Chủ tịch nước CSVN mong quốc tế giúp duy trì hòa bình tại Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chủ tịch nước CSVN mong quốc tế giúp duy trì hòa bình tại Biển Đông

Chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang ngày 24/08/2016 kêu gọi hợp tác quốc tế để duy trì hòa bình tại Biển Đông, nhằm chận đứng tham vọng lãnh thổ của Bằc Kinh, tại vùng biển đang được nhiều nước tranh chấp trong đó có Việt Nam.

“Chúng tôi rất ủng hộ sự hợp tác của Pháp và các quốc gia khác trong tiến trình duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và tại Biển Đông”. Chủ tịch nước Việt Nam tuyên bố như trên, trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi dành cho hãng tin Pháp AFP, trước chuyến viếng thăm của tổng thống Pháp François Hollande vào đầu tháng Chín. Trần Đại Quang nói thêm, đó là vấn đề “đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và hàng không”.

Ý tưởng về sự giúp đỡ của quốc tế trong vùng biển tranh chấp đã được bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đưa ra từ đầu tháng Sáu: ông đề nghị các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu gởi chiến hạm đến tuần tra tại Biển Đông.

Trong chuyến thăm Philippines cuối tháng Bảy, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố rằng Washington mong muốn tránh “đối đầu” trên Biển Đông, và cũng đề nghị giúp đỡ giải quyết xung đột.

Hôm 12/7, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã ra phán quyết thuận lợi cho Philippines, khẳng định TC không hề có “quyền lịch sử” tại vùng biển chiến lược này, và đường lưỡi bò tự vẽ là không có căn cứ pháp lý. Bắc Kinh phẫn nộ cho biết sẽ không tôn trọng phán quyết. – Theo RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Trump thôi kêu gọi trục xuất hàng triệu di dân khỏi nước Mỹ

Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đã huỷ bỏ lời kêu gọi của ông, đòi trục xuất tất cả 11 triệu người di dân không có giấy tờ hợp lệ đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Thay vào đó, ông tuyên bố sẽ gửi trả về quê cũ những kẻ tội phạm đã bị kết án, và tiếp tục giải quyết các tranh chấp về di dân theo đường lối hiện hành.

Trùm bất động sản Trump nói với nhà bình luận Bill O’Reilly của chương trình tin tức – đài truyền hình FOX chiều tối hôm qua rằng: “Điều đầu tiên mà chúng tôi sẽ làm nếu tôi đắc cử là trục xuất tất cả các phần tử xấu ra khỏi nước Mỹ.”

Ông Trump nói thêm: “Chúng ta có thành viên của các băng đảng, những kẻ sát nhân, chúng ta có rất nhiều phần tử xấu cần phải trục xuất khỏi đất nước này. Chúng ta sẽ trục xuất họ, cảnh sát biết họ là ai. Lực lượng thi hành công lực biết họ là ai. Nếu chúng ta không làm gì hết, họ sẽ đi lòng vòng giết người, hãm hại người, những hạng người này sẽ bị trục xuất ra khỏi nước này nhanh tới mức chóng mặt. Hiện chúng ta đã có luật pháp cho phép làm điều đó.”

Còn đối với các trường hợp di trú khác, ông Trump nói chiến dịch của ông đang xem xét các thủ tục hiện hành, “có lẽ một cách năng nổ hơn, và chỉ thực hiện việc này thông qua hệ thống luật pháp.”

Ông nói điều mà có lẽ nhiều người không hay biết là Tổng thống Obama cũng như Tổng thống Bush tiền nhiệm cũng đã trục xuất rất nhiều di dân, dựa trên các luật hiện hành. Và ông cũng sẽ làm như vậy.

