Chọn đi, ‘Công viên Fidel’ hay miễn học phí cho trẻ con?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chọn đi, ‘Công viên Fidel’ hay miễn học phí cho trẻ con?

Blog VOA

Trân Văn
14-9-2018
Ai cũng biết trẻ con là mầm non. Nuôi, dạy, chăm sóc những mầm non ấy như thế nào sẽ tác động trực tiếp tới tương lai của một quốc gia và vận mệnh của một dân tộc.
Ở Việt Nam, nuôi, dạy, chăm sóc mầm non luôn luôn có vấn đề. Tính chất, tầm vóc của những vấn đề liên quan tới mầm non luôn luôn nghiêm trọng và đủ lớn để trở thành vấn nạn. Những vấn nạn về nuôi, dạy, chăm sóc mầm non luôn luôn thuộc loại nan giải và mức độ nan giải tăng dần theo thời gian…
***
Cách nay vài ngày, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam tổ chức thẩm tra Dự luật sửa Luật Giáo dục – lĩnh vực có đủ loại vấn nạn và trong mắt dân chúng đã trở thành thảm họa cho cả mầm non, gia đình, xã hội cả ở hiện tại lẫn tương lai. Dự luật sửa Luật Giáo dục được xem như một nỗ lực để giải quyết những vấn nạn trong giáo dục, khiến giáo dục trở thành thảm họa.
Một trong những điểm mới của Dự luật sửa Luật Giáo dục là ý tưởng miễn học phí cho trẻ con theo học các bậc mầm non, trung học cơ sở của hệ thống công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập (hình thức giáo dục dành cho những đứa trẻ không đủ điều kiện về tuổi tác, học lực, tài chính để đi học một cách bình thường như những đứa trẻ khác).
Cho dù luôn khẳng định Nhà nước Xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam “ưu việt” hơn thiên hạ nhưng trước giờ, tại Việt Nam, chỉ có trẻ con theo học bậc tiểu học được miễn học phí. Các bậc học trước đó, cũng như sau đó phải trả đúng, trả đủ học phí, chưa kể bậc học nào cũng phải trả thêm đủ loại… phụ phí và đó là lý do, nghèo đồng nghĩa với thất học bởi chi phí cho giáo dục vượt quá khả năng của nhiều gia đình. Trong bối cảnh như thế, tất nhiên ý tưởng đã kể được nhiều giới, đặc biệt là người nghèo xem như một yếu tố tích cực.
Sáng 12 tháng 9, khi trình bày Dự luật sửa Luật Giáo dục trước Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, nhấn mạnh, chủ trương chỉ miễn học phí cho những đứa trẻ theo học bậc tiểu học “đang gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”, thành ra cần mở rộng việc miễn học phí cho cả trẻ con theo học các bậc mầm non, bậc trung học cơ sở của hệ thống công lập, hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập tại những cơ sở giáo dục ngoài công lập. Ông Nhạ nói thêm là theo tính toán của Ban Soạn thảo Dự luật sửa Luật Giáo dục thì nếu chấp nhận chuyện miễn học phí cho trẻ con theo học các bậc mầm non, trung học cơ sở của hệ thống công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập, mỗi năm, sẽ phải chi 4.370 tỉ đồng. Tuy nhiên Bộ Giáo dục – Đào tạo không xin thêm tiền từ công quỹ mà sẽ tự cân đối trong khoản 20% ngân sách được chi cho giáo dục – đào tạo.
