Chủ Nghĩa Tư Bản so với Chủ Nghĩa Xã Hội
Andy Puzder, nguyên Tổng Giám đốc (CEO) công ty mẹ của chuỗi nhà hàng Hardee’s and Carl’s Jr.
Chủ nghĩa tư bản so với chủ nghĩa xã hội. Chúng ta có thể cô đọng mỗi hệ thống kinh tế chỉ trong một câu: Chủ nghĩa tư bản dựa trên lòng tham của con người. Chủ nghĩa xã hội dựa trên nhu cầu của con người.
Đúng? Thưa không. Mà là sai.
Sai hoàn toàn. Đúng ra chúng ta phải nói ngược lại, Chủ nghĩa tư bản dựa trên nhu cầu của con người. Chủ nghĩa xã hội dựa trên lòng tham của con người. Để tôi chứng minh cho quý độc giả hiểu rõ thêm.
Quý vị biết Amazon chứ gì? Mỗi một mặt hàng trong số hàng ngàn sản phẩm mà Amazon cung cấp là kết quả công lao của những người mà họ tin tưởng rằng đó là những mặt hàng mà khách hàng muốn hoặc cần. Nếu đúng thì họ giàu. Nếu sai thì họ vỡ nợ.
Đó là cách thị trường tự do hoạt động. Nó khuyến khích mọi người cải thiện cuộc sống của họ bằng cách đáp ứng nhu cầu của người khác. Không ai khởi sự một doanh nghiệp tạo ra thành phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cho chính họ cả. Họ kinh doanh để làm ra những sản phẩm mà khách hàng cần hoặc cung cấp dịch vụ mà nhiều người muốn.
Và đây là kinh nghiệm cá nhân của tôi.
Khi tôi là giám đốc điều hành của công ty mẹ của chuỗi nhà hàng của Carl’s Jr. và Hardee, chúng tôi đã chi hàng triệu đô la mỗi năm để cố gắng xác định khách hàng muốn gì. Nếu khách hàng không thích một thứ gì đó, chúng tôi đổi món hàng đó lập tức – phải nhanh chóng, bởi vì nếu chậm, các công ty cạnh tranh sẽ nuốt chửng chúng tôi ngay.
Người tiêu thụ – chính là quý vị – có một quyền lực tối thượng. Trên thực tế, quý vị bỏ phiếu với mỗi đồng quý vị chi tiêu.
Trong một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, trái lại, nhà nước có quyền lực tối thượng. Chính nó quyết định những gì cần thiết cho người tiêu thụ, và từ một nguồn cung cấp hạn chế cũng do chính nó quyết định có nên tồn tại hay không.
Thay vì hàng triệu người đưa ra hàng triệu quyết định về những gì họ muốn, một vài người trong cơ quan quyền lực của nhà nước quyết định những gì người dân được cung cấp, kể cả giá thành món hàng phải trả. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ luôn có quyết định sai. Bạn có bao giờ nhận thấy rằng những thất bại xã hội chủ nghĩa luôn thiếu thốn những vật dụng thiết yếu như giấy vệ sinh?
Dĩ nhiên, một vài người có sự quen biết với nguồn cung cấp thì họ chẳng thiếu thốn gì. Hoặc giả những kẻ giảm sự tiêu dùng xuống mức tối thiểu thì vẫn có thể sống còn. Còn lại, đa số người dân không được may mắn như thế.
Venezuela, từng là quốc gia giàu nhất ở Nam Mỹ, là ví dụ điển hình về chủ nghĩa xã hội đã đạp nền kinh tế của một quốc gia thịnh vượng xuống vực sâu. Có thể quý vị nghĩ đó là một ví dụ không công bằng. Tôi lại không hiểu nổi quý vị, nhưng không sao. Cứ chấp nhận như vậy đi. Chúng ta sẽ bỏ qua thực tế là các nhà hoạt động cánh tả đã xem Venezuela như một thành công vượt bực của chủ nghĩa xã hội – cho đến khi nền kinh tế của nó kiệt quệ.
