‘Chúng ta không thể ứng xử như vô can’

Cac Bai Khac

No sub-categories

‘Chúng ta không thể ứng xử như vô can’

BBC
24/09/2017

Đổi mới ở Việt Nam
Image captionTiến sỹ Nguyễn Quang A (giữa) và Tiến sỹ Lê Đăng Doanh trong một trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt thượng tuần tháng 9/2017 tại Budapest.
Việt Nam đang chịu nhiều áp lực và sức ép từ quốc tế, trong lúc các vụ việc Trịnh Xuân Thanh và Trịnh Vĩnh Bình đặt ra những câu hỏi về uy tín, niềm tin của nhà đầu tư tới Việt Nam, trong bối cảnh đầy ‘gánh nặng’ ấy, Chính phủ không thể tiếp tục ‘ứng xử như vô can’ và ‘không biết gì’, ý kiến từ giới chuyên gia và quan sát chính trị nội bộ Việt Nam nói với BBC.
“Trước hết là tình hình quốc tế với sức ép và tác động của hai vụ Trịnh Xuân Thanh và Trịnh Vĩnh Bình đối với uy tín, niềm tin của các nhà đầu tư,” Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên Ban cố vấn Chính phủ Việt Nam thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải nói với BBC trong một phỏng vấn thượng tuần tháng 9/2017.
“Tất cả những điều đó là một gánh nặng đối với chính phủ Việt Nam và chúng ta không thể tiếp tục ứng xử như chúng ta không biết gì và chúng ta vô can. Theo tôi điều đó là không thích hợp.”
“Còn trong nước, tình hình kinh tế, xã hội hiện nay đòi hỏi cấp bách là cải cách thể chế, phải thật sự công khai minh bạch, phải tôn trọng pháp luật, phải có trách nhiệm giải trình, những ai quyết định những việc gì thì phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính, về mặt tài chính, về mặt hình sự đối với tất cả những tác động đã gây ra.
“Và trước mắt cần phải cải cách bộ máy, tránh sự trùng lặp. tránh biên chế phình ra quá cao, tránh các chi tiêu ngân sách một cách lãng phí.” nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

TS. Lê Đăng Doanh bình về quan hệ Đức – Việt và Hội nghị Trung ương 6.
Còn theo Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nút thắt quan trọng nhất cần lưu ý với Việt Nam hiện nay là vấn đề tôn trọng pháp luật, ông nói:
“Cả chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình lẫn vụ ông Trịnh Xuân Thanh chúng ta có thể thấy rằng chính cơ quan nhà nước và một số người nào đó trong cơ quan nhà nước đã vi phạm luật pháp một cách rất trắng trợn, không chỉ luật pháp Việt Nam mà cả luật pháp quốc tế.
“Người dân Việt Nam phải lên tiếng đòi chính các cơ quan nhà nước, đòi chính những quan chức nhà nước phải tôn trọng luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
“Nếu họ thật sự tôn trọng luật pháp thì tôi nghĩ rằng đã thành công 2/3 của việc đổi mới lần thứ hai.”

‘Cấm đoán sẽ không có hiệu lực’

Một thách thức rất lớn khác với Việt Nam trong thời gian sắp tới được Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông nói:
“Hiện nay thông tin trở thành tài sản quan trọng nhất đối với nền kinh tế và đối với mỗi con người.
“Vì vậy nhà nước cần phải tìm cách một mặt bảo đảm luật pháp, bảo đảm lợi ích của xã hội, nhưng mặt khác cũng phải thừa nhận rằng việc hạn chế, việc cấm đoán sẽ trở nên không có hiệu lực trong thời gian sắp tới.
“Tôi rất hy vọng rằng nhà nước Việt Nam sẽ chuyển đổi, trở thành một nhà nước ủng hộ sự sáng tạo, ủng hộ sự thay đổi, ủng hộ sự đổi mới và ủng hộ tiến bộ khoa học công nghệ, tôn trọng và trọng dụng nhân tài,” nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nói với Quốc Phương của BBC tại Budapest, Hungary, hôm 01/9/2017.

Chuyên gia Phạm Chi Lan và GS. Chu Hào bình luận về phát triển và cải cách tư duy ở VN.