Chống Trung Quốc, người Indonesia từ chối vac-xin Sinovac
Vac-xin Sinovac của Trung Quốc vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, nhưng tại Indonesia, nước mua vac-xin Trung Quốc nhiều nhất, người dân không hề tin tưởng. Dù Indonesia đã nhận được 92 triệu liều vac-xin, hầu hết là Sinovac, cho đến nay có chưa đến 4% người dân chịu chích ngừa. Theo một nghiên cứu mới nhất, tình cảm chống Trung Quốc là một trong những nguyên nhân ngăn trở chiến dịch tiêm chủng.
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên Gabrielle Maréchaux tường thuật về tình hình:
« Dù đó là các video của bộ Y Tế trên Instagram, với lời kêu gọi: ‘’Tôi muốn chắc rằng cha mẹ, ông bà của các bạn được tiêm chủng. Đừng sợ hãi, tất cả hãy cùng đi !’’. Hoặc là việc phạt tiền đối với những ai từ chối chích ngừa…Từ tháng Giêng đến nay, Indonesia làm mọi cách để thúc đẩy người dân đi tiêm chủng, nhưng không mấy thành công.
Bà Sharyn Graham Davies, nhà nhân chủng học chuyên về Indonesia lý giải về tâm trạng ngờ vực này. Bà nói: «Điều làm tôi ngạc nhiên là bình thường người dân Indonesia vẫn đông đảo đi chích ngừa các bệnh sởi, quai bị, Rubella…mà không quan tâm đến xuất xứ của vac-xin. Điều thú vị khi nhận ra lý do của tâm lý hoài nghi lần này, là người Indonesia tin rằng Trung Quốc có tà ý».
Nhưng nếu sự ngờ vực Trung Hoa cộng sản khiến người dân Indonesia từ chối vac-xin Sinovac, tình cảm chống Trung Quốc tại nước này đã có từ lâu.
Chuyên gia Davies nói tiếp: «Từ năm 1965, cộng sản đã bị lên án sau một vụ đảo chính. Bạn có thể kết hợp với sự kiện: con virus corona xuất phát từ Trung Quốc – người Indonesia không thể ra nước ngoài, nhưng họ nhìn thấy từ đầu đại dịch là công nhân Hoa lục vẫn nhập cảnh vào nước họ – và kết quả là tình cảm chống Trung Quốc hiện nay».
Các nguyên nhân khác được người dân nêu ra, khi trả lời nhóm nghiên cứu của Sharyn Graham Davies, đó là Trung Quốc phải nhập khẩu vac-xin của châu Âu, theo họ điều này chứng tỏ vac-xin Trung Quốc không hiệu quả. Hoặc họ nghi ngờ về thành phần vac-xin không theo tiêu chuẩn Halal của người Hồi giáo».
Thụy My