‘Chuyện làm ăn không liên quan chính trị’
Ông Pranab Mukherjee vừa kết thúc chuyến thăm bốn ngày tới Việt Nam
Báo chí Ấn Độ tường thuật lại thông điệp mà họ cho là khá mạnh mẽ của ông tổng thống gửi tới Bắc Kinh, được đưa ra một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “không ủng hộ” việc tập đoàn dầu khí ONGC tiếp tục thăm dò tại vùng biển mà Trung Quốc nói là khu vực tranh chấp.
Khi được yêu cầu phản hồi về chỉ trích này, Tổng thống Mukherjee nói Ấn Độ không bình luận về các vấn đề chủ quyền liên quan tới Biển Đông. Ông nói với các phóng viên: “Một điều cần nhớ là tập đoàn OVL (ONGC Videsh Ltd) đã thăm dò ở Biển Đông từ năm 1988. Đây chỉ là hoạt động kinh doanh”. “Không nên có bất cứ suy diễn chính trị gì khi nhìn vào việc này.” Ông tổng thống nói: “Chúng tôi không đưa ra bình luận về chủ đề tranh cãi liên quan chủ quyền ở Biển Đông vì đó là việc của các quốc gia cùng chia sẻ lãnh thổ tại Biển Đông”. Ông Mukherjee vừa có chuyến thăm bốn ngày tới Việt Nam, ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Ấn Độ.
‘Nằm trong vùng biển của Việt Nam’
Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Dharmendra Pradhan, người tháp tùng ông tổng thống trong chuyến đi Viết Nam, nói với các nhà báo rằng các lô dầu khí mà ONGC thăm dò nằm hoàn toàn trong vùng biển của Việt Nam, chứ không thuộc khu vực tranh chấp. “Việt Nam mời thầu bảy lô. Tất cả đều nằm trong ranh giới lãnh thổ của Việt Nam và không rơi vào trong đường chín đoạn [đường yêu sách chủ quyền của Trung Quốc].” Ông Pradhan cũng nói tập đoàn dầu của Ấn Độ là “đơn vị kinh doanh”. Họ đã cân nhắc các dữ liệu thu được trong 10 ngày để đưa ra kết luận là chỉ có ba hoặc bốn lô là có tiềm năng thăm dò.
“Chúng tôi rất phấn khởi về việc này.” Trước đó, Tổng thống Pranab Mukherjee nói chuyến thăm của ông tới Việt Nam không có liên quan gì tới chuyến thăm Ấn Độ của chủ tịch Trung Quốc. “Đây là hai việc khác hẳn nhau và không có gì liên quan”. Ông khẳng định chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với mỗi nước là hoàn toàn độc lập. Theo ông tổng thống, tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình, theo luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực. Trong thông cáo chung Việt-Ấn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Mukherjee, hai bên kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.