Trong suốt 1 năm, ông Trump nói với cử tri rằng ông sẽ lập ra một lực lượng để trục xuất tất cả di dân sinh sống bất hợp pháp ở Hoa Kỳ, đại đa số đến từ Mexico và Trung Mỹ, về lại quê cũ của họ, và chỉ cho phép một số trở về Mỹ thông qua một tiến trình hành chính. Ông nói: “Họ phải ra khỏi nước Mỹ”, và gắn liền lập trường của ông đòi trục xuất di dân bất hợp pháp với lời hứa sẽ xây một bức tường dọc theo biên giới phía Nam nước Mỹ giáp với Mexico để chặn đứng làn sóng di dân tràn vào Hoa Kỳ. – VOA
|
|

5.
Tin tặc Nga ‘nhắm mục tiêu New York Times’

FBI đang điều tra việc hacker Nga có phải là thủ phạm gây ra một loạt các cuộc tấn công mạng với New York Times, các quan chức cho hay.

Họ tin tình báo Nga có thể đứng sau các vụ tấn công nhắm vào các phóng viên, theo AP.

Các nhà điều tra không tin toàn bộ mạng của tờ báo bị ảnh hưởng, theo quan chức.

Phát ngôn viên của báo Times cho biết, mạng nội bộ không bị ảnh hưởng.

“Không có dấu hiệu cho thấy mạng nội bộ của chúng tôi, gồm cả hệ thống tại văn phòng Moscow, đã bị xâm nhập hoặc tấn công,” bà nói.

CNN tường thuật vụ việc và cho hay vụ xâm nhập diễn ra nhiều tháng trước.

Hiện chưa rõ động cơ của tin tặc và lượng phóng viên bị ảnh hưởng.

Có nghi ngờ rằng những tin tặc xâm nhập vào các tổ chức đảng Dân chủ gần đây “có lẽ” phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công báo Times, ABC News tường thuật.

Tháng 6/2016, tin tặc xâm phạm máy tính Ủy ban Quốc gia Dân chủ và công khai các email cho thấy lãnh đạo đảng Dân chủ thiên vị ứng viên Hillary Clinton hơn đối thủ Bernie Sanders.

Thời điểm đó, các quan chức Mỹ tuyên bố tình báo Nga đứng sau vụ tấn công dù Nga bác bất kỳ sự liên can. Vụ việc vẫn đang được điều tra.

Ứng viên Donald Trump gây bão khi ông dường như tuyên bố mời tin tặc Nga tìm kiếm các email của bà Hillary Clinton thời bà còn làm ngoại trưởng. Sau đó, ông giải thích rằng đó chỉ là lời châm biếm.

Ông đề cập đến những email mà bà Clinton không chuyển cho FBI trong tiến trình điều tra. – BBC
|
|

Tin Việt Nam

6.
Hun Sen và bầu cử Campuchia — Campuchia kêu gọi Việt Nam ‘chấm dứt xâm phạm biên giới’

Một nhà nghiên cứu chiến lược Campuchia nói Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ “cứng rắn” về vấn đề biên giới với Việt Nam do cuộc bầu cử sắp tới.

Hôm 23/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen công bố kế hoạch xây một con đường dọc biên giới và yêu cầu quan chức các tỉnh biên giới nỗ lực đưa người dân đến sống tại các khu vực gần phía biên giới Việt Nam, tờ Khmer Times đưa tin.

Tổng tuyển cử ở Campuchia sẽ diễn ra tháng Bảy 2018 và Thủ tướng Hun Sen dự định tranh cử nhiệm kỳ thứ năm.

Tờ này cũng trích lời ông Hun Sen nói: “Tôi đã chỉ đạo chủ tịch tỉnh Take [tên Lay Vannak] và những lãnh đạo các tỉnh biên giới khác là cách tốt nhất để bảo vệ biên giới là đưa người Campuchia đến sống gần các biên giới phía đông, tây và bắc đất nước”.

Trả lời BBC Tiếng Việt, Chủ tịch Viện nghiên cứu Chiến lược Campuchia (CISS) Vannarith Chheang nhận định: “Có vẻ vấn đề an ninh biên giới lại nổi lên sau khi căng thẳng ở biên giới với Việt Nam ba tuần trước.

“Ba tuần trước, Bộ Ngoại giao Campuchia gửi một công hàm ngoại giao để phản đối Việt Nam trong trường hợp xây dựng mương trong khu vực biên giới mà cả hai nước chưa phân định,” ông nói.

Nhưng ông cũng nhận định việc Campuchia muốn xây đường xá và đưa dân cư tới các tỉnh biên giới giáp Việt Nam không phải “chiến lược mới”.