Để thuyết phục Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam đồng tình với điểm mới – được xem là tích cực của Dự luật sửa Luật Giáo dục, ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng , lưu ý, các quốc gia khác phổ cập giáo dục đến cấp nào thì miễn học phí cho cấp đó. Việt Nam đang phổ cập giáo dục cấp trung học cơ sở và chuẩn bị phổ cập cấp trung học phổ thông nhưng chỉ miễn học phí cấp tiểu học là không ổn. Ông Đam nhắc, miễn học phí, hỗ trợ học phí là chuyện đã bàn nhiều năm nhưng chưa làm. Lần này, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Tài chính đã tính toán kỹ và nhận thấy có thể làm được. Nếu Quốc hội gật đầu, hệ thống hành pháp sẽ tính toán lộ trình và sẽ không lấy của công khố quá mức 20% ngân sách dành cho giáo dục – đào tạo…
Đáng ngạc nhiên là Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam – bộ phận điều hành Quốc hội, nơi đại diện cho nguyện vọng, ý chí của toàn dân lại không ưng với ý tưởng miễn học phí cho cả trẻ con theo học các bậc mầm non, bậc trung học cơ sở của hệ thống công lập, hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập tại những cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch của Quốc hội Việt Nam, thừa nhận, cần hỗ trợ chuyện học hành nhưng Quốc hội đã ban hành nghị quyết là trước mắt, không ban hành chính sách mới, nếu ban hành phải cân đối nguồn lực và chất vấn: Ban Soạn thảo Dự luật sửa Luật Giáo dục đã “quán triệt tinh thần nghị quyết của Quốc hội chưa?” Trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về ngân sách như hiện nay, nếu thực hiện thì ngân sách có thể bảo đảm được không?
Ông Hiển dẫn chuyện một số trường ở một số thành phố, nơi học phí bảy, tám triệu đồng/tháng nhưng một số phụ huynh vẫn tranh với nhau để giành chỗ cho con mình nhằm bác bỏ ý tưởng miễn học phí, hỗ trợ học phí vì Dự luật sửa Luật Giáo dục chưa chặt chẽ, chưa hợp lý, thậm chí “vi phạm nguyên tắc thị trường”. Theo ông Hiển, phải “giới hạn việc miễn học phí đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn”.
Theo tường thuật của tờ Thanh Niên thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội cũng “quan tâm tới tác động của chính sách mới đối với ngân sách nhà nước”. Cho dù Dự luật sửa Luật Giáo dục khẳng định không làm cho tổng chi ngân sách dành cho giáo dục – đào tạo vượt quá tỉ lệ 20% tổng chi ngân sách nhà nước song bà Ngân vẫn băn khoăn trước chuyện “ban hành nhiều chính sách mới thực hiện thế nào” (1).
Ngoài ông Hiển, bà Ngân, những thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam như ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng không tán thành ý tưởng miễn học phí, hỗ trợ học phí nêu trong Dự luật sửa Luật Giáo dục. Ông Định bảo rằng, cho dù chính phủ cam kết sẽ không để việc áp dụng miễn học phí, hỗ trợ học phí khiến chi tiêu của ngành giáo dục – đào tạo vượt quá tỉ lệ 20% tổng chi ngân sách nhưng ông không tán thành vì điều đó “sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động khác của ngành” (2)…
Nhìn một cách tổng quát, đa số thành viên trong Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam không tán thành ý tưởng miễn học phí cho trẻ con theo học các bậc mầm non, trung học cơ sở của hệ thống công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập vì sợ thiếu tiền. Nỗi sợ ấy lớn đến mức họ không phân biệt được sự khác biệt giữa “phổ cập” và “tư thục”, nỗi sợ ấy khiến họ quên luôn rằng, chẳng riêng vùng sâu, vùng xa, các thành phố cũng đang có rất nhiều người nghèo. Nếu phổ cập giáo dục tới bậc trung học cơ sở là chủ trương chung thì thậm chí, hỗ trợ học phí cho học sinh tư thục theo mức học phí hệ công lập cũng là bình thường vì học sinh tư thục cũng là công dân, cũng là mầm non, tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chẳng lẽ miễn học phí, hỗ trợ học phí như một thứ phúc lợi chung cho tất cả mầm non là “vi phạm nguyên tắc thị trường”?