Nhưng còn các nước Tây Âu thì thế nào? Không phải họ đang duy trì nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đấy sao? Người dân Tây Âu có vẻ khá hạnh phúc. Tại sao chúng ta lại không có những gì họ đang thụ hưởng như chăm sóc sức khỏe miễn phí, hệ thống đại học miễn phí, các công đoàn lớn mạnh?
Câu hỏi hay. Và câu trả lời sau đây có thể làm quý vị ngạc nhiên.
Không hề có nước xã hội chủ nghĩa ở Tây Âu. Tôi lập lại, các nước Tây Âu chưa hề theo chủ nghĩa xã hội. Hầu hết các nước là tư bản như Hoa Kỳ. Sự khác biệt duy nhất – và đây là một điểm lớn – là họ cung cấp nhiều phúc lợi cho người dân hơn so với Hoa Kỳ.
Chúng ta bàn luận về giá phải trả cho những phúc lợi này và tại một mốc điểm mà sáng kiến cá nhân bị thui chột, và chính tại mốc điểm này, hại nhiều hơn lợi. Người dân Tây Âu đã bàn cãi về những câu hỏi đó từ nhiều năm qua. Nhưng chỉ có một nền kinh tế tư bản thị trường tự do mới tạo ra sự giàu có cần thiết để duy trì tất cả những thứ “miễn phí” mà người dân Tây Âu đang thụ hưởng. Để nhận được “miễn phí”, xã hội phải tạo ra đủ của cải vật chất để thu về một doanh thuế đủ cao dùng để trả tất cả mọi thứ miễn phí cho người dân.
Nếu không có chủ nghĩa tư bản tạo ra sự giàu có, thì quốc gia của quý vị sẽ như Venezuela.
Trong một bài phát biểu năm 2015 tại Harvard, thủ tướng Đan Mạch, Lars Lokke Rasmussen, rất đau khổ khi đưa ra quan điểm này: “Tôi biết một số người ở Mỹ đồng hóa mô hình Bắc Âu với… chủ nghĩa xã hội, vì vậy tôi muốn nói rõ một lần. Nước Đan Mạch chúng tôi chẳng hề dính dáng gì đến nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cả. Đan Mạch là nền kinh tế thị trường.”
Vì vậy, nếu ai khen Đan Mạch như một mẫu mực của chủ nghĩa xã hội, thì kẻ đó thật sự đang ca tụng chủ nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa tư bản càng nhiều, người dân càng cần ít “chủ nghĩa xã hội”. Nhìn vào nước Mỹ từ năm 2017. Chính sách thuế khóa thấp hơn và quy chế của chính phủ ít hơn (chủ nghĩa tư bản nhiều hơn) đã dẫn đến sự mở rộng kinh tế mạnh mẽ, một điều mà không một ai tưởng tượng được chỉ vài năm trước đó. Thất nghiệp, đáng chú ý là các nhóm thiểu số thường có nguy cơ nghèo đói cao nhất, lại ở mức thấp nhất trong hai thập niên qua. Mở rộng kinh tế giúp người dân thoát khỏi hệ thống phúc lợi và có việc làm (“chủ nghĩa xã hội” ít hơn).
Để hiểu những điều trên, quý vị chẳng cần bằng cấp về kinh tế. Chỉ cần một hiểu biết thông thường quý vị cũng đủ hiểu. Cho nên thật đáng thất vọng khi thấy lớp trẻ ca ngợi chủ nghĩa xã hội và chỉ trích chủ nghĩa tư bản. Thật tệ khi thấy họ đang làm ngược lại lợi ích của chính họ – triển vọng công việc tốt hơn, tiền lương cao hơn, tự do cá nhân – nhưng tệ nhất là việc họ làm cũng đang chống lại lợi ích của cả những người kém may mắn hơn.
Chủ nghĩa tư bản dẫn đến dân chủ kinh tế. Chủ nghĩa xã hội dẫn đến chế độ độc tài kinh tế của một nhóm người. Luôn luôn. Và bất cứ nơi đâu.
Vì vậy, hãy cẩn thận những gì quý vị đòi hỏi. Quý vị có thể nhận lấy hậu quả mai sau.