Ông nói: “Tăng dân cư sống ở khu vực này có nghĩa là cần đưa làng mạc và người dân Campuchia đến đó, vì khu vực gần biên giới Việt Nam có rất ít dân cư sinh sống vì thế nông dân Việt Nam tới thuê đất và thu hoạch trong khu vực.

“Ông Hun Sen cũng đưa ra chính sách không cho phép công ty Việt Nam hay cộng đồng người Việt thuê đất nông nghiệp dọc theo biên giới.”

Các tỉnh Campuchia giáp Việt Nam hiện chưa có đường xá dọc biên giới là Rattanakiri, Mondulkiri, Kratie và Takeo, mà theo một quan chức từ Ủy ban Biên giới Campuchia nói vì thiếu đường xá mà “bất ổn”.

Nhà nghiên cứu Vannarith cũng nhận định vốn đầu tư xây các hệ thống đường xá và thị trấn dọc biên giới này sẽ đến từ Trung Quốc với vai trò “có lẽ sẽ là nhà đầu tư chính”.

Ông lý giải: “Trung Quốc cũng sẽ là nhà đầu tư chính ngày càng quan trọng hơn với Campuchia, đặc biệt là với đảng cầm quyền của thủ tướng Hun Sen.”

“Bởi vì ông Hun Sen nhìn nhận Trung Quốc là đối tác chiến lược chính, không chỉ là đối tác kinh tế mà là cả đối tác chiến lược. Bởi vì chính phủ Campuchia hiện tại không có quan hệ tốt với Hoa Kỳ, vì thế Trung Quốc là đối tác thay thế cho sự tồn vong của chế độ và để duy trì sự ổn định. Campuchia cũng cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc.”

Ông nói sự đầu tư này là “sống còn với Campuchia”.

“Ông Hun Sen tin rằng Trung Quốc có thể bảo vệ lợi ích của Campuchia hơn. Đó là tính toán chiến lược của thủ tướng Hun Sen và Campuchia dưới chế độ của ông sẽ có quan hệ rất thân cận với Trung Quốc.”

Chủ nghĩa dân tộc

Nhà nghiên cứu Vannarith cũng nói “chủ nghĩa dân tộc” ở Campuchia đang là một “lá bài”.

Ông nhận định: “Quan hệ giữa người Việt Nam và người Campuchia luôn luôn căng thẳng. Quan niệm của đa số người Campuchia về người Việt Nam khá tiêu cực, vì thế sự kiện này cũng bị khơi lên một phần vì chính trị nội bộ của Campuchia về vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Tôi nghĩ chủ nghĩa dân tộc là lá bàn quan trọng để có thể thắng cuộc bầu cử.”

“Trong quá khứ, vị trí của đảng lãnh đạo Campuchia rất mạnh, nhưng giờ tôi nghĩ đảng cầm quyền cũng phải dùng đến lá bài chủ nghĩa dân tộc. Bởi vì kỳ bầu cử sắp đến vào năm tới, và cuộc tổng tuyển cử 2018 sắp tới. Vì thế nó cũng thể hiện chiến lược chính trị, bằng cách tăng cường chính sách dân tộc.”

“Ông Hun Sen cần phải chứng minh ông là người bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền vì thế bất cứ điều gì mà ông nghĩ xâm phạm chủ quyền Campuchia, ông sẽ phản đối. Lần này ông rất cứng rắn. Trước đây ông thỏa hiệp và xuống giọng khi nói đến vấn đề biên giới với Việt Nam. Nhưng bây giờ tôi nghĩ ông sẽ rất, rất cứng rắn.”

Quan hệ với Việt Nam

Ông Vannarith nhận định quan hệ song phương Việt Nam – Campuchia sẽ phải “đối mặt với nhiều thách thức hơn trong tương lai”.

“Cho tới giờ, ngoại giao trong yên lặng có tác dụng nhưng tôi không biết sự tin tưởng và tự tin của lãnh đạo hai nước với nhau ra sao. Bởi vì đảng lãnh đạo Campuchia có mối quan hệ rất gần gũi với Đảng Cộng sản Việt Nam nên họ vẫn duy trì rất nhiều kênh ngoại giao.

