sĩ, kỷ sư, giáo chức), thương buôn, nghệ sĩ đều phải tuân theo sự xấp xếp của Cộng Sản theo chánh sách “Đảng lãnh đạo, chánh quyền quản lý, nhân dân làm chủ”. Nên hiểu theo Cộng Sản thì Nhân Dân tức là toàn dân, tức là đất nước và đất nước tức là do Cộng Sản đoạt được, tất nhiên Cộng Sản là người sở hữu chủ. Vì vậy nông dân không có ruộng đất riêng mà tất cả thuộc quyền quản lý của chánh phủ Cộng Sản, nông dân chỉ tạm thời sử dụng ruộng đất của ông cha mình để lại nhưng khi chánh phủ muốn lấy ruộng đất đó (gọi là quy hoạch lại) thì nông dân trắng tay, mất của, khiếu nại thì bị ghép là thành phần phá hoại, theo địch, bị bắt tù giam không có ngày được thả ra. Hãng xưởng cũng bị quốc hữu hóa. Các chủ nhân hãng xưởng bị bỏ tù vì bị ghép tội tư sản mại bản! Các tầng lớp dân chúng nói chung chỉ trong một ngày 30 tháng Tư, đang là người hữu sản, bỗng trở thành trắng tay và phải sống cuộc sống nô dịch dưới sự quản lý chặt chẽ của Cộng Sản.
Nghệ sĩ cũng không ngoại lệ! Các gánh hát tư nhân phải giải tán, phải giao phông màn, cảnh trí, y trang cho Sở VHTT, chỉ có những gánh hát của đảng lập ra là các đoàn Văn Công thì tồn tại. Ban Tuyên Huấn Thành Ủy và Sở VHTT bắt các nghệ sĩ đăng ký, viết tự khai lý lịch và chờ sự bố trí của Sở VHTT để được bố trí theo đoàn hát cải lương tập thể nào. Đoàn cải lương tập thể do cán bộ đảng viên CS làm trưởng đoàn, hoạt động theo sự chỉ huy của Phòng Văn Nghệ thuộc Sở VHTT thành phố.
Nhạc sĩ Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu) đăng ký nhưng các nhạc sĩ Bảy Bá, Năm Cơ, Văn Vĩ không được bố trí cho theo đoàn cải lương tập thể nào cả. Sau đó, các nghệ sĩ không ai biết Bảy Bá (Viễn Châu) đi đâu, ở đâu, làm gì. Lúc đó tâm trạng của nghệ sĩ và soạn giả giống như người tuy đi chung một xuồng nhưng khi chìm xuồng rồi thì mạnh ai nấy lội, tự mình lo cho thân mình, không ai đủ sức cứu vớt người khác.
Đến năm 1977, 3 năm sau cái ngày 30 tháng Tư đen tối, qua sự liên lạc giữa Sở VHTT TPHCM và Phòng VHTT quận Lộc Ninh, người ta biết Viễn Châu về quận Lộc Ninh ở ẩn. Anh sống như một ẩn sĩ vô danh, một người làm vườn trồng cây đu đủ và cây thuốc lá, bán để đủ tiền sống qua ngày. Anh không tham gia đàn ca với các nhóm nghệ sĩ trong Ban Văn nghệ Tuyên truyền của Phòng Văn nghệ Thông tin của quận Lộc Ninh.
