Chữ và Nghĩa!!

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chữ và Nghĩa!!

Bà con mình, già già cỡ tui, hồi xưa chắc điều biết các danh hài của sân khấu miền Nam mình như: hề râu Thanh Việt, hề nhựa Thanh Hoài, hề Tùng Lâm, hề Xuân Phát.

Mấy danh hài nầy có cách diễn, cách diễu rất duyên và rất riêng, không ai lẫn vào ai; không y chang, giống đồ hộp sản xuất hàng loạt danh hài như trong nước sau nầy.

Riêng hề Xuân Phát còn là soạn giả cải lương nữa đó. Đâu hồi ngàn chin trăm sáu mươi mấy gì đó, Xuân Phát viết tuồng ‘Tình Chú Thoòng’, chọc quê chú Ba Tàu có vợ Việt, diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương của bầu Xuân.

Nghệ sĩ Hùng Cường đóng vai chú Thoòng, xuống vọng cổ tiếng Việt, nhưng phát âm lơ lớ, bắt chước hịt Ba Tàu. “Ai có răng vàng pể bạc pể đồng hồ hư pán hông?” Làm khán giả cười rần.

Tuồng ăn khách quá xá, quà xa; hãng dĩa thâu âm, lần nầy Xuân Phát giành vai chú Thoòng lại cho mình, cũng bán chạy ầm ầm.

Xu hào rủng rỉnh nên soạn giả Xuân Phát hăng hái soạn thêm tuồng ‘Tình Anh Bảy Chà’ cũng na ná, chỉ chuyển từ chú Ba qua anh Bảy mà thôi. Nhưng lần nầy bị tổ trác (chắc ông quên cúng Tổ!)

Anh Bảy Chà do kép Thành Được đóng (chắc ngầm đua với kép Hùng Cường); cũng ca vọng cổ tiếng Việt nhưng giọng lơ lớ bắt chước hịt ‘Cà ri Chà’.

Tuồng cũng ăn khách tợn; vì bà con mình vốn dễ tính như chú Ba… Hà cái lầy xính xái, nó chọc mình mê gái Việt Nam, chổng khu làm bao nhiêu đưa cho em ăn hết (mà hổng làm vậy thì cách chi để đỉa đeo chân hạc cho được chớ?)

Xuân Phát cười mình ‘dại gái’ là viết đúng, chớ hổng có sai thì hà cái lầy cự cãi làm gì!

Nhưng hội Ấn Kiều lại hổng chịu cách Xuân Phát chọc quê như vậy, làm mất mặt bầu cua cả đám Chà Và. Không biết gì về ‘Chà Và’ mà dám viết tuồng ‘Anh Bảy Chà’ bá láp như vậy hả? Hăm đi thưa Xuân Phát ra ba tòa quan lớn.

Rét quá! Thôi để dĩ hòa vi quý, Xuân Phát viết thư xin lỗi hội Ấn Kiều; lỗi tại tôi muôn phần, vì chưa nghiên cứu kỹ văn hóa và tôn giáo của nước Ấn Độ bao la.

***

Nói nào ngay, tui ở Melbourne, thủ phủ đa văn hóa của tiểu bang Victoria, Úc Châu, có hà rầm Ấn Độ. Có đứa đội ‘turban’, để râu rìa, nói: “Tui là Sikh chớ không phải Ấn Độ.” Vậy Sikk ở đâu?  Nó nói ở gần Ấn Độ (He he!).

Rồi Ấn Độ Bombay; nhưng nghe giờ mấy ‘giả’ cử chữ ‘bom bay’ nầy rồi, (ghê quá mà) bèn đổi thành Mumbai. (Ối cái nào cũng ‘bai’ hết mà bày đặt đổi tới đổi lui chi cho nó mệt? Hưởn quá hè!)

Sihk không ăn thịt, chỉ ăn rau. Ấn Độ, đạo Bà La Môn (Hindu), không ăn thịt bò. Ấn Độ, đạo Hồi, không ăn thịt heo.

Người theo đạo Hồi trước khi giết trừu mần thịt, luôn làm nghi thức giống như bà con miền Tây mình trước khi cắt cổ gà, nấu cháo, xé phai, cũng lâm râm khấn vái cho ‘con gà’ kiếp sau nó đầu thai… thành ‘con vịt’.

Cái thịt đó gọi là ‘halah meat’. Không phải ‘halah meat’ nhứt định không mua. Nên có Chú Ba, từ đại lục gom được một mớ kha khá, bèn chạy trốn Hoàng đế Tập Cận Bình qua định cư vùng Coburg, phía Bắc thủ phủ Melbourne, nơi nhiều dân Thổ Nhỉ Kỳ (Turkey), Li Băng (Lebanon), toàn theo đạo Hồi, nên không ăn thịt heo; thịt mà chú Ba rất ‘hẩu xực’, coi là ‘quốc nhục’ (nhục là thịt chớ hổng phải nhục nhã đâu nhe bà con).