“Tôi nghĩ ngoại giao trong yên lặng có thể có tác dụng.”

Ông Hun Sen công bố thông tin xây đường và đưa dân đến các tỉnh biên giới giáp Việt Nam tại hội nghị bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Phnom Penh hôm thứ Hai 22/8. – BBC

***
Chính phủ Campuchia kêu gọi đồng minh lâu năm Việt Nam chấm dứt điều được gọi là xâm phạm lãnh thổ nước này.

Một bức thư được Bộ Các Vấn đề Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia gửi cho Hà Nội cuối tuần qua nêu chi tiết về những cáo buộc vi phạm lãnh thổ Campuchia bởi nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó các việc đào 9 hồ chứa nước, xây dựng các tòa nhà và đường xá tại phía đông nước này cũng như xây một tiền đồn ở tỉnh Kandal và một cửa khẩu trên đất Campuchia trong tỉnh Takeo.

Một cuộc họp về vấn đề này giữa hai nước được dự trù diễn ra vào ngày 29 tháng 8 tới.

Không thể tiếp xúc với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry để yêu cầu đưa ra bình luận về việc này.

Ông Va Kim Hong, người đứng đầu ủy ban chính phủ Campuchia có nhiệm vụ đánh giá về tranh chấp biên giới nói chính phủ “không chấp nhận việc vi phạm lãnh thổ này” mà ông gọi là bất hợp pháp theo luật quốc tế. Ông nói thêm các giới chức Phnom Penh quyết định công khai phản đối sau khi những cuộc thảo luận kín giữa các giới chức đại diện mỗi nước bế tắc.

Tuy nhiên ông Va Kim Hong bày tỏ hy vọng là chính phủ Việt Nam sẽ làm việc để giải quyết vấn đề.

Bức thư cũng cho thấy hai nước đã ký một thỏa thuận kêu gọi Pháp giúp đỡ trong việc phân định ranh giới, xác định vị trí chính xác của đường ranh tranh chấp kể từ khi hai nước giành được độc lập từ cựu cường quốc thuộc địa này.

Ông Mao Monyvann, một nhà lập pháp đối lập thuộc Đảng Cứu quốc Campuchia, hoan nghênh việc Pháp dính líu vào cuộc tranh chấp, nhưng ông nói rằng những cuộc thảo luận sẽ không đưa đến một giải pháp thân hữu nào cả, và Campuchia nên đưa vấn đề ra trước Tòa án trọng tài quốc tế. – VOA
|
|

7.
FDI vào Việt Nam thực tế tăng gần 9% trong 8 tháng đầu năm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam công bố các số liệu hôm 23/8 cho thấy đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thực tế đổ vào Việt Nam ước tính đạt 9,8 tỷ đôla trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 8,9% so với một năm trước.

Một báo cáo đăng trên trang web của bộ nói rằng lượng FDI cam kết từ tháng 1 đến tháng 8 đã tăng 7,7% so với năm trước, đạt 14,4 tỷ đôla. Hầu hết số vốn này dành cho các dự án chế tạo, chế biến và bất động sản.

Hai ngành chế tạo và chế biến nhận được lượng FDI lớn nhất, 10,53 tỷ đôla, chiếm 73% tổng số FDI đổ vào Việt Nam.

Ngành bất động sản đứng thứ hai, thu hút được 836 triệu đôla, chiếm 6%; và ngành khoa học-công nghệ đứng thứ ba với 622 triệu đôla, chiếm 4,3%.

Trong 8 tháng đầu năm, Nam Triều Tiên tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam. Họ đã bơm vào Việt Nam hơn 4,8 tỷ đôla. Thứ hai là Singapore với gần 1,7 tỷ đôla. Nhật Bản đứng thứ ba với gần 1,5 tỷ đôla.

Dự kiến cả năm nay, Việt Nam có thể nhận được lượng vốn FDI lên đến 15 tỷ đôla. Hồi năm ngoái, Việt Nam thu hút được lượng FDI cao kỷ lục là 14,5 tỷ đôla nhờ có tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc và đã hoàn tất một số hiệp định thương mại tự do. – VOA