***
Ngày 12 tháng 9, trong khi Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam nghe và cho ý kiến về Dự luật sửa Luật Giáo dục tại Hà Nội thì ở Quảng Trị, Hội đồng nhân dân tỉnh này triệu tập “cuộc họp bất thường” để… thông qua “Nghị quyết” về việc đặt tên cho công viên sẽ khánh thành vào ngày 15 tháng 9 tại thành phố Đông Hà là “Công viên Fidel” (diện tích 16 héc ta, có tượng đài Fidel Castro, tổng vốn đầu tư là 115 tỉ đồng – trong đó, công khố chi 30 tỉ, Quảng Trị đem công thổ ra đấu giá, kiếm thêm 85 tỉ nữa để bù vào cho đủ) (3).
Có một điểm cần lưu ý là sau khi Fidel Castro qua đời (tháng 12 năm 2016), chính quyền Cuba đã loan báo rộng rãi di nguyện của ông ta (đừng dựng tượng đài cũng đừng lấy tên ông ta đặt cho bất kỳ công trình công cộng nào) và tuyên bố sẽ thực hiện đúng di nguyện ấy. Tuy nhiên tại Việt Nam, hết Quảng Bình rồi tới Quảng Trị thi nhau tạc tượng, lập Khu tưởng niệm, xây Công viên tưởng nhớ… Fidel chỉ vì trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 năm 1973 – khi cuộc chiến giữa hai miền Nam, Bắc Việt Nam chưa kết thúc, Fidel từng bí mật đến Quảng Bình và đảo qua Quảng Trị vào ngày 15 tháng 9 năm 1973!
Trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, chi nhiều hơn thu phải liên tục vay mượn đủ nguồn cả trong lẫn ngoài, nợ nần càng lúc càng cao, những Khu tưởng niệm, Công viên tưởng nhớ Fidel,… trở thành lý do hệ thống công quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương bị dân chúng Việt Nam chỉ trích kịch liệt (4).
Đó cũng là lý do ngày 12 tháng 9 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị phải tổ chức “cuộc họp bất thường” để… thông qua “Nghị quyết” về “Công viên Fidel”. Thông qua báo chí, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị phân bua, công trình xây dựng công viên khởi công từ 2015 để “phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và hoàn thiện không gian đô thị”, tỉnh này chỉ nghĩ tới “Công viên Fidel” khi Fidel qua đời và đã xin Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN dựng tượng! Ông Chính nói thêm “Công viên Fidel” là… công viên đối ngoại của cả nước đối với Cuba chứ không riêng Quảng Trị!..
Nếu đặt thái độ, cách ứng xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đối với những cổng chào, tháp biểu tượng, tượng đài, công viên, quảng trường, đủ loại dự án quốc gia trị giá hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ, hàng chục ngàn tỉ, thậm chí hàng trăm ngàn tỉ… bên cạnh các chính sách về phúc lợi công cộng, ắt ai cũng thắc mắc, tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam luôn luôn dễ dãi tới mức khó hiểu đối với những kế hoạch đã biết chắc là không sinh lợi, chỉ tạo thêm nợ nần và ngược lại, xem xét chi li, bới tìm kỹ lưỡng, nêu ra hàng loạt băn khoăn cho ngân sách, công quỹ đối với những ý tưởng nhằm thực thi an sinh xã hội?
Giữa những thứ kiểu như “Công viên Fidel” với những chính sách như miễn học phí cho trẻ con theo học các bậc mầm non, bậc trung học cơ sở của hệ thống công lập, hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập, thứ nào hữu ích cho quốc gia, dân tộc, đáng bận tâm và phải nỗ lực thực hiện cho bằng được hơn? Tại sao tưởng nhớ – bày tỏ sự biết ơn Fidel có thể thôi thúc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam mạnh mẽ tới mức, mạnh dạn mang cả công thổ ra đấu giá để có tiền hoàn tất “Công viên Fidel”, mà lại đắn đo, bàn ra tán vào chuyện tiếp sức cho trẻ con học hành? Đó là đặc thù của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ư?
Chú thích