Tết năm 1977, anh được 54 tuổi, tự mình có hai câu đối:
Năm mươi bốn xuân xanh, thương bạn, thương mình, thương chủng tộc,
Một phần tư thế kỷ, nợ thơ, nợ nhạc, nợ văn chương
Trước mái nhà tranh nơi anh sống ẩn dật, anh dán hai câu đối nhân dịp Tết:
Lá biếc, trời xanh, xuân trẻ mãi,
Sương mù, đất đỏ, tuổi già thêm
Và anh tỏ lòng thâm trầm trước cảnh đẹp của mùa Xuân:
Gió Tết thoảng hương trầm, lá biếc mơn man tình nghệ sĩ,
Đàn xuân reo ý nhạc, hoa đào ve vuốt tứ văn nhân
Anh không sáng tác vọng cổ tuy anh đã từng viết trên 2000 bài vọng cổ trước năm 1975. Thời gian làm ẩn sĩ ở Lộc Ninh, anh sáng tác một bài thơ tâm sự của anh:
Mưa lạnh run run gió dật dờ
Thành đô bỗng chốc hóa tiêu sơ
Đôi dây khoan nhặt cười ray rứt
Năm ngón cung thương khóc sững sờ
Tháng lụn năm tàn già héo hắt
Quê người xứ lạ trẻ bơ vơ
Chiều nay có kẻ nhiều tâm sự
Nước mắt hòa trong nhạc với thơ
Bài thơ nầy soạn giả Viễn Châu bày tỏ nỗi lòng: câu thơ “Thành đô bỗng chốc hóa tiêu sơ” là chỉ thành phố Saigòn hòn ngọc Viễn đông bỗng chốc tan nát tiêu sơ…
Hai câu thơ: “Đôi dây khoan nhặt cười ray rứt” và “Năm ngón cung thương khóc sững sờ”. Cười ray rứt là sao? Tức nhiên là bề ngoài tưởng như cười khi đờn nhưng trong lòng thì ray rứt đau thương. “Khóc sững sờ”: khóc thương nhưng vẫn còn bất ngờ, sững sờ trước sự mất mát quá mau lẹ và đau đớn của quê hương, của đô thành Saigòn.
Câu “Quê người xứ trẻ bơ vơ” chỉ rõ là anh có một đứa con trai theo dòng người di tản, anh không biết con của mình bơ vơ lạc lõng nơi đâu (sau này mới biết cháu định cư nơi nước Đức.)
Bài thơ trên bày tỏ nỗi lòng của một kẻ sĩ trước thảm cảnh của quê hương, thử hỏi những văn nghệ sĩ cùng lứa với anh, cùng hoàn cảnh với Viễn Châu, có mấy ai đã khóc cho thành đô bỗng chốc hóa tiêu sơ?
Lại còn một chuyện đáng suy ngẫm về Viễn Châu. Viễn Châu có tài làm các câu đối để tặng các bạn tri kỷ tri âm. Ngày 18 tháng 4 năm 1974, khi nữ nghệ sĩ Thanh Hương qua đời, khán giả tiếc thương nữ danh ca từng ca bài “Cô Bán Đèn Hoa Giấy” do hãng dĩa Hồng Hoa thực hiện, trong tang lễ, trước hàng trăm khán giả ái mộ Thanh Hương, anh Viễn Châu đọc hai câu đối, tưởng niệm Thanh Hương:
Ba mươi sáu xuân xanh, Không tiền không bạc, không cửa không nhà, Nghiệp cầm ca – trót vướng nên mang, kiếp trước trời còn đày nghệ sĩ!
Mười mấy năm lận đận, Trả phấn son, trả lời ca tiếng nhạc, Nợ sân khấu đã vay phải trả, đời sau ai có nhớ Thanh Hương?
Khi vợ anh Bảy Nhiêu mất (Bảy Nhiêu là nghệ sĩ tiền phong, phụ thân của hai nữ nghệ sĩ Kim Cúc, Kim Lan đoàn Việt kịch Năm Châu ) khi đưa chị Bảy đi an táng ở Nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp, gặp anh Bảy Nhiêu, anh Viễn Châu làm hai câu đối tặng cho Bảy Nhiêu:
Chọn cuộc đời gạo chợ nước sông, từ Nam Phương đến Việt Kịch Năm Châu, tuổi trẻ bao phen cười thế sự.
Vương lấy nghiệp ăn quán ngủ đình, từ Tân Định lên Nghĩa Trang Nghệ sĩ, lệ già mấy bận khóc ly tan.
Nam Phương là tên gánh hát của ông Bảy Nhiêu thành lập. Việt Kịch Năm Châu là tên gánh hát của ông Năm Châu (rể của ông Bảy Nhiêu). Tân Định là nơi có Đình Phú Hòa, chỗ Bảy NHiêu lập quán cà phê khi về già xa rời sân khấu. Nghĩa Trang Nghệ Sĩ là nơi an táng bà Bảy Nhiêu.
Năm 1978, nghệ sĩ Năm Châu mất, anh Viễn Châu viết hai câu đối khi đến viếng tang lễ ông Nguyễn Thành Châu:
Dân Chúng Trước Pháp Trường, Thiên Thần Áo Trắng bơ vơ, sầu bạn cũ để Tơ Vương Đến Thác.
