Chuyện giải buồn: Quê hương là chùm khế ngọt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyện giải buồn: Quê hương là chùm khế ngọt

 

Mai Vân Các (Danlambao) –  Cách nay mấy chục năm, có một bài thơ rất hay, rất dễ thương nay chợt nảy ra trong đầu óc bắt dầu lú lẫn của tôi nên tôi chỉ nhớ câu được câu chăng, ngay cả tác giả của bài thơ tôi cũng không nhớ, chỉ biết là họ Đỗ. Tôi thích bài thơ lắm và nghĩ trừ các bậc đại thi hào ra không ai viết được hay như thế. 
Thú thực hồi bài thơ ra đời, tôi đạp xích lô chạy ngược chạy xuôi vắt giò lên cổ không đủ tiền mua bo bo từ cửa hàng quốc doanh về nuôi 6 cái tàu há mồm chờ sẵn ở nhà thì làm sao nhớ nổi thơ với thẩn. Hai câu hay nhất tôi nhớ được – không biết có đúng nguyên văn hay không, xin Đỗ đại thi hào bỏ qua – như sau:
Quê hương là chùm khế ngọt 
Tranh nhau leo hái mỗi ngày. 
Người ta bảo: “Chua như khế, chát như sung” hay: “Trèo lên cây khế nửa ngày, ai làm chua xót lòng mày khế ơi.” mà Đỗ đại thi hào lại ca tụng quê hương là chùm khế ngọt.
Lạ thật.
Nhưng sự thật thì như thế. Cách nay hai trăm năm cụ Nguyễn Du viết: “Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” Bể còn thành nương dâu thì khế chua thành khế ngọt là điều dễ hiểu.
Sau khi được Đỗ đại thi hào báo cho biết khế Việt Nam bây giờ ngọt lắm, người trong nước tranh giành nhau hái làm kẻ biêu đầu, kẻ sứt tai, kẻ lọi giò, kẻ mất mạng!
Nhưng không thiếu những người lanh tay, nhất là biết leo trèo giỏi nếu không trở thành phú gia địch quốc thì cũng vào hàng phú hộ nhà cao cửa rộng, lụa là, vàng bạc tích chứa không biết bao nhiêu mà kể.
Chẳng những người Việt mình thích ăn mà người Tàu cũng mê khế ngọt Việt Nam.
Chuyện là thế này: Có mấy người Việt sang thăm bạn bè ở tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Quốc. Ngoài phẩm vật thường lệ đem tặng còn có mấy chùm khế ngọt. Người Trung Quốc ở Tứ Xuyên ăn thấy ngon, ngọt, mát, bổ dưỡng, da dẻ hồng hào tươi trè giống những quả đào tiên mà ngày xưa Tôn ngộ Không – trong Tây Du Ký – hình như biến thành con chim mỏ ác vặt trong vườn đào để dâng lên Tam Tạng. Nhờ đó Tam Tạng chẳng những đủ sức khỏe đi tới Tây Trúc thỉnh kinh đem về mà còn sống tới 500 tuổi, suốt ngày ngồi dịch kinh nhà Phật ta tiếng Hoa.
Chẳng bao lâu khế ngọt, bổ mát Việt Nam đồn thổi tới Bắc Kinh. Người ta còn đồn rằng ngày xưa các đạo sĩ không luyện được thuốc trườ̀ng sanh cho Tần đế vì thiếu vị khế ngọt . Các đại sử gia Trung Quốc bèn mở sử sách ra nghiên cứu thấy ghi Tần Thủy Hoàng, cách nay hơn 2.200 năm, sai các đạo sĩ luyện linh đan uống để trở thành bất tử. Các đạo sĩ tâu rằng luyện linh đan cần 18 vị thuốc. Mười bảy vị đã kiếm được, vị thứ 18 là khế ngọt ở Trung Nguyên không có, cần phải đi kiếm. Tần Đế hỏi kiếm ở đâu? Các đạo sĩ tâu nghe nói trên các đảo ngoài biển có thể có khế ngọt, xin cho đi kiếm. Sau khi được chuẩn y, các đạo sĩ ra tới các đảo Bành Hồ, Đài Loan kiếm không có, đành đi về phía đông nam là đảo Hải Nam bây giờ chỉ thấy toàn khế chua loè.
Thế là thuốc trường sinh không luyện được, vua Tần chết yểu! Đáng tiếc cho người Tàu, một ông vua tiếng tăm như thế mà phải chết non.
Những khám phá của các đại sử gia được đăng tải rộng rãi trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác làm những phú hộ ở Bắc Kinh sai gia nhân đi về phương nam kiếm khế ngọt cho bằng được mang về. Thế là thêm một dòng người đông đảo tràn vào đất Việt tìm khế.
Lúc đầu người Tàu tìm khế dưới miền đồng bằng, sau kéo nhau lên tìm ở vùng Tây Nguyên Đắk Nông, Đắk Lắk núi đồi hiểm hóc, muỗi như sung thiêu đốt cũng không sờn lòng. Người Việt và người Tàu còn kéo nhau ra cả những hòn đảo xa xôi ngoài Biển Đông, tranh giành chí chóe, đâm chém nhau chết nhiều lắm.
Người ta kể thêm rằng những kẻ chết xuống âm phủ lập phe này nhóm nọ kiện cáo nhau khiến Diêm vương sai phán quan lập phiên toà xét xử. Khi tang vật được dâng lên, vị phán quan có bộ mặt sắt đen sì cầm một quả khế ngọt nếm thử bèn phán ngay lập tức:
– Chỉ vì mấy quả khế này mà chúng bay đâm chém nhau, đem nhau tới đây làm mất thì giờ của bổn tòa. Tịch thu hết, cất vào kho. Đem tất cả bọn này nhốt vào ngục!
Phán lệnh được thi hành ngay. Một người đàn bà cùng với mấy thanh niên mặt cũng đen sì như vị phán quan bưng hết khế bỏ vào kho!
Trời sinh ra khế ngọt làm chi cho nhân gian kẻ thì giàu sang, kẻ thì khốn khổ. Và hỡi Đỗ đại thi hào, người viết bài thơ năm trước, đang ở đâu bây giờ?
30.05.2018