Chủng đột biến của virus corona có thể lây lan nhanh gấp 9 lần
Theo CNN, một nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về sự đột biến của chủng virus corona mới, khiến nó có thể lây lan nhanh gấp 9 lần so với trước đây. Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy chủng đột biến này có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell hôm 2/7 của các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Los Alamos, bang New Mexico, Mỹ đã chỉ ra rằng một phiên bản đột biến nhất định của virus đã lan rộng khắp toàn cầu, gần như thay thế hoàn toàn phiên bản đầu tiên. Các nhà nghiên cứu gọi đột biến mới là G614 thay cho D614 như trước đây.
Thông thường, có khoảng 1.300 axit amin đóng vai trò tạo thành protein trên bề mặt của virus. Trong virus đột biến, các hướng dẫn di truyền cho một trong số các axit amin đó – số 614 – đã chuyển đổi biến thể mới từ D (viết tắt của axit aspartic) sang loại G (viết tắt của glycine).
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm các mẫu virus được lấy từ các bệnh nhân trên khắp châu Âu và Mỹ và giải mã trình tự bộ gen. Sau đó, họ so sánh các trình tự bộ gen này với những gì được chia sẻ công khai.
G614 được xác định lần đầu xuất hiện ở Ý và có khả năng lây lan nhanh gấp từ 3 tới 9 lần so với D614. Các nhà khoa học nói rằng G614 dường như đã gần như thay thế hoàn toàn chủng đầu tiên lây tới châu Âu và Mỹ.
“Cho đến ngày 1/3/2020, biến thể G614 rất hiếm ở ngoài châu Âu, nhưng cuối tháng 3 nó đã có mặt khắp nơi trên thế giới”, báo cáo viết.
“Ngay cả khi chủng virus D614 đã khiến dịch bệnh lan rộng ở những nơi như Wales và Nottingham ở Anh, cũng như ở tiểu bang Washington, nhưng khi chủng G614 xuất hiện, nó đã dần ‘tiếp quản’ chủng cũ,” theo các nhà nghiên cứu.
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu chưa thể tìm ra được nguyên nhân vì sao chủng G614 lại trở thành chủng lây lan chính trên thế giới.
Nhà sinh vật học Bette Korber thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos và các đồng nghiệp viết trong nghiên cứu rằng “dữ liệu theo dõi toàn cầu của chúng tôi cho thấy biến thể G614 trong gai virus lây lan nhanh hơn so với D614… có nghĩa là virus có khả năng lây nhiễm cao hơn.”
Tuy nhiên, họ cho biết hiện chưa có bằng chứng rằng G614 sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Các nhà khoa học lo ngại rằng nếu đột biến mới làm cho virus phát triển nhanh hơn, hệ thống miễn dịch sẽ phải làm việc nhiều hơn để vô hiệu hóa nó.
Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để xem những thay đổi này có ý nghĩa gì đối với dịch bệnh và đối với bệnh nhân, đặc biệt là đối với việc tạo ra vắc-xin.
Tới thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới. Tính đến sáng ngày 5/7, thế giới đã có hơn 11,3 triệu người nhiễm virus corona, hơn 530 nghìn ca tử vong và hơn 6,4 triệu trường hợp hồi phục.
Tin Tổng hợp – 5/7/20