Chú Ba nầy bèn mở cái tiệm bán thịt heo. Nhưng ế nhệ hè. Nhìn qua bên đường, thấy một tay Thổ Nhỉ Kỳ bán thịt không kịp hở tay hè. Nhìn lên bảng quảng cáo của nó chú Ba thấy đề ‘Halah Meat’.

Sáng hôm sau, chú Ba khệ nệ khiêng cái bảng quảng cáo ‘Halah Pork’ đặt chình ình trước cửa tiệm mình để cạnh tranh câu khách. Đúng là ngu như heo!

***

Đó bà con thấy chưa, chữ và nghĩa nó quan trọng đường nào trong buôn bán, thương trường mà ngay cả trong chính trường cũng vậy.

Mới đây nè tờ ‘Wall Street Journal’ của Mỹ không biết có chơi chữ (ám chỉ hai ông thần thừ’ nầy chắc là bà con cật ruột cùng họ với nhau; nên gọi Tổng thống Nga là “Vladimir Trump”.  Sau đó, xin đính chính, do lỗi của thằng đánh máy, lộn họ Putin với họ Trump.

Có một chú Sam cũng rất thâm, đọc được, bèn đề nghị tên Tổng thống Mỹ nên viết nhầm là “Donald Putin” luôn đi.

(Xin phụ đề Việt ngữ! ‘Putin’ cắt thành hai âm ‘Pu’ và ‘tin’; nếu phát âm theo kiểu Mỹ, (‘pu; đồng âm với ‘poo’; nghĩa là cái hộp thiếc đựng cái gì thối lắm).

Ai nói mấy thằng Yankees cạn sợt, không có óc hài hước, hổng biết chọc quê thâm thúy như người Anh, Sir Winston Churchill, là lầm to đó.

***

Tóm lại, nếu nhờ chữ nghĩa để kiếm sống, tui xin mấy nhà văn mình nên cẩn tắc để vô áy náy. Vì nghề viết văn đâu có dễ như ăn cơm sườn; hổng sợ bị mắc xương. Lạng quạng là bị phang như thường.

Nhưng viết trật, bị phê bình gắt củ kiệu; hổng những mình phải chịu phép; mà còn cám ơn nhà phê bình đã chỉ cho mình chỗ trật để mình sửa lại cho trúng, chỗ sai để mình sửa lại cho nó hay.

Tác giả nhờ nhà phê bình, mới viết càng lúc càng ít rác. Viết văn, lựa chữ như đãi cát (trong bãi rác đời) để tìm những mảnh vàng nhỏ li ti hầu kết lại thành một đóa bông hồng vàng tươi thắm, dâng hiến cho người đọc.

Đa số những nhà phê bình, cầm cân nẩy mực như một quan tòa chánh trực, công minh. Nhà phê bình văn chương không phải là dân đá cá lăn dưa ở chợ Cầu Ông Lãnh. Chẳng bao giờ phê bình tác phẩm mà lại lôi tác giả ra chửi cha, mắng mẹ họ bao giờ.

Nhưng giờ trên mạng xã hội có biết bao nhiêu nhà phê bình nghiệp dư, hổng biết gì ráo; nhưng lên cơn ‘điên’; bởi mới bị bà xã xài xể một trận nặng nề, xài xể te tua, vì quên kéo thùng rác ra đường hay quên rửa chén; bèn lên trang mạng mắng chó chửi mèo cho đỡ tức. (Chớ sân si, cự nự lại ‘bà chằn’ ở nhà thì thằng cha râu quặp nầy đâu có dám).

Tui thường tôn kính một anh bạn văn như ngọn Thái sơn sừng sững, bởi kiến thức về miền Lục tỉnh quê mình, ổng chỉ chịu đứng hạng nhì, sau nhà văn Sơn Nam mà thôi.

Dẫu giỏi vậy nhưng chỉ vì chữ ‘Chà Và’ có một tay ăn nói cộc cằn, thô lỗ phạng ảnh thiếu điều lọi tay, hết muốn viết luôn.

Tay nầy chê ảnh dốt vì Chà Và không phải là Ấn Độ; mà là người đến từ Java thuộc Nam Dương. “Viết vậy mà dám nhận vơ là giáo viên!”

Đọc xong lời phê bình cà chớn, cà cháo. cà pháo nầy, ảnh tính cự cãi lại hỏi ai dốt hơn ai đây? Nhưng sau lại thôi; vì cãi lộn với cái đầu gối mình sướng hơn nhe.

Ảnh phân tích rằng: Miền Nam mình, hồi xưa, ai dạy trung học được gọi là ‘giáo sư’ chớ không phải là ‘giáo viên’ như ở miền Bắc CS.

