Chủ tịch Phúc đề nghị học theo Tây Sơn để giữ nước và trị nước
15/2/2022 – Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây đề cao những bài học của phong trào Tây Sơn đối với điều mà ông gọi là “công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay”. Tây Sơn là phong trào khởi nghĩa của nông dân Việt Nam vào cuối thế kỷ 18 dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, được sử sách của đất nước gọi là “anh hùng dân tộc”.
Ông Phúc đưa ra đề xuất kể trên hồi chiều ngày 15/2 tại lễ khánh thành đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt thờ ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ tại mảnh đất phát tích phong trào khởi nghĩa ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, theo tường thuật của Tuổi Trẻ, Thanh Niên và một số báo khác.
Ông ca ngợi những thành tích của Tây Sơn như ‘phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, có những chính sách tiến bộ như chiêu hiền đãi sĩ, mở mang công thương, chấn hưng giáo dục, cải cách văn hóa’ và cho rằng những chính sách này ‘giúp đất nước có những bước chuyển mình sau nhiều năm bị chia cắt’, các báo Việt Nam đưa tin.
Năm bài học
Nhân dịp này, năm bài học về giữ nước và trị nước từ Nguyễn Huệ – tức hoàng đế Quang Trung mà ông Phúc ca ngợi là ‘hoàng đế lỗi lạc, văn trị võ công’ – cũng đã được ông Phúc nêu lên để các lãnh đạo Việt Nam hiện nay noi theo.
Năm bài học đó, theo các bản tin của báo chí trong nước, là: tin ở chính mình, tin vào cơ đồ đất nước mình; thần tốc, tức là làm gì cũng phải nhanh chóng, khẩn trương; táo bạo, quyết đoán, quyết liệt trong công việc; tận dụng thời cơ, từng cơ hội nhỏ để đạt thắng lợi cuối cùng; chắc chắn trong hành động, phải chắc thắng thì mới đánh.
“Những bài học này không những quan trọng đối với sự nghiệp quốc
phòng, bảo vệ Tổ quốc mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về phát
triển kinh tế-xã hội cho Bình Định nói riêng và cả nước nói chung”, phát
biểu của ông Phúc được báo chí trích dẫn lại.
Ông còn nói rằng tinh thần, khí chất, trí tuệ di sản của vua Quang Trung ‘mãi mãi trường tồn cùng dân tộc’ và là ‘niềm cảm hứng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc’.
Trong bài phát biểu của mình, ông Phúc cũng nhắc lại bài hiểu dụ nổi tiếng của vua Quang Trung khi lên ngôi “Đánh cho để dài tóc / Đánh cho để đen răng / Đánh cho nó chích luân bất phản / Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Chủ tịch Phúc yêu cầu chính quyền Bình Định và Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch sớm lập đề án phát huy bền vững giá trị của đền Tây Sơn Tam Kiệt vốn được Nhà nước xếp hạng là ‘di tích quốc gia đặc biệt’.
Đền Tây Sơn Tam Kiệt bao gồm các hạng mục như nhà Tiền bái thờ các văn thần, võ tướng, Thượng điện thờ ba anh em Nguyễn Huệ, nhà Tiền tế thờ thân phụ, thân mẫu và tổ tiên họ Nguyễn Tây Sơn, Nhà bia, Nghi môn…
Nguyễn Huệ được các sử gia đánh giá là một trong những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam – vừa có công giữ nước, vừa có tài trị nước với một loạt chính sách cải cách nhằm đưa đất nước đi lên sau thời gian dài nội chiến và loạn lạc.
Ông là người đánh bại đánh bại các thế lực phong kiến cát cứ của nhà Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn để thống nhất đất nước sau thời Trịnh-Nguyễn phân tranh và lên ngôi hoàng đế vào năm Mậu Thân 1788.
Trong lĩnh vực giữ nước, ông cũng được đánh giá là thiên tài quân sự khi đã dẫn quân ra Bắc đánh bại cuộc xâm lược của 20 vạn quân Thanh trong trận Ngọc Hồi-Đống Đa vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789. Trước đó, ông cũng từng đưa quân vào Nam đại phá 5 vạn quân Xiêm ở trận Rạch Gầm-Xoài Mút vào năm 1785.
Vua Quang Trung ở ngôi không bao lâu thì đột ngột băng hà vào năm 1792. Nhà Tây Sơn cũng suy vi từ đó, sau đó bị Nguyễn Ánh đánh bại để lập nên nhà Nguyễn ở Huế vào năm 1802.
Mặc dù có công đánh giặc ngoại xâm, nhưng phong trào Tây Sơn cũng bị chỉ trích là ‘truy cùng giết tận’ dòng tộc của chúa Nguyễn, trong đó có Nguyễn Ánh, và tàn sát người Hoa ở miền Nam do họ theo Nguyễn Ánh. Người dân miền Nam vào cuối thời kỷ 18 đa phần phò tá Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn.