Chủ Trương 3 Không Của CSVN
Trong chủ trương ngoại giao “làm bạn với tất cả các nước”, thì Ấn Độ nghiễm nhiên là nước thành công nhất trong mấy chục năm qua khi giữ được quan hệ tốt với các siêu cường ngay cả lúc các bên căng thẳng với nhau.
Nhưng sự thành công ấy không tự nhiên mà có: nó đến từ điều kiện địa lý tương đối biệt lập của Ấn Độ trên lục địa Tiểu Á.
Nhìn rộng ra, thì chính sách ngoại giao “ai cũng chơi được” chỉ có thể trở thành một chiến lược lâu dài nếu điều kiện địa chính trị cho phép.
Nhìn người soi mình, vì Việt Nam không có may mắn ấy nên chỉ có thể vận dụng ngoại giao đa phương tuỳ theo giai đoạn.
Mấy chục năm qua, môi trường an ninh tốt thì theo đuổi nó là hợp lý. Nhưng nay tình hình đã biến đổi thì cũng cần quyền biến.
Bước đầu tiên cần làm là thu hồi lại chính sách ba không – vốn là một cam kết từ bỏ quyền tự vệ tập thể trong quan hệ với Trung Quốc – đã được sử dụng để kéo dài một chính sách ngoại giao lỗi thời.
Vài người tưởng rằng thu hồi ba không nghĩa là tham gia ngay liên minh quân sự với Nhật-Mỹ, tuy nhiên ba không chỉ là một cam kết của riêng Việt Nam và thu hồi nó không có nghĩa từ bỏ vị thế trung lập tự chủ.
Ngược lại, thu hồi là để khẳng định rằng Việt Nam có đầy đủ tự chủ.
Chỉ ở vị thế ấy, mỗi hành động ngoại giao, mỗi câu tuyên bố của lãnh đạo, hay mỗi câu phản đối của ông Lê Hải Bình mới có được một hàm ý khác, một sức nặng khác với Trung Quốc.
Có như thế, Việt Nam mới có thể thực sự hiện thực hoá chính sách ngoại giao “cân bằng giữa các cường quốc” – vốn là chiến lược của các nước nhỏ trong giao thoa quyền lực với các nước lớn.
Đấy mới là con đường sống.
(theo FB Phạm Ngọc Hưng)