“Chủ đề nóng” tại Hội nghị quốc tế ở Nga: An ninh Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Chủ đề nóng” tại Hội nghị quốc tế ở Nga: An ninh Biển Đông

Ngày đăng 20-09-2017

BĐN
Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về an ninh và hợp tác ở Biển Đông đã diễn ra ngày 18/9 tại Viện Phương Đông học-Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Hội nghị chia làm 4 phiên thảo luận, xoay quanh các chủ đề: “Các cách tiếp cận quân sự-chính trị đối với xung đột ở Biển Đông”; “Phán quyết của tòa án quốc tế ở La Hay (Hà Lan) về Biển Đông năm 2016 và ý nghĩa của nó đối với giải quyết xung đột”; “Chính quyền mới của Mỹ và vấn đề quân sự hóa ở khu vực Biển Đông”; “Các nước ASEAN và mối quan hệ với Trung Quốc về nguyên nhân xung đột ở Biển Đông”.
Ông Dmitri Mosiakov-Giám đốc Trung tâm Đông-Nam Á, Úc và Đại dương-Viện Phương Đông học-Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, nhiệm vụ đặt ra cho hội thảo là làm rõ hiện trạng các tranh chấp tại Biển Đông, hiểu rõ những thay đổi tại đây trong 2 năm qua, phân tích những quá trình đang diễn ra tại đây. Điều này là rất quan trọng và hữu ích, vì trong thời gian gần đây xung đột tại Biển Đông đã trở thành mối đe doạ không chỉ cho các nước trong khu vực mà cả những nước ngoài khu vực.
Tại hội thảo lần này cũng làm rõ cần phải áp dụng những biện pháp gì để ngăn chặn xung đột này, phải đưa ra những khuyến nghị, làm sao để tại Việt Nam, Philippines, các nước Đông Nam Á, mọi người làm việc, sống và phát triển thịnh vượng, không còn các mối đe doạ đối với Đông Nam Á nói riêng, cũng như châu Á nói chung.
Ông Dmitri Mosiakov nhấn mạnh về quan điểm của Nga: “Quan điểm của Nga trong xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông chúng ta đã đề cập đến nhiều lần, đó là xung đột cần được giải quyết giữa chính các bên tham gia xung đột trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, nghĩa là Nga hoàn toàn ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Đó là quan điểm của Nga, nhưng tôi xin nhắc lại rằng, hiện tại tình hình cuộc xung đột này đã thay đổi, nó đã chuyển sang cấp độ toàn cầu. Vì vậy cần đánh giá mới hành động của những bên tham gia xung đột, cũng như những đánh giá mới từ quan điểm đấu tranh bảo vệ an ninh, đấu tranh chống xung đột trở thành các cuộc chiến tranh nghiêm trọng và cái giá sẽ phải trả rất đắt.
Do đó cần phải nghiêm túc đấu tranh để giải quyết xung đột này, không để nó phát triển thêm nữa. Liên quan đến vấn đề này, quan điểm của Nga là cần nhanh chóng ký kết COC vì chính COC sẽ đảm bảo không để xung đột nghiêm trọng xảy ra, cũng như lộ trình để giải quyết xung đột nếu nó xảy ra”.
an ninh bien dong nong tai hoi nghi quoc te o nga hinh 2
Ông Dmitri Mosiakov-giám đốc Trung tâm Đông-Nam Á, Australia và Đại dương- Viện Phương Đông học-Viện Hàn lâm Khoa học Nga trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã thống nhất đưa ra những khuyến nghị nhằm sớm giải quyết cuộc xung đột trên Biển Đông bao gồm 6 điểm:
Trung Quốc phải ngừng ngay việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo và quân sự hoá các hòn đảo này, đảm bảo các nguyên tắc tự do hàng hải, trong khi đó Mỹ cũng phải hạn chế việc đưa các tàu chiến đến vùng biển tranh chấp;.
Các bên cần nhanh chóng ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); Các bên cần tích cực tiến hành các cuộc đàm phán song phương và đa phương để sớm tìm ra hướng giải quyết, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu và các quốc gia như Australia, Nga và Ấn Độ cùng tham gia vào tiến trình giải quyết cuộc xung đột.
Cần nhanh chóng tìm kiếm những điểm đồng nhất giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế.
Các bên cần từng bước lấy lại niềm tin, sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó tìm kiếm sự thoả hiệp do giải quyết xung đột trên Biển Đông là một tiến trình lâu dài và phức tạp.
Sự thoả hiệp một cách toàn diện cả về chính trị và kinh tế của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng và cần thiết để giải quyết triệt để xung đột trên Biển Đông.