Chuyện lạ nhân kỳ bầu cử ở Anh

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyện lạ nhân kỳ bầu cử ở Anh

Theo BBC – Nguyễn Giang – Sáng thứ Năm 7/05, trên đường từ nhà ra ga xe lửa đi làm, tôi rẽ vào phòng bỏ phiếu tại Dartford để thực hiện nghĩa vụ cử tri.

Hệt như lần bầu cử trước, phòng phiếu (polling station) chính trường tiểu học ở York Road, cũng vẫn một cái bàn với ba nhân viên ban tổ chức và sáu quầy có bàn cao để đánh dấu tên ứng viên. Cảnh trí bình dị, và cử tri cũng vội vào bỏ phiếu rồi im lặng quay ra đi làm. Tôi từng sang Indonesia và chứng kiến các cuộc vận động tranh cử rất ồn ào ở những khu thương xá lớn. Bạn bè Ấn Độ của tôi cũng kể tại xứ họ, bầu cử ở Ấn Độ là ngày hội sôi động, với người dân nhảy múa, chơi đàn nhạc ngoài phố. Ở xứ sương mù một sáng nắng đẹp thì không thế. Nếu có điều lạ thì là sự lựa chọn điểm bỏ phiếu: có khi là là trường học, trạm cứu hỏa, phòng thi đấu thể thao, thậm chí nhà quàn. Trong căn phòng bỏ phiếu thật lặng yên, tôi và đôi ba người xếp hàng ghi danh rồi nhận hai phiếu bầu: màu trắng bầu cho dân biểu vào Quốc hội Vương quốc Anh với đôi ba tên họ để chọn một, và màu vàng cho bầu cử địa hạt. Tôi sẽ nói vì sao Anh lại lấy thứ Năm đầu tiên của tháng 5 làm ngày tổng tuyển cử và chế độ chọn một ứng cử viên vào Hạ viện ở Westminster có hệ lụy chính trị ra sao ở phần sau.

Bút chì và chó mèo

Nhưng trước mắt là tôi cần chọn và đánh dấu phiếu, sau đó quay ra cho hai lá phiếu vào hai thùng, một có chữ General (Tổng tuyển cử), một là Local (Địa phương). Và đây là điều bạn có thể thấy ngạc nhiên: cử tri Anh dùng bút chì đánh dấu chữ X bên cạnh họ tên người mình muốn bầu. Chỉ riêng chuyện này khiến ta có thể thấy Anh Quốc coi bầu cử là chuyện rất nhẹ nhàng.

              Bạn có thể dắt chó vào phòng bỏ phiếu ở Anh        

Vì một anh bạn châu Mỹ La Tinh ở BBC nói với tôi, bút chì thì tẩy xóa quá dễ nhỉ. Ở một số nước người ta chẳng phải dùng máy đục lỗ phiếu bầu cho chắc chắn là không sai, không bị tẩy xóa đấy sao? Nhưng nền dân chủ Anh có tuổi cao bậc nhất thế giới lại hoàn toàn tin tưởng vào các cá nhân hướng dẫn ở phòng phiếu và cả người đếm phiếu. Thậm chí khi bước vào bàn nhận phiếu cử tri, tôi cũng chẳng mang theo giấy tờ, căn cước gì, mà chỉ cầm theo mảnh giấy chính quyền đã gửi về nhà từ trước. Một bà người Anh lần trong danh sách và tìm họ ‘Nguyễn’ của tôi. Sau khi thấy nó khớp với cả họ tên trên mảnh giấy báo, bà cười hỏi vui, hỏi ‘Họ tên ông đọc như thế nào nhỉ?” và đánh dấu vào đó, cũng bằng bút chì, coi như tôi đã đăng ký bầu cử. Văn hóa xã hội dân sự là đây. Và Anh Quốc không thể không có những điều hơi kỳ dị, cho thấy truyền thống đặt nhu cầu cá nhân của công dân lên trên tính nghiêm trang đến nghẹt thở ở các xứ khác. Ví dụ cử tri Anh hoàn toàn có thể dắt cả chó mèo nếu muốn khi đến vào phòng bỏ phiếu. Ở một số vùng quê, người đi bỏ phiếu có thể cưỡi ngựa tới ‘polling station’ nhưng phải buộc ngựa ở ngoài. Ôm các con thú nhỏ khác như thỏ, chuột bạch, heo…vào điểm bầu cử cũng chẳng sao. Với thú vật nuôi là thế nhưng với người lại khác. Bạn phải vào quầy bỏ phiếu bầu một mình và không được tranh cãi về chính trị với vợ, chồng, con cái hay thân nhân, bạn bè ̣đi cùng. Tức là cần giữ yên lặng và tôn trọng quyền ‘mỗi người một lá phiếu’.