Hai là động từ ‘nhận vơ’ người miền Nam hổng có xài. Cùng nghĩa, bà con mình dùng chữ ‘nhận ẩu’; ai khoái chơi từ Hán Việt thì xài chữ ‘mạo danh’.

Từ những chi tiết nầy, ảnh đoán cái tay phạng ảnh thẳng cánh, chắc là ‘Ba ke 2 nút’, được giáo dục nhồi sọ trong môi trường giáo dục miền Bắc XHCH ngu dốt nên tự ti mặc cảm bèn ra vẻ ta đây.

Cái chế độ miền Nam, các nhà văn miền Nam, đều bị tụi nó đem đi nhốt, hoặc dè bỉu, chê bai hết ráo; chớ đâu phải riêng cá nhân tui mà hưởn đâu đi cãi lộn với một đứa hổng được khôn!

“Trước khi chê tui dốt, sao ‘giả’ hỗng chịu tra tự điển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa: người Chà ở cù lao Java (Nam Dương) đang sinh sống ở Việt Nam, nghĩa rộng chỉ chung người da đen, gốc Ấn Ðộ, Malaysia hay Indonesia tới sống ở Việt Nam!”

Bạn mình nói là mình phải vuốt đuôi, phụ họa chớ. Anh nói đúng đó! Vì đa phần người Châu Á, da ngăm ngăm, đến nước mình sinh sống là Ấn Độ.

Quê tui nè, Mỹ Tho nhỏ xíu hè, vậy mà anh chạy qua cầu quay về hướng Gò Công, gần chợ Cũ cũng thấy có cái nghĩa địa Ấn Kiều đó.

Rồi còn người Chăm, tức người Chiêm Thành, con cháu của Chế Bồng Nga, sau khi bị Đại Việt thôn tính, chạy tùm lum, tùm la qua Miên rồi về Châu Giang, Châu Đốc.

Người Việt gọi những người Chăm mất nước đó là ‘Chà Châu Giang’. Gọi như vậy không phải phân biệt chủng tộc hay kỳ thị gì hết ráo; bởi dân miền sông nước Nam Kỳ mà: chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn. Hưởn đâu mà ‘xỉa xói’ người có màu da đen hơn mình chút đỉnh chớ?

Nếu có là buồn buồn chọc ghẹo nhau chơi cho vui; chớ không hề ác ý như: “Chà và, ma ní tí te. Cái bụng thè lè, con mắt ốc bươu” hoặc “Chà và ma ní tí te. Hàm răng trắng nhách, con… đen thùi”.

Những người Chà Và (Ấn, Chàm…) đó sống chan hòa với bà con người Việt từ miền Trung vào; bà con người Minh Hương, phản Thanh phục Minh thất bại, chạy qua; rồi bà con Khmer đã bao đời sống trên vùng Thủy Chân Lạp.

Chỉ đến khi miền Nam sụp đổ, dưới sự áp bức của CS Bắc Việt, thì anh Bảy Chà chạy trước (vì họ còn giữ quốc tịch Anh hoặc Pháp). Rồi đến chú Ba bị đánh tư sản, mất nhà cửa cơ nghiệp, cũng chạy. Sau rốt tới người Việt mình, vì mất tự do, cũng chạy luôn ra biển.

***

Nghe tui phân trần phải trái như vậy anh bạn văn cũng đổi giận làm vui. Nhậu mà cái mặt chầm vầm, hổng vui, uống rượu bộ uống thuốc độc hay sao?

Tui bèn nịnh thêm vài câu cho anh mát dạ, hạ hỏa. Tui phục tài anh lắm. dùng câu nào ra câu nấy, chữ nghĩa sáng trong.

Nhưng mới đây tui đọc ông thần nầy chỉ vài câu (văn hay đâu nệ ngắn dài!) mà thấy cách dùng chữ cũng hay như anh vậy.

Tả cơn bão số 9, rớt ở Sài Gòn, ổng tường trình như vầy nè: “Đường Kha Vạn Cân; ngập tới chân.Đường Huỳnh Thúc Kháng; ngập tới háng. Đường Khương Hữu Dụng; ngập tới bụng. Đường Trần Phú; ngập tới vú. Đường Phạm Văn Hai; ngập tới vai. Đường Nguyễn Thị Minh Khai; ngập tới tai (Cha ‘khai’ dữ nghe vì lỗ tai gần cái lỗ mũi).  Đường Cao Văn Lầu ngập tới đầu. Đường Võ Thị Sáu ngập hết ráo…”(Nghĩa là ngập từ chân lên tới đầu).

Tên đường toàn là ‘Vi- Xi’ không hè! Mà còn hay hơn nữa! Đường Trần Đình Xu ngập tới… và đường Vân Đồn ngập tới…

Tác giả không chịu viết ra cái ‘ba chấm chấm’ nầy mà ai cũng hiểu; không có người không hiểu.

Thiệt hổng biết ổng muốn ăn gì để tui cúng… He he!

đoàn xuân thu.

melbourne