Tuyết Băng Và Bạo Lực, Hồn Bướm Mơ Tiên lãng đãng, nhớ người xưa khi Sân Khấu Về Khuya.
Dân Chúng Trước Pháp Trường, Thiên Thần Áo Trắng, Tơ Vương Đến Thác, Tuyết Băng Và Bạo Lực, Hồn Bướm Mơ Tiên, Sân Khấu Về Khuya là những vở tuồng của Nguyễn Thành Châu sáng tác.
Năm 1987, khi nghe tin ký giả Trần Tấn Quốc, người sáng lập Giải Thanh Tâm (huy chương vàng nghệ sĩ) qua đời tại quận Cao Lãnh, Viễn Châu tặng hai câu đối:
Công Nhân, Buổi Sáng, Tiếng Dội, Đuốc Nhà Nam, Giải Thanh Tâm gắng sức vun bồi, duyên bút mặc, nghiệp văn chương, xếp lại hành trang, đất Cao Lãnh, bao năm dài bao luyến tiếc.
Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Lê Thị Phỉ, Làng Ca Kịch góp phần tô điểm, nợ phấn son, tình sân khấu, tàn rồi mộng ước, sông Đình Trung, mấy khúc mấy u sầu.
Gặp đồng nghiệp nhạc sĩ Vũy Chỗ, người có ngón đàn tranh tươi mượt mà như Bảy Bá, anh Viễn Châu tặng bạn hai câu đối:
Gật gù chén rượu Lưu Linh, giấc ngủ còn mơ Mai Quế Lộ.
Réo rắt cung đàn Tư Mã, đường đời chưa gặp Trác Văn Quân.
Nhân đoàn hát lưu diễn ở Hậu Giang, một đêm gặp bạn ở Sa Đéc, vui cùng ngón đờn câu ca, anh tặng bạn hai câu đối:
Đàn Tư Mã, Bút Đông Pha, giòng nước Sa Giang tràn kỷ niệm.
Rượu Đào Tiên, Thơ Lý Bạch, mảnh trăng Đồng Tháp rọi tâm tư.
Khi anh đờn cho đoàn Cải Lương 2-84 (đoàn hát được thành lập tháng 2 năm 1984), cán bộ Trưởng đoàn và ông Phó Giám đốc Sở VHTT gặp riêng Viễn Châu, đề nghị anh sáng tác vọng cổ đề tài cách mạng và yêu cầu anh viết vài câu đối để tưởng niệm ông Hồ, thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông Võ Nguyên Giáp, anh Viễn Châu nói đề tài cách mạng khó viết, anh không dám viết vì sợ không hay. Về câu đối khen ngợi lãnh tụ như các ông cầm quyền ở Sở VHTT yêu cầu thì Viễn CHâu nói là không am hiểu những hoạt động cách mạng của lãnh tụ nên sợ viết có nhiều sai phạm. Và để khỏi bị quy về tư tưởng chống đối, anh hứa sẽ nghiên cứu tài liệu, khi thấm nhuần tư tưởng cách mạng, anh sẽ viết câu đối theo yêu cầu.
Cho tới chết, Viễn Châu vẫn không thấm nhuần tư tưởng cách mạng nên không sáng tác được theo yêu cầu của những ông cầm quyền trong Sở VHTT. Trước năm 1975, Viễn Châu viết hơn 2.000 bài vọng cổ, và sau 1975, anh từng viết vọng cổ Mùa Xuân Đất Khách theo yêu cầu của Trần Văn Trạch tặng cho anh Trần Văn Khê, bài vọng cổ Khóc Thanh Nga và bài Tâm Sự Hữu Phước theo lời yêu cầu của Hữu Phước, bài vọng cổ Giã từ Sân Khấu theo yêu cầu của Thành Được. Viễn Châu cũng viết vọng cổ theo yêu cầu của ca sĩ Thanh Tuyền kỷ niệm 36 năm trong nghiệp cầm ca và nhiều bài vọng cổ cho các nghệ sĩ trẻ thành danh sau năm 1975.
Phải hiểu tâm tình của Kẻ Sĩ Viễn Châu mới biết vì sao, sau năm 1975 Viễn Châu không viết được những bài vọng cổ theo yêu cầu của những người có quyền trong lãnh vực làm việc kiếm cơm của Viễn Châu.
Nhớ và phục tài “viết… lách” của bạn già Viễn Châu.
SG Nguyễn Phương