Điểm bầu cử có khi là phòng thi đấu thể thao                    

Bạn cũng có thể chụp selfie trong buồng phiếu nhưng không được chụp người khác. Thậm chí sự yên lặng cũng chỉ là tương đối. Cử tri có thể đeo máy nghe nhạc, thậm chí chơi nhạc nhưng chỉ cần không quá to, không ảnh hưởng đến người khác. Họ cũng phải giữ âm thanh không to để còn nghe được nhân viên trong ban tổ chức phòng phiếu nói gì. Tóm lại là rất thực tiễn, đi bỏ phiếu thì cứ đi và có nhu cầu, thú vui cá nhân gì cứ tiếp tục, miễn là đừng làm phiền ai. Một điểm tranh cãi tôi xin nêu ra chính là ngày bỏ phiếu. Rất nhiều nước lấy ngày thứ Bảy và Chủ Nhật cho tổng tuyển cử. Có nhà báo Úc sáng nay còn viết trên trang The Guardian rằng bầu cử ở xứ Down Under luôn vào cuối tuần để cả cộng đồng địa phương gặp ra vui vẻ, giao lưu ngay tại điểm bỏ phiếu.

Bầu cử giữa tuần

Riêng Anh chọn thứ Năm, vì lý do cũng khá cổ xưa và có liên quan đến đồng tiền bát gạo của xã hội. Người ta tính rằng bầu thứ Năm, đếm phiếu suốt đêm thì chậm nhất đến hết ngày thứ Sáu phải rõ ra đảng nào thắng cử. Cả nước yên tâm có hai ngày cuối tuần nghỉ ngơi và đến thứ Hai tuần sau, thị trường chứng khoán có thể biết chính phủ mới mặt mũi ra sao để tiếp tục buôn bán, không bị xáo trộn. Thực dụng đến thế là cùng.

Bầu cử ở Ấn Độ là ngày hội sôi động, khác hẳn cảnh yên lặng tại Anh

Nhưng nay, cách tổ chức chọn ngày ‘gần cuối tuần’ để bỏ phiếu cũng bị phê phán là hơi lỗi thời. Ngày xưa Anh chỉ có hai đảng nên việc thắng thua khá dễ định đoạt. Nay có tới bảy đảng tranh nhau vào Điện Westminster, sau bầu cử có lập được chính phủ chắc cũng mất cả tuần, cả tháng. Và thị trường chứng khoán ngày nay cũng đã hoạt động điện tử 24/7, không còn chịu tác động chỉ của một hai sự kiện chính trị trong tuần như trước. Điểm gây tranh luận nữa là chế độ bầu vào nghị viện ‘first-past-the-post’ (FPTP), tức là chỉ các cử tri chỉ bỏ phiếu cho đúng một ứng viên mình ủng hộ, và không có chuyện chia phiếu cho các ứng viên khác hay đảng khác nhau. Ứng viên nào nhiều phiếu nhất, kể cả hơn một phiếu so với người thứ nhì là vào Quốc hội, mọi người khác coi như rớt đài. Đúng là như môn boxing cũng từ Anh Quốc mà ra: sau trận đấu chỉ có nhà vô địch, không có giải nhì. Hệ thống của Anh có ưu điểm là đơn giản, dễ hiểu nhưng bị phê phán là thiên vị cho các đảng lớn, loại các đảng nhỏ khỏi chính trường ở cấp trung ương. Vì ngoài cách này, các nước khác còn có chế độ bỏ phiếu chẳng hạn ‘block vote’, cho chọn danh sách ‘cả chùm’ cho một đảng hoặc ‘alternative vote’, ‘suplementary vote’ cho điểm các ứng viên, ví dụ từ 1 đến 3 hoặc 1 đến 10…

Lâu đài Westminster là trụ sở Nghị viện Anh

Có lẽ cũng vì thế mà ở trung ương thì Anh cho bỏ phiếu kiểu ‘được ăn cả, ngã về không’ nhằm tạo ra chính phủ mạnh, nhưng bầu thị trưởng London lại áp dụng chế độ cho điểm nhiều ứng viên. Phải chăng đó là để dân chủ cấp cơ sở sôi động hơn và đại diện rộng rãi hơn cho các tầng lớp dân chúng? Nói gì thì nói, việc cải tổ chế độ bầu bán chắc không dễ, vì các quyền lợi lâu bền của các đảng phái. Nỗ lực cải cách, giảm số thành viên Thượng nghị viện mấy năm qua cũng không thành. Cơ quan này, vốn là Viện Nguyên lão cổ kính, đã có số thành viên 845 người và số vị được phong tặng các tước Lord, Baroness mỗi dịp xuân thu nhị kỳ vẫn tăng đều. Tôi chợt nhớ ra đến bản hiến pháp nước Anh còn chưa buồn ghi